Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 26 từ ngày 29/6 đến 04/7/2021: Blogger Lê Dũng Vova bị bắt giữ tại quê nhà

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 04/7/2021

 

Sau một tháng trú ẩn tại nhà riêng của người thân, vào ngày 30 tháng 6, blogger Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova) đã bị lực lượng an ninh thuộc Sở Công an Hà Nội bắt giữ. Gia đình ông nói với tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (DTD) rằng nhà hoạt động 50 tuổi đã bị bắt tại nhà dì của ông ở huyện Ứng Hòa. Hiện tại, ông Dũng bị giam tại Trại tạm giam số 1 của Sở Công an thủ đô Hà Nội.

Như Người Bảo vệ Nhân quyền đã đưa tin, vào cuối tháng 5, một nhóm sỹ quan an ninh và cảnh sát của Hà Nội đã đến nhà riêng của ông Dũng ở quận Hà Đông để bắt ông nhưng ông không có ở nhà. Vài ngày sau, công an thành phố phát lệnh truy nã đặc biệt trong nước để tạm giam ông với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. Ông Dũng, một trong những người hoạt động chống Trung Quốc tích cực trong thập kỷ qua và là một Facebooker nổi tiếng với các nạn nhân của sự bất công, sẽ phải đối mặt với án tù từ 7 đến 12 năm nếu bị kết tội.

Ông sẽ bị giam giữ không được gặp luật sư và người thân trong ít nhất bốn tháng, một thông lệ phổ biến trong các vụ án chính trị.

Cùng ngày, lực lượng an ninh ở tỉnh Quảng Ngãi đã bắt giữ 3 Facebooker ở địa phương tên là Bạch Văn Hiền, Phùng Thanh Tuyền, Lê Trung Thu với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự chỉ vì các bình luận và chia sẻ chỉ trích chế độ toàn trị của Việt Nam trên Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất ở quốc gia Đông Nam Á.

Với những vụ bắt giữ này, chế độ độc tài toàn trị của Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 16 nhà hoạt động trong nửa đầu năm nay, nâng tổng số tù nhân lương tâm lên 256 người tính đến ngày 30 tháng 6, theo số liệu thống kê mới nhất của Người Bảo vệ Nhân quyền.

Trong khi đó, nhà cầm quyền Hà Nội dự kiến ​​tổ chức phiên xử sơ thẩm vào ngày 9/7 để xét xử blogger Phạm Chí Thanh (tức Phạm Thành), người có blogger là Bà Đầm Xoè. Ông Thành, 69 tuổi, bị bắt vào ngày 21/5/2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vì đã chỉ trích gay gắt chế độ cộng sản Việt Nam và các lãnh đạo cấp cao của nó, bao gồm cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng cộng sản cầm quyền. Rất ít cơ hội cho việc ông Thanh được trả tự do trong bối cảnh thiếu tòa án độc lập ở Việt Nam. Ông phải đối mặt với án tù từ bảy năm đến 12 năm tù.

===== 30/6 =====

Blogger Lê Dũng Vova bị bắt sau khi bị truy nã đặc biệt

Sáng ngày 30/6, nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đã bắt giữ blogger Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova) sau gần 1 tháng công bố lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc.

Gia đình ông cho biết công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ ông Dũng tại nhà người dì ở huyện Ứng Hoà. Công an bắt cả người dì này và một người cháu họ, và không rõ đưa họ đi đâu. Truyền thông nhà nước chưa thấy đưa tin về vụ bắt giữ này.

Cuối tháng trước, công an thành phố Hà Nội đến nhà riêng của ông Dũng ở quận Hà Đông để bắt giữ ông nhưng ông không có ở nhà. Nhà chức trách đã đọc lệnh bắt và khám nhà, thu giữ hai điện thoại và một laptop của vợ ông, bà Bùi Thị Huệ.

Vài ngày sau, Sở Công an thành phố Hà Nội công bố lệnh truy nã đặc biệt đối với ông Dũng, người bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án từ 7 năm đến 12 năm tù giam.

Bà dì và người cháu họ có thể bị khởi tố về cáo buộc “không tố giác tội phạm” và mức án có thể lên tới nhiều năm tù giam.

Ông Dũng là một trong số những người đầu tiên tham gia biểu tình ở Hà Nội năm 2011 chống Trung Cộng bành trướng ở Biển Đông. Nhiều năm gần đây, ông tham gia nhóm Chấn hưng nước Việt với nhiều chương trình livestream mang tên CHTV với mục tiêu cung cấp thông tin độc lập với truyền thông nhà nước và bình luận một số vấn đề của đất nước. Ông cũng đăng tải nhiều bài viết và phỏng vấn dân oan- nạn nhân của bất công và oan trái trong xã hội cộng sản độc tài toàn trị ở Việt Nam.

Trong nhiều tháng gần đây, công an cộng sản thành phố Hà Nội đã sách nhiễu và triệu tập ông nhiều lần lên đồn để điều tra về 12 video clip của ông có nội dung “chống phá chế độ.” Tuy nhiên, ông chỉ công nhận 6 videoclip là của mình và số còn lại là cắt ghép hình ảnh và được đăng tải ở một số tài khoản Facebook mà ông Dũng nói không phải của ông.

Ngày 25/5, báo của công an Việt Nam quy kết ông là điển hình của “số chống đối trong nước nhằm gây nhiễu loạn, phá hoại cuộc bầu cử ở Việt Nam.”

——————–

Ba Facebooker ở Quảng Ngãi bị bắt với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”

Truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ngãi đã bắt giữ 3 công dân địa phương với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì đăng và chia sẻ bài viết chỉ trích chế độ trên Facebook.

Dẫn nguồn tin từ công an tỉnh Quảng Ngãi, báo chí trong nước đưa tin ba người mới bị bắt là của ông Bạch Văn Hiền- sinh năm 1987, Phùng Thanh Tuyến- sinh năm 1983, và ông Lê Trung Thu- sinh năm 1980. Cả ba đều trú tại thành phốQuảng Ngãi. Họ bị tạm giam 2 tháng để điều tra và đối mặt với án tù có thể lên tới 7 năm nếu bị kết tội. Công an cũng khám xét nơi ở của họ, tuy nhiên, báo chí không nói chi tiết về việc này.

Công an Quảng Ngãi nói cả ba ông đã đăng tải trên Facebook thông tin, tài liệu có nội dung chỉ trích toà án, công an, quân đội, thanh tra, đài truyền hình trung ương VTV, tuyên giáo và cá nhân nhiều lãnh đạo của chế độ.

Công an còn nói đã từng đe doạ ba người này nhằm buộc họ ngừng hoạt động trực tuyến trước khi bắt giữ họ.

Trong thời gian gần đây, cộng sản Việt Nam bắt giữ nhiều Facebooker với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” hoặc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự nhằm đối phó với làn sóng chỉ trích chế độ và ban lãnh đạo về nhiều vấn đề của đất nước. Trong tháng 6, hai Facebooker Đặng Ngọc Minh và Cao Văn Dũng bị kết án 7 năm tù và 9 năm tù vì đăng và chia sẻ bài có nội dung “chống phá” chế độ.

=====

Bắc Ninh cắt điện và Intenet nhằm buộc gia đình chông Trần Đức Độ

Nhà cầm quyền tỉnh Bắc Ninh đã cắt điện và Internet cùng phá sóng điện thoại để ngăn cản người dân và gia đình bảo quản thi hài người lính Trần Đức Đô chết bất thường trong khi huấn luyện quân sự.

Nhiều nguồn tin trên Facebook nói rằng lý do “tự tử” mà phía quân đội đưa ra không hợp lý nên cả làng Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã đồng lòng cùng gia đình người lính này chưa an táng mà giữ thi hài của anh ở nghĩa trang địa phương cho đến khi nào nhận được câu trả lời thoả đáng.

Vì không có điện nên người dân phải sử dụng máy nổ để phát điện làm lạnh quan tài của người lính trẻ. Việc phá sóng điện thoại và cúp Internet có mục đích ngăn người dân đưa tin lên mạng xã hội.

Trước đó, nhà xác các bệnh viện ở gần Bắc Ninh đã từ chối bảo quản thi thể của Đô, có lẽ họ nhận được yêu cầu của công an và quân đội, hai lực lượng bảo vệ chế độ.

Không rõ người dân Đa Hội có thể cầm cự được đến bao giờ trước các đòn bẩn của nhà cầm quyền địa phương.

Bộ quốc phòng cộng sản Việt Nam tuyên bố sẽ điều tra về cái chết của anh lính Đô trong khi ban chỉ huy Quân khu 1 vẫn khăng khăng với lý do “tự tử” cho dù thi thể của người lính này không có các biểu hiện của người chết vì treo cổ nhưng lại có nhiều vết thương khắp cơ thể.

Vấn đề bạo lực trong quân đội không hề mới ở Việt Nam khi có nhiều vụ người lính bị đánh đập bởi chỉ huy hoặc đồng đội của mình. Cộng sản Việt Nam luôn phủ nhận điều này và thường vu cáo những người lên tiếng về vấn đề này là “thế lực thù địch.”

Năm 2004, truyền thông nhà nước đăng thông tin sáu quân nhân đánh chết một quân nhân khác vì cho rằng quân nhân này vi phạm kỷ luật quân đội và phải bị xử phạt.

===== July 2 =====

Nhà báo Mai Phan Lợi bị bắt với cáo buộc trốn thuế

Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin vào ngày 02/7, công an cộng sản thành phố Hà Nội đã bắt giữ nhà báo Mai Phan Lợi với cáo buộc “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự.

Nhà báo Mai Phan Lợi từng là phó tổng thư ký toà soạn, trưởng văn phòng đại diện báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Năm 2016, ông bị thu hồi thẻ nhà báo sau khi tiến hành một cuộc thăm dò trên một diễn đàn trên Facebook về vụ máy bay CASA 212 của quân đội Việt Nam mất tích.

Trong quyết định rút thẻ nhà báo của ông Lợi, bộ thông tin và truyền thông cáo buộc ông Lợi đã “xúc phạm nghiêm trọng danh dự của quân đội nhân dân Việt Nam, gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sỹ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ; làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo.”

Ông Lợi cũng là người thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm trực tuyến trên mạng xã hội Facebook (nhóm Góc nhìn Báo chí – Công dân) với nhiều chuyên gia trong nước về một số vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường của quốc gia.

Năm 2016, ông là một trong sáu người đại diện cho một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam gặp Tổng thống Barack Obama ở Hà Nội trong chuyến thăm của tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ tới Việt Nam.

Vụ bắt giữ ông Lợi với cáo buộc trốn thuế dường như mang tính chính trị, nhằm bịt miệng một nhà báo dám nêu lên các vấn đề của đất nước. Nhiều nhà bất đồng chính kiến từng bị kết án về tội danh “trốn thuế” như blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và luật sư Lê Quốc Quân.

Cộng sản Việt Nam liên tục bị tổ chức Ký giả Không Biên giới xếp vào nhóm cuối của Chỉ số tự do báo chí toàn cầu trong nhiều năm gần đây.

=====================
Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây