Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 38 từ ngày 14/9 đến 20/9/2020: Việt Nam bị phản đối mạnh mẽ sau khi tuyên án tử hình hai người dân Đồng Tâm

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 20/9/2020

 

Vào chiều thứ Hai ngày 14/9, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố bản án đối với 29 người dân oan Đồng Tâm sau 5 ngày làm việc thay vì 10 ngày như kế hoạch. Toà án đã kết tội sáu người dân oan về tội danh “giết người” và 23 người còn lại với tội danh “chống người thi hành công vụ.” Tòa đã tuyên phạt tử hình đối với 2 con trai Lê Đình Công và Lê Đình Chức của cụ Lê Đình Kình- người bị giết dã man trong vụ tấn công vào xã Đồng Tâm ngày 09/1/2020, án chung thân đối với cháu nội của cụ là Lê Đình Doanh, và 3 người khác cùng tội danh giết người từ 12 năm đến 16 năm tù. Đối với những người bị kết tội “chống người thi hành công vụ,” tòa án đã tuyên các mức án từ 15 tháng tù treo đến sáu năm tù.

Sau khi tòa công bố quyết định cuối cùng, một số tổ chức nhân quyền quốc tế, bao gồm tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW) và Ân xá Quốc tế (Amnesty International), các nhóm dân sự độc lập trong nước cũng như hàng nghìn cá nhân đã lên tiếng phản đối bản án và chỉ trích chế độ cộng sản ở Hà Nội.

Vào ngày 16/9, tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) và Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (Vietnam Human Rights Network- VNHRN) ra tuyên bố chung yêu cầu chế độ cộng sản Việt Nam trả tự do cho tất cả 29 dân oan Đồng Tâm và điều tra những kẻ đã tổ chức và thực hiện cuộc truy quét dã man tại xã Đồng Tâm vào đầu tháng 1 năm nay với việc bắn chết cụ Kình mà không có quyết định của tòa án, và điều tra việc tra tấn và nhục hình đối với những người bị giam giữ trong thời gian tạm giam trước khi xét xử.

Hai ngày sau, Phát ngôn nhân về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh Châu Âu Nabila Massrali đã ra thông cáo báo chí lên án việc sử dụng án tử hình và kêu gọi Việt Nam tuân thủ pháp luật và quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên.

Vào ngày 17/9, lực lượng an ninh ở Hà Nội đã câu lưu Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng trong nhiều giờ nhằm ngăn cản ông gặp Đại sứ Hoa Kỳ Danial Kritenbrink. Đây là lần câu lưu thứ 18 của cảnh sát Việt Nam đối với ông trong những năm gần đây.

Chế độ cộng sản Việt Nam tiếp tục đàn áp người sử dụng Facebook để biểu đạt chính kiến ​​của họ trên mạng xã hội lớn nhất bằng cách bắt giữ hai cư dân Lê Văn Hải và Quách Duy và cáo buộc họ “lợi dụng tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Ông Hải, 56 tuổi, là người khiếu kiện về đất đai trong khi ông Duy, 38 tuổi, là công chức nhà nước làm việc tại Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai bị cáo buộc đăng bài viết trên Facebook với nội dung bôi nhọ lãnh đạo nhà nước và quan chức địa phương.

===== 14/9 ====

Toà án cộng sản Hà Nội kết án tử hình hai con trai cụ Lê Đình Kình

Chiều 14/9, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với 29 người dân Đồng Tâm như sau: ông Lê Đình Công, 56 tuổi, và Lê Đình Chức, 40 tuổi đều là con trai cụ Lê Đình Kình phải nhận mức án tử hình; anh Lê Đình Doanh, 32 tuổi là cháu nội cụ Kình, con trai ông Công bị nhận mức án tù chung thân; ông Bùi Viết Hiểu nhận mức án 16 năm tù; ông Nguyễn Quốc Tiến nhận mức án 13 năm tù; ông Nguyễn Văn Tuyển nhận mức án 12 năm tù.

Cả 6 người này bị toà án Cộng sản cáo buộc với tội danh giết người. Họ bị nhà cầm quyền cho là cùng cụ Lê Đình Kình cầm đầu vụ án, lôi kéo người khác đấu tranh chống lại đội quân cướp đất, và đã giết 3 công an Cộng sản trong trận đánh úp vào rạng sáng 9 tháng 1 năm 2020. 23 người còn lại bị cáo buộc vào tội chống người thi hành công vụ, và nhận mức án từ 15 tháng tù cho đến 6 năm tù giam.

Trước cách hành xử vô pháp của ngành tố tụng Cộng sản nói riêng, và cả bộ máy cầm quyền nói chung, một số luật sư tham gia bào chữa cho người dân Đồng Tâm đã chỉ ra những vi phạm của toà án, yêu cầu toà trả hồ sơ điều tra lại nhưng không được chấp nhận. Không chỉ vậy, vào chiều 10 tháng 9, một số luật sư còn bị an ninh Cộng sản xô đẩy, đe doạ ngay tại trụ sở toà án.

Cho đến nay, vụ án Đồng Tâm luôn khiến dư luận Việt Nam quan tâm, và gây bất mãn bởi cách hành xử tàn độc của nhà cầm quyền Cộng sản.

——————–

Nhiều tổ chức, cá nhân phản đối các bản án đối với 29 dân oan Đồng Tâm

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và quốc nội và hàng nghìn cá nhân đã lên tiếng phản đối việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kết án 29 dân oan Đồng Tâm bằng các bản án nặng nề và bất công.

Ngay sau khi toà án cộng sản Hà Nội công bố bản án đối với dân oan Đồng Tâm, hai tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights watch- HRW) và Ân xá Quốc tế (Amnesty International) ra tuyên bố với nội dung phản đối.

HRW nói rằng “Những bàn án nặng nề, trong đó có hai án tử hình, tuyên đối với các bị cáo Đồng Tâm không hề gây ngạc nhiên. Cũng giống tất cả mọi cấp tòa xử khác, tòa án Hà Nội không hề độc lập vì hội đồng xét xử phải đưa ra những phán quyết được định trước do đảng cộng sản. Giới cai trị tại Việt Nam đang đi bước ngược lại nhằm chứng tỏ bộ mặt cứng rắn nhất có thể đối với những người dân làng Đồng Tâm. ..”

Ân xá Quốc tế cũng lên tiếng cho rằng những bản án vô nhân được tuyên sau một phiên xử hoàn toàn không công bằng.

Một bản kiến nghị mang tên “Phản đối bản án bất công trong phiên tòa Đồng Tâm” với hơn 3.000 chữ ký. Bản kiến nghị nêu ra “5 vấn đề nghiêm trọng chưa được làm rõ,” trong đó bao gồm tính pháp lý của thửa đất tranh chấp và việc đưa lực lượng cảnh sát cơ động tấn công vào thôn Hoành để sát hại ông Lê Đình Kình, việc bức cung nhục hình đối với 19 dân oan… Trong số những người ký kiến nghị có nhiều người hoạt động và trí thức có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như tiến sĩ Nguyễn Quang A, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, thạc sĩ Nghiêm Hoa…

——————–

Tổng Thư ký LHQ lên tiếng về việc Việt Nam sách nhiễu và trả thù người báo cáo vi phạm nhân quyền

Theo Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc António Guterres, cộng sản Việt Nam là một trong số các quốc gia có nhiều hồ sơ báo cáo về việc công dân bị nhà cầm quyền sách nhiễu và trả thù vì đã báo cáo vi phạm nhân quyền lên các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp quốc.

Trong báo cáo ngài Guterres công bố ngày 15/9, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đàn áp 16 công dân vì lý do trên trong nhiều năm gần đây. Trong số các nạn nhân có tiến sỹ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và đang bị cầm tù. Ông bị cấm xuất cảnh sang Geneva để tham dự cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) đối với Việt Nam năm 2014.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, người đang thụ án tù 11 năm sau khi bị kết án với tội danh nguỵ tạo “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” cũng là nạn nhân.

14 nạn nhân còn lại bị nhiều hình thức sách nhiễu và đe doạ liên quan đến việc tham gia hội nghị tự do tôn giáo và niềm tin khu vực Đông Nam Á, nơi người tham dự tố cáo Hà Nội trong vi phạm tự do tôn giáo. Họ là người hoạt động vì tự do tôn giáo thuộc các tổ chức tôn giáo độc lập hoặc không đăng ký. Các hình thức sách nhiễu và trả thù bao gồm cấm xuất cảnh, tra khảo, tra tấn và tịch thu sổ thông hành ngay khi trở về Việt Nam.

