Đạo Cao Đài là tôn giáo bản địa, dung hợp nhiều yếu tố từ các tôn giáo lớn trong thần học của mình như Cơ Đốc giáo, Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.
Dù đại diện cho một ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa hay một tôn giáo mới có sức hấp dẫn lớn nhưng sự mở rộng của đạo Cao Đài trong phạm vi công chúng Việt Nam đã dẫn đến việc các nhóm tín đồ Cao Đài chia rẽ thành các nhánh hay chi phái khác nhau. Cũng từ đó, chúng dẫn đến quá trình tập hợp các thành phần quyền lực, lợi ích chính trị và chiến lược khác nhau.
Vì vậy, các phe phái bên trong Cao Đài tất nhiên không thoát được thế cuộc nhiễu nhương và buộc phải lựa chọn ngặt nghèo trong thời Nhật chiếm đóng (1941-1945), chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954), chiến tranh Đông Dương lần thứ hai hay Chiến tranh Việt Nam (1955-1975). Những xung đột liên hồi làm rung chuyển hệ thống thần học ủng hộ hòa bình và các giá trị về “tình huynh đệ phổ quát” của đạo Cao Đài.
Trong giai đoạn 1940 – 1965, các nhà lãnh đạo Cao Đài đã phải đưa ra nhiều lựa chọn quan trọng liên quan đến vấn đề đấu tranh vũ trang, hợp tác chiến lược, lựa chọn đồng minh và cả về phương diện ngoại giao. Vậy họ đã lựa chọn như thế nào?
Trong bài viết này, người viết xin giới thiệu nghiên cứu “Caodaism in Times of War: Spirits of Struggle and Struggle of Spirits” (tạm dịch Đạo Cao Đài thời chiến: Tinh thần tranh đấu và Đấu tranh cho tinh thần) của tác giả Jérémy Jammes, được đăng tải trên Journal of Social Issues in Southeast Asia (Tạp chí Các vấn đề xã hội ở Đông Nam Á). [1]
Trong nghiên cứu của mình, tác giả giải quyết các câu hỏi về sự tác động của những xung đột vũ trang đến các nhà lãnh đạo đạo Cao Đài, các công cụ quyền lực mà họ sử dụng để đối phó với bạo loạn trong thời chiến, chiến lược chính trị và nỗ lực của họ trong việc hạn chế những nguy cơ về an ninh, cùng kế hoạch thống nhất dân tộc của mình.
Việc nhấn mạnh tiểu sử của ba vị lãnh đạo quan trọng của đạo Cao Đài là Phạm Công Tắc, Cao Triều Phát và Trần Văn Quế sẽ khắc họa sự quyền biến trong việc lựa chọn đồng minh, làm rõ những bất đồng chính kiến và cả những xung đột nội bộ, đồng thời cũng làm rõ điểm tương đồng mấu chốt ở mong muốn sau cùng của họ, đó chính là biến đạo Cao Đài thành “quốc đạo” (từ được tác giả của nghiên cứu sử dụng) của Việt Nam.
***
Nghiên cứu bắt đầu bằng việc khái quát những đặc điểm quan trọng của đạo Cao Đài như: nền tảng thần học, nghi lễ hay về tham vọng không gian của đạo, đồng thời cũng nêu lên phạm vi diễn giải của nghiên cứu cho việc tìm hiểu về xung đột chiến tranh và tôn giáo.
Tác giả đề cập đến tầm nhìn chính trị của đạo Cao Đài gắn với bốn đặc trưng, bao gồm:
Hình thức cơ bút để liên hệ với các đấng,
Dự án không tưởng về việc hình thành một “quốc đạo”,
Vấn đề quản trị sinh học trong chiến tranh (xử lý binh sĩ thương vong, chăm sóc người thất nghiệp, người di tản bởi chiến sự)
Hình thức quân chủ kiểu mới mang hơi hướng của thuyết Thiên niên kỷ.
Do tính chất quần chúng và số lượng lớn các chức sắc của đạo Cao Đài thuộc tầng lớp thị dân, công chức nhà nước, tôn giáo này đã thiết lập được một mạng lưới quản lý xã hội mạnh mẽ đối với một bộ phận cư dân Nam Kỳ, và sau này là Việt Nam Cộng hòa. Nói cách khác, với số lượng và mật độ cao như vậy, các tín đồ Cao Đài là thành tố thúc đẩy bộ máy tôn giáo hoạt động một cách thiết thực và chặt chẽ.
***
Nghiên cứu còn đề cập đến các lực lượng Cao Đài hoạt động chính trị giai đoạn từ 1940 – 1965, phạm vi hành động của họ, các quyết định mang tính chiến lược về quân sự và ngoại giao mà họ đã thực hiện trong suốt giai đoạn loạn lạc này.
Đầu tiên có thể kể đến Hộ pháp Phạm Công Tắc. Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, các tín đồ Cao Đài đã tham gia phong trào Phục Quốc của hoàng tử Cường Để (được cho là hậu duệ trực tiếp của vua Gia Long, nhưng những người cai trị nhà Nguyễn bấy giờ và chế độ thực dân Pháp đều không công nhận ông). Phạm Công Tắc không hề giấu mong muốn phục chức cho Cường Để để nắm quyền lực chính trị, với tham vọng thiết lập một chính quyền trung ương và ba chính quyền địa phương có quyền tự trị tương đối.
Vào những năm 1940, các chức sắc đạo Cao Đài đã giương cao lá cờ đứng về phía phe Trục, với mong muốn chiến thắng của phe Trục sẽ giúp khôi phục triều đại Cường Để và tuyên bố đạo Cao Đài là tôn giáo của chế độ quân chủ lập hiến.
Chính quyền Pháp sau đó can thiệp bằng cách đóng cửa Tòa thánh Tây Ninh, đàn áp các chức sắc và đày Phạm Công Tắc đến nhà tù Madagascar. Trước tình hình như vậy, Trần Quang Vinh – một chức sắc cao cấp dưới quyền Phạm Công Tắc – đã nhanh chóng xây dựng một đội quân Cao Đài thân Nhật.
Tuy nhiên, đến khi không còn trông cậy vào quân Nhật nữa, Trần Quang Vinh mới cơ bản chấp nhận ý tưởng đồng thuận với Việt Minh để thành lập một mặt trận chung chống Pháp.
Sau đó, Pháp quyết định đảo ngược tình thế và đưa Phạm Công Tắc trở lại, đề ra thỏa thuận hợp tác chính trị và công nhận Cộng hòa Nam Kỳ tự trị đối với các tín đồ Cao Đài. Khi trở về từ đời sống lưu vong, Phạm Công Tắc đã công khai kêu gọi những người đồng đạo của mình cộng tác với Pháp.
Tháng 9/1946, Việt Minh phát động một chiến dịch đàn áp đẫm máu chống lại những người theo đạo Cao Đài.
Để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đạo Cao Đài và bảo vệ các tín đồ của họ trước bạo lực và khả năng lạm dụng quyền lực của Việt Minh, các chức sắc đạo Cao Đài đã yêu cầu Pháp tái vũ trang cho họ. Pháp đồng ý cung cấp vũ khí cho các tín đồ Cao Đài và để họ tham gia vào quá trình “bình định” ở tỉnh Tây Ninh. Thỏa thuận này đã khởi xướng một liên minh quân sự lâu dài giữa Tòa thánh Tây Ninh và Pháp.
Tuy nhiên, Tòa thánh Tây Ninh sau đó đã lợi dụng quyền tự do hành động của mình để tạo ra đội quân riêng bảo vệ chức sắc Cao Đài và đặc biệt là Phạm Công Tắc. Trần Quang Vinh và Phạm Công Tắc kiểm soát tập trung một số đơn vị mà nhiệm vụ của các đơn vị này là vừa chống Việt Minh, vừa mật báo cho Tòa thánh về ý định và hoạt động của Pháp ở mỗi tỉnh thành.
Giai đoạn Pháp rút khỏi Đông Dương năm 1954, các binh sĩ Cao Đài đã gần như mất hết động lực chiến đấu chống lại Việt Minh, dẫn đến đào ngũ. Để củng cố đội ngũ, các chức sắc tối cao mở rộng cơ cấu quân sự sang một trạng thái mới.
Sau khi đánh bại Pháp ở trận Điện Biên Phủ năm 1954, việc thương lượng giữa chính phủ Pháp và Hồ Chí Minh ở Geneva có thể liên quan đến tương lai đạo Cao Đài. Phạm Công Tắc là thành viên của phái đoàn Cao Đài, đã thực hiện chuyến đi đến Paris gặp Tổng thống Pháp.
Sau chuyến trở về từ Pháp, ưu tiên của Phạm Công Tắc là khôi phục ổn định chính trị ở các vùng lãnh thổ mà Cao Đài còn kiểm soát, nhưng giọng điệu chống cộng sản và chống Công giáo của ông đã thay đổi sau sự tháo chạy của người Pháp, sự chia cắt của Việt Nam và sự nắm quyền của tín đồ Công giáo Ngô Đình Diệm ở khu vực phía Nam.
Chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức gây áp lực, tăng cường đàn áp nhằm tiêu diệt sức mạnh quân sự của Cao Đài vào năm 1955. Phạm Công Tắc sau đó bị lưu đày sang Phnom Penh. Quay cuồng với các cuộc đàn áp, các tín đồ Cao Đài đã trì hoãn dự án tự trị của mình và nhiều tín đồ đã gia nhập phe Việt Minh hoặc lực lượng chính phủ Ngô Đình Diệm, một số thì lẩn trốn.
Dựa vào diễn biến của các cuộc xung đột trong từng khoảng thời gian và địa điểm nhất định, có thể thấy những thay đổi liên tục về cấu trúc và chiến thuật trong các kế hoạch của Phạm Công Tắc sẽ thể hiện rõ về lập trường chính trị, quân sự của Tòa thánh Tây Ninh và của vị Hộ pháp này.
***
Câu chuyện về Phạm Công Tắc đã quá phổ biến ở cả địa hạt chính trị và tôn giáo, điều này làm lu mờ sự chú ý đến hành động của những chức sắc Cao Đài khác, những người chưa hẳn tuân phục quyết định của ông. Điển hình trong trường hợp này là Cao Triều Phát. Sự nghiệp tôn giáo của ông, giống như những quyết định chính trị mà ông đã thực hiện, đều có thể xem là độc nhất vô nhị.
Sau một thời gian ở Pháp, Cao Triều Phát quay về Việt Nam vào năm 1922 để làm chính trị và thành lập Đảng Lao động Đông Dương năm 1926. Ông được bầu vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ năm 1930, nhưng đảng của ông cũng mất dạng vào giai đoạn sau đó. Ông chính thức chuyển sang đạo Cao Đài vào năm 1932.
Ông thành lập giáo phái Cao Đài Minh Chơn Đạo cùng với Trần Đạo Quang, được biết đến như là giáo phái thân cận với cộng sản nhất. Năm 1945, ông trở thành chủ tịch của Cao Đài Hiệp Nhứt 11 Phái, trừ chi phái Tây Ninh.
Cao Triều Phát chính thức gia nhập Việt Minh vào tháng 8/1945 và trở thành Chủ tịch Ủy ban Giải phóng Dân tộc tỉnh Bạc Liêu. Tòa thánh của giáo phái Minh Chơn Đạo được xem như trụ sở kháng chiến của cộng sản tại tỉnh này.
Đầu năm 1946, trước sức ép của quân Pháp, Cao Triều Phát rút vào Tòa thánh, đồng thời thành lập căn cứ kháng chiến cấp tỉnh và cơ quan đầu não của đảng cộng sản tại đây.
Vào ngày 14/10/1947, ông đã thành lập “Hội Cao Đài Cứu quốc 12 phái hợp nhứt”, với tham vọng thành lập một mặt trận Cao Đài – cộng sản yêu nước chống thực dân xâm lược.
Khi ông qua đời, chính phủ do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã tổ chức tang lễ trọng thể, tri ân những đóng góp của ông.
Có thể thấy, sự nghiệp của Cao Triều Phát gắn chặt với Việt Minh và minh chứng cho sự bành trướng sôi động của đạo Cao Đài.
***
Ngoài ra, trong nghiên cứu của mình, tác giả cũng nhắc đến nhà lãnh đạo Cao Đài khác là Trần Văn Quế. Tác giả cho rằng câu chuyện về Trần Văn Quế hầu như không được đề cập nhiều trong các nghiên cứu về lịch sử đạo Cao Đài, mặc dù hành động của ông có tác động lâu dài đến bối cảnh chính trị và nội tình đạo Cao Đài.
Trần Văn Quế được khắc họa như là một nhân vật tham gia từ những ngày đầu trong việc đấu tranh chống ly giáo giữa các tín đồ Cao Đài. Sự chia rẽ nội bộ vẫn luôn được xem như là điểm yếu nội tại của đạo Cao Đài. Trần Văn Quế đã nhìn thấy trong sự chia rẽ đó là cơ hội để hợp lực và phát triển các chiến lược mới nhằm chống lại thế lực thực dân và giúp bản thân ông tránh được sự dính líu đến các hoạt động quân sự của Tòa thánh Tây Ninh.
***
Nhìn chung, làm sáng tỏ tiểu sử và hành trạng của các nhân vật chủ chốt trên vũ đài địa chính trị là một điều phức tạp nhưng cần thiết. Thậm chí, cách tiếp cận này lại được tác giả áp dụng hiệu quả trong việc nghiên cứu các cuộc xung đột ở miền Nam Việt Nam bấy giờ.
Mặc khác, tác giả cũng cho rằng không nên giới hạn việc nghiên cứu chỉ dựa vào tiểu sử của một nhân vật Cao Đài có tên tuổi, nhất là khi đặt chúng trong mối quan hệ giữa chiến tranh và tôn giáo ở Việt Nam.
Tác giả không chỉ lần theo những con đường mà các vị lãnh đạo này đã chọn mà còn xem xét nhiều khía cạnh khác nhau như chiến thuật ngắn hạn hay mục tiêu lâu dài trên các mặt chính trị, tôn giáo và quân sự. Điều này giúp chúng ta có thể dõi theo những chuyển biến trong tham vọng và cá tính của họ khi ở trong tình cảnh chiến tranh.
Trên thực tế, Tòa thánh Tây Ninh không thể có được sự trung thành của tất cả các tín đồ hay nhiều nhánh Cao Đài đã giành được sự kiểm soát và sức ảnh hưởng về mặt thần học và chính trị trong bối cảnh bản địa lúc đó.
Việc tiếp cận đa dạng, suy xét đến các tín đồ Cao Đài không thuộc nhánh Tòa thánh Tây Ninh giúp làm sáng tỏ hơn những đặc điểm không dễ nhận thấy ở chính trường Đông Dương và giải mã những quan hệ quyền lực, các chiến lược hay tác nhân lịch sử thường bị bỏ qua.
Phương pháp nghiên cứu này giúp độc giả tránh sự diễn giải theo lối mòn và định kiến phổ biến trong nhận thức về đạo Cao Đài. Thay vào đó, nó tập trung nhấn mạnh sự phân tán, phát triển và mở rộng không ngừng của các tín đồ Cao Đài ở nhiều nơi với sự thay đổi chiến lược liên tục tùy thuộc bối cảnh thời chiến, góp phần tạo nên cách diễn giải mới cho sự bành trướng sôi động của đạo Cao Đài.
May 2, 2023
Đạo Cao Đài và những chuyển biến phức tạp trong chiến tranh Đông Dương
by Defend the Defenders • [Human Rights]
Đạo Cao Đài là tôn giáo bản địa, dung hợp nhiều yếu tố từ các tôn giáo lớn trong thần học của mình như Cơ Đốc giáo, Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.
Dù đại diện cho một ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa hay một tôn giáo mới có sức hấp dẫn lớn nhưng sự mở rộng của đạo Cao Đài trong phạm vi công chúng Việt Nam đã dẫn đến việc các nhóm tín đồ Cao Đài chia rẽ thành các nhánh hay chi phái khác nhau. Cũng từ đó, chúng dẫn đến quá trình tập hợp các thành phần quyền lực, lợi ích chính trị và chiến lược khác nhau.
Vì vậy, các phe phái bên trong Cao Đài tất nhiên không thoát được thế cuộc nhiễu nhương và buộc phải lựa chọn ngặt nghèo trong thời Nhật chiếm đóng (1941-1945), chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954), chiến tranh Đông Dương lần thứ hai hay Chiến tranh Việt Nam (1955-1975). Những xung đột liên hồi làm rung chuyển hệ thống thần học ủng hộ hòa bình và các giá trị về “tình huynh đệ phổ quát” của đạo Cao Đài.
Trong giai đoạn 1940 – 1965, các nhà lãnh đạo Cao Đài đã phải đưa ra nhiều lựa chọn quan trọng liên quan đến vấn đề đấu tranh vũ trang, hợp tác chiến lược, lựa chọn đồng minh và cả về phương diện ngoại giao. Vậy họ đã lựa chọn như thế nào?
Trong bài viết này, người viết xin giới thiệu nghiên cứu “Caodaism in Times of War: Spirits of Struggle and Struggle of Spirits” (tạm dịch Đạo Cao Đài thời chiến: Tinh thần tranh đấu và Đấu tranh cho tinh thần) của tác giả Jérémy Jammes, được đăng tải trên Journal of Social Issues in Southeast Asia (Tạp chí Các vấn đề xã hội ở Đông Nam Á). [1]
Trong nghiên cứu của mình, tác giả giải quyết các câu hỏi về sự tác động của những xung đột vũ trang đến các nhà lãnh đạo đạo Cao Đài, các công cụ quyền lực mà họ sử dụng để đối phó với bạo loạn trong thời chiến, chiến lược chính trị và nỗ lực của họ trong việc hạn chế những nguy cơ về an ninh, cùng kế hoạch thống nhất dân tộc của mình.
Việc nhấn mạnh tiểu sử của ba vị lãnh đạo quan trọng của đạo Cao Đài là Phạm Công Tắc, Cao Triều Phát và Trần Văn Quế sẽ khắc họa sự quyền biến trong việc lựa chọn đồng minh, làm rõ những bất đồng chính kiến và cả những xung đột nội bộ, đồng thời cũng làm rõ điểm tương đồng mấu chốt ở mong muốn sau cùng của họ, đó chính là biến đạo Cao Đài thành “quốc đạo” (từ được tác giả của nghiên cứu sử dụng) của Việt Nam.
***
Nghiên cứu bắt đầu bằng việc khái quát những đặc điểm quan trọng của đạo Cao Đài như: nền tảng thần học, nghi lễ hay về tham vọng không gian của đạo, đồng thời cũng nêu lên phạm vi diễn giải của nghiên cứu cho việc tìm hiểu về xung đột chiến tranh và tôn giáo.
Tác giả đề cập đến tầm nhìn chính trị của đạo Cao Đài gắn với bốn đặc trưng, bao gồm:
Do tính chất quần chúng và số lượng lớn các chức sắc của đạo Cao Đài thuộc tầng lớp thị dân, công chức nhà nước, tôn giáo này đã thiết lập được một mạng lưới quản lý xã hội mạnh mẽ đối với một bộ phận cư dân Nam Kỳ, và sau này là Việt Nam Cộng hòa. Nói cách khác, với số lượng và mật độ cao như vậy, các tín đồ Cao Đài là thành tố thúc đẩy bộ máy tôn giáo hoạt động một cách thiết thực và chặt chẽ.
***
Nghiên cứu còn đề cập đến các lực lượng Cao Đài hoạt động chính trị giai đoạn từ 1940 – 1965, phạm vi hành động của họ, các quyết định mang tính chiến lược về quân sự và ngoại giao mà họ đã thực hiện trong suốt giai đoạn loạn lạc này.
Đầu tiên có thể kể đến Hộ pháp Phạm Công Tắc. Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, các tín đồ Cao Đài đã tham gia phong trào Phục Quốc của hoàng tử Cường Để (được cho là hậu duệ trực tiếp của vua Gia Long, nhưng những người cai trị nhà Nguyễn bấy giờ và chế độ thực dân Pháp đều không công nhận ông). Phạm Công Tắc không hề giấu mong muốn phục chức cho Cường Để để nắm quyền lực chính trị, với tham vọng thiết lập một chính quyền trung ương và ba chính quyền địa phương có quyền tự trị tương đối.
Vào những năm 1940, các chức sắc đạo Cao Đài đã giương cao lá cờ đứng về phía phe Trục, với mong muốn chiến thắng của phe Trục sẽ giúp khôi phục triều đại Cường Để và tuyên bố đạo Cao Đài là tôn giáo của chế độ quân chủ lập hiến.
Chính quyền Pháp sau đó can thiệp bằng cách đóng cửa Tòa thánh Tây Ninh, đàn áp các chức sắc và đày Phạm Công Tắc đến nhà tù Madagascar. Trước tình hình như vậy, Trần Quang Vinh – một chức sắc cao cấp dưới quyền Phạm Công Tắc – đã nhanh chóng xây dựng một đội quân Cao Đài thân Nhật.
Tuy nhiên, đến khi không còn trông cậy vào quân Nhật nữa, Trần Quang Vinh mới cơ bản chấp nhận ý tưởng đồng thuận với Việt Minh để thành lập một mặt trận chung chống Pháp.
Sau đó, Pháp quyết định đảo ngược tình thế và đưa Phạm Công Tắc trở lại, đề ra thỏa thuận hợp tác chính trị và công nhận Cộng hòa Nam Kỳ tự trị đối với các tín đồ Cao Đài. Khi trở về từ đời sống lưu vong, Phạm Công Tắc đã công khai kêu gọi những người đồng đạo của mình cộng tác với Pháp.
Tháng 9/1946, Việt Minh phát động một chiến dịch đàn áp đẫm máu chống lại những người theo đạo Cao Đài.
Để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đạo Cao Đài và bảo vệ các tín đồ của họ trước bạo lực và khả năng lạm dụng quyền lực của Việt Minh, các chức sắc đạo Cao Đài đã yêu cầu Pháp tái vũ trang cho họ. Pháp đồng ý cung cấp vũ khí cho các tín đồ Cao Đài và để họ tham gia vào quá trình “bình định” ở tỉnh Tây Ninh. Thỏa thuận này đã khởi xướng một liên minh quân sự lâu dài giữa Tòa thánh Tây Ninh và Pháp.
Tuy nhiên, Tòa thánh Tây Ninh sau đó đã lợi dụng quyền tự do hành động của mình để tạo ra đội quân riêng bảo vệ chức sắc Cao Đài và đặc biệt là Phạm Công Tắc. Trần Quang Vinh và Phạm Công Tắc kiểm soát tập trung một số đơn vị mà nhiệm vụ của các đơn vị này là vừa chống Việt Minh, vừa mật báo cho Tòa thánh về ý định và hoạt động của Pháp ở mỗi tỉnh thành.
Giai đoạn Pháp rút khỏi Đông Dương năm 1954, các binh sĩ Cao Đài đã gần như mất hết động lực chiến đấu chống lại Việt Minh, dẫn đến đào ngũ. Để củng cố đội ngũ, các chức sắc tối cao mở rộng cơ cấu quân sự sang một trạng thái mới.
Sau khi đánh bại Pháp ở trận Điện Biên Phủ năm 1954, việc thương lượng giữa chính phủ Pháp và Hồ Chí Minh ở Geneva có thể liên quan đến tương lai đạo Cao Đài. Phạm Công Tắc là thành viên của phái đoàn Cao Đài, đã thực hiện chuyến đi đến Paris gặp Tổng thống Pháp.
Sau chuyến trở về từ Pháp, ưu tiên của Phạm Công Tắc là khôi phục ổn định chính trị ở các vùng lãnh thổ mà Cao Đài còn kiểm soát, nhưng giọng điệu chống cộng sản và chống Công giáo của ông đã thay đổi sau sự tháo chạy của người Pháp, sự chia cắt của Việt Nam và sự nắm quyền của tín đồ Công giáo Ngô Đình Diệm ở khu vực phía Nam.
Chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức gây áp lực, tăng cường đàn áp nhằm tiêu diệt sức mạnh quân sự của Cao Đài vào năm 1955. Phạm Công Tắc sau đó bị lưu đày sang Phnom Penh. Quay cuồng với các cuộc đàn áp, các tín đồ Cao Đài đã trì hoãn dự án tự trị của mình và nhiều tín đồ đã gia nhập phe Việt Minh hoặc lực lượng chính phủ Ngô Đình Diệm, một số thì lẩn trốn.
Dựa vào diễn biến của các cuộc xung đột trong từng khoảng thời gian và địa điểm nhất định, có thể thấy những thay đổi liên tục về cấu trúc và chiến thuật trong các kế hoạch của Phạm Công Tắc sẽ thể hiện rõ về lập trường chính trị, quân sự của Tòa thánh Tây Ninh và của vị Hộ pháp này.
***
Câu chuyện về Phạm Công Tắc đã quá phổ biến ở cả địa hạt chính trị và tôn giáo, điều này làm lu mờ sự chú ý đến hành động của những chức sắc Cao Đài khác, những người chưa hẳn tuân phục quyết định của ông. Điển hình trong trường hợp này là Cao Triều Phát. Sự nghiệp tôn giáo của ông, giống như những quyết định chính trị mà ông đã thực hiện, đều có thể xem là độc nhất vô nhị.
Sau một thời gian ở Pháp, Cao Triều Phát quay về Việt Nam vào năm 1922 để làm chính trị và thành lập Đảng Lao động Đông Dương năm 1926. Ông được bầu vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ năm 1930, nhưng đảng của ông cũng mất dạng vào giai đoạn sau đó. Ông chính thức chuyển sang đạo Cao Đài vào năm 1932.
Ông thành lập giáo phái Cao Đài Minh Chơn Đạo cùng với Trần Đạo Quang, được biết đến như là giáo phái thân cận với cộng sản nhất. Năm 1945, ông trở thành chủ tịch của Cao Đài Hiệp Nhứt 11 Phái, trừ chi phái Tây Ninh.
Cao Triều Phát chính thức gia nhập Việt Minh vào tháng 8/1945 và trở thành Chủ tịch Ủy ban Giải phóng Dân tộc tỉnh Bạc Liêu. Tòa thánh của giáo phái Minh Chơn Đạo được xem như trụ sở kháng chiến của cộng sản tại tỉnh này.
Đầu năm 1946, trước sức ép của quân Pháp, Cao Triều Phát rút vào Tòa thánh, đồng thời thành lập căn cứ kháng chiến cấp tỉnh và cơ quan đầu não của đảng cộng sản tại đây.
Vào ngày 14/10/1947, ông đã thành lập “Hội Cao Đài Cứu quốc 12 phái hợp nhứt”, với tham vọng thành lập một mặt trận Cao Đài – cộng sản yêu nước chống thực dân xâm lược.
Khi ông qua đời, chính phủ do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã tổ chức tang lễ trọng thể, tri ân những đóng góp của ông.
Có thể thấy, sự nghiệp của Cao Triều Phát gắn chặt với Việt Minh và minh chứng cho sự bành trướng sôi động của đạo Cao Đài.
***
Ngoài ra, trong nghiên cứu của mình, tác giả cũng nhắc đến nhà lãnh đạo Cao Đài khác là Trần Văn Quế. Tác giả cho rằng câu chuyện về Trần Văn Quế hầu như không được đề cập nhiều trong các nghiên cứu về lịch sử đạo Cao Đài, mặc dù hành động của ông có tác động lâu dài đến bối cảnh chính trị và nội tình đạo Cao Đài.
Trần Văn Quế được khắc họa như là một nhân vật tham gia từ những ngày đầu trong việc đấu tranh chống ly giáo giữa các tín đồ Cao Đài. Sự chia rẽ nội bộ vẫn luôn được xem như là điểm yếu nội tại của đạo Cao Đài. Trần Văn Quế đã nhìn thấy trong sự chia rẽ đó là cơ hội để hợp lực và phát triển các chiến lược mới nhằm chống lại thế lực thực dân và giúp bản thân ông tránh được sự dính líu đến các hoạt động quân sự của Tòa thánh Tây Ninh.
***
Nhìn chung, làm sáng tỏ tiểu sử và hành trạng của các nhân vật chủ chốt trên vũ đài địa chính trị là một điều phức tạp nhưng cần thiết. Thậm chí, cách tiếp cận này lại được tác giả áp dụng hiệu quả trong việc nghiên cứu các cuộc xung đột ở miền Nam Việt Nam bấy giờ.
Mặc khác, tác giả cũng cho rằng không nên giới hạn việc nghiên cứu chỉ dựa vào tiểu sử của một nhân vật Cao Đài có tên tuổi, nhất là khi đặt chúng trong mối quan hệ giữa chiến tranh và tôn giáo ở Việt Nam.
Tác giả không chỉ lần theo những con đường mà các vị lãnh đạo này đã chọn mà còn xem xét nhiều khía cạnh khác nhau như chiến thuật ngắn hạn hay mục tiêu lâu dài trên các mặt chính trị, tôn giáo và quân sự. Điều này giúp chúng ta có thể dõi theo những chuyển biến trong tham vọng và cá tính của họ khi ở trong tình cảnh chiến tranh.
Trên thực tế, Tòa thánh Tây Ninh không thể có được sự trung thành của tất cả các tín đồ hay nhiều nhánh Cao Đài đã giành được sự kiểm soát và sức ảnh hưởng về mặt thần học và chính trị trong bối cảnh bản địa lúc đó.
Việc tiếp cận đa dạng, suy xét đến các tín đồ Cao Đài không thuộc nhánh Tòa thánh Tây Ninh giúp làm sáng tỏ hơn những đặc điểm không dễ nhận thấy ở chính trường Đông Dương và giải mã những quan hệ quyền lực, các chiến lược hay tác nhân lịch sử thường bị bỏ qua.
Phương pháp nghiên cứu này giúp độc giả tránh sự diễn giải theo lối mòn và định kiến phổ biến trong nhận thức về đạo Cao Đài. Thay vào đó, nó tập trung nhấn mạnh sự phân tán, phát triển và mở rộng không ngừng của các tín đồ Cao Đài ở nhiều nơi với sự thay đổi chiến lược liên tục tùy thuộc bối cảnh thời chiến, góp phần tạo nên cách diễn giải mới cho sự bành trướng sôi động của đạo Cao Đài.
Source: https://www.luatkhoa.com/2023/04/dao-cao-dai-va-nhung-chuyen-bien-phuc-tap-trong-chien-tranh-dong-duong/?ref=luat-khoa-newsletter