Thảm cảnh ở vườn rau Lộc Hưng: Bắt đầu của một cuộc cướp bóc

 

Có thể khẳng định ở Hà Nội, bây giờ ra soát lại nhà không xin phép, con số này ít nhất phải trên một nửa, nếu không nói là tới 80, 90 %.

Nguyễn Tường Thuỵ, Việt Nam Thời báo, ngày 16/01/2019

Kinh hoàng những ngày giáp tết

Tháng giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, chính quyền quận Tân Bình trong 2 đợt cách nhau 4 ngày đã phá tan tành khu vực vườn rau Lộc Hưng. Tính bất nhân tăng thêm khi họ không để người dân đón thêm một cái tết trong ngôi nhà của mình, mặc dù đã giáp tết. 112 ngôi nhà bị san phẳng, đẩy những người dân ở đây vào thảm cảnh màn trời chiếu đất. Thủ phạm trực tiếp là chính quyền quận Tân Bình nhưng chắc chắn chủ mưu là chính quyền Tp HCM.

Theo phản ảnh của người dân ở đây, họ bị phá nhà mà không họp dân, không có quyết định cưỡng chế, không thông báo, không hỗ trợ. Cảnh tượng đập phá, bắt người, cướp của vô cùng tàn bạo. Dân chạy tan tác, tìm được chỗ nào ở nhờ thì ở, không thì ngủ ngay trên nền nhà đã bị phá tan hoang. Cảnh đau đớn tuyệt vọng của hơn 100 hộ dân đã lay động lương tri của hàng triệu đồng bào trong và ngoài nước. Một cuộc cướp phá độc ác, tàn bạo chưa từng thấy.

Có phá nổi tất cả nhà xây không phép không?

Xin kể một chút về chuyện của tôi. Khi định xây nhà tôi có nhiều đắn đo: Xây như thế nào, bắt chước người khác cứ xây rồi lo lót sau hay xin phép? Lên hỏi Phòng Xây dựng huyện Thanh Trì (Hà Nội) để xin cấp phép, họ ngạc nhiên nhìn tôi như người ở hành tinh lạ. Họ bảo tôi cứ làm đi, đến đâu thì xử lý đến đó.

Tôi hiểu “xử lý” nghĩa là như thế nào. Là đút lót để làm ngơ khi cán bộ đến kiểm tra. Quan trọng hơn là phạt cho tồn tại. Nhưng tôi không làm được cái việc đút lót, hối lộ nên năm 2007 tôi cứ xin cấp phép. Ở xóm tôi, tôi là người đầu tiên làm nhà có giấy phép. Khâu làm hồ sơ đã rất phức tạp, bản vẽ phải thuê công ty có chức năng vẽ, người ký phải có bằng kiến trúc sư. Ngay cả cái cột chống sét của cái nhà bé tẹo cũng phải có cơ quan có chức năng thiết kế, thi công làm. Rồi phải chạy lên các cơ quan quản lý đường cao thế mời họ về kiểm tra. Nhưng khi bắt tay vào xây dựng thì kinh khủng hơn.

Đang xây thì tôi xin cấp phép bổ sung vì có qui định mới được xây thêm 1 tầng. Quá 10 ngày qui định, cán bộ Phòng Xây dựng bảo cứ làm theo qui định (quá qui định mà chưa cấp thì được phép làm). Như vậy, lỗi của Ủy ban huyện nhưng Thanh tra Xây dựng huyện lại đình chỉ thi công và phạt tôi vì họ biết tôi không kiện được Ủy ban, mà kiện Ủy ban thì chắc chắn đến giờ chưa xong. Tôi phải rút đơn khiếu nại và chịu phạt cho xong. Huyện, xã, thanh tra, điện lực họp lên họp xuống, kéo dài mấy tháng. Khi vợ tôi nộp phạt, tay chánh thanh tra xây dựng tên Lâm bảo, đã biết sợ chính quyền chưa?

Tôi bị dừng thi công và bị cắt điện 2,5 tháng, xem ra tổn thất về kinh tế gấp nhiều lần so với không xin phép và chịu “xử lý”. Tôi kể tóm tắt thế để biết, việc xin phép làm nhà kinh khủng như thế nào. Tôi được một bài học quá đắt cho tội làm nhà mà lại xin cấp phép.

Bài học của tôi làm cho nhiều người càng khiếp sợ xin cấp phép nên sau đó ở khu tôi, nhà không phép vẫn tiếp tục mọc lên để “được xử lý”. Xem ra làm nhà không phép suôn sẻ hơn rất nhiều. Thời kỳ ấy, tôi đọc báo, được biết có quận huyện 1 năm chỉ cấp phép xây dựng được cho 3 nhà.

Có thể khẳng định ở Hà Nội, bây giờ ra soát lại nhà không xin phép, con số này ít nhất phải trên một nửa, nếu không nói là tới 80, 90 %.

