Bằng việc bỏ tù nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, người có biệt danh “thánh rắc hành,” Nhà nước Việt Nam tự giễu cợt mình ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, tổ chức Ân xá Quốc tế nói.
Ông Bùi Tuấn Lâm, một chủ quán bán Bún bò Huế ở Đà Nẵng, bị toà án kết án năm năm sáu tháng tù giam và bốn năm quản chế về tội danh “tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước” trong phiên toà ngày 25/5.
Ông Lâm bị bắt giữ hồi tháng 9/2022 sau khi đoạn video của ông rắc hành lá vào tô bún, nhại lại động tác của “thánh rắc muối” Salt Bae trở nên nổi tiếng và lan truyền mạnh, ông bị cho là chế nhạo sự việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm “há miệng đớp bò dát vàng” từ tay của “thánh rắc muối” trong một bữa ăn tối sang trọng ở thủ đô London vào đầu tháng 11/2021, trong cáo trạng không đề cập đến hành vi này.
Bình luận về bản án của ông Bùi Tuấn Lâm, Montse Ferrer, Phó giám đốc nghiên cứu lâm thời khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua email vào ngày 26/5:
“Khó tránh khỏi kết luận rằng bản án này là kết quả của một video lan truyền từ năm 2021 của Bùi Tuấn Lâm, video này xuất hiện và truyền tải sự phẫn nộ của nhiều người dân Việt Nam khi chứng kiến một quan chức cấp cao ăn ở nhà hàng đắt tiền trong khi họ phải vật lộn với khó khăn kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Với bản án này, Việt Nam đang tự giễu cợt mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London (Anh Quốc) kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Bùi Tuấn Lâm, và ngừng sử dụng Điều 117 để bịt miệng những người bất đồng chính kiến ôn hòa trong nước.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng cho rằng việc bỏ tù Bùi Tuấn Lâm và nhiều nhà hoạt động khác trong thời gian gần đây là quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc xoá bỏ mọi mầm mống phản kháng.
Ông Phil Robertson- Phó giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nói trong tin nhắn gửi RFA:
“Việc tống giam Bùi Tuấn Lâm chỉ vì đơn thuần chia sẻ ý kiến của anh ấy trên Facebook cho thấy sự lạm dụng nhân quyền không khoan dung của Chính phủ Việt Nam rõ ràng là quyết tâm xóa sạch mọi dấu hiệu bất đồng chính kiến trong nước. Việt Nam đã trở thành một chế độ độc tài toàn trị vào loại tồi tệ nhất ở Châu Á.”
Ông cũng cho rằng bản án là sự trả thù việc ông dám chế giễu Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
“Bộ trưởng Công an kiêu ngạo Tô Lâm đã mất mặt khi bị cả nước chế nhạo vì miếng bít tết 2.000 đô la Mỹ của mình, và bây giờ ông ta và những người đứng đầu ngành Công an đang cố gắng bắt Bùi Tuấn Lâm và gia đình ông phải trả giá.”
Hành hung và cưỡng chế thô bạo người nhà
Trong buổi sáng 25/5, tám người trong gia đình ông Lâm đến trước cổng trụ sở Toà án Nhân dân thành phố Đà Nẵng để đề nghị được tham gia phiên tòa xử người thân, tuy nhiên không được chấp nhận với lý do “không có giấy triệu tập của tòa,” đại diện Đại Sứ quán Hà Lan cũng chịu chung tình cảnh.
Trả lời phỏng vấn RFA vào trưa ngày 26/5, bà Lê Thanh Lâm cho biết trong khi chờ đợi phiên toà xử chồng mình, cả gia đình tản ra đứng dưới gốc cây dưới trời nóng oi bức, vây quanh họ là lực lượng hùng hậu công an trong bộ cảnh phục và thường phục luôn quấy rối và dí sát máy quay phim vào mặt họ.
Khi phiên toà kết thúc, cảnh sát đưa ông Lâm đi bằng hai xe thùng to. Bà Lâm chạy theo xe và hô to “Bùi Tuấn Lâm vô tội” thì công an nhào tới và khống chế bà, đưa lên một xe buýt.
Thấy bà Lâm bị công an khống chế, hai em trai của ông Lâm là Bùi Quang Khiêm và Bùi Quang Minh chạy lại định cản họ và bảo vệ chị dâu thì họ trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng an ninh. Hai người đàn ông bị vật xuống đường và nhận nhiều cú đấm cú đạp, bà nhớ lại.
Bà Lâm nói sau khi bị đưa lên xe buýt, xe chạy lòng vòng rồi đưa bà về trụ sở Uỷ ban Nhân dân phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, vào lúc gần một giờ trưa. Một lúc sau, hai ông Khiêm và Minh cũng bị đưa tới, họ bị tách ra mỗi người một phòng.
Do không quay phim chụp hình và không mang theo điện thoại nên hai người em được trả tự do lúc 14 giờ sau khi công an tra khảo nhanh, còn bà Lâm bị hàng chục công an xông vào lục soát đồ đạc, đa số họ đeo khẩu trang bịt mặt. Bà kể lại:
“Họ nhào vô người tôi, lục soát sờ soạng khắp người tôi, lấy điện thoại và đồ dùng trong túi xách của tôi để kiểm tra từng thứ một.
Kiểm tra khắp cơ thể tôi, họ đụng chạm vào cơ thể tôi, họ tự tiện lấy đồ của tôi mà không có sự đồng ý của tôi.”
Bà Lâm cho biết công an yêu cầu bà mở khoá điện thoại iPhone của mình với mục tiêu xoá hình ảnh mà bà chụp ở gần khu vực toà án, và khi bà từ chối họ sử dụng ngôn từ thô tục để chửi cùng lời đe doạ “để xem mẹ con mày sống có được yên không!”
Công an mang điện thoại của bà sang một phòng khác rất lâu rồi quay lại. Khi về nhà bà mới phát hiện màn hình có hơi nước và bà nghi ngờ công an đã ngâm điện thoại của bà vào nước để cố ý làm hỏng.
Công an lập biên bản hành chính phạt bà vì “tập trung đông người và chụp hình” nhưng bà phản đối và không ký vào biên bản, tuy nhiên họ vẫn cho hai người vào làm chứng và ký tên, bà Lâm nói.
Hơn 18 giờ cùng ngày, bà được về nhà sau hơn 5 giờ bị câu lưu, với thể trạng kiệt sức và nhiều vết xây xước trên đùi và đầu gối do bị kéo lê trên đường và giằng co với công an.
Nói về bản án của chồng mình, bà Lâm khẳng định:
“Chồng tôi vô tội và đó là một bản án bất công. Chồng tôi chỉ thực hiện đúng những gì mà một công dân được pháp luật cho phép.
Tôi phản đối việc phiên toà công khai mà tôi không được tham dự, và hành xử thô bạo của công an Việt Nam dành cho gia đình tôi, xâm phạm đến quyền riêng tư và thân thể của tôi.”
Phóng viên gọi điện cho Công an quận Hải Châu để xác minh thông tin, tuy nhiên người nhấc máy nói không cung cấp thông tin qua điện thoại và yêu cầu phóng viên đến trụ sở cơ quan để gặp người có thẩm quyền.
Ông Phil Robertson nói về bạo lực của công an Đà Nẵng đối với gia đình nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm trong ngày 25/5:
“Bạo lực mà Lê Thị Thanh Lâm, vợ của Bùi Tuấn Lâm, phải đối mặt bên ngoài tòa án dưới bàn tay của công an, những người đã làm cô bị thương khi họ kéo vào một chiếc xe cảnh sát đang chờ sẵn, cho thấy gia đình này đã bị đối xử tàn tệ của công an dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an.”
Luật sư bị đuổi vì yêu cầu VKS tranh luận
Trong phần tranh luận tại phiên tòa vào sáng 25/5 giữa luật sư bào chữa và đại diện Viện Kiểm sát thành phố Đà Nẵng, thẩm phán Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu luật sư Ngô Anh Tuấn rời phòng xử án và sau đó là thẩm phán chủ toạ đã trục xuất ông ra khỏi phiên toà.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết đây là lần đầu tiên sau gần 10 năm hành nghề, ông buộc rời khỏi phòng xét xử trong khi chưa kết thúc phần tranh luận của mình.
Ông nói bản thân hành xử đúng mực và đúng luật, chỉ phân tích để kiểm sát viên tranh luận tiếp khi hai bên chưa đồng nhất quan điểm. Dù không đồng tình với quyết định của chủ toạ phiên toà nhưng ông vẫn rời phòng xử vì không muốn không khí phòng xử nặng nề thêm.
Sau khi rời phòng xử án, ông bị đưa tới phòng làm việc của Chánh văn phòng toà án thành phố và tại đây một số người không rõ danh tính đã làm việc với ông, họ quay phim, lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung không phản án đúng sự thật khách quan đã diễn ra.
Luật sư Tuấn cho RFA biết ông đã gửi đơn thư tường trình sự việc lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để hai cơ quan xác minh sự việc một cách khách quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ông. (RFA)
May 26, 2023
Ân xá Quốc tế: Việt Nam tự giễu cợt mình khi bỏ tù “thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm
by Defend the Defenders • [Human Rights]
Bằng việc bỏ tù nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, người có biệt danh “thánh rắc hành,” Nhà nước Việt Nam tự giễu cợt mình ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, tổ chức Ân xá Quốc tế nói.
Ông Bùi Tuấn Lâm, một chủ quán bán Bún bò Huế ở Đà Nẵng, bị toà án kết án năm năm sáu tháng tù giam và bốn năm quản chế về tội danh “tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước” trong phiên toà ngày 25/5.
Ông Lâm bị bắt giữ hồi tháng 9/2022 sau khi đoạn video của ông rắc hành lá vào tô bún, nhại lại động tác của “thánh rắc muối” Salt Bae trở nên nổi tiếng và lan truyền mạnh, ông bị cho là chế nhạo sự việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm “há miệng đớp bò dát vàng” từ tay của “thánh rắc muối” trong một bữa ăn tối sang trọng ở thủ đô London vào đầu tháng 11/2021, trong cáo trạng không đề cập đến hành vi này.
Bình luận về bản án của ông Bùi Tuấn Lâm, Montse Ferrer, Phó giám đốc nghiên cứu lâm thời khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua email vào ngày 26/5:
“Khó tránh khỏi kết luận rằng bản án này là kết quả của một video lan truyền từ năm 2021 của Bùi Tuấn Lâm, video này xuất hiện và truyền tải sự phẫn nộ của nhiều người dân Việt Nam khi chứng kiến một quan chức cấp cao ăn ở nhà hàng đắt tiền trong khi họ phải vật lộn với khó khăn kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Với bản án này, Việt Nam đang tự giễu cợt mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London (Anh Quốc) kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Bùi Tuấn Lâm, và ngừng sử dụng Điều 117 để bịt miệng những người bất đồng chính kiến ôn hòa trong nước.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng cho rằng việc bỏ tù Bùi Tuấn Lâm và nhiều nhà hoạt động khác trong thời gian gần đây là quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc xoá bỏ mọi mầm mống phản kháng.
Ông Phil Robertson- Phó giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nói trong tin nhắn gửi RFA:
“Việc tống giam Bùi Tuấn Lâm chỉ vì đơn thuần chia sẻ ý kiến của anh ấy trên Facebook cho thấy sự lạm dụng nhân quyền không khoan dung của Chính phủ Việt Nam rõ ràng là quyết tâm xóa sạch mọi dấu hiệu bất đồng chính kiến trong nước. Việt Nam đã trở thành một chế độ độc tài toàn trị vào loại tồi tệ nhất ở Châu Á.”
Ông cũng cho rằng bản án là sự trả thù việc ông dám chế giễu Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
“Bộ trưởng Công an kiêu ngạo Tô Lâm đã mất mặt khi bị cả nước chế nhạo vì miếng bít tết 2.000 đô la Mỹ của mình, và bây giờ ông ta và những người đứng đầu ngành Công an đang cố gắng bắt Bùi Tuấn Lâm và gia đình ông phải trả giá.”
Hành hung và cưỡng chế thô bạo người nhà
Trong buổi sáng 25/5, tám người trong gia đình ông Lâm đến trước cổng trụ sở Toà án Nhân dân thành phố Đà Nẵng để đề nghị được tham gia phiên tòa xử người thân, tuy nhiên không được chấp nhận với lý do “không có giấy triệu tập của tòa,” đại diện Đại Sứ quán Hà Lan cũng chịu chung tình cảnh.
Trả lời phỏng vấn RFA vào trưa ngày 26/5, bà Lê Thanh Lâm cho biết trong khi chờ đợi phiên toà xử chồng mình, cả gia đình tản ra đứng dưới gốc cây dưới trời nóng oi bức, vây quanh họ là lực lượng hùng hậu công an trong bộ cảnh phục và thường phục luôn quấy rối và dí sát máy quay phim vào mặt họ.
Khi phiên toà kết thúc, cảnh sát đưa ông Lâm đi bằng hai xe thùng to. Bà Lâm chạy theo xe và hô to “Bùi Tuấn Lâm vô tội” thì công an nhào tới và khống chế bà, đưa lên một xe buýt.
Thấy bà Lâm bị công an khống chế, hai em trai của ông Lâm là Bùi Quang Khiêm và Bùi Quang Minh chạy lại định cản họ và bảo vệ chị dâu thì họ trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng an ninh. Hai người đàn ông bị vật xuống đường và nhận nhiều cú đấm cú đạp, bà nhớ lại.
Bà Lâm nói sau khi bị đưa lên xe buýt, xe chạy lòng vòng rồi đưa bà về trụ sở Uỷ ban Nhân dân phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, vào lúc gần một giờ trưa. Một lúc sau, hai ông Khiêm và Minh cũng bị đưa tới, họ bị tách ra mỗi người một phòng.
Do không quay phim chụp hình và không mang theo điện thoại nên hai người em được trả tự do lúc 14 giờ sau khi công an tra khảo nhanh, còn bà Lâm bị hàng chục công an xông vào lục soát đồ đạc, đa số họ đeo khẩu trang bịt mặt. Bà kể lại:
“Họ nhào vô người tôi, lục soát sờ soạng khắp người tôi, lấy điện thoại và đồ dùng trong túi xách của tôi để kiểm tra từng thứ một.
Kiểm tra khắp cơ thể tôi, họ đụng chạm vào cơ thể tôi, họ tự tiện lấy đồ của tôi mà không có sự đồng ý của tôi.”
Bà Lâm cho biết công an yêu cầu bà mở khoá điện thoại iPhone của mình với mục tiêu xoá hình ảnh mà bà chụp ở gần khu vực toà án, và khi bà từ chối họ sử dụng ngôn từ thô tục để chửi cùng lời đe doạ “để xem mẹ con mày sống có được yên không!”
Công an mang điện thoại của bà sang một phòng khác rất lâu rồi quay lại. Khi về nhà bà mới phát hiện màn hình có hơi nước và bà nghi ngờ công an đã ngâm điện thoại của bà vào nước để cố ý làm hỏng.
Công an lập biên bản hành chính phạt bà vì “tập trung đông người và chụp hình” nhưng bà phản đối và không ký vào biên bản, tuy nhiên họ vẫn cho hai người vào làm chứng và ký tên, bà Lâm nói.
Hơn 18 giờ cùng ngày, bà được về nhà sau hơn 5 giờ bị câu lưu, với thể trạng kiệt sức và nhiều vết xây xước trên đùi và đầu gối do bị kéo lê trên đường và giằng co với công an.
Nói về bản án của chồng mình, bà Lâm khẳng định:
“Chồng tôi vô tội và đó là một bản án bất công. Chồng tôi chỉ thực hiện đúng những gì mà một công dân được pháp luật cho phép.
Tôi phản đối việc phiên toà công khai mà tôi không được tham dự, và hành xử thô bạo của công an Việt Nam dành cho gia đình tôi, xâm phạm đến quyền riêng tư và thân thể của tôi.”
Phóng viên gọi điện cho Công an quận Hải Châu để xác minh thông tin, tuy nhiên người nhấc máy nói không cung cấp thông tin qua điện thoại và yêu cầu phóng viên đến trụ sở cơ quan để gặp người có thẩm quyền.
Ông Phil Robertson nói về bạo lực của công an Đà Nẵng đối với gia đình nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm trong ngày 25/5:
“Bạo lực mà Lê Thị Thanh Lâm, vợ của Bùi Tuấn Lâm, phải đối mặt bên ngoài tòa án dưới bàn tay của công an, những người đã làm cô bị thương khi họ kéo vào một chiếc xe cảnh sát đang chờ sẵn, cho thấy gia đình này đã bị đối xử tàn tệ của công an dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an.”
Luật sư bị đuổi vì yêu cầu VKS tranh luận
Trong phần tranh luận tại phiên tòa vào sáng 25/5 giữa luật sư bào chữa và đại diện Viện Kiểm sát thành phố Đà Nẵng, thẩm phán Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu luật sư Ngô Anh Tuấn rời phòng xử án và sau đó là thẩm phán chủ toạ đã trục xuất ông ra khỏi phiên toà.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết đây là lần đầu tiên sau gần 10 năm hành nghề, ông buộc rời khỏi phòng xét xử trong khi chưa kết thúc phần tranh luận của mình.
Ông nói bản thân hành xử đúng mực và đúng luật, chỉ phân tích để kiểm sát viên tranh luận tiếp khi hai bên chưa đồng nhất quan điểm. Dù không đồng tình với quyết định của chủ toạ phiên toà nhưng ông vẫn rời phòng xử vì không muốn không khí phòng xử nặng nề thêm.
Sau khi rời phòng xử án, ông bị đưa tới phòng làm việc của Chánh văn phòng toà án thành phố và tại đây một số người không rõ danh tính đã làm việc với ông, họ quay phim, lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung không phản án đúng sự thật khách quan đã diễn ra.
Luật sư Tuấn cho RFA biết ông đã gửi đơn thư tường trình sự việc lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để hai cơ quan xác minh sự việc một cách khách quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ông. (RFA)