Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 12 từ ngày 22/3 đến 28/3/2021: Hai Facebooker bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” hai tháng trước cuộc bầu cử quốc hội 

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 28/3/2021

 

Hai tháng trước ngày bầu cử quốc hội, cơ quan lập pháp cao nhất của Việt Nam và hội đồng nhân dân các cấp, lực lượng an ninh đã bắt giữ hai nhà hoạt động với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án có thể từ bảy năm đến 12 năm tù giam nếu bị kết án. 

Vào ngày 22/3, Công an tỉnh Nghệ An, quê hương của cố lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh, đã bắt giữ bác sĩ Nguyễn Duy Hướng với cáo buộc tàng trữ, sản xuất, và phát tán tài liệu có nội dung bôi nhọ lãnh đạo cấp cao và xuyên tạc các chính sách của chế độ.

 Năm ngày sau, nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đã bắt tạm giam Facebooker Lê Trọng Hùng (Facebook Hùng Gàn Lê) với cáo buộc tương tự. Ông Hùng bị bắt sau khi đăng ký làm ứng cử độc lập cho vị trí đại biểu quốc hội trong cuộc bầu cử dự kiến ​​vào cuối tháng Năm.

Cảnh sát cũng tiến hành khám xét nhà và tịch thu một số vật dụng của họ. Hai nhà hoạt động sẽ bị biệt giam trong ít nhất bốn tháng, một thông lệ truyền thống được áp dụng rộng rãi trong mọi vụ án chính trị.

Vào ngày 24/3, Tòa án cộng sản cấp cao tại Hà Nội đã bác đơn kháng cáo của nhà thơ bất đồng chính kiến ​​và người bảo vệ nhân quyền Trần Đức Thạch, người bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” và bị Tòa án cộng sản tỉnh Nghệ An tuyên phạt 12 năm tù giam và ba năm quản chế trong phiên toàn sơ thẩm vào ngày 15/12 năm ngoái do ông tham gia vào nhóm Hội Anh em Dân chủ vốn có mười thành viên đã bị bắt và bị kết tội “lật đổ” trong những năm gần đây.

 Hai ngày trước đó, Tòa án cộng sản tỉnh Phú Yên bất ngờ hủy phiên sơ thẩm đối với nhà báo tự do Trần Thị Tuyết Diệu, người bị bắt vào ngày 21/8 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vì các bài đăng trực tuyến của cô trên các vấn đề khác nhau mà đất nước đang phải đối mặt. 

Trong thời gian bị tạm giam trước khi xét xử tại Trại tạm giam số 1 do Công an Hà Nội điều hành, nhà hoạt động vì quyền đất đai và bảo vệ nhân quyền Trịnh Bá Phương đã bị chuyển đến bệnh viện tâm thần để giám định tâm thần sau khi ông giữ quyền trong các cuộc hỏi cung. Ông Phương, cùng mẹ là bà Cấn Thị Thêu và em trai là Trịnh Bá Tư, bị bắt vào ngày 24/6 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vì đã nỗ lực vận động cho dân oan ở xã Đồng Tâm và báo cáo cuộc đột kích đẫm máu của cảnh sát tại xã vào ngày 9/01/2020 cho cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, bà Thêu đã được phép gặp luật sư của mình lần đầu tiên tại trại tạm giam tỉnh Hòa Bình trong tuần này để chuẩn bị bào chữa cho bà. Dự kiến, luật sư sẽ sớm được gặp con trai thứ hai, người cũng bị giam trong cùng cơ sở giam giữ.

Và một số tin quan trọng khác

===== 22/3 ====

Cộng sản Nghệ An bắt giữ bác sỹ Nguyễn Duy Hướng với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước

Ngày 22/3, công an cộng sản tỉnh Nghệ An đã bắt giữ bác sỹ Nguyễn Duy Hướng ở huyện Yên Thành với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án tù có thể lên đến 12 năm.

Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin công an địa phương khám nhà ông Hướng và thu giữ một điện thoại di động và một Ipad. Ông sẽ bị biệt giam ít nhất 4 tháng để điều tra.

Báo chí dẫn nguồn tin của công an nói từ năm 2018 đến nay, ông Hướng đã sử dụng tài khoản Facebook có tên “Bảo kiếm” để đăng tải nhiều nội dung xuyên tạc và phỉ báng chế độ.

Trên Facebook có một lá thư của ông Hướng gửi ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam về vấn đề Đồng Tâm, đề nghị nhà cầm quyền điều tra kỹ lưỡng việc cướp đất của dân và thực chất cuộc đàn áp tấn công vào xã này vào đầu năm ngoái.

Ông Hướng là Facebooker thứ 4 bị bắt giữ kể từ tháng 2 sau khi đảng cộng sản cầm quyền tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 13 và bầu ra ban lãnh đạo mới, với nhiều nhân vật bảo thủ được tái bầu và giữ nhiều vị trí cao cấp trong đảng và bộ máy nhà nước. Tình trạng bắt giữ giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội vẫn tiếp tục cho dù nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối và kêu gọi Hà Nội thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền.

Hiện cộng sản Việt Nam giam giữ ít nhất 260 tù nhân lương tâm. Hà Nội luôn phản bác, nói không giam giữ ai vì hoạt động nhân quyền hay thực thi quyền cơ bản và những người bị bắt đều vì vi phạm luật pháp quốc gia.

———————

Nhiều nữ tù nhân lương tâm đang bị đày đoạ trong nhà tù ở Việt Nam

Nhà hoạt động Đoàn Thị Hồng, người mới mãn án tù đầu tháng này, nói rằng nhiều nữ tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong điều kiện vô cùng hà khắc ở Trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai).

Trả lời phỏng vấn đài Á châu Tự do, bà Hồng nói rằng trong thời gian thi hành án tù ở Trại giam Xuân Lộc sau khi bị kết án 30 tháng tù giam về tội danh nguỵ tạo “gây rối an ninh,” bà bị giam chung với nhiều nữ tù nhân lương tâm như Vũ Thị Dung,  Nguyễn Thị Ngọc Sương, Hoàng Thị Thu Vang…

Bà Hồng cho biết bà Sương hiện đang bị bệnh thận và gan rất nặng nhưng không được chữa trị. Không những thế, quản giáo còn bắt bà lao động nặng nhọc mà không được ăn uống đủ dưỡng chất. Hiện bà Sương bị bệnh rất là nặng, da rất vàng còn mặt và chân chị bị sưng trong khi mới thi hành một nửa trong án tù 5 năm về tội danh nguỵ tạo “tuyên truyền chống nhà nước.”

Bà Hồng nói nhiều tù nhân lương tâm khác cũng ở tình trạng tương tự như bà Sương, bị buộc phải lao động khổ sai mà thức ăn cung cấp bởi trại giam không đủ dinh dưỡng.

Trước khi được trả tự do, bà Hồng được nhiều chị em nhắn nhủ với cộng đồng bên ngoài ước muốn được quan tâm hơn, đặc biệt từ viên chức ngoại giao từ một số quốc gia dân chủ.

Bên cạnh việc giam giữ tù nhân lương tâm ở nơi xa gia đình họ, cộng sản Việt Nam luôn tìm cách khuất phục họ bằng việc tra tấn tinh thần, bắt phải lao động khổ sai, phải nhận tội, nếu không thì bị kỷ luật không được gặp gia đình hay nhận đồ tiếp tế, hoặc tệ hơn là bị biệt giam trong phòng kín. Chúng còn cung cấp thức ăn không bảo đảm vệ sinh và không cho họ chữa trị bệnh tật.

===== 23/3 =====

Ân xá Quốc tế kêu gọi cộng sản Việt Nam chấm dứt ngược đãi tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) ra thông cáo kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải chấm dứt việc tra tấn và ngược đãi đối với nhà hoạt động công đoàn và nhân quyền ị Nguyễn Văn Đức Độ, yêu cầu Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông.

Trong thông cáo ngày 23/3, Ân xá Quốc tế nói tổ chức này nhận được thông tin ông Độ bị biệt giam kể từ tháng 5/2020. Ông còn bị tra tấn và nhiều hình thức ngược đãi trong khi thi hành án tù 11 năm về tội danh nguỵ tạo “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” chỉ vì ông lên tiếng về việc tù nhân lương tâm bị đối xử hà khắc trong trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Ông Độ cho gia đình biết rằng ông bị đánh bất tỉnh và đưa đi cùm trong phòng biệt giam từ năm 2020. Trại còn cung cấp thức ăn và nước uống bị nhiễm chất thải và có mùi vị bất thường.

Ông Độ kể với gia đình khi ông la hét phản đối việc bị đối xử hà khắc, trại giam đưa chó nghiệp vụ vào trấn áp ông.

Do bị biệt giam kéo dài, sức khỏe và tinh thần của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bên cạnh việc đưa tù nhân lương tâm đi giam giữ ở nơi xa gia đình, cộng sản Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp hà khắc nhằm trấn áp tinh thần của họ. Các biện pháp này bao gồm biệt giam, không cho gặp người thân và nhận đồ tiếp tế, bắt lao động khổ sai, sử dụng tù hình sự để đe doạ hoặc đánh đập, cung cấp thức ăn không bảo đảm vệ sinh và dinh dưỡng….

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình cũng đang bị kỷ luật không được gặp người thân và không được nhận tiếp tế từ gia đình từ tháng 10 năm ngoái.

Nhiều tù nhân lương tâm bị mắc bệnh hiểm nghèo, có người bị chết trong quá trình thụ án chỉ vì bị đoạ đày trong nhà tù cộng sản Việt Nam.

===== 24/3 =====

Toà án cộng sản Việt Nam y án đối với nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch

Trong phiên toà phúc thẩm ngày 24/3, toà án cộng sản cấp cao tại Hà Nội đã bác bỏ kháng cáo của nhà hoạt động dân chủ Trần Đức Thạch, tuyên bố y án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế mà toà án cộng sản tỉnh Nghệ An đưa ra trong phiên sơ thẩm ngày 15/12 năm ngoái.

Trả lời phỏng vấn đài Á châu Tự do, luật sư Hà Huy Sơn cho biết phiên toà phúc thẩm kéo dài chưa đến 2 giờ đồng hồ và toà không đếm xỉa đến lời bào chữa của ông cho thân chủ của mình.

Ông Thạch, người bị bắt trong tháng Tư năm ngoái, bị kết án về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” vì tham gia vận động thành lập Hội Anh em Dân chủ. Luật sư Sơn nói rằng ông Thạch bị kết án vì các hoạt động liên quan đến hội này trong khi các nhân vật chủ chốt của nhóm này đã bị bắt và tống giam trong các năm 2015-2017.

Ông Sơn nói thân chủ của ông không vi phạm luật pháp Việt Nam vì chỉ cổ suý dân chủ và nhân quyền. Toà cũng tảng lờ việc gia đình ông Thạch và chính ông có đóng góp cho chế độ.

Đây là lần kết án tù thứ 2 của ông Thạch. Năm 2009, ông bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vì kêu gọi đa nguyên, và bị kết án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Việc bác kháng cáo của ông cũng như việc kết án 3 thành viên Hội Nhà báo Độc lập và nhà hoạt động môi trường Đinh Thị Thu Thuỷ trong tháng 1 cùng với việc bắt giữ 4 Facebooker trong 3 tháng qua cho thấy cộng sản Việt Nam tiếp tục chính sách đàn áp đối với giới bất đồng chính kiến vốn được thực thi trong nhiều năm gần đây.