Ngài Guterres cho biết rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã phủ nhận tất cả các báo cáo và nói rằng thông tin của Liên Hiệp quốc “dựa trên những nguồn không kiểm chứng.”

===== 16/9 =====

Tuyên bố của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền về việc kết án dân oan Đồng Tâm

Thông cáo báo chí, ngày 16/9/2020

Vào ngày 14/9/2020, Toà án cộng sản Hà Nội đã kết án 29 dân oan Đồng Tâm, với hai bản án tử hình cho hai người con của cụ Lê Đình Kình là các ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, án chung thân đối với cháu nội của cụ là anh Lê Đình Doanh, 26 người còn lại với mức án từ 15 tháng án treo đến 16 năm tù giam với các tội danh nguỵ tạo “giết người” hoặc “chống người thi hành công vụ” liên quan đến vụ thảm sát Đồng Tâm vào sáng sớm ngày 09/01/2020.

Trong phiên toà kéo dài vỏn vẹn 5 ngày từ ngày 07/9 đến ngày 14/9, toà án đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của một phiên toà công bằng, chấp nhận nhiều điều phi lý trong bản Kết luận Điều tra của Công an thành phố Hà Nội và bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát Hà Nội, bác bỏ nhiều lý lẽ và đề nghị của nhóm luật sư bảo vệ cho dân oan Đồng Tâm, ngăn cản quyền bào chữa và tự bào chữa, lờ đi cáo buộc tra tấn ép cung của 19 dân oan- bị cáo… Đặc biệt, toà án bác bỏ yêu cầu triệu tập nhiều nhân chứng quan trọng và người có liên quan chặt chẽ đến vụ án cũng như bác bỏ đề nghị thực nghiệm hiện trường vụ án, một điều bắt buộc trong các vụ án giết người.

Từ những điều trên, hai tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền kịch liệt phản đối bản án mà toà án cộng sản Hà Nội đã tuyên. Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam:

Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho 29 dân oan Đồng Tâm, và xoá bỏ mọi cáo buộc chống lại họ cũng như bồi thường cho họ vì đã bị giam giữ trong tám tháng qua;

– Điều tra về cáo buộc tra tấn 19 người dân Đồng Tâm và đưa kẻ thủ ác chịu trách nhiệm trước pháp luật;

– Điều tra về kế hoạch tập kích xã Đồng Tâm và việc thực hiện kế hoạch này vào ngày 09/01/2020;

– Điều tra về cái chết của công dân Lê Đình Kình và đưa những kẻ thủ ác ra chịu trách nhiệm trước pháp luật;

– Điều tra về việc xảy ra đối với 3 sỹ quan công an bị cho là chết trong vụ tập kích;

– Sửa đổi luật đất đai theo hướng bảo đảm quyền tư hữu đất đai nhằm ngăn cản việc nhà cầm quyền các cấp cướp đất của người dân như đã xảy ra tại nhiều địa phương trong nhiều năm qua.

Việc điều tra phải có sự tham dự của quan sát độc lập quốc tế. Công an thành phố Hà Nội cũng như Bộ Công an phảiđứng ngoài việc điều tra vì hai cơ quan này đã thực hiện cuộc tập kích. Sau khi điều tra, phải công bố kết quả điều tra trước công luận trong nước và quốc tế.

Chúng tôi kêu gọi dân chúng Việt Nam và cộng đồng quốc tế cùng lên án cách hành xử của chế độ cộng sản Việt Nam trong vụ án Đồng Tâm để đòi lại công lý cho người dân tại đây.

Thay mặt Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam: Trưởng ban Điều hành, TS Nguyễn Bá Tùng

Thay mặt Người Bảo vệ Nhân quyền: Chủ tịch, Vũ Quốc Ngữ

===== 17/9 =====

Nhà hoạt động tiến sỹ Nguyễn Quang A bị câu lưu trước cuộc gặp với Đại sứ Hoa Kỳ

Ngày 17/9, công an thành phố Hà Nội đã câu lưu nhà hoạt động tiến sỹ Nguyễn Quang A nhằm ngăn chặn ông đi gặp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói ông được Đại sứ Daniel Kritenbrink mời cafe tại tư dinh của ông lúc 15.30 giờ ngày thứ Năm. Ông dự kiến đến ngân hàng giao dịch trước khi đến cuộc gặp. Vào khoảng 14 giờ, ông rời khỏi nhà ở Gia Lâm nhưng đến đầu ngõ thấy 10 an ninh quen mặt nên ông định quay về nhà để báo cho ông đại sứ rằng mình không thể đến cuộc hẹn.

Tuy nhiên, công an đã xông đến bắt cóc ông và tống lên xe chở thẳng ra đồn công an phường, nơi ông từng bị câu lưu nhiều lần. Tại đồn công an, phía công an tra hỏi ông về một số bài viết trên trang Facebook cá nhân của ông gần đây, tuy nhiên ông thừa biết là chúng có mục tiêu nhằm ngăn cản ông đi đến nhà riêng của Đại sứ Kritenbrink.

Công an đã giữ ông tại đồn đến 17 giờ thì trả tự do cho ông.

Đây là lần bắt cóc thứ 18 của công an thành phố Hà Nội đối với tiến sỹ Nguyễn Quang A.

===== 18/9 =====

EU phản đối án tử hình với hai người dân Đồng Tâm

Phát ngôn nhân về các vấn đề ngoại giao và chính sách an ninh của Liên hiệp Châu Âu (EU) Nabila Massrali đã ra thông cáo phản đối việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kết án tử hình hai dân oan Đồng Tâm và nhiều án nặng nề đối với nhiều người dân khác trong phiên toà kết thúc trong ngày thứ Hai tuần qua.

Trong thông cáo đưa ra tại Bruxelles hôm 18/9, bà cho biết Liên EU phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình dưới mọi hình thức và trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn kiên định kêu gọi xóa bỏ hình phạt này trên toàn cầu. Hình phạt tử hình là tàn nhẫn và vô nhân đạo, và việc bãi bỏ hình phạt này là cần thiết để bảo vệ quyền được sống của mỗi người.

Bà lưu ý rằng các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này. Bản thông cáo nhắc lại là EU và các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự tôn trọng pháp quyền và quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết.

Thông cáo được công bố trên trang web của EU cũng như trang Facebook của Phái đoàn EU tại Việt Nam.

Cho tới nay đã có hàng chục tổ chức nhân quyền quốc tế và quốc nội, trong đó có Ân xá Quốc tế, Quan sát Nhân quyền (HRW), Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền, cùng hàng nghìn cá nhân trên khắp thế giới lên tiếng phản đối nhà cầm quyền cộng sản trong vụ án Đồng Tâm.

——————-

Dân oan Lê Văn Hải và cựu chuyên viên Quách Duy bị bắt với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mới bắt giữ dân oan Lê Văn Hải và cựu viên chức nhà nước Quách Duy với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì đăng tải nhiều bài viết trên Facebook có nội dung chỉ trích chế độ.

Vào ngày 18/9, công an tỉnh Bình Định đã bắt giữ dân oan Lê Văn Hải ở thành phố Quy Nhơn, một người từng đi khiếu kiện nhiều năm trời vì nhà cầm quyền thành phố tịch thu đất của gia đình ông để xây nhà máy xử lý nước thải. Ông từng gõ cửa nhiều cơ quan nhà nước đòi được bồi thường thoả đáng về mảnh đất bị tịch thu, nhưng đơn từ của ông không được hồi đáp.

Ông Hải bị cho là sử dụng Facebook từ năm 2016 để đăng tải và chia sẻ nhiều bài viết có nội dung phỉ báng chế độ và bôi nhọ viên chức cao cấp của chế độ và địa phương.

Ông Hải, sinh năm 1966, sẽ bị tạm giam ít nhất 2 tháng để điều tra. Ông đối diện với án tù từ hai năm đến 7 năm tù giam nếu bị kết tội.

Trong cùng ngày, công an thành phố Sài Gòn bắt giữ ông Quách Duy, chuyên viên Văn phòng uỷ ban của thành phố để điều tra về hành vi đăng tải một số bài viết trên trang cá nhân có nội dung xúc phạm lãnh đạo thành phố và nhiều viên chức cấp cao của chế độ.

Trước đó, vào tháng Năm vừa qua, ông Quách Duy bị Sở Thông tin Truyền thông thành phố Sài Gòn xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng vì “đăng thông tin sai lệch liên quan đến lãnh đạo thành phố trên Facebook cá nhân.” Mộttháng trước khi bị bắt, ông Duy bị khai trừ khỏi đảng cộng sản.

========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây