“Bộ Công an đang thổi phồng mối nguy hại của chế độ” – LS Đặng Đình Mạnh

“Bộ Công an đang thổi phồng mối nguy hại của chế độ” - LS Đặng Đình Mạnh
Lực lượng an ninh triển khai ở Hà Nội năm 2022 (AFP)

Trong bài phỏng vấn với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) nhân dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định sẽ tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ, bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở, phòng ngừa từ xa và từ sớm những yếu tố gây đột biến, bất lợi.

Phát biểu của ông Tô Lâm khiến nhiều người hiểu rằng, người đứng đầu ngành