Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Ân xá Quốc tế, Việt Nam đứng thứ tám trên bảng xếp hạng các nước tuyên án tử hình nhiều nhất trong năm 2022 với ít nhất 102 người bị kết án. Năm 2021, nước này đứng thứ bảy với 119 người.
Thái Lan lần này vượt qua mặt Việt Nam với 104 trường hợp bị tuyên án tử, sự gia tăng một phần là do Bangkok đã cung cấp cho Tổ chức Ân xá Quốc tế số liệu về các bản án tử hình mới do các tòa án sơ thẩm tuyên, không giống như những năm trước.
Trong báo cáo công bố ngày 15/5, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Anh quốc cho biết, trong khối ASEAN chỉ có Việt Nam, Myanmar và Singapore là còn thực thi án tử hình trong năm 2022, và nằm trong số 19 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp quốc áp dụng hình phạt này.
Theo Ân xá Quốc tế, Nhà nước Việt Nam coi số liệu người bị kết án tử hình là bí mật quốc gia nên số liệu trên có thể không chính xác và con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Trong năm 2022, có 80 người ở Việt Nam bị kết tội tử hình vì buôn bán ma tuý, một tội danh không bị coi là “tội nghiêm trọng nhất” theo luật pháp quốc tế. Theo luật pháp quốc tế, chỉ có tội “cố ý giết người” mới bị xếp vào “tội nghiêm trọng nhất.”
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia áp dụng hình phạt tử hình cho tội danh kinh tế. Hai quốc gia này cùng với Hoa Kỳ áp dụng hình thức tiêm thuốc độc khi hành quyết tử tù, báo cáo nói.
Trong năm qua, nhiều người Việt Nam bị kết án tử hình trong những vụ án mà các thủ tục tố tụng không đáp ứng các tiêu chuẩn xét xử công bằng quốc tế.
Do Nhà nước Việt Nam không công bố thông tin về việc thi hành án tử hình nên Ân xá Quốc tế không có thông tin về số người bị hành quyết bằng hình thức tiêm thuốc độc trong năm 2022, mặc dù tổ chức này cho rằng dường như quốc gia độc đảng đã thực thi nhiều bản án tử hình trong năm.
Ân xá Quốc tế cũng ghi nhận việc giảm án hoặc ân xá cho án tử hình ở 26 quốc gia trong năm 2022, trong đó có Việt Nam.
Có sáu quốc gia bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ án tử hình vào năm ngoái, theo hãng tin AFP, bà Agnes Callamard – Tổng thư ký của Ân xá Quốc tế cho rằng:
“Các hành động tàn bạo của các quốc gia như Iran, Ả Rập Saudi cũng như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam giờ đây chắc chắn thuộc về thiểu số.
Các quốc gia này nên khẩn trương bắt kịp thời đại, bảo vệ nhân quyền và thực thi công lý hơn là xử tử người dân.”
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao trong chiều 18/5 để đề nghị bình luận về báo cáo mới nhất của Ân xá Quốc tế, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.
Giữ hay bỏ án tử hình?
Trong kỳ Kiểm định định kỳ phổ quát (UPR) năm 2019, Bỉ và Thuỵ Điển đề nghị Việt Nam bãi bỏ án tử hình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bảo lưu quan điểm giữ lại hình thức trừng phạt cao nhất này.
Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam quy định hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất đối với 18 tội danh trên tổng số 314 tội danh. Điều 40 quy định hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với “người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng về an ninh quốc gia, tính mạng của con người, tội liên quan đến ma túy, tham nhũng, và các tội đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của bộ luật này.”
Ông Vũ Minh Trí, cựu sỹ quan tình báo quân đội và là người thường xuyên phản biện chính sách của Nhà nước Việt Nam nói rằng ông “ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình” vì bản thân “đang phải sống trong một nền tư pháp đầy rẫy oan sai trong khi mạng người đã bị lấy đi thì không cách nào sửa chữa được.”
Trong khi đó, một nhà bình luận chính trị ở Hà Nội giấu tên vì lý do an ninh cho biết, ông không hoàn toàn ủng hộ việc xoá bỏ. Ông nói:
“Việc áp dụng án tử hình ở Việt Nam gần đây có lẽ thay đổi chỉ là chuyển từ xử bắn sang tiêm thuốc.
Việc bãi bỏ án tử là xu thế chung ở các nước phát triển, chủ yếu là các nước dân chủ. Theo tôi, Việt Nam chưa nên bỏ tất cả án tử mà chỉ bỏ bớt ở một số tội danh hoặc giảm bớt mức án tử ở các tội danh còn lại.
Với mức độ dân trí, hiểu biết pháp luật và mức độ manh động của tội phạm ở Việt Nam thì xóa bỏ hoàn toàn án tử là chưa nên.”
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn của Đoàn Luật sư Hà Nội, mục tiêu răn đe của việc áp dụng án tử hình dường như không hiệu quả. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 18/5:
“Án tử hình không phải là cái cuối cùng có thể đe doạ được những người mà họ cố tình phạm tội. Vậy thì chúng ta nhìn các yếu tố khác, nhìn nguyên nhân từ đâu sinh ra tình hình phạm tội chứ không phải mức án là cái làm cho họ sợ nhất.
Ở một khía cạnh nào đó thì nó (án tử hình- PV) có tính răn đe hoặc có tính trả lại công bằng cho người bị hại nhưng trong quá trình làm việc tôi không thấy việc quan trọng nhất là răn đe và hạn chế tội phạm.”
Ông Tuấn cho biết theo báo cáo của Chính phủ về thi hành án tử hình, trong thời gian từ 01/10/2020 đến 31/7/2021, số người bị kết án tử hình tăng 30%, tuy nhiên tình hình tội phạm không hề thuyên giảm và có chiều hướng ngày càng tăng.
“Cá nhân tôi cho rằng nên bãi bỏ án tử hình đi vì quyền sống là quyền cao nhất của mỗi con người. Có thể thay tử hình bằng hình thức khác, như chung thân không ân xá.”
Theo một nghiên cứu của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp quốc (UNDP) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) với sự phối hợp của Bộ Tư pháp Việt Nam mang tựa đề “Áp dụng các hình phạt thay thế hình phạt tử hình và quyền tự bào chữa trong tố tụng hình sự” công bố tháng 1 vừa qua, kết quả xét xử những năm gần đây cho thấy, không có trường hợp nào bị kết án tử hình về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội khủng bố, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội ác chiến tranh.
Báo cáo này nói số liệu thống kê nhiều năm gần đây cho thấy số bị cáo bị kết án tử hình chiếm khoảng 0,2% tổng số bị cáo bị tòa án đưa ra xét xử; trong đó tội giết người chiếm 32,64%; các tội phạm về ma túy chiếm 66,42%. Những trường hợp còn lại là bị cáo phạm các tội tham nhũng hoặc tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Vẫn theo báo cáo này, trong những năm gần đây, số lượng án tử tình có xu hướng tăng nhanh, điều này có thể giải thích bởi số các vụ án về ma túy mà các cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ có khối lượng đặc biệt lớn, gấp nhiều lần so với khối lượng khởi điểm mà pháp luật quy định có thể áp dụng hình phạt tử hình. (RFA)
May 19, 2023
Ân xá Quốc tế: Việt Nam năm 2022 tiến bộ một bậc trong xếp hạng về án tử hình toàn thế giới
by Defend the Defenders • [Human Rights]
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Ân xá Quốc tế, Việt Nam đứng thứ tám trên bảng xếp hạng các nước tuyên án tử hình nhiều nhất trong năm 2022 với ít nhất 102 người bị kết án. Năm 2021, nước này đứng thứ bảy với 119 người.
Thái Lan lần này vượt qua mặt Việt Nam với 104 trường hợp bị tuyên án tử, sự gia tăng một phần là do Bangkok đã cung cấp cho Tổ chức Ân xá Quốc tế số liệu về các bản án tử hình mới do các tòa án sơ thẩm tuyên, không giống như những năm trước.
Trong báo cáo công bố ngày 15/5, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Anh quốc cho biết, trong khối ASEAN chỉ có Việt Nam, Myanmar và Singapore là còn thực thi án tử hình trong năm 2022, và nằm trong số 19 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp quốc áp dụng hình phạt này.
Theo Ân xá Quốc tế, Nhà nước Việt Nam coi số liệu người bị kết án tử hình là bí mật quốc gia nên số liệu trên có thể không chính xác và con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Trong năm 2022, có 80 người ở Việt Nam bị kết tội tử hình vì buôn bán ma tuý, một tội danh không bị coi là “tội nghiêm trọng nhất” theo luật pháp quốc tế. Theo luật pháp quốc tế, chỉ có tội “cố ý giết người” mới bị xếp vào “tội nghiêm trọng nhất.”
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia áp dụng hình phạt tử hình cho tội danh kinh tế. Hai quốc gia này cùng với Hoa Kỳ áp dụng hình thức tiêm thuốc độc khi hành quyết tử tù, báo cáo nói.
Trong năm qua, nhiều người Việt Nam bị kết án tử hình trong những vụ án mà các thủ tục tố tụng không đáp ứng các tiêu chuẩn xét xử công bằng quốc tế.
Do Nhà nước Việt Nam không công bố thông tin về việc thi hành án tử hình nên Ân xá Quốc tế không có thông tin về số người bị hành quyết bằng hình thức tiêm thuốc độc trong năm 2022, mặc dù tổ chức này cho rằng dường như quốc gia độc đảng đã thực thi nhiều bản án tử hình trong năm.
Ân xá Quốc tế cũng ghi nhận việc giảm án hoặc ân xá cho án tử hình ở 26 quốc gia trong năm 2022, trong đó có Việt Nam.
Có sáu quốc gia bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ án tử hình vào năm ngoái, theo hãng tin AFP, bà Agnes Callamard – Tổng thư ký của Ân xá Quốc tế cho rằng:
“Các hành động tàn bạo của các quốc gia như Iran, Ả Rập Saudi cũng như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam giờ đây chắc chắn thuộc về thiểu số.
Các quốc gia này nên khẩn trương bắt kịp thời đại, bảo vệ nhân quyền và thực thi công lý hơn là xử tử người dân.”
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao trong chiều 18/5 để đề nghị bình luận về báo cáo mới nhất của Ân xá Quốc tế, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.
Giữ hay bỏ án tử hình?
Trong kỳ Kiểm định định kỳ phổ quát (UPR) năm 2019, Bỉ và Thuỵ Điển đề nghị Việt Nam bãi bỏ án tử hình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bảo lưu quan điểm giữ lại hình thức trừng phạt cao nhất này.
Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam quy định hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất đối với 18 tội danh trên tổng số 314 tội danh. Điều 40 quy định hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với “người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng về an ninh quốc gia, tính mạng của con người, tội liên quan đến ma túy, tham nhũng, và các tội đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của bộ luật này.”
Ông Vũ Minh Trí, cựu sỹ quan tình báo quân đội và là người thường xuyên phản biện chính sách của Nhà nước Việt Nam nói rằng ông “ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình” vì bản thân “đang phải sống trong một nền tư pháp đầy rẫy oan sai trong khi mạng người đã bị lấy đi thì không cách nào sửa chữa được.”
Trong khi đó, một nhà bình luận chính trị ở Hà Nội giấu tên vì lý do an ninh cho biết, ông không hoàn toàn ủng hộ việc xoá bỏ. Ông nói:
“Việc áp dụng án tử hình ở Việt Nam gần đây có lẽ thay đổi chỉ là chuyển từ xử bắn sang tiêm thuốc.
Việc bãi bỏ án tử là xu thế chung ở các nước phát triển, chủ yếu là các nước dân chủ. Theo tôi, Việt Nam chưa nên bỏ tất cả án tử mà chỉ bỏ bớt ở một số tội danh hoặc giảm bớt mức án tử ở các tội danh còn lại.
Với mức độ dân trí, hiểu biết pháp luật và mức độ manh động của tội phạm ở Việt Nam thì xóa bỏ hoàn toàn án tử là chưa nên.”
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn của Đoàn Luật sư Hà Nội, mục tiêu răn đe của việc áp dụng án tử hình dường như không hiệu quả. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 18/5:
“Án tử hình không phải là cái cuối cùng có thể đe doạ được những người mà họ cố tình phạm tội. Vậy thì chúng ta nhìn các yếu tố khác, nhìn nguyên nhân từ đâu sinh ra tình hình phạm tội chứ không phải mức án là cái làm cho họ sợ nhất.
Ở một khía cạnh nào đó thì nó (án tử hình- PV) có tính răn đe hoặc có tính trả lại công bằng cho người bị hại nhưng trong quá trình làm việc tôi không thấy việc quan trọng nhất là răn đe và hạn chế tội phạm.”
Ông Tuấn cho biết theo báo cáo của Chính phủ về thi hành án tử hình, trong thời gian từ 01/10/2020 đến 31/7/2021, số người bị kết án tử hình tăng 30%, tuy nhiên tình hình tội phạm không hề thuyên giảm và có chiều hướng ngày càng tăng.
“Cá nhân tôi cho rằng nên bãi bỏ án tử hình đi vì quyền sống là quyền cao nhất của mỗi con người. Có thể thay tử hình bằng hình thức khác, như chung thân không ân xá.”
Theo một nghiên cứu của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp quốc (UNDP) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) với sự phối hợp của Bộ Tư pháp Việt Nam mang tựa đề “Áp dụng các hình phạt thay thế hình phạt tử hình và quyền tự bào chữa trong tố tụng hình sự” công bố tháng 1 vừa qua, kết quả xét xử những năm gần đây cho thấy, không có trường hợp nào bị kết án tử hình về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội khủng bố, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội ác chiến tranh.
Báo cáo này nói số liệu thống kê nhiều năm gần đây cho thấy số bị cáo bị kết án tử hình chiếm khoảng 0,2% tổng số bị cáo bị tòa án đưa ra xét xử; trong đó tội giết người chiếm 32,64%; các tội phạm về ma túy chiếm 66,42%. Những trường hợp còn lại là bị cáo phạm các tội tham nhũng hoặc tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Vẫn theo báo cáo này, trong những năm gần đây, số lượng án tử tình có xu hướng tăng nhanh, điều này có thể giải thích bởi số các vụ án về ma túy mà các cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ có khối lượng đặc biệt lớn, gấp nhiều lần so với khối lượng khởi điểm mà pháp luật quy định có thể áp dụng hình phạt tử hình. (RFA)