Phúc trình Safeguard Defenders tố cáo VN cưỡng bức nhận tội trên TV


Hôm 11/03/2020, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố một cáo báo lên án chính quyền Việt Nam về hành động cưỡng bức nhận tội trên truyền hình quốc gia.
Hôm 11/03/2020, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố một cáo báo lên án chính quyền Việt Nam về hành động cưỡng bức nhận tội trên truyền hình quốc gia.

Hôm 11/03, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố một cáo báo lên án chính quyền Việt Nam về hành động cưỡng bức nhận tội trên truyền hình quốc gia.

Việc vi phạm quyền của người bị giam giữ trước khi xét xử ở Việt Nam trở thành tâm điểm ngày nay với công bố nghiên cứu mang tên “Cưỡng bức trước camera: Thú tội trên truyền hình ở Việt Nam” của tổ chức Safeguard Defenders có trụ sở ở Tây Ban Nha.

Báo cáo này là nghiên cứu đầu tiên về việc chế độ cộng sản Việt Nam thực hành ép buộc người đang bị giam giữ để điều tra về cáo buộc hình sự phải thú tội và sau đó phát lời thú tội này trên truyền hình.

“Hành động ép buộc thú tội rồi phát trên truyền hình vi phạm các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật quốc tế mà chế độ đã ký kết,” báo cáo của Safeguard Defenders viết.

Cưỡng bức trước camera cung cấp thông tin về tình trạng nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên phát các lời thú tội thu được từ việc ép buộc người đang bị giam giữ trước khi xét xử trên hệ thống truyền hình địa phương hoặc Đài truyền hình trung ương VTV, báo cáo cho biết.

Báo cáo đã thu thập và phân tích 16 video phát sóng truyền hình lời lời thú tội của nhiều người bảo vệ quyền bao gồm một số luật sư có tiếng tăm, nhà báo công dân và người nông dân, và hai cá nhân nghi can trong một vụ án tham nhũng và một vụ án giết người …trong số 21 lời thú tội trên truyền hình do nhóm nghiên cứu tìm ra và ghi nhận từ năm 2007 đến đầu năm 2020.

Các nạn nhân bị cưỡng bức nhận tội trên truyền hình quốc gia Việt Nam. Photo Safeguard Defenders.
Các nạn nhân bị cưỡng bức nhận tội trên truyền hình quốc gia Việt Nam. Photo Safeguard Defenders.

Trong báo cáo, tổ chức Safeguard Defenders thực hiện phỏng vấn 3 nạn nhân bao gồm Luật sư Nguyễn Văn Đài, Luật sư Lê Công Đinh và công dân Hoa Kỳ Will Nguyễn.

“Phỏng vấn cho thấy cách công an thao túng hoặc đạo diễn lời thú tội trước máy quay, lừa hoặc ép buộc họ hợp tác và cách những người bị giam giữ bị từ chối tiếp cận với luật sư,” Safeguard Defenders viết.

“Giống như ở Trung Quốc, các nạn nhân Việt Nam (bị buộc) thú nhận hành động chống Nhà nước và cảm ơn chính quyền đã cho họ thấy lỗi của họ nhưng nói chung các chương trình phát sóng được sản xuất đơn giản hơn, không tinh vi như các chương trình của Trung Quốc,” phúc trình có đoạn viết.

“Việt Nam đang sao chép một số mánh khóe của Trung Quốc,” Safeguard Defenders nhận định – “bao gồm cả lời thú tội của một cựu quan chức nhà nước đã bị bắt cóc từ Đức vào năm 2017 và buộc phải nói rằng ông đã tự nguyện trở về để đầu thú [Trịnh Xuân Thanh],” phát sóng lời thú tội của người nước ngoài đầu tiên vào năm 2018 [Will Nguyễn], và trường hợp gần đây nhất vào tháng 1 năm 2020 khi 4 người nông dân đấu tranh để ngăn chặn nhà cầm quyền cưỡng chế đất nông nghiệp của họ bị buộc nhận tội trước máy quay [vụ Đồng Tâm].

So với Trung Quốc, những đoạn clip thú tội trên truyền hình tại Việt Nam kém tinh xảo hơn về mặt nội dung và giá trị. Tuy nhiên, thú tội trên truyền hình hai nước có nhiều điểm giống nhau: nạn nhân xin lỗi, mong được hưởng khoan hồng, khuyên mọi người không đi vào vết xe đổ và thú nhận phạm tội chống lại Nhà nước.

“Kỹ thuật sản xuất của các chương trình thú tội cũng được cải thiện rõ rệt,” Safeguard Defenders nhận định thêm.

Các nạn nhân bị cưỡng bức nhận tội. Photo Safeguard Defenders.
Các nạn nhân bị cưỡng bức nhận tội. Photo Safeguard Defenders.

Phát sóng trên truyền hình những lời thú tội thu được bằng cách ép buộc không chỉ vi phạm luật pháp của Việt Nam về quyền tiếp cận luật sư, xét xử công bằng và quyền được bảo vệ chống tra tấn-tự buộc tội, nhà cầm quyền Việt Nam còn vi phạm các nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên của các hiệp ước nhân quyền quốc tế bao gồm Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và các biện pháp bảo vệ tư pháp khác.

Safeguard Defenders kêu gọi chính phủ Việt Nam tuân thủ trách nhiệm của mình với tư cách là quốc gia đã ký kết Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước của Liên Hợp quốc về Chống tra tấn, và tuân thủ luật pháp của chính Việt Nam bằng cách ngay lập tức cấm việc cưỡng bức người đang bị giam giữ nhận tội rồi phát trên truyền hình. Thay vào đó, người đang bị giam giữ cần được bảo vệ theo đúng quy trình và quy định của luật pháp.