Trước phiên toà kín xử nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, tổ chức Ân xá Quốc tế nói chính phủ Việt Nam đang làm xấu vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách vi phạm quyền con người của người dân.
Cùng với Ân xá Quốc tế (Amnesty International), các tổ chức phi chính phủ khác như Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cũng ra tuyên bố kêu gọi Nhà nước Việt Nam bãi bỏ các cáo buộc chống lại ông Thắng và trả tự do cho ông ngay lập tức.
Ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động nhân quyền và người có những đóng góp cho trang blog của Đài Á Châu Tự Do, bị bắt vào đầu tháng 7 năm ngoái với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đem ông ra xử kín vào ngày 12/4, ông sẽ đối mặt với án tù từ năm năm đến 12 năm nếu bị kết tội.
Nhà báo Lê Bích Vượng, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 11/4 bày tỏ sự cảm kích trước sự lên tiếng của các tổ chức quốc tế đồng thời khẳng định:
“Đối diện với những cáo buộc, anh Nguyễn Lân Thắng cho rằng anh chỉ thực hiện quyền biểu đạt và tự do báo chí, thực hiện trách nhiệm của công dân trước việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, môi trường, quyền con người, và phản đối bất công trong xã hội.
Gia đình tôi cũng không có nguyện vọng gì lớn lao, chỉ muốn sau ngày mai anh Thắng có thể được trả tự do và được về nhà như bé Đậu nhà tôi có nói: Ước gì sau ngày mai bố có thể về nhà.”
Bé Đậu là con gái đầu của ông Thắng. Năm 2014 ông viết “Thư gửi bé Đậu” qua đó khẳng định “Bố không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con.”
Ngày 10/4, Ân xá Quốc tế ra thông cáo, trong đó, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc phụ trách vận động khu vực cho hay:
“Trong hơn một thập niên qua, Nguyễn Lân Thắng đã thực hiện công việc quan trọng là ghi lại các cuộc biểu tình và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bất chấp bầu không khí trừng phạt ngày càng tồi tệ nhắm vào những người chỉ trích nhà nước.
Hoạt động và báo cáo ôn hòa của ông nên được hoan nghênh như một phần của cuộc tranh luận công khai hợp pháp, nhưng thay vào đó ông đang phải đối mặt với nhiều năm tù.”
Ân xá Quốc tế nói phiên toà xử ông nhằm bịt miệng những cây bút dũng cảm, qua đó bảo đảm sự phục tùng chế độ.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London (Anh quốc) nói phiên toà sắp tới là bất công vì ông Nguyễn Lân Thắng không được gặp gia đình và không được tiếp cận với luật sư trong thời gian dài sau khi bị bắt.
“Việt Nam tiếp tục làm xấu vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách vi phạm nhân quyền của người dân. Cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Lân Thắng và cùng với tất cả các nhà báo, nhà hoạt động và nhà phê bình nhà nước khác đang bị bỏ tù theo Điều 117, ông nên được trả tự do ngay lập tức,” đại diện của Ân xá Quốc tế nói.
Ngay trước phiên tòa chỉ một ngày, CPJ ra thông cáo báo chí kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động đa lĩnh vực và là blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA) từ năm 2013 cho đến khi ông bị bắt.
Dẫn lời Trưởng phụ trách báo chí của RFA Rohit Mahajan, CPJ nói ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt vì các hoạt động báo chí, cụ thể là 12 video về tình hình Việt Nam được ông chia sẻ trên Youtube và Facebook với hơn 157.000 người theo dõi.
Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á, nói trong thông cáo báo chí:
“Nguyễn Lân Thắng đã bị giam giữ hơn chín tháng vì các hoạt động báo chí của mình. Nhà chức trách Việt Nam phải hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại ông, và ngay lập tức trả tự do cho ông ấy cùng tất cả các nhà báo khác bị giam giữ sai trái sau song sắt trong nước.”
Vào thứ ba, tổ chức HRW có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) cũng ra tuyên bố về nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng. Trong thông cáo báo chí, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban châu Á của HRW cho biết ông Nguyễn Lân Thắng bắt đầu quá trình hoạt động bằng việc tham dự các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vi phạm lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông năm 2011. Sau đó, ông mở rộng hoạt động của mình sang các lĩnh vực khác như môi trường, thiện nguyện, trợ giúp dân oan, và chống thu hồi đất đai mà không đền bù thoả đáng cho người dân ở nhiều địa phương.
“Nhà cầm quyền Việt Nam chà đạp lên nhân quyền một cách có hệ thống bằng cách trừng phạt những người viết blog dũng cảm như Nguyễn Lân Thắng chỉ vì họ đã bày tỏ quan điểm của mình về chính quyền. Chính phủ các quốc gia hữu quan, bao gồm các đối tác thương mại ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và Nhật Bản cần lên án tình trạng đàn áp tự do ngôn luận và kêu gọi phóng thích Nguyễn Lân Thắng,” ông Phil Robertson nói.
Đại diện của HRW nói tuy là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhưng Việt Nam có hồ sơ nhân quyền đặc biệt tồi tệ và đáng xấu hổ.
“Chính quyền Việt Nam nên phóng thích Nguyễn Lân Thắng và bất kỳ ai đang bị giam giữ chỉ vì ôn hòa thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình,” ông nói.
Vài ngày trước phiên toà xử ông Nguyễn Lân Thắng, cha mẹ của ông là phó giáo sư Nguyễn Lân Tráng và tiến sĩ Trần Thảo Nguyên, gửi thư đến Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội bày tỏ kỳ vọng về một phiên toà đúng đắn, minh bạch, và con trai của họ sẽ được trả tự do vì “chưa bao giờ làm điều gì sai với gia đình, đất nước và lương tâm” và “sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội” khi lên tiếng phản đối tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước.
Nói về cáo trạng chống lại con trai, hai ông bà cho rằng việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là “tội chống chính quyền” và việc lưu giữ sách được bạn bè tặng không thể là “tội tàng trữ tài liệu có thông tin xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân.”
Hai ông bà có nhiều khả năng không được tham dự phiên toà kín xử con trai của mình. Chỉ có vợ của ông Nguyễn Lân Thắng là bà Lê Bích Vượng nhận được giấy mời vào toà với tư cách là người có quyền lợi liên quan.
Trong lần gặp luật sư gần đây nhất, ông Nguyễn Lân Thắng thông báo đã gửi kiến nghị yêu cầu Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên toà công khai vì trường hợp của ông không nằm trong những trường hợp cần xử kín, và việc xử kín có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới quyền bào chữa của ông.
Một nhà hoạt động ẩn danh vì lý do an ninh ở Hà Nội cho rằng hình thức xử kín ông Nguyễn Lân Thắng có thể sẽ đặt ra tiền lệ để xét xử những người bất đồng chính kiến trong tương lai. RFA
April 11, 2023
Xử ông Nguyễn Lân Thắng: “Việt Nam đang làm xấu vị trí trong Hội đồng Nhân quyền!”
by Defend the Defenders • [Human Rights]
Trước phiên toà kín xử nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, tổ chức Ân xá Quốc tế nói chính phủ Việt Nam đang làm xấu vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách vi phạm quyền con người của người dân.
Cùng với Ân xá Quốc tế (Amnesty International), các tổ chức phi chính phủ khác như Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cũng ra tuyên bố kêu gọi Nhà nước Việt Nam bãi bỏ các cáo buộc chống lại ông Thắng và trả tự do cho ông ngay lập tức.
Ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động nhân quyền và người có những đóng góp cho trang blog của Đài Á Châu Tự Do, bị bắt vào đầu tháng 7 năm ngoái với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đem ông ra xử kín vào ngày 12/4, ông sẽ đối mặt với án tù từ năm năm đến 12 năm nếu bị kết tội.
Nhà báo Lê Bích Vượng, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 11/4 bày tỏ sự cảm kích trước sự lên tiếng của các tổ chức quốc tế đồng thời khẳng định:
“Đối diện với những cáo buộc, anh Nguyễn Lân Thắng cho rằng anh chỉ thực hiện quyền biểu đạt và tự do báo chí, thực hiện trách nhiệm của công dân trước việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, môi trường, quyền con người, và phản đối bất công trong xã hội.
Gia đình tôi cũng không có nguyện vọng gì lớn lao, chỉ muốn sau ngày mai anh Thắng có thể được trả tự do và được về nhà như bé Đậu nhà tôi có nói: Ước gì sau ngày mai bố có thể về nhà.”
Bé Đậu là con gái đầu của ông Thắng. Năm 2014 ông viết “Thư gửi bé Đậu” qua đó khẳng định “Bố không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con.”
Ngày 10/4, Ân xá Quốc tế ra thông cáo, trong đó, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc phụ trách vận động khu vực cho hay:
“Trong hơn một thập niên qua, Nguyễn Lân Thắng đã thực hiện công việc quan trọng là ghi lại các cuộc biểu tình và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bất chấp bầu không khí trừng phạt ngày càng tồi tệ nhắm vào những người chỉ trích nhà nước.
Hoạt động và báo cáo ôn hòa của ông nên được hoan nghênh như một phần của cuộc tranh luận công khai hợp pháp, nhưng thay vào đó ông đang phải đối mặt với nhiều năm tù.”
Ân xá Quốc tế nói phiên toà xử ông nhằm bịt miệng những cây bút dũng cảm, qua đó bảo đảm sự phục tùng chế độ.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London (Anh quốc) nói phiên toà sắp tới là bất công vì ông Nguyễn Lân Thắng không được gặp gia đình và không được tiếp cận với luật sư trong thời gian dài sau khi bị bắt.
“Việt Nam tiếp tục làm xấu vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách vi phạm nhân quyền của người dân. Cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Lân Thắng và cùng với tất cả các nhà báo, nhà hoạt động và nhà phê bình nhà nước khác đang bị bỏ tù theo Điều 117, ông nên được trả tự do ngay lập tức,” đại diện của Ân xá Quốc tế nói.
Ngay trước phiên tòa chỉ một ngày, CPJ ra thông cáo báo chí kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động đa lĩnh vực và là blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA) từ năm 2013 cho đến khi ông bị bắt.
Dẫn lời Trưởng phụ trách báo chí của RFA Rohit Mahajan, CPJ nói ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt vì các hoạt động báo chí, cụ thể là 12 video về tình hình Việt Nam được ông chia sẻ trên Youtube và Facebook với hơn 157.000 người theo dõi.
Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á, nói trong thông cáo báo chí:
“Nguyễn Lân Thắng đã bị giam giữ hơn chín tháng vì các hoạt động báo chí của mình. Nhà chức trách Việt Nam phải hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại ông, và ngay lập tức trả tự do cho ông ấy cùng tất cả các nhà báo khác bị giam giữ sai trái sau song sắt trong nước.”
Vào thứ ba, tổ chức HRW có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) cũng ra tuyên bố về nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng. Trong thông cáo báo chí, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban châu Á của HRW cho biết ông Nguyễn Lân Thắng bắt đầu quá trình hoạt động bằng việc tham dự các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vi phạm lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông năm 2011. Sau đó, ông mở rộng hoạt động của mình sang các lĩnh vực khác như môi trường, thiện nguyện, trợ giúp dân oan, và chống thu hồi đất đai mà không đền bù thoả đáng cho người dân ở nhiều địa phương.
“Nhà cầm quyền Việt Nam chà đạp lên nhân quyền một cách có hệ thống bằng cách trừng phạt những người viết blog dũng cảm như Nguyễn Lân Thắng chỉ vì họ đã bày tỏ quan điểm của mình về chính quyền. Chính phủ các quốc gia hữu quan, bao gồm các đối tác thương mại ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và Nhật Bản cần lên án tình trạng đàn áp tự do ngôn luận và kêu gọi phóng thích Nguyễn Lân Thắng,” ông Phil Robertson nói.
Đại diện của HRW nói tuy là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhưng Việt Nam có hồ sơ nhân quyền đặc biệt tồi tệ và đáng xấu hổ.
“Chính quyền Việt Nam nên phóng thích Nguyễn Lân Thắng và bất kỳ ai đang bị giam giữ chỉ vì ôn hòa thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình,” ông nói.
Vài ngày trước phiên toà xử ông Nguyễn Lân Thắng, cha mẹ của ông là phó giáo sư Nguyễn Lân Tráng và tiến sĩ Trần Thảo Nguyên, gửi thư đến Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội bày tỏ kỳ vọng về một phiên toà đúng đắn, minh bạch, và con trai của họ sẽ được trả tự do vì “chưa bao giờ làm điều gì sai với gia đình, đất nước và lương tâm” và “sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội” khi lên tiếng phản đối tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước.
Nói về cáo trạng chống lại con trai, hai ông bà cho rằng việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là “tội chống chính quyền” và việc lưu giữ sách được bạn bè tặng không thể là “tội tàng trữ tài liệu có thông tin xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân.”
Hai ông bà có nhiều khả năng không được tham dự phiên toà kín xử con trai của mình. Chỉ có vợ của ông Nguyễn Lân Thắng là bà Lê Bích Vượng nhận được giấy mời vào toà với tư cách là người có quyền lợi liên quan.
Trong lần gặp luật sư gần đây nhất, ông Nguyễn Lân Thắng thông báo đã gửi kiến nghị yêu cầu Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên toà công khai vì trường hợp của ông không nằm trong những trường hợp cần xử kín, và việc xử kín có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới quyền bào chữa của ông.
Một nhà hoạt động ẩn danh vì lý do an ninh ở Hà Nội cho rằng hình thức xử kín ông Nguyễn Lân Thắng có thể sẽ đặt ra tiền lệ để xét xử những người bất đồng chính kiến trong tương lai. RFA