Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 51, từ ngày 16/12 đến 22/12/2019: Phiên toà sơ thẩm xử 8 thành viên nhóm Hiến Pháp được dời sang ngày 10/01/2020

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 22/12/2019

 

Chế độ cộng sản Việt Nam đã quyết định dời phiên toà sơ thẩm xét xử 8 thành viên của nhóm Hiến Pháp sang ngày 10/1/20209 thay vì ngày 25/12/2019. Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện phiên xử này và 8 nhà hoạt động sẽ phải đối mặt với mức án tù dài hạn từ 7 đến 15 năm tù nếu bị kết tội.

Họ bị bắt (cóc) đầu tháng 9 năm ngoái vì bị cho là có kế hoạch biểu tình ôn hoà vào ngày 04/9/2018. Họ bị biệt giam hơn 11 tháng và gần đây mới được gặp luật sư và gia đình.

Nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh, người bị kết án 11 năm tù giam và 5 năm quản chế bởi Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước,” đã quyết định kháng cáo lại bản án trong phiên sơ thẩm. Ông bị bắt ngày 29/5 vì bị cho là có nhiều bài viết trên Facebook gây hại cho chế độ và quan chức. Phiên phúc thẩm sẽ được tổ chức bởi Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội trong một ngày gần đây, nhưng ông ít có cơ hội được tuyên bố vô tội hay giảm án, như trong đa số các vụ án chính trị.

Bộ Công an đột nhiên thay đổi cáo buộc từ chính trị sang hình sự của nhiều nhà hoạt động trong các văn bản truy nã họ đăng tải ở cổng thông tin điện tử của bộ này. Hội Anh em Dân chủ đã lên án việc làm bẩn thỉu này của công an Việt Nam.

Cựu tù nhân lương tâm Lê Công Định bị Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh từ chối cấp hộ chiếu cho ông, đồng nghĩa với việc ngăn cản ông ra nước ngoài. Ông Định là một trong 3 nhà hoạt động được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải thưởng nhân quyền 2019 vì những đóng góp của ông cho phong trào dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Và nhiều tin quan trọng khác.

===== 16/12 =====

Cựu tù nhân lương tâm Lê Công Định bị từ chối cấp hộ chiếu

Cựu tù nhân Lê Công Định không được Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh cấp hộ chiếu, đồng nghĩa với việc ông không thể đi ra nước ngoài trong thời gian tới.

Ông Định cho biết ông đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh làm thủ tục vào ngày 04/12 và sau 2 tuần, ông nhận được lời từ chối mà không được giải thích lý do cụ thể.

Đây là lần thứ 2 ông bị từ chối. Năm 2018, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh còn từ chối nhận hồ sơ cho ông.

Ông Định tiếp tục hoạt động nhân quyền và cổ suý dân chủ đa nguyên sau khi được trả tự do năm 2013. Ông được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải Nhân quyền 2019, cùng với ông Nguyễn Trung Tôn và cô Đặng Thị Minh Mẫn.

——————–

Câu lạc bộ bóng đá No-U Hà Nội lên báo The Economist của Anh Quốc

Câu lạc bộ bóng đá No-U FC của giới bất đồng chính kiến ở Hà Nội với tinh thần phản đối yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông đã được báo The Economist của Anh quốc giới thiệu với độc giả thế giới.

Bài báo về No-U FC được đăng tải trong mục châu Á của tuần báo The Economist số ra ngày 13/12 vừa qua, và đội bóng này được giới thiệu là “câu lạc bộ bóng đá Việt Nam đang thách thức Trung Cộng.”

Bài báo giải thích tên câu lạc bộ bóng đá “No-U FC” với chữ U trong tên đội bóng chỉ “đường chín đoạn” hình chữ U mà Trung Quốc dùng để yêu sách chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông, ăn vào cả một khu vực rộng lớn mà luật pháp quốc tế công nhận là thuộc về Việt Nam.

Điểm lý thú được The Economist ghi nhận là trong tên gọi của câu lạc bộ đó, chữ tắt FC có thể hiểu theo hai cách, cách thông thường là “Football Club” nhưng cũng có người giải thích một cách nôm na hơn là “Fuck China.”

No-U FC được thành lập vào năm 2011 bởi những người từng tham gia 11 cuộc tuần hành vào chủ nhật ở trung tâm thành phố Hà Nội để phản đối các hành động xâm lược của Trung Cộng ở Biển Đông, chiếm cứ các đảo và rạn san hô mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đặt các nơi này vào một khu hành chính mới Tam Sa, trong lúc tàu Trung Cộng thì tấn công và giết chết ngư dân Việt Nam trên vùng biển bị Bắc Kinh tranh chấp.

Cũng như nhiều người hoạt động khác, nhiều thành viên của No-U FC bị sách nhiễu, đàn áp, đánh đập và thậm chí bị bỏ tù. Công an Hà Nội nhiều lần phá đám, buộc chủ sân không cho đội bóng thuê trong chiều chủ nhật.

Đây là lần thứ 2 đội bóng No-U FC được giới thiệu với bạn đọc quốc tế. Trước đó, bài của Reuters thu hút hàng triệu người đọc trên thế giới.

===== 14/12 =====

Đại sứ Trung Cộng tham gia giảng dạy cán bộ chiến lược của Cộng sản Việt Nam

Theo Đài Phát thanh quốc tế Trung Cộng (CRI), Đại sứ Trung Cộng Hùng Ba đã tham gia giảng dạy lớp đào tạo cán bộ quy hoạch cấp chiến lược của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một minh chứng hùng hồn cho sự phụ thuộc về chính trị và tư tưởng của chế độ cộng sản Việt Nam vào Bắc Kinh.

Theo đó, trong bài giảng của Hùng Ba vào ngày 10/12, Phó giám đốc Học viện Nguyễn Ngọc Hà và 100 học viên cán bộ quy hoạch cấp chiến lược đến từ nhiều ban ngành trung ương và địa phương Việt Nam đã tham dự.

Đại sứ Hùng Ba đã giới thiệu những tinh thần chính của Hội nghị toàn thể lần thứ 4 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Cộng khóa 19, trong đó nhấn mạnh tăng cường sự độc tài chính trị của đảng này kèm theo cố gắng ngăn chặn nạn tham nhũng.

Ông ta cũng kêu gọi tăng cường trao đổi kinh nghiệm cai trị của hai đảng cộng sản.

Sau buổi giảng, đại sứ Trung Cộng tặng phim tài liệu phiên bản tiếng Việt với tựa đề “Chúng ta đi trên con đường thênh thang” có nội dung về cải cách mở cửa của Trung Cộng do Đài phát thanh-truyền hình trung ương Trung Cộng và hy vọng Việt Nam tham khảo.

Thay mặt phía Việt Nam, ông Hà cảm ơn Trung Cộng và nói rằng phía Việt Nam muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Trung Cộng.

Báo chí nhà nước cộng sản nhiều lần đưa tin chế độ ở Hà Nội liên tục cử viên chức của đảng và bộ máy nhà nước sang học chính trị ở Trung Cộng từ nhiều năm nay, và hầu hết viên chức cao cấp đều tham gia ít nhất 1 lớp học ngắn hạn do đảng Cộng sản Trung Cộng tổ chức.

===== 17/12 =====

4 dân biểu Hoa Kỳ đề nghị Ngoại trưởng Pompeo can thiệp cho ông Hà Văn Thành

Theo RFA, 4 dân biểu Alan Lowenthal, Luis Correa, Harley Rouda và Ro Khanna của Quốc hội Hoa Kỳ đã đồng ký tên một bức thư gửi cho Ngoại trưởng Mike Pompeo đề nghị can thiệp để nhà cầm quyền Việt Nam rút bỏ mọi cáo buộc đối với ông Hà Văn Thành, một người vừa bị Mỹ trục xuất về nước hồi tháng 10 vừa qua.

Thư chung đề ngày 17/12 của 4 vị dân biểu viết rằng “kể từ khi bị trục xuất, nỗi lo sợ của ông (Thành) đã thành sự thật. Ông Hà  Văn Thành hiện bị giam giữ trong một nhà tù ở Nghệ An. Vợ ông là bà Hồ Thị Thắm, lo sợ là ông đã bị ép buộc phải nhận tội buôn người.”

Trong tháng Sáu, khi ông Thành còn bị giam giữ ở trại giam ở Hoa Kỳ, nhiều dân biểu cũng đã viết thư cho Bộ Tư pháp Mỹ về trường hợp của ông.

Chính phủ Hoa Kỳ quyết định trục xuất ông Thành, nhiều dân biểu đã viết thư cho Tổng thống Trump để phản đối việc trục xuất này.

Ông Thành, người có tham gia một số cuộc biểu tình phản đối Formosa năm 2016, đã bị Bộ Tư pháp Mỹ từ chối đơn xin tị nạn của ông vì cho rằng ôg này  đã không chứng minh được là ông sẽ gặp nguy hiểm nếu bị trả về Việt Nam.

Ông Thành, sinh năm 1982, đã bỏ trốn khỏi Việt Nam vào tháng 5 năm 2018, đi qua nhiều nước trước khi vào Mỹ qua ngả Mexico. Ông Thành đã xin quy chế tị nạn tại Mỹ nhưng bị từ chối và bị trục xuất về Việt Nam vào hôm 21/10/2019. Từ phi trường Nội Bài, ông bị cảnh sát bắt và bị khởi tố với cáo buộc “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo Điều 349 của Bộ luật Hình sự với mức án từ 5 đến 10 năm tù giam nếu bị kết tội.

===== 18/12 =====

Nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh kháng cáo

Nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh, người mới bị kết án 11 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” trong phiên toà sơ thẩm ngày 15/11, đã quyết định kháng cáo bản án này.

Toà án Nhân dân Tối cao đã thông báo việc kháng cáo này cho luật sư của ông Tĩnh, và phiên toà phúc thẩm sẽ được tổ chức trong thời gian tới đây bởi Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.

Ông Tĩnh, sinh năm 1976 và là giáo viên dạy nhạc của Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Ông bị cho là đã sử dụng trang Facebook mang tên mình để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung vi phạm pháp luật.

Ba luật sư của ông trong phiên sơ thẩm cho rằng những giám định được đưa ra để kết án ông Tĩnh là không có căn cứ, việc thu thập chứng cứ tài liệu trong vụ án không đúng với trình tự pháp luật. Tuy nhiên, dường như ông Tĩnh không có cơ hội được giảm án trong phiên phúc thẩm, như đa số các vụ án chính trị khác.

=====

Bộ Công an gán ghép cáo buộc hình sự nguỵ tạo cho nhiều người bất đồng chính kiến

Gần đây, trên cổng thông tin điện tử của Bộ công an Việt Nam đã đăng tải lệnh truy nã đối với nhiều nhà hoạt động mà cáo buộc chính trị đã bị đổi sang cáo buộc hình sự với mục đích bẩn thỉu.

Hai thành viên của Hội Anh em Dân chủ (HAEDC) Nguyễn Văn Tráng và Mai Văn Tám

bị đổi cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền” sang “môi giới mại dâm” trong khi Phạm Thị Lan bị đổi cáo buộc sang “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” rồi sau đó sang “sử dụng trái phép vũ khí thô sơ.” Ông Tám và cô Lan đang là hai phó chủ tịch của tổ chức này.

Cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật bị chuyển từ cáo buộc “không chấp hành án” sang “nhận hối lộ” còn hai ông Thái Văn Dung và Lê Văn Sơn bị chuyển từ cáo buộc “không chấp hành án” sang “xúi giục hoặc giúp người khác tự sát.” Cả ba ông là thành viên đảng Việt Tân.

Tất cả những người nêu trên đều bị hạch sách, quấy nhiễu hoặc bị tra khảo nhiều ngày bởi an ninh Việt Nam, và họ buộc phải tạm lánh để tránh bị bắt giữ.

HAEDC đã ra thông cáo phản đối việc đổi cáo buộc trên của Bộ Công an, coi việc hình sự hoá các hoạt động của những nạn nhân trên thể hiện bản chất đê tiện và hèn hạ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Việc hình sự hóa này còn nhắm mục đích sâu xa hơn là có cớ để đẩy mạnh việc truy bắt trong nước, hay yêu cầu các nước lân cận bắt và dẫn độ những người hoạt động đang tỵ nạn để trục xuất về Việt Nam nhằm trừng phạt họ.

Bằng việc đổi cáo buộc chính trị sang hình sự, Hà Nội muốn né tránh sự lên án của quốc tế đối với các vi phạm nhân quyền của mình.

===================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây