Cựu TNLT Nguyễn Viết Dũng: Tôi rời Việt Nam vì bị Công an Nghệ An đe doạ bắt giữ

Cựu TNLT Nguyễn Viết Dũng:  Tôi rời Việt Nam vì bị Công an Nghệ An đe doạ bắt giữ
Cựu TNLT Nguyễn Viết Dũng

Cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Nguyễn Viết Dũng nói ông buộc phải rời Việt Nam sau khi nhà chức trách tỉnh Nghệ An đe doạ bắt giữ ông,   cũng như không cho ông đi khám chữa bệnh theo nhu cầu cấp thiết của cá nhân.

Ông Dũng, 37 tuổi, mãn hạn tù ngày 27/9 vừa qua sau khi trải qua sáu năm trong trại tạm giam và trại giam. Ông trở về nhà ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, nơi ông còn phải chịu án quản chế trong năm năm tiếp theo, theo bản án về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” của Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999.

Nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 27/11, ông cho biết trong cuộc làm việc ngày 03/11, người của cơ quan An ninh Điều tra của Công an tỉnh Nghệ An đã buộc ông ký xác nhận các bài viết trên Facebook mà ông đã đăng tải từ khi trở về nhà từ Trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam).  

Họ nói rằng bản án thứ ba đang chờ sẵn tôi lần này mức án sẽ không có nhẹ nhàng như sau sáu năm về trước nữa đâu sẽ hơi lâu. Khi đó tôi nghĩ rằng những người làm việc với tôi là những người bên PA02, là cơ quan an ninh điều tra, họ có quyền đề xuất hoặc là bắt tôi cho nên tôi tin rằng lúc đấy là họ không có nói đùa.”

Trong số những bài viết này có bài viết về tình trạng sức khoẻ suy kiệt vô cùng nghiêm trọng của TNLT Vũ Quang Thuận, người mà ông Dũng có thời gian sống cùng ở Trại giam Nam Hà, bài viết khảo sát xã hội về vụ người mẫu Ngọc Trinh bị bắt về cáo buộc “gây rối trật tự công cộng.”

Đặc biệt là bài trả lời phỏng vấn của RFA về việc ông bị bắt cóc và tra tấn bởi công an tỉnh Nghệ An và công an thành phố Hồ Chí Minh trước khi ông bị bắt năm 2017, cũng như việc ông bị biệt giam và đối xử vô nhân đạo trong trại giam.

 Ông cho biết sau buổi làm việc này, ông nhận thấy nếu tiếp tục còn ở lại Việt Nam thì quyền tự do tư tưởng của ông không được bảo đảm cho dù Hiến pháp Việt Nam hiện nay và các công ước quốc tế mà Hà Nội đã ký kết đều coi quyền này là cơ bản và bất khả xâm phạm. Ông nói:

Với những áp lực như vậy thì tôi thấy rằng là nếu tôi còn ở Việt Nam thì không thể nào có tự do tư tưởng đượctôi không thể nào nói ra những gì mà mình suy nghĩ, không thể nào biểu đạt ý kiến của tôi một cách ôn hòa được.”

Ông Dũng cho biết việc nhà chức trách tỉnh Nghệ An gây khó khăn cho ông trong việc điều trị bệnh cũng là một nguyên nhân khiến ông phải suy tính.

Ông khẳng định mình là một người hoàn toàn khoẻ mạnh trước khi bị bắt, nhưng sau nhiều trận đòn của công an cùng thời gian biệt giam hai năm trong Trại giam Nam Hà đã biến ông thành một người có nhiều bệnh tật, đặc biệt là bệnh đau xương khớp và tiêu hoá.

Tuy nhiên, sau khi mãn hạn tù, ông không được đi khám chữa bệnh ở Hà Nội, thậm chí là ở ngay Vinh.

Khó khăn của nhà cầm quyền về vấn đề tôi đi khám chữa bệnh. Họ cũng nói rằng tôi cứ muốn đi khám chữa bệnh, tôi muốn ổn định cuộc sống, và tìm kiếm việc làm nhưng mà tôi cứ đăng tải trên trang Facebook cá nhân thế này thì làm sao mà họ cho tôi đi được.”

Phóng viên có gọi điện cho công an tỉnh Nghệ An và huyện Yên Thành để kiểm chứng thông tin ông Dũng cung cấp, nhưng người trực máy yêu cầu đến cơ quan với giấy giới thiệu của toà soạn để được cung cấp thông tin.

Không muốn bị cầm tù lần thứ ba nên ông quyết định rời Việt Nam để tìm kiếm cơ hội. Ông nói:

Nếu tôi còn ở Việt Nam nữa thì cuộc sống sẽ cực kỳ khó khăn và tôi có thể bị bắt giữ trở lại bất kỳ lúc nào cho nên tôi quyết định rời khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt. Do đó tôi đã rời khỏi Việt Nam và hiện tôi đang sinh sống ngoài lãnh thổ của Việt Nam.”

Ông cho biết sau khi rời nhà ít lâu, nhà chức trách địa phương nhiều lần đến gia đình ông để buộc ông phải trình diện, nếu không sẽ phát lệnh truy nã.

Ông cho biết mục tiêu trước mắt là sẽ tìm cách chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ. Tiếp đến, sẽ tiếp tục đấu tranh cho các bạn tù ở Việt Nam và tự do dân chủ ở Việt Nam bằng cách xúc tiến thành lập một tổ chức chính trị mang tên Đảng Cộng hoà.

Ông gửi lời nhắn nhủ đến người dân Việt Nam:

Tôi mong là một ngày nào đó dân tộc Việt Nam thức tỉnh và sẽ biết đến nhiều sự thật hơn. Dù sao đi nữa thì các nhà hoạt động cũng không thể nào hoạt động một cách đơn độc được và tự do Việt Nam cũng không thể nào đến được nếu không có sự chung vai sát cánh của người dân.”

Ông Nguyễn Viết Dũng, thường được biết đến với biệt danh Dũng Phi Hổ, đã hai lần bị tù đày vì các hoạt động cổ suý dân chủ đa nguyên và lên tiếng bảo vệ môi trường.

Năm 2015, ông bị kết án 12 tháng tù về tội danh “Gây rối trật tự công cộng,” theo Điều 245 của Bộ Luật hình sự 1999, sau khi tham gia cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội vào năm 2015.

Bản thân là một học sinh có thành tích học tập giỏi và đạt danh hiệu trong một đợt thi tháng của chương trình ‘Đường Lên Đỉnh Olympia’, một cuộc thi về kiến thức mang tính học thuật cao tại Việt Nam. Nhiều học sinh đoạt giải trong kỳ thi này đang học tập hay làm việc tại các nước ngoài như Úc.

Vào năm 2004, ông thi đậu vào Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Vào tháng tư năm 2015, ông Nguyễn Viết Dũng chủ xướng thành lập “Hội Những Người Yêu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” và thường xuyên xuất hiện trong quân phục của lực lượng đó.

Ông bị bắt ngày 27/9/2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Sau đó ông bị toà sơ thẩm vào ngày 12/4/2018 kết án bảy năm tù giam và năm năm quản chế. Trong phiên phúc thẩm vào ngày 15/8 cùng năm , ông được giảm án tù xuống còn sáu năm tù nhưng án quản chế bị giữ nguyên.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2017 đến ngày 19/5/2017, ông Dũng đã có hành vi đăng tải trên trang Facebook cá nhân Dũng Phi Hổ 7 bài viết tự soạn thảo hay sao chép và chỉnh sửa có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ nhằm chống nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, ông Dũng còn làm và lưu hành 4 lá cờ vàng của chế độ Việt Nam Cộng hòa để treo tại nhà riêng ở huyện Yên Thành (Nghệ An) và một số địa điểm công cộng khác. Sau đó ông đã chụp ảnh, quay video để đăng lên trang Facebook cá nhân Dũng Phi Hổ để chia sẻ, phát tán lên các trang mạng xã hội. (RFA)