Ban đầu, chính quyền Tp HCM nói việc phá nhà của nhân dân vườn rau Lộc Hưng là cưỡng chế do xây dựng không phép.

Vậy các tỉnh thành đập phá nổi tất cả nhà không phép không? Không nói đâu xa, cứ lên rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) đập tất cả những nhà không phép trước đã. Liệu chính quyền ở đất nước này có làm được không hay chỉ lăm le bắt nạt người dân vườn rau Lộc Hưng?

Bắt đầu của một cuộc cướp bóc

Ở vườn rau Lộc Hưng thì khác. Chính quyền ở đây không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân, không cho dân làm nhà, buộc họ phải tự làm. Tôi đã đến vườn rau Lộc Hưng nhiều lần, đã nhiều đêm ngủ ở đấy nên có những kỷ niệm với vườn rau Lộc Hưng. Người dân ở đây chỉ dám xây nhà cấp 4, cùng lắm thì làm thêm cái gác xép chứ không ai dám xây nhà kiên cố. Dân xây lên rồi, chính quyền không cho người dân được “phạt cho tồn tại” như hàng triệu trường hợp xây nhà không phép khác ở khắp nơi trên đất nước. Điều này nằm trong mưu đồ sâu xa của chính quyền Tp HCM.

Ban đầu, họ nói phá dỡ là do xây dựng không phép chứ không phải chứ không phải cướp đất của dân. Mấy hôm sau thì cho cắm biển treo lên một cái qui hoạch. Mấy hôm sau nữa đơn phương ra một quyết định đền bù 7 triệu đồng 1 mét vuông, trong khi giá thị trường ở đây lên tới 60, 70 triệu. Nhiều ý kiến cho rằng giá thực còn cao hơn thế nữa. Không thấy chính quyền ở đây họp bàn với người dân, đặt ra việc tái định cư, hỗ trợ khó khăn, chuyển đổi nghề nghiệp.

Thế là rõ, cái gọi là dỡ bỏ nhà xây không phép chỉ là mở đầu cho mưu đồ cướp đất vườn rau Lộc Hưng. Gọi là cướp vì đây là đất ở hợp pháp của người dân ở đây.

Một cán bộ tên Đạt quát nạt một phụ nữ sống ở vườn rau bị bắt về đồn công an Phường 11, Quận Phú Nhuận. Ảnh: FB Đinh Hữu Thoại

Chính quyền TP HCM cho đất vườn rau Lộc Hưng là đất công. Sau khi bị phá nhà, người dân ở đây đã trưng ra một số giấy tờ chứng minh ngược lại. Một công văn do Đài phát tuyến Chí Hòa làm cho thấy chủ sở hữu đất là Giáo hội truyền giáo công giáo, chứ không phải là đất của Nha Giám đốc Viễn thông như phía chính quyền Tp HCM vẫn tuyên truyền.

Nội dung công văn của Đài phát tuyến Chí Hòa ra một số điều kiện cho dân khi sử dụng đất ở đây tương tự như việc đường dây điện cao thế bây giờ kéo qua đất ở của dân, dân muốn làm nhà thì phải đảm bảo cách đường dây một bán kính nhất định, tùy theo điện áp đường dây bao nhiêu, dây bọc hay dây trần, chứ không có nghĩa là các công ty điện lực là chủ đất.

Linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng Đại diện của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Giáo phận Sài Gòn, với tư cách chủ đất khẳng định với các cơ quan có thẩm quyền vào năm 2007 rằng, đất này Giáo hội Công giáo cấp cho bà con từ năm 1954 và bà con sử dụng ổn định và liên tục cho đến hôm nay. Tuy nhiên, việc chứng minh còn có nhiều bằng chứng khác nhưng bài viết không đi sâu vào vấn đề này, chỉ khẳng định rằng, căn cứ vào lịch sử sử dụng đất vườn rau Lộc Hưng và Luật đất đai thì đất ở đây là đất ở hợp pháp của bà con.

Một văn bản cho thấy chủ sở hữu đất là Giáo hội truyền giáo công giáo.

Nhiều luật sư cũng đã lên tiếng về tính hợp pháp về đất ở của bà con vườn rau Lộc Hưng. Có điều là dù chứng minh kiểu gì thì khu vườn rau Lộc Hưng vẫn cứ bị cướp. Cũng giống như luật sư chứng minh thân chủ vô tội, hội đồng xét xử không bác bỏ được nhưng tù nhân lương tâm vẫn cứ bị kết án.

Vườn rau Lộc Hưng là nơi ở của bà con công giáo miền Bắc di cư năm 1954, mà dân di cư 54 được coi là đối tượng chống cộng quyết liệt nhất. Ở đây lại có nhiều người hoạt động dân chủ, có cả dãy nhà cho 20 thương phế binh Việt Nam Cộng hòa đơn thân ở, do Nhà thờ Kỳ Đồng xây dựng. Thảm cảnh xảy ra ở vườn rau Lộc Hưng có thể còn có căn nguyên từ đấy.