Đồng Tâm: EU và dân biểu Úc nêu quan ngại ‘vi phạm nhân quyền’ ở Việt Nam

Vụ đụng độ ở Đồng Tâm khiến 4 người thiệt mạng đang thu hút sự chú ý của công luận, không chỉ tại Việt NamBản quyền hình ảnhLA VIET DUNG
Image captionVụ đụng độ ở Đồng Tâm khiến 4 người thiệt mạng đang thu hút sự chú ý của công luận, không chỉ tại Việt Nam

BBC, ngày 17/01/2020

 

Dân biểu liên bang Úc Chris Hayes, thuộc đảng Lao động, hôm 16/1/2020 đã lên tiếng về vụ Đồng Tâm và cái chết của ông Lê Đình Kính.

Trong một tuyên bố, ông Hayes, dân biểu liên bang đại diện khu vực bầu cử Fowler, tiểu bang New South Wales, đã điểm lại thông tin về vụ đụng độ giữa những người dân làng giữ đất và cảnh sát xảy ra tại Đồng Tâm dẫn đến cái chết của ông Lê Đình Kình và ba cảnh sát.

Đảng Lao động Úc, hạt Fowler, New South Wales, phát biểu hôm 16/01

“Tôi được tin ông Lê Đình Kình bị giết trong cuộc tấn công có chọn lọc nhắm vào tư gia của ông. Đã 84 tuổi, ông Kình là nhà hoạt động tích cực, đại diện cho dân làng trong cuộc ̣đối đầu với vụ tịch thu đất mà chính quyền thực hiện. Tôi được biết ông Kình bị tử vọng trong cái chết bạo lực, và con ông, cháu ông bị bắt giữ ở những nơi không rõ,” thư của ông Hayes viết.

“Vấn đề tịch thu đất cho mục đích kinh tế tại xã Đồng Tâm đã và đang diễn ra lâu nay, bất công trong đền bù đất là một vấn nạn lớn tại đất nước Việt Nam.”

Ông Hayes, người cũng giữ chức trưởng ban kỷ luật (chief whip) của đảng Lao động Úc, viết:

“Vấn đề tịch thu đất cho mục đích kinh tế tại xã Đồng Tâm đã và đang diễn ra lâu nay, bất công trong đền bù đất là một vấn nạn lớn tại đất nước Việt Nam.”

Theo ông Hayes, trước tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng “trở nên tồi tệ hơn” với sự đàn áp của nhà chức trách thì chính phủ Úc phải lên tiếng.

“Chúng ta đã chứng kiến việc những người dám lên tiếng phản đối chính quyền Việt Nam bị áp những bản án nặng nề về tội xâm phạm an ninh quốc gia qua những phiên tòa bất công, mà trong nhiều trường hợp, không được tiếp cận với luật sư. Nghiêm trọng hơn nữa, những người này bị chính quyền cho vào tù với điều kiện giam giữ và bị đối xử rất tồi tệ.”

Chris HayesBản quyền hình ảnhCHRISHAYESMP
Image captionThư của ông Chris Hayes

“Nhà cầm quyền Việt Nam cho thấy, họ không tôn trọng pháp luật mà tìm cách đàn áp, bỏ tù và trục xuất những người vốn chỉ lên tiếng ủng hộ cho những quyền con người căn bản, gồm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tôn giáo và quyền bình đẳng trước pháp luật”.

Thư của ông Hayes cũng kêu gọi chính phủ Úc, với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam cấp tốc điều tra về vụ việc này. Đồng thời, cộng đồng quốc tế cùng dồn áp lực lên chính quyền Việt Nam, buộc họ phải xét xử để đưa những thủ phạm gây ra biến cố trên ra chịu trách nhiệm.

Đảng Lao động Úc thuộc phe tả, trong thập niên 1970 đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành phản chiến, đòi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Nam Việt Nam.

Liên minh Châu Âu yêu cầu gặp Bộ Công an

Bà Virginie Battu-Henriksson, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) về Quan hệ đối ngoại và Chính sách An ninh, khẳng định với BBC News Tiếng Việt qua email rằng, phái đoàn EU tại Việt Nam đang rất quan ngại và theo sát các cuộc đụng độ dữ dội về quyền đất đai xảy ra tại Đồng Tâm.

Bà Battu-Henriksson cho biết: “Vào ngày 9/1, Đại sứ EU tại Việt Nam Aliberti đã trực tiếp nêu vấn đề với ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của Việt Nam, bày tỏ quan ngại và dè dặt trước việc xử lý tình huống của lực lượng an ninh”.

Bà Battu-Henriksson cũng nói rằng:”Việc sử dụng bạo lực đối với dân thường đã dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới các gia đình và bạn bè của nạn nhân”.

Bà Battu-Henriksson cho biết là vụ việc này sẽ được thảo luận tại cuộc Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam sắp tới.

“Liên minh châu Âu kỳ vọng nhà chức trách Việt Nam tôn trọng các quyền cơ bản của người dân về việc hội họp và thể hiện quan điểm ôn hòa mà không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa hay việc sử dụng vũ lực nào.”

“Phái đoàn EU tiếp tục theo dõi tình hình và đã yêu cầu có một cuộc họp với Thứ trưởng Bộ Công an của Việt Nam”, bà Battu-Henriksson khẳng định với BBC News Tiếng Việt qua email.

Dư luận quan tâm về Đồng Tâm

Trong một diễn biến liên quan, trong một bài viết đăng trên website chính thức của tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) hôm 15/1, Claudio Francavilla, thành viên tổ chức này tại châu Âu đã kêu gọi các thành viên Nghị viện châu Âu “không bỏ lỡ cơ hội để thay đổi Việt Nam”.

Kêu gọi này được đưa ra giữa khi Nghị viện Châu Âu chuẩn bị bỏ phiếu đưa ra quyết định thông qua, trì hoãn hoặc bãi bỏ Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) trong những tuần tới.

Các hiệp định này từng được ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, kỳ vọng là “tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau”.

Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU diễn ra hồi tháng 6/2019Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionLễ ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU đã diễn ra hồi tháng 6/2019

Bài báo nói trên của Francavilla viết: “Nếu chỉ bỏ phiếu đồng ý mà không có bất cứ thay đổi gì từ chính phủ Việt Nam là lãng phí một cơ hội chưa từng có cho sự thay đổi tích cực ở trong nước”.

Trong khi đó, trang facebook ‘Tin mừng cho người nghèo’ cho biết, sáng 16/1, phái đoàn của EU cùng các đại diện các cơ quan ngoại giao các nước Hoa Kỳ, Canada, Đức, Italia, Úc, Anh, và Tây Ban Nha đã có buổi làm việc với Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại chùa Giác Hoa, quận Bình Thạnh, ở Sài Gòn.

Tại buổi gặp, Hòa Thượng Thích Không Tánh, đại diện Hội đồng Liên tôn Việt Nam, cũng đã trình bày về vi phạm nhân quyền của Việt Nam qua biến cố Đồng Tâm xảy ra gần đây.