Blogger Nguyễn Lân Thắng bị khủng bố tinh thần trong Trại giam số 5

Blogger Nguyễn Lân Thắng bị khủng bố tinh thần trong Trại giam số 5
Phóng viên ảnh Nguyễn Lân Thắng trong cuộc biểu tình vì môi trường ở Hà Nội năm 2016 (Fb)

Trong nhiều tháng qua, tù nhân lương tâm Nguyễn Lân Thắng – một blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA) bị khủng bố tinh thần bởi bạn tù trong Trại giam số 5, theo thông tin gia đình ông cung cấp.

Ông Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án sáu năm tù giam và hai năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên sơ thẩm hồi tháng 4.

Ông không kháng cáo và sau đó bị chuyển đi thi hành án tù ở Trại giam số 5 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá) từ ngày 15/6.

Bà Lê Bích Vượng hôm 17/12 vào thăm chồng là ông Thắng và được ông thuật lại toàn bộ sự việc. Bà nói với RFA ngày 19/12 như sau:

Từ lúc vào đó (Trại giam số 5-PV) đến nay thì anh ấy vẫn đang bị giam ở K1. Không phải là biệt giam, tuy nhiên bị giam cùng với… lúc thì hai, lúc thì ba người khác nhưng mà trong đó thì có mấy người mà anh ấy nói là có dấu hiu của bệnh tâm thần. Họ cứ chửi bới này nọ, rồi họ mắng mỏ thậm chí là thường xuyên mạt sát anh ấy.”

Bà cho biết cả khi chồng mình nghỉ ngơi, các bạn tù cùng phòng mắng chửi, kích động ông phải đấu tranh hoặc làm đơn tố cáo quản giáo. Vì ông không làm theo yêu cầu nên những người này sỉ nhục ông bằng những ngôn từ tục tĩu.

Việc chửi bới của bạn tù tác động lên tinh thần của ông rất nghiêm trọng, làm ông cảm thấy mệt mỏi và ức chế.

Trong buổi thăm gặp, sau khi nghe ông Thắng thuật lại sự việc, cả gia đình ông đã phàn nàn với cán bộ trại và đề nghị ban giám thị phải có biện pháp khắc phục như chuyển ông sang buồng khác, tuy nhiên phía trại giam cho rằng cơ sở vật chất hạn chế nên ông cần phải nhẫn nhịn.

Theo hai người từng thi hành án tù ở Trại giam số 5, phân trại K1 là nơi giam giữ tạm thời cho tù nhân nam mới đến, sau một thời gian ngắn kéo dài vài ngày đến vài tuần thì họ bị chuyển đi các phân trại khác. Tù chính trị thường bị giam ở K3 (cho nam) và K4 (cho nữ).

Cựu tù chính trị Nguyễn Văn Điển, người từng ở trại tù này trong thời gian hơn bốn năm đến khi mãn hạn tù vào cuối tháng hai năm nay, cho RFA biết cơ sở vật chất của K1 tốt nhất trong số các phân trại ở đây, có khu thể dục thể thao cho tù nhân.

Tuy nhiên, không phải tù nhân nào cũng được hưởng các tiện nghi của khu này, ông nói.

Trong trường hợp của ông Thắng, bà Vượng không hiểu vì sao ông vẫn bị giam ở K1 trong hơn sáu tháng qua kể từ lúc bị đưa vào trại giam này.

Ông chỉ được rời khỏi buồng giam mỗi tháng một lần để gặp gia đình, thời gian còn lại bị giam trong buồng và không được đi ra khu chơi thể thao của phân trại.

Ông Thắng cũng làm đơn đề nghị được đi lao động để tránh phải ngồi trong phòng giam với không khí ngột ngạt, tuy nhiên, trại không giải quyết.

Phóng viên gọi điện thoại cho Trại giam số 5, cán bộ trực điện thoại không nêu danh tính phủ nhận các cáo buộc của ông Thắng, khẳng định trại thực hiện theo đúng quy định:

Tất cả mọi cái đều giam theo quy định hết cả. Theo quy định chúng tôi làm theo đúng luật pháp chứ không có ấy đâu. Còn có gì đấy thì các anh cứ trao đổi qua Cục C10 (Cục Cảnh sát quản lý trại giam thuộc Bộ Công an -PV) vào đấy làm việc thì chúng tôi sẽ trả lời cụ thể.”

Ông này cũng khằng định, K1 là một phân trại của trại giam dùng để giam các tù nhân có án từ tám tháng đến chung thân, chứ không phải là điểm trung chuyển ngắn hạn.

Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh cho rằng các thông tin trên chứng tỏ ông Thắng đang bị ngược đãi trong trại giam, là sự trả thù cho sự kiên cường của ông. Vị luật sư nói với RFA qua tin nhắn:

Về phương diện pháp lý, không có quy định nào cho phép giam chung tù nhân bị thần kinh với tù nhân bình thường cả. Đồng thời, việc cấm cản các quyền lợi của tù nhân như được ra ngoài tập thể dục, trồng cây… khi họ không vi phạm nội quy trại giam cũng là bất hợp pháp.”

Người từng tham gia bào chữa cho nhiều nhà hoạt động trước khi bị buộc phải đi tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ cho biết trên thực tế, việc giam chung người hoạt động với các tù nhân bệnh thần kinh hoặc bệnh lây nhiễm, và không cho họ hưởng các quyền lợi theo luật định là các thủ đoạn nghiệp vụ nham hiểm và rất quen thuộc của an ninh Việt Nam nhằm khuất phục tù nhân chính trị về tinh thần, hoặc trả đũa họ.

Rõ ràng, điều này không chỉ vi phạm về chế độ giam giữ tù nhân mà còn vi phạm nhân quyền. Chúng cần bị lên án,” ông nói.

Ngoài việc bị khủng bố tinh thần và không được ra khỏi phòng giam, ông Thắng còn gặp vấn đề về tiếp cận thông tin.

Ông cho gia đình biết ông gửi thư cho gia đình từ tháng 7 và 8 nhưng cho đến nay gia đình vẫn chưa nhận được. Gia đình ông cũng nhiều lần gửi thư và sách nhưng việc kiểm duyệt mất nhiều thời gian khiến ông không được cập nhật tin tức từ gia đình, và không có sách để đọc.

Bà Vượng cho biết gia đình chuẩn bị gửi văn bản kiến nghị tới Cục cảnh sát quản lý trại giam, Viện Kiểm sát tỉnh Thanh Hoá, và Trại giam số 5 với yêu cầu làm rõ việc ông Thắng tố cáo.

Gia đình cũng đề nghị trại giam chuyển ông đến Khu K3, nơi tù nhân có điều kiện sinh hoạt chung, tập thể dục và lao động (trồng cây) theo quy định của trại.

Điều 27 của Luật Thi hành án hình sự quy định tù nhân được bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự; được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án.

Điều 54 của luật này cũng nói tù nhân được gửi mỗi tháng hai lá thư cho gia đình, nhận sách từ gia đình.

Ông Thắng là một nhà hoạt động trực tuyến cổ suý dân chủ và nhân quyền, bảo vệ môi trường và chủ quyền quốc gia trước âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Ông tham gia phong trào No-U phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2011, là phóng viên ảnh với nhiều bức ảnh đưa tin về các cuộc biểu tình ôn hoà và các hoạt động về môi trường, từ thiện…

Ông cũng có nhiều bài viết trên chuyên mục blog của RFA cũng như trên Facebook về dân chủ và nhân quyền.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội, ông bị cho là “tàng trữ” một số cuốn sách có nội dung “chống nhà nước,” trong đó có hai cuốn “Chính trị bình dân” và “Phản kháng phi bạo lực” của nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo Phạm Đoan Trang, người đang bị cầm tù với bản án chín năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”

Ông cũng bị cho là tham gia vào nhiều buổi hội luận bàn tròn của BBC có nội dung “chống phá” hoặc “bôi xấu” Nhà nước Việt Nam và đăng tải 12 video lên mạng xã hội Facebook và Youtube có nội dung “xuyên tạc” chế độ.

Trước phiên xử ông, ba tổ chức quốc tế là Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông và các nhà hoạt động cùng nhà báo, những người đang bị giam cầm chỉ vì thực hành các quyền cơ bản một cách ôn hoà. (RFA)