——————–

Cộng sản Việt Nam còn định tống giam cựu TNLT Trịnh Bá Khiêm trong khi đang cầm tù vợ ông và hai con trai

Sau khi đã bắt giữ cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu cùng hai con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư với cáo buộc mơ hồ “tuyên truyền chống nhà nước,” nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam còn định tống giam nốt chồng bà Trịnh Bá Khiêm, cũng là một cựu tù nhân lương tâm.

Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin ngày 24/3, công an cộng sản huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình triệu tập ông Khiêm lên làm việc về việc ông livestream trên mạng Facebook. Chúng đe doạ ông sẽ bắt giữ ông nếu ông không xoá bỏ các video đã đăng và đăng tiếp trong tương lai.

Trước đó vài ngày, ông Khiêm đã đến Trại tạm giam của công an tỉnh Hoà Bình ở huyện Yên Thuỷ để chất vấn về tình trạng của vợ ông và con trai thứ 2 tên Tư đang bị giam giữ tại đây. Khi bị công an từ chối, ông đã livestream để tố cáo hành xử vô nhân tính của công an Hoà Bình.

Đài RFA cũng đưa tin sau gần 9 tháng bị biệt giam, bà Thêu đã được gặp luật sư lần đầu tiên để chuẩn bị bào chữa. Phía luật sư cũng cho biết sẽ gặp anh Tư trong thời gian tới. Phiên toà xét xử hai mẹ con có thể sẽ được tổ chức trong tháng tới.

Riêng anh Phương vẫn đang bị giam giữ ở Bệnh viện Thần kinh trung ương 1 để “kiểm tra sức khoẻ tâm thần” sau khi anh giữ quyền im lặng trong suốt thời gian gần 9 tháng qua. Gia đình và giới bất đồng chính kiến lo ngại rằng anh có thể bị tiêm thuốc giống như trường hợp blogger Lê Anh Hùng.

Ba mẹ con bà Thêu cùng nhà hoạt động Nguyễn Thị Tâm ở Dương Nội đã bị bắt ngày 24/6 năm trước chỉ vì phản đối việc cướp đất của nhà cầm quyền Hà Nội và cất tiếng nói hỗ trợ người dân oan Đồng Tâm. Họ đối mặt với án tù dài hạn từ 7 năm đến 12 năm mỗi người nếu bị kết tội.

——————–

Công an Cần Thơ nói một nghi can dùng dao tự đâm vào ngực khi bị hỏi cung

Công an cộng sản thành phố Cần Thơ nói khi đang tra khảo một nghi can hình sự thì người này xin đi vệ sinh rồi bất ngờ dùng dao tự đâm vào ngực mình. Công an không nói người này lấy dao ở đâu.

Dẫn nguồn tin từ công an Cần Thơ, truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam viết rằng nghi phạm có tên là T.T.T, 30 tuổi và thường trú tại Cần Thơ. Y tế địa phương xác nhận vết thương của người này không nặng. Ông ta đang được tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ và hiện sức khoẻ đã ổn định.

Ông T. là người bị tình nghi liên quan vụ đổ xăng đốt nhà đội trưởng đội cảnh sát hình sự thuộc công an quận Thốt Nốt vào tháng 9 năm ngoái. Đến này 22/3, công an Cần Thơ triệu tập ông lên tra vấn thì xảy ra sự việc nêu trên vào sáng 24/3.

Công an Cần Thơ đã khởi tố vụ án trên. Hai nghi phạm khác gồm Nguyễn Quốc Tài Nguyên và Hồ Thanh Hải. Hiện ông Hải đang bị tạm giam còn ông Nguyên đang chấp hành án tù giam về tội danh “cố ý gây thương tích.”

Trong nhiều năm gần đây vẫn có hàng chục nghi phạm chết một cách bất thường trong thời giam bị giam giữ trong đồn công an hoặc trong trại giam ở nhiều nơi khắp Việt Nam. Trong nhiều vụ, thân nhân của họ cho rằng họ bị chết vì đòn tra tấn của công an. Tuy nhiên, cộng sản Việt Nam luôn bác bỏ như trong báo cáo của Hà Nội về thực thi Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính Trị lần thứ ba tại Geneva trong tháng Ba năm 2019.

Cộng sản Việt Nam đã ký và phê chuẩn Công ước Quốc tế Chống Tra tấn năm 2014, tuy nhiên tra tấn vẫn phổ biến trong nhiều nhà tù và trại tạm giam trên toàn quốc.

===== 25/3 =====

Phó Chủ tịch HNBĐLVN Nguyễn Tường Thuỵ chưa được gặp mặt, gọi điện cho gia đình

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn chưa cho tù nhân lương tâm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Nguyễn Tường Thụy gặp người thân hoặc gọi điện về cho gia đình kể từ khi bị bắt vào cuối tháng Năm năm ngoái cho tới giờ khi đã bị kết án.

Sau khi bị kết án 11 năm tù giam và ba năm quản chế trong phiên toà ngày 05/1 vừa qua cùng với Chủ tịch Hội Phạm Chí Dũng và biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn về tội danh nguỵ tạo “tuyên truyền chống nhà nước,” ông Thuỵ đã bị chuyển đến Trại tạm giam Bố Lá, nơi các tù chính trị thường bị giam giữ trong thời gian ngắn trước khi chuyển đi nơi khác.

Vợ ông, bà Nguyễn Thị Lân cho biết hôm 25/03, bà đi thăm ông ở trại giam Bố Lá nhưng chỉ được gửi thức ăn và gửi tiền. Phía trại giam từ chối yêu cầu được gặp ông với lý do đề phòng lây nhiễm dịch Covid-19. Tuy nhiên, trại giam không giải thích lý do tại sao không cho ông gọi điện về cho gia đình. Bà Lân cho biết ông bị giam chung với một người bị kết tội vì buôn bán ma tuý và người này được gọi điện về cho người thân.

Trong khi đó, trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, vẫn không cho tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình gặp người nhà và nhận đồ tiếp tế kể từ tháng 10 năm ngoái. Ông Bình đang bị kỷ luật khi từ chối mặc quần áo của trại giam có dòng chữ “Phạm nhân.” Ông bị bắt trong tháng 5 năm 2017 và bị kết án 14 năm tù giam chỉ vì hỗ trợ bà con Hà Tĩnh kiện Formosa. Trước khi bị bắt, ông Bình là phó chủ tịch Phong trào Lao động Việt.

Sau khi kết án người hoạt động bằng những bản án bất công và hà khắc, cộng sản Việt Nam luôn tìm mọi cách để đày đoạ họ, kể cả việc không cho họ gặp người thân hay gọi điện về cho gia đình.

===== 27/3 =====

Cộng sản Hà Nội bắt giữ Facebooker Lê Trọng Hùng với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”

Sáng ngày 27/3, công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ ông Lê Trọng Hùng (Facebooker Hùng Gàn Lê) với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án có thể từ 7 đến 12 năm tù giam nếu bị kết tội.

Công an thành phố bắt giữ ông Hùng gần nhà khi ông cùng hai con trai đi dạo. Chúng đưa ông đi luôn, lấy chìa khoá trong túi ông và tự mở cửa vào nhà ông để khám nhà và tịch thu một số đồ dùng và thiết bị liên lạc. Ông sẽ bị biệt giam ít nhất 4 tháng để điều tra.

Gần đây, ông Hùng đã đăng ký tự ứng cử vào quốc hội trong cuộc bầu cử dự kiến vào tháng Năm tới và hồ sơ của ông đã được uỷ ban bầu cử địa phương chấp nhận.

Nhiều năm gần đây, ông Hùng tham gia nhóm CHTV với mục tiêu phổ biến Hiến pháp Việt Nam 2013 cho dân chúng, và trợ giúp dân oan ở khắp nước trong việc đòi công lý.

Phía công an nói ông phát tán nhiều bài viết và livestream có nội dung “chống phá chế độ.”

Ông Hùng sinh năm 1979, có vợ khiếm thị và hai con trai đang là học sinh phổ thông.

============================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây