Ông Lê Thế Thắng của nhóm Báo Sạch bị khởi tố

OTHERS
Từ trái qua: ông Đoàn Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nhã và ông Nguyễn Phước Trung Bảo thuộc nhóm Báo Sạch

Ông Thắng là người thứ năm thuộc nhóm Báo Sạch bị khởi tố, sau các ông Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Thanh Nhã.

BBC, ngày 07/7/2021

Tối 6/7, Công an thành phố Cần Thơ thông tin Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Lê Thế Thắng (39 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội) để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Liên quan đến hoạt động của nhóm Báo Sạch, vào ngày 17/12/2020, công an đã khởi tố và bắt tạm giam ông Trương Châu Hữu Danh.

Tiếp đó, vào ngày 20/4, các thành viên khác của nhóm Báo Sạch là Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo và Đoàn Kiên Giang cũng bị Cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Cần Thơ khởi tố, bắt tạm giam về tội danh tương tự.

Theo Cơ quan An ninh điều tra, ông Lê Thế Thắng là người trực tiếp xóa fanpage Báo Sạch sau khi nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị bắt nhưng cơ quan an ninh đã trích xuất, lưu trữ được các bài viết liên quan. Ông cũng là người phụ trách kỹ thuật, ảnh, quay phim, dựng phim, kiêm biên tập viên và phát triển kênh YouTube Báo Sạch, fanpage Báo Sạch và nhóm Làm Báo Sạch trên Facebook.

Công an nói gì?

Báo Thanh Niên trích dẫn kết quả của Cơ quan An ninh điều tra viết: “Tháng 8/2019, Trương Châu Hữu Danh và các bị can khác tạo trang fanpage ‘Báo Sạch’, group ‘Làm Báo Sạch’ và kênh YouTube ‘BS Chanel’ rồi viết, đăng tải nhiều bài đều là các chủ đề ‘nóng’ được dư luận quan tâm như vụ án Hồ Duy Hải, Asanzo, vụ án Đồng Tâm, Trường Tôn Đức Thắng, hạn mặn miền Tây, bài viết về cấm xuất khẩu gạo trong đợt dịch Covid-19, cưỡng chế tại Gia Trang Quán…”

Công an cho biết sau khi ông Trương Châu Hữu Danh bị bắt, các thành viên còn lại đã tự động rời nhóm, xóa fanpage Báo Sạch và kênh YouTube BS Chanel.

Danh
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh

Tờ báo này viết tiếp: “Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ, Bộ Công an đã trích xuất, lưu giữ được 47 bài viết trên fanpage ‘Báo Sạch’ và group ‘Làm Báo Sạch’ cùng một số bài viết trên trang cá nhân của thành viên trong nhóm.”

“Sau đó, Cơ quan ANĐT xác định trong 47 bài trên thì Nguyễn Phước Trung Bảo viết, đăng 18 bài; Trương Châu Hữu Danh viết, đăng 7 bài; Nguyễn Thanh Nhã viết, đăng 4 bài; Giang viết, đăng 14 bài; còn Lê Thế Thắng đã chia sẻ một bài của người khác đăng trên ‘Báo Sạch’; còn lại 6 bài các bị can không nhớ người viết và đăng.”

Zingnews cũng cho hay “Cơ quan An ninh điều tra còn tìm thấy chứng cứ việc Hữu Danh cùng các bị can thông qua hoạt động của fanpage Báo Sạch đã nhận hơn 2,8 tỷ đồng để làm truyền thông, quảng bá thương hiệu và tư vấn pháp lý cho 8 doanh nghiệp, cá nhân ở nhiều địa phương. Hành vi này được nhà chức trách tiếp tục xác minh, làm rõ.”

Báo chí Việt Nam
Một sạp hàng khác với nhiều ấn phẩm báo chí Việt Nam được bầy bán trên vỉa hè

Cơ quan An ninh Điều tra nhận định các bài viết trên “có nội dung không đúng sự thật, thiếu kiểm chứng, suy diễn chủ quan của các bị can đã xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, gây ảnh hưởng đến vai trò quản lý đất nước, quản lý nhà nước tại các địa phương, gây hoang mang, nghi ngờ, làm mất ổn định về lòng tin trong nhân dân, tạo ra sự bất ổn trong xã hội…”

Công an cũng cho rằng hành vi phạm tội của nhóm Báo Sạch diễn ra trong thời gian dài, có tổ chức, phạm tội nhiều lần với nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau.

Báo Quân đội nhân dân ngày 12/10/2020 có bài viết “Xử lý nghiêm chiêu trò tiếp tay truyền thông đen phá hoại đại hội Đảng, trong đó có đoạn nhận xét về nhóm Báo Sạch:

“Báo Sạch bao gồm những đối tượng thường xuyên viết bài với nội dung phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đả phá chế độ XHCN, đòi đa nguyên, đa đảng… đã mở một chiến dịch thông tin, liên tục bóp méo, nói xấu Đảng, Nhà nước, xuyên tạc ngành giáo dục và đại hội đảng các cấp.”

Về tội danh của nhóm Báo Sạch

Các thành viên của nhóm Báo Sạch gồm Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang và mới nhất là Lê Thế Thắng đều bị khởi tố theo Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nội dung điều luật này như sau: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Ý kiến luật sư

Sau khi nhóm nhà báo này bị khởi tố, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Thế giới Luật pháp nhận định với BBC News Tiếng Việt hôm 22/4 rằng “đọc qua thì có vẻ điều luật này rất rõ ràng, dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì chúng ta mới thấy nó rất mù mờ và dẫn đến sự tùy tiện trong việc áp dụng. Chính những người áp dụng pháp luật cũng biết điều này.”

Ông Sơn phân tích: “Điều luật xuất hiện hai từ ‘lợi dụng’ và ‘xâm phạm’. Hai từ này làm nhiều người liên tưởng đến người không tử tế và có hành vi gây thiệt hại cho người khác nên rất dễ đồng cảm và chấp nhận điều luật này.”

“Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do, tự do lập hội… là các quyền hiến định. Tuy nhiên, hiện nay không có tiêu chí nào để xác định đâu là ‘sử dụng’ và đâu là ‘lợi dụng’ cả nên người sử dụng các quyền hiến định này rất dễ bị quy kết là lợi dụng,” ông Sơn lý giải.

Luật sư Sơn còn phân tích rằng, khi nói đến việc xâm phạm lợi ích của nhà nước thì điều luật này không phân biệt lợi ích đó có hợp pháp, có chính đáng hay không.

“Khi nhà nước làm sai, cán bộ làm sai, người dân làm đúng các trình tự thủ tục luật định nhưng quyền lợi của họ không được đảm bảo và họ buộc phải dùng đến phương tiện báo chí, mạng xã hội để công khai hóa toàn bộ sự việc cho nhân dân giám sát. Trong trường hợp như thế, chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước liên quan. Chính vì vậy nên người dân rất dễ bị cáo buộc vi phạm điều luật này,” ông Sơn nhận định.

NHAC NGUYEN/Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,NHAC NGUYEN/GETTY IMAGES

Trước đó, bình luận với BBC News Tiếng Việt về vụ bắt giữ ông Trương Châu Hữu Danh, luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội nhận định: “Điều 331 vốn phát triển từ Điều 258 Bộ luật Hình sự cũ. Tôi đã tham gia nhiều vụ án tương tự như thế này, tôi biết rằng những yếu tố cấu thành nên tội này rất mơ hồ.”

Luật sư Tuấn nói thêm: “Đa số người bị bắt với cáo buộc vi phạm Điều 331 và một số điều khác liên quan đến an ninh quốc gia, thực tế chỉ do việc họ ‘gõ bàn phím’ chứ không có hành vi nào thực sự gây nguy hại cho an ninh quốc gia như cáo buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”