Tử tù Hồ Duy Hải sẽ chết trong ‘xà lim’ vì tuyệt vọng?

Dường như ai đó muốn để cho tử tù Hồ Duy Hải chết vì tuyệt vọng để khỏi phải đối mặt với những phiên tòa mà rất có thể đưa đến “trắng án” (!?)

Hà Nguyên, Việt Nam Thời báo, ngày 17/10/2020

 

“Sáng 14/10/2020, chị Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải vào thăm Hải trong trại giam. Chị Loan khóc nói với tôi là Hải rất ốm; tóc rụng, bạc và có dấu hiệu chán nản vì quá mòn mỏi…” – luật sư Trần Hồng Phong, kể.

Theo luật sư Trần Hồng Phong (ông từng là một nhà báo của tờ Pháp Luật TP.HCM), thì, “Trong tháng 9 và 10/2020 vừa qua, tôi đã nhận được thêm những tài liệu mới từ nguồn đáng tin cậy, cho thấy rõ thêm dấu hiệu ngoại phạm/ vô can của Hồ Duy Hải bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Cùng đó là đơn tố cáo ngày 25/9/2020, và xác nhận ngày 4/10/2020 của hai nhân chứng quan trọng nhất trong vụ án – tố cáo dấu hiệu bị giả chữ ký, ghi khống lời khai và rút bản khai ban đầu, thời điểm mới xảy ra vụ án, Hồ Duy Hải chưa bị bắt, trong hồ sơ vụ án.

Đây là những tài liệu/ chứng cứ hoàn toàn mới, nhiều khả năng cả toà phúc thẩm và giám đốc thẩm cũng không biết là có, trong quá trình xét xử trước đây. Gia đình Hồ Duy Hải và tôi sẽ bổ sung vào Đơn kêu oan sắp tới…”.

Vụ án Hồ Duy Hải xảy ra vào tối ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Bưu cục Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trong đó, hai nữ nhân viên bưu điện tên là Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1987) bị giết bằng cách cắt cổ.

Ngày 21 tháng 3 năm 2008, nghi phạm Hồ Duy Hải sinh năm 1985 bị bắt. Qua hai lần xét xử sơ thẩm năm 2008 tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An, và phúc thẩm năm 2009 tại Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM, Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình.

Gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan. Năm 2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình quyết định không kháng nghị vụ án. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau đó, trước phản đối của dư luận trong nước và quốc tế cũng như Quốc hội Việt Nam, năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Tòa án nhân dân tối cao.

Ngày 22 tháng 11 năm 2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, sau khi nhận được đề nghị xem xét giải quyết đảm bảo đúng pháp luật vụ án từ Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 năm 2019.

Ngày 8 tháng 5 năm 2020, sau 3 ngày xét xử giám đốc thẩm vụ án, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua bỏ phiếu công khai, quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Nói thêm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, cũng chính là người sau này chuyển sang làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Lúc vụ án Hồ Duy Hải xét xử trình tự hình sự sơ thẩm từ ngày 28-11 đến ngày 1-12-2008 tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An, thì ông Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế thẩm phán.

Còn trong số 17 vị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm vụ án hôm 8-5-2020, thì ngoài Chủ tọa là Nguyễn Hòa Bình, còn có thẩm phán Lê Quang Hùng – đây là người ngồi ghế Chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Hồ Duy Hải tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An, cùng với thẩm phán Nguyễn Hòa Bình.

Phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 28-4-2009 tuyên y án sơ thẩm, và coi như kể từ ngày đó Hồ Duy Hải mang thân phận tử tù và sống trong cảnh biệt giam để chờ ngày ra pháp trường.

Mười một năm trong xà lim tử tù mà vẫn sống sót đã là kỳ tích.

Không rõ từ tháng 4-2009 đến cuối tháng 8-2012, tử tù Hồ Duy Hải chịu cảnh biệt giam ra sao, chỉ biết từ ngày 20-8-2012, khi Thông tư số 39/2012/TT-BCA quy định việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình, có hiệu lực thì, “Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày.

Tử tù có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm (24/24 giờ); mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá mười lăm phút để người bị kết án tử hình làm vệ sinh cá nhân; trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam; khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ.

Mọi sinh hoạt của người bị kết án tử hình đều được thực hiện trong buồng giam”.

Trong tình cảnh kể trên thì một khi tử tù đã không còn hy vọng minh oan, chắc chắn sẽ đối mặt với sự khủng hoảng và dễ đưa đến sự đột tử. Nếu chuyện này xảy ra với vụ án Bưu cục Cầu Voi, xem như sẽ có 3 mạng người mãi mãi chìm trong oan khuất công lý.