Vì sao có cả một rừng luật nhưng người ta vẫn thích dùng luật rừng?



T

Ngay ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ tết nguyên đán có 2 sự kiện được báo chí đăng tải, cho thấy pháp luật ở Việt Nam dường như có những cách hiểu tùy tiện với độ chênh quá lớn, kiểu màu trắng được nói là màu đen và ngược lại.

Trúc Giang, Việt Nam Thời báo, ngày 13/02/2019

Đầu giờ chiều ngày 11-2, báo chí đưa tin Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM cho rằng Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun, do đó cơ quan này kháng nghị bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện Grab của Vinasun.

Cuối tháng 12-2018, Tòa án nhân dân TP.HCM cho rằng có mối quan hệ giữa việc vi phạm pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun nên chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 4,8 tỉ đồng.

Lập luận của phiên tòa này là xét mối quan hệ nhân quả, từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2017, căn cứ tài liệu trong hồ sơ, tốc độ tăng trưởng của ngành vận tải hành khách, doanh thu xe taxi được cấp phép tăng, nhưng doanh thu xe taxi được cấp phép của Vinasun giảm do có sự xuất hiện Grab. Trong khi đó số lượng đăng ký phù hiệu xe hợp đồng của Grab tăng đột biến (đến quý 2-2017 hơn 23.000 xe). Số lượng xe Grab tăng tương ứng với số lượng sụt giảm số xe của Vinasun. Từ đó toà cho rằng có mối quan hệ nhân quả giữa việc vi phạm pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun.

“Thực chất sự sụt giảm doanh thu lợi nhuận của Vinasun liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải hành khách khác, sự thay đổi nhu cầu của khách hàng…, nhưng chưa được đề cập đến trong kết luận giám định. Vì vậy Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật”, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM nêu.

Pháp luật dù có thể nhiều cách vận dụng, nhiều cách hiểu để phù hợp hoàn cảnh thực tế, nhưng không thể có độ chênh đến 180 độ như vậy giữa hai cơ quan tố tụng cùng ở TP.HCM.

Sự kiện pháp lý khác cũng được báo chí đăng tải ở số Tân niên, là việc một công ty khai thác giao thông đường bộ lại ra văn bản cấm 2 xe bảng số tư nhân ở TP.HCM không được lưu thông trên tất cả các tuyến mà công ty này có đặt trạm thu phí.

Theo đó, Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thay mặt Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, 2 xe ô tô 7 chỗ bảng kiểm soát 51G-77256, và ô tô bảng kiểm soát 51A-55850.

Lý do 2 phương tiện bị VEC E thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn ở tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, được cho là đã có hành vi gây cản trở, rối loạn trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hôm 10-2-2019.

Văn bản này của VEC là một sự lộng hành vô pháp. Trong các mẫu hợp đồng nguyên tắc về đầu tư, khai thác giao thông đường bộ, cả đôi bên A, B tham gia ký kết đều không được trao thẩm quyền cấm đoán một phương tiện giao thông có đăng kiểm hợp lệ được hay không được phép lưu thông trên tuyến đường nào đó. Việc cấm này, nếu có, sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án.

Hai xe biển số nói trên không phải vi phạm như cáo buộc, mà là người dân phản đối trạm thu phí của VEC E, vì các trạm thu phí của VEC là thiếu minh bạch trong các khoản thu phí, và trạm Long Thành – Dầu Giây đã không chấp hành quy định xả trạm khi giao thông đang bị ùn tắc kéo dài hơn 6 cây số. 

Giả dụ trong trường hợp người dân vi phạm các luật giao thông trên đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, thì chỉ có thể xử phạt hành chính bằng tiền hay các hình phạt chiếu theo luật pháp, chứ ngay cả lực lượng cảnh sát giao thông cũng không thể cấm phương tiện xe cộ của người dân lưu thông. Đàng này ‘lệnh cấm’ lại theo quyết định của một doanh nghiệp mà không hề viện dẫn được bất kỳ một căn cứ pháp luật nào đã trao cho họ cái thẩm quyền đó.

Theo tường trình của nhóm phóng viên trang Việt Nam Thời Báo, vào chiều 10-2, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, trong vòng hai tiếng đồng hồ có tới 4 sự cố liên tiếp xảy ra trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây, khiến các xe bị kẹt kéo dài chừng 6 cây số trên đường cao tốc. 

Thêm sự cố bất ngờ là khoảng 3 giờ chiều, đám lau sậy trong hành lang an toàn tại Km 14 hướng từ Đồng Nai về TP.HCM bốc cháy chưa rõ nguyên nhân. Khói mù mịt khiến các xe di chuyển chậm. Gần một tiếng sau, đám cháy mới được dập tắt. Ngay sau đó, trên dốc cầu Long Thành xảy ra tai nạn giữa hai ôtô, một chiếc bị hư hỏng nặng phần đầu. Đến hơn 5 giờ chiều, một ô tô cũng bị chết máy tại khu vực này. Khoảng 15 phút sau lại xảy ra vụ va chạm khác, tài xế hai xe xô xát giữa đường gây cản trở giao thông.

Do tình trạng ùn tắc quá lâu, nhiều ô tô khi đến cabin trạm thu phí bày tỏ bức xúc, yêu cầu nhân viên xả trạm. Trong đó, tài xế hai ô tô biển số TP.HCM nói trên đã phản ứng quyết liệt khi đơn vị quản lý cao tốc từ chối xả trạm.

“Tôi tin chắc không có bất kỳ luật sư nào được tham vấn cho quyết định bất chấp pháp luật đó của VEC. Nhưng tôi tin là văn bản cấm này đã được VEC bật đèn xanh thông qua. Về mặt pháp luật dĩ nhiên là hoàn toàn trật lất. Căn cứ vào Luật an toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành, không có bất cứ quy định nào cho thấy chủ đầu tư đường cao tốc được quyền từ chối phục vụ xe vi phạm.

Trong trường hợp chủ các phương tiện này nếu có hành vi gây rối trật tự giao thông như phản ánh của chủ đầu tư, thì chủ thể vi phạm và chịu trách nhiệm trước pháp luật phải chủ xe, hay người điều khiển xe chứ không phải bản thân phương tiện giao thông. Việc xử lý đối với hành vi vi phạm sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật, về thẩm quyền xử lý, mức xử phạt, hình thức xử phạt, căn cứ theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Phương tiện giao thông đường bộ là ô tô, không bị cấm lưu hành trừ khi phương tiện này không đạt kết quả kiểm định.

Câu hỏi đặt ra là nếu không có ai chống lưng, thì liệu VEC E và cả VEC có dám ngang ngược đến như vậy. Qua vụ việc này, một lần nữa cho thấy các biện pháp, giải pháp hiện hành về chống tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng mang tính lũng đoạn chính sách, đã hoàn toàn bất lực! Ông Nguyễn Phú Trọng cần xem xét lại chính nội bộ các đảng viên là quan chức trong bộ máy công quyền. Giòi đang từ trong xương giòi ra…”. Luật gia Lê Đức Du nhận xét. 

Một lần nữa diễn nôm cho lời nhận xét của cố luật sư Ngô Bá Thành tiếp tục đúng đến tận hôm nay: Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng người ta vẫn thích dùng luật rừng!

Chả lẽ mai này sẽ đến lượt những ai hay phê bình đường lối của đảng, thế là cũng không được ở trên đất nước này?