Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 24 từ ngày 14/6 đến 20/6/2021: Ân xá Quốc tế kêu gọi cộng đồng quốc tế viết thỉnh nguyện thư yêu cầu Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 20/6/2021

 

Hai tháng sau khi nhà vận động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt giữ với cáo buộc nguỵ tạo “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự của Việt Nam, tổ chức Ân xá Quốc tế đã phát động một chiến dịch vận động cho tự do của bà. Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại London kêu gọi cộng đồng quốc tế viết kiến nghị thư gửi Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc để thúc giục ông trả tự do cho bà ngay lập tức và vô điều kiện. Ân xá Quốc tế cho biết nhà chức trách Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Hạnh vì bà là một tù nhân lương tâm, bị giam giữ chỉ vì thực hiện các quyền con người một cách ôn hòa và thực hiện công việc nhân đạo quan trọng.

Vào giữa tháng 6, Nhóm Công tác về Bắt giữ Độc đoán của Liên Hiệp quốc đã đưa ra ý kiến ​​liên quan đến việc bắt giữ và kết án ông Lê Hữu Minh Tuấn, một biên tập viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), nói rằng việc bắt giữ ông là độc đoán và sự kết tội của ông đã đi ngược lại các công ước quốc tế và luật quốc tế về nhân quyền mà chế độ độc tài toàn trị của Việt Nam đã ký kết.

Luật sư của hai người bảo vệ nhân quyền ở Dương Nội là bà Nguyễn Thị Tâm và ông Trịnh Bá Phương cho biết cuộc điều tra đối với họ đã kết thúc và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an thành phố Hà Nội đã chuyển kết quả điều tra sang Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố cùng đề nghị truy tố họ theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Các luật sư của họ cũng nói rằng họ đã nhận được giấy chấp thuận bào chữa của công an để gặp họ nhằm chuẩn bị bào chữa. Cho đến nay, hai nhà hoạt động nhân quyền và là người hoạt động về quyền đất đai vẫn bị biệt giam kể từ khi họ bị bắt vào tháng 4 năm ngoái.

Nhà cầm quyền thành phố Cần Thơ sẽ mở cuộc điều tra đối với bốn thành viên của nhóm Báo Sạch về cáo buộc liên quan đến bí mật nhà nước. Theo các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, ông Trương Châu Hữu Danh, ông Nguyễn Thanh Nhã, ông Đoàn Kiên Giang và ông Nguyễn Phước Trung Bảo sẽ bị điều tra về cáo buộc “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước” theo Điều 337 Bộ luật Hình sự với khả năng bị phạt tù lên đến 15 năm và phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng. Họ bị bắt vào tháng 12 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021 với cáo buộc ban đầu là “lợi dụng quyền tự do dân chủ” do họ viết blog tập trung vào bất công xã hội và tham nhũng của các quan chức chính phủ.

===== 17/06 =====

Nhóm Báo Sạch bị điều tra về cáo buộc “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”

Truyền thông nhà nước đưa tin công an thành phố Cần Thơ sẽ điều tra bốn thành viên nhóm “Báo Sạch” về cáo buộc “cố ý làm  lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hay bí mật nhà nước.”

Nhóm bao gồm Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Phước Trung Bảo. Ông Danh bị bắt vào ngày 17/12/2020 còn ba người còn lại bị bắt ngày 20/4 năm nay với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự với mức án có thể lên đến 7 năm tù giam.

Công an Cần Thơ khởi tố vụ án sau khi phát hiện nhiều văn bản có đóng dấu “mật” hoặc “tối mật” trong lúc khám nhà ông Danh.

Tháng trước, công an Cần Thơ đã hoàn tất điều tra về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và đã chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát thành phố với đề nghị truy tố vì cho rằng nhóm này có nhiều bài viết “vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của lãnh đạo chế độ.”Họ còn bị cho là đã vi phạm Luật An ninh mạng.

Ông Danh và nhóm Báo Sạch là những người lên tiếng mạnh mẽ trong các sự kiện của xã hội như vụ 3.000 cảnh sát cơ động tấn công vào làng Đồng Tâm hôm 9/1/2020, hay vụ án oan của tử tù Hồ Duy Hải…

Vụ bắt giữ bốn nhà báo này đã bị nhiều tổ chức quốc tế như Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Ký giả Không Biên giới (RSF), Ân xá Quốc tế (Amnesty International), và Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) lên tiếng chỉ trích. Hoa Kỳ cho rằng, việc bắt giữ họ nằm trong xu thế đáng lo ngại đối với Việt Nam, đồng thời kêu gọi Hà Nội trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ một cách bất công, cho phép tất cả mọi công dân được bày tỏ quan điểm một cách tự do và không sợ bị trả thù.

===== 18/6 =====

Liên Hiệp quốc nói vụ bắt giữ nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn là độc đoán, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông

Nhóm Công tác về Bắt giữ Độc đoán (WGAD) của Liên Hiệp quốc cho rằng vụ bắt giữ thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Lê Hữu Minh Tuấn là độc đoán và kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.

WGAD cũng nhấn mạnh rằng vụ bắt giữ và kết tội ông Tuấn về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” là một trong nhiều trường hợp bắt giữ độc đoán ở Việt Nam được báo cáo lên cơ quan này trong nhiều năm gần đây. Các trường hợp này đều có điểm chung là việc bắt giữ và kết tội không tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế khi giam giữ lâu, từ chối hoặc hạn chế tiếp cận luật sư, biệt giam không được gặp gia đình và luật sư, kết án với những tội danh nguỵ tạo chỉ vì thực hiện quyền con người phổ quát, và giam giữ cách biệt với thế giới bên ngoài.

WGAD nói những yếu tố trên cho thấy rõ việc bắt giữ độc đoán ở Việt Nam mang tính hệ thống, và nếu tiếp tục, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế.

Ông Tuấn bị bắt giữ ngày 12/6/2020 và đầu năm nay, ông bị đem ra xử cùng với Chủ tịch Phạm Chí Dũng và Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông Dũng bị kết án 15 năm tù và hai người còn lại đều bị kết án 11 năm tù. Ngoài ra, cả ba ông bị án quản chế 3 năm.

WGAD cho rằng ông Tuấn chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận và trao đổi các ý tưởng thông qua mạng xã hội và hoạt động trực tuyến cũng như quyền lập hội theo Điều 21 của Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát, do vậy, việc bắt giữ ông hoàn toàn vi phạm luật nhân quyền quốc tế.

Cơ quan này kêu gọi cộng sản Việt Nam trả tự do cho ông Tuấn và hàng chục nhà hoạt động khác đang bị cầm tù ở Việt Nam chỉ vì thực hiện các quyền con người phổ quát.

===== 19/6 =====

Ân xá Quốc tế kêu gọi cộng đồng quốc tế viết thư đòi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh

Ngày 18/6, tổ chức Ân xá Quốc tế công bố chiến dịch vận động tự do cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh, kêu gọi cộng đồng quốc tế viết thỉnh nguyện thư tới chủ tịch nước Việt Nam đề nghị trả tự do cho bà.

Theo Ân xá Quốc tế, bà Nguyễn Thuý Hạnh là một tù nhân lương tâm, bị cầm tù chỉ vì thực hành các quyền con người của mình một cách ôn hoà và làm các công việc thiện nguyện, và cần phải được trả tự do ngày lập tức và vô điều kiện.

Bà Hạnh là người sáng lập Quỹ 50k, một quỹ tài chính nhằm giúp đỡ gia đình của các tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Bà từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Cộng bành trướng ở Biển Đông và nhiều sự kiện đòi dân chủ và tự do cho Việt Nam. Sau vụ quyên góp ủng hộ dân oan Đồng Tâm, bà bị bắt ngày 7/4/2021 với cáo buộc nguỵ tạo “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án tù có thể lên tới 20 năm nếu bị kết tội.

Ân xá Quốc tế cọi việc bắt giữ bà là trơ trẽn và mang động cơ chính trị nhằm bịt miệng một trong những nhà hoạt động nhân quyền tiêu biểu nhất ở Việt Nam.  Ân xá Quốc tế được thành lập năm 1961 ở thủ đô London, nước Anh. Tổ chức này có phạm vi hoạt động trên toàn thế giới, với sứ mệnh bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền khắp nơi và cho tất cả mọi người.

===== 20/6 =====

Công an Hà Nội kết thúc điều tra đối với hai nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thị Tâm và Trịnh Bá Tư

Sau gần 1 năm tạm giam hai nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thị Tâm và Trịnh Bá Tư

ở Dương Nội, công an Hà Nội mới kết thúc điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư của hai nhà hoạt động này thì cơ quan an ninh điều tra của Sở Công an Hà Nội đã chuyển kết quả điều tra sang Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố với đề nghị truy tố theo khoản 2 của điều luật trên, với mức án nặng từ 10 đến 20 năm tù giam nếu bị kết tội.

Cả hai bị bắt cùng ngày 24/6 năm ngoái vì các hoạt động cổ suý nhân quyền và dân chủ, đặc biệt là sự hỗ trợ truyền thông cho người dân oan Đồng Tâm trước và sau biến cố ngày 09/01/2020 khi nhà cầm quyền Việt Nam huy động khoảng 3.000 cảnh sát cơ động để tấn công làng Hoàng, giết chết nhà lãnh đạo tinh thần Lê Đình Kình và bắt giữ hơn 30 người liên quan đến tranh chấp đất đai ở đồng Sênh.

Bà Tâm từng bị cầm tù vì đấu tranh chống việc cướp đất của nhà cầm quyền quận Hà Đông còn anh Phương là con trai của tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu và là anh trai của nhà hoạt động Trịnh Bá Tư. Cả bà Thêu và anh Tư bị bắt cùng ngày với anh Phương với cùng cáo buộc, và trong phiên toà ngày 05/5 vừa qua, hai mẹ con đã bị kết án với cùng mức án 8 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Luật sư của bà Tâm và anh Tư cho biết họ đã được cấp phép bào chữa cho hai nhà hoạt động và họ sẽ gặp họ trong trại giam để chuẩn bị bào chữa. Kể từ khi bị bắt tới nay, cả hai đều không được gặp thân nhân và luật sư, bị giam tách biệt với thế giới bên ngoài.

=======================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị đọc bản Anh ngữ tại đây