Việt Nam- Các sự kiện năm 2018

Human Rights Watch, tháng 1 năm 2019

Hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam tiếp tục xấu đi trong năm 2018. Chính quyền bắt các nhà bất đồng chính kiến phải chịu các mức án tù nhiều năm, dung túng cho côn đồ tấn công những người bảo vệ nhân quyền và thông qua các bộ luật hà khắc có nội dung gây hại hơn nữa tới quyền tự do ngôn luận.

Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục độc chiếm quyền lực thông qua chính phủ, kiểm soát tất cả các tổ chức chính trị xã hội chủ yếu, và trừng phạt những người dám phê phán hay thách thức vị trí cầm quyền của mình.

Các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa bị hạn chế nghiêm trọng. Báo chí độc lập không được phép hoạt động; chính quyền kiểm soát các đài truyền hình, phát thanh, báo và các ấn phẩm khác. Việt Nam cấm thành lập các tổ chức nhân quyền, hội đoàn chính trị và công đoàn độc lập với chính phủ. Công an thường xuyên sử dụng vũ lực quá mức để giải tán các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối chính quyền.

Các nhà hoạt động lên tiếng chất vấn các chính sách hay dự án của chính phủ, hoặc tìm cách bảo vệ các nguồn lực địa phương hoặc đất đai, phải đối mặt với nguy cơ bị sách nhiễu và theo dõi gắt gao hằng ngày, bị quản chế tại gia, bị cấm đi lại, bị bắt giữ tùy tiện và thẩm vấn. Côn đồ, hiển nhiên có sự phối hợp của công an, ngày càng mạnh tay tấn công các nhà hoạt động mà không bị truy cứu trách nhiệm.

Công an bắt các nhà bất đồng chính kiến phải chịu những đợt thẩm vấn kéo dài và ức chế, và giam giữ họ hàng tháng không được liên lạc với gia đình hay người trợ giúp pháp lý. Các tòa án do Đảng Cộng sản điều khiển nhận lệnh phải xử như thế nào trong các vụ án hình sự, và đưa ra các bản án ngày càng nặng đối với các nhà hoạt động bị truy tố theo các tội danh an ninh quốc gia ngụy tạo.

Tháng Chín năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên bộ trưởng của Bộ Công an nhiều tai tiếng, qua đời. Tháng Mười, Quốc hội bỏ phiếu bầu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, làm chủ tịch nước, hợp nhất hai vị trí lãnh đạo cao nhất của quốc gia.

Tự do biểu đạt, chính kiến và ngôn luận 

Các blogger viết về nhân quyền ở Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với nạn sách nhiễu và đe dọa. Chính quyền thường bắt giữ những nhà phê bình chính trị vì đăng bài viết lên mạng internet. Năm 2018, Việt Nam đã xét xử ít nhất là 12 người về tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Các mức án đã tuyên từ 4 đến 12 năm tù, trong đó có blogger Hồ Văn Hải (bút danh Bác sĩ Hồ Hải), và các nhà hoạt động Nguyễn Đình Thành, Bùi Hiếu Võ, Trần Hoàng Phúc, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Nguyễn Viết Dũng và Vương Văn Thả.

Các nhà hoạt động và blogger thường xuyên phải đối mặt với các vụ hành hung của nhân viên công quyền hoặc côn đồ có liên quan tới chính quyền, mà những kẻ thủ ác không bị trừng phạt về các hành vi này. Trong tháng Sáu và tháng Bảy ở tỉnh Lâm Đồng, những người lạ mặt ném đá và vật liệu cháy tự tạo vào tư gia nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động và cựu tù nhân chính trị, Đỗ Thị Minh Hạnh. Tháng Tám, các nhân viên an ninh đánh đập dã man các nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tín và Nguyễn Đăng Cao Đại sau cuộc bố ráp một đêm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng trong tháng Tám, công an tỉnh Khánh Hòa câu lưu nhà hoạt động Ngô Thanh Tú và liên tục đánh đập anh. Tháng Chín, một số người mặc thường phục hành hung nhà hoạt động Huỳnh Công Thuận ở Thành phố Hồ Chí Minh khi anh đang trên đường đi làm về bằng xe máy. Cũng trong tháng Chín, những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công và đánh gãy tay cựu tù nhân chính trị Trương Văn Kim ở tỉnh Lâm Đồng.   

Công an quản chế tại gia hoặc câu lưu các nhà hoạt động để ngăn không cho họ tham gia các cuộc gặp mặt hay biểu tình hoặc tham dự các phiên tòa xử các nhà hoạt động bạn bè. Chính quyền cấm nhiều nhà bất đồng chính kiến và nhà bảo vệ nhân quyền đi ra nước ngoài. Tháng Ba, công an ngăn cản không cho nhà thơ bất đồng chính kiến Bùi Minh Quốc rời Việt Nam đi Mỹ. Tháng Năm, công an cản trở nhà hoạt động nhân quyền, Linh mục Đinh Hữu Thoại rời Việt Nam đi Mỹ về việc riêng, và không cho nhà hoạt động vì người lao động Đỗ Minh Hạnh đi Đức. Tháng Sáu, công an cấm Linh mục Nguyễn Duy Tân đi Malaysia. Tháng Tám, công an từ chối cấp thị thực cho cựu tù nhân chính trị Lê Công Định mà không đưa ra lý do. Tháng Chín, công an câu lưu Tiến sĩ Nguyễn Quang A suốt mấy tiếng để ngăn không cho ông đi Australia. Theo lời ông, đây là lần thứ 18 ông bị công an câu lưu tính từ tháng Ba năm 2016.

Đè nén quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin

Chính quyền Việt Nam tiếp tục cấm các kênh truyền thông tư nhân hoặc độc lập hoạt động. Chính quyền kiểm soát chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và xuất bản. Có sẵn các tội danh hình sự để áp dụng cho những người phát tán các tài liệu bị coi là chống chính quyền, đe dọa an ninh quốc gia, hay khuyến khích các tư tưởng “phản động.” Nhà cầm quyền chặn đường kết nối tới các trang mạng nhạy cảm về chính trị, thường xuyên buộc đóng các blog và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải gỡ bỏ các nội dung hay tài khoản mạng xã hội bị coi là trái ý chính quyền về chính trị.

Tháng Sáu, Quốc hội Việt Nam đã thông qua bộ luật an ninh mạng đầy vấn đề và bị chỉ trích rộng rãi cả trong và ngoài nước Việt Nam. Theo bộ luật mới này, sẽ có hiệu lực từ tháng Giêng năm 2019, các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung vi phạm trong vòng 24 tiếng kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ Công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông. Các công ty internet bị yêu cầu phải lưu trữ dữ liệu trong nước, xác thực thông tin người sử dụng, hay cung cấp thông tin về người sử dụng cho nhà cầm quyền mà không cần có lệnh của tòa án, tất cả các điều đó đều đe dọa quyền riêng tư và có thể tạo điều kiện cho việc đàn áp mạnh hơn nữa các hành vi bất đồng chính kiến hoặc vận động trên mạng.

Tháng Tám, công an bắt Nguyễn Ngọc Ánh ở tỉnh Bến Tre vì bị cho là sử dụng Facebook để kêu gọi mọi người biểu tình. Tháng Chín, các tòa án ở tỉnh Cần Thơ xử Bùi Mạnh Đồng, Đoàn Khánh Vinh Quang, Nguyễn Hồng Nguyên và Trương Đình Khang vì đã đăng và chia sẻ các bài viết trên Facebook phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 331 của hộ luật hình sự. Bốn người bị áp các bản án từ một năm đến hai năm rưỡi tù giam.

Quyền tự do lập hội và nhóm họp

Việt Nam tiếp tục cấm các công đoàn, tổ chức nhân quyền và đảng phái chính trị độc lập không được thành lập hay hoạt động. Các nhà tổ chức muốn thành lập các công đoàn độc lập hay nhóm công nhân độc lập phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa và trả thù. Nhà cầm quyền xử các nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động Hoàng Bình Đức 14 năm tù vào tháng Hai, và Trương Minh Đức 12 năm tù vào tháng Tư, năm 2018.   

Các tòa án do Đảng Cộng sản chỉ đạo trừng phạt nặng nề những người bị kết tội có liên quan tới các nhóm hay đảng phái chính trị bị Đảng Cộng sản Việt Nam coi là mối nguy với địa vị độc tôn quyền lực của mình. Tháng Tư, năm thành viên của một nhóm tự gọi là Hội Anh em Dân chủ – Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Thị Xuân, và Phạm Văn Trội – bị xử từ 7 đến 13 năm tù giam. Tháng Tám, nhà hoạt động Lê Đình Lượng phải nhận bản án 20 năm tù giam vì bị cho là tham gia Việt Tân, một đảng chính trị ở hải ngoại bị cấm ở Việt Nam. Tháng Chín, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình kết án Nguyễn Trung Trực 12 năm tù vì tham gia nhiều hoạt động nhân quyền và là thành viên của Hội Anh em Dân chủ. Tháng Mười, năm người là Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung bị xử theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999 vì bị cho là tham gia nhóm chính trị độc lập gọi là Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết và bị kết án từ 8 đến 15 năm tù.

Chính quyền đặt ra quy định các cuộc tụ tập đông người phải xin phép, và từ chối cấp phép một cách có hệ thống đối với các cuộc gặp gỡ, tuần hành hay hội họp công cộng bị coi là không chấp nhận được về chính trị. Tháng Sáu năm 2018, chính quyền sách nhiễu, câu lưu và hành hung hàng chục người tham gia các cuộc biểu tình khắp đất nước Việt Nam để phản đối dự luật về đặc khu kinh tế và luật an ninh mạng. Tính đến tháng Mười năm 2018, chính quyền đã kết án ít nhất 118 người biểu tình về tội gây rối trật tự công cộng. Nhiều người trong số đó bị xử tù, có người phải chịu bản án lên tới bốn năm sáu tháng.

Tự do tôn giáo

Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định về đăng ký, và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo theo quy định phải được phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước quản lý. Dù chính quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ, nhưng vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị tùy tiện quy kết là đi ngược lại với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội” hay “khối đại đoàn kết dân tộc,” trong đó có nhiều hoạt động tôn giáo thông thường.

Công an Việt Nam giám sát, sách nhiễu và đôi khi dùng vũ lực đàn áp các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống tôn giáo chính thức do nhà nước kiểm soát. Các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ tại gia của đạo Tin Lành và Công Giáo độc lập, các chùa Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không ngừng bị theo dõi, sách nhiễu và đe dọa.

Tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị đấu tố đông người, buộc từ bỏ đạo, giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù. Tháng Hai năm 2018, chính quyền xét xử năm tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập, trong đó có ông Bùi Văn Trung và con trai là Bùi Văn Thâm, và kết án họ từ ba đến sáu năm tù giam vì họ phê phán chính quyền và biểu tình phản đối đàn áp tôn giáo.

Tháng Sáu, một số người đàn ông mặc thường phục xông vào tư gia của nhà hoạt động tôn giáo đạo Cao Đài là Hứa Phi ở tỉnh Lâm Đồng, đánh đập và cắt râu ông. Tháng Chín, công an gây áp lực buộc nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng năm nay đã 91 tuổi, Hòa thượng Thích Quảng Độ, phải rời Thanh Minh Thiền Viện ở Thành phố Hồ Chí Minh để về quê ở tỉnh Thái Bình.

Những người Thượng ở Tây Nguyên bị theo dõi liên tục và chịu nhiều hình thức đe dọa, bắt giữ tùy tiện và ngược đãi khi bị giam giữ. Trong lúc bị bắt giữ, họ bị chính quyền chất vấn về các hoạt động tôn giáo và chính trị, buộc tội theo các tổ chức lưu vong và răn đe không được tìm cách trốn khỏi Việt Nam.

Các đối tác quốc tế chủ chốt

Trung Quốc vẫn là đối tác quốc tế quan trọng nhất có ảnh hưởng tới Việt Nam. Các tranh chấp về lãnh hải tiếp tục làm phức tạp quan hệ song phương giữa hai chính quyền của hai Đảng Cộng sản vốn tương đồng về chính sách đàn áp nhân quyền.

Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng quan hệ với Việt Nam. Tháng Ba, tàu USS Carl Vinson cập bến Đà Nẵng, là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Hoa Kỳ đến Việt Nam kể từ năm 1975. Tháng Bảy, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đến thăm Việt Nam và kêu gọi Bắc Hàn theo gương Việt Nam để được tăng trưởng về kinh tế, mà hoàn toàn phớt lờ sự vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống của chính quyền Việt Nam. Trong tháng Giêng và tháng Mười, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đến thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ quân sự song phương giữa hai nước.

Là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, Liên minh Châu Âu có vị thế ngày càng cao đối với Việt Nam. Các cuộc thương thảo về hiệp định thương mại tự do đã vào đến giai đoạn chung kết. Trong năm nay, Liên minh Châu Âu đã nêu quan ngại về việc kết án một số nhà hoạt động nhân quyền. Tháng Chín, 32 Nghị viên Châu Âu đã kêu gọi Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.

Australia và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ theo bản hiệp định đối tác chiến lược mới vào tháng Ba năm 2018. Mối quan tâm của Australia về các vi phạm nhân quyền của chính quyền Hà Nội gói trọn trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên mà chẳng thu được bất kỳ một tín hiệu khả quan nào từ phía Hà Nội.

Với tư cách là nhà tài trợ song phương quan trọng nhất của Việt Nam, Nhật Bản tiếp tục giữ im lặng về quá trình đàn áp nhân quyền lâu dài của Việt Nam. Trong tháng Năm, Thủ tướng Shinzo Abe tiếp đón Chủ tịch Trần Đại Quang, giờ đã quá cố, ở Tokyo. Tháng Chín, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đến thăm Việt Nam. Trong cả hai dịp nói trên, chủ đề nhân quyền không được đề cập tới trong bất kỳ một cuộc gặp nào.

(nguồn: https://www.hrw.org/vi/world-report/2019/country-chapters/325914?fbclid=IwAR1rxqRIHBQG9uf9OU30b0QSBmDXAf5NSH1vDOdMXw6M5npMLbNFiHGlx-Q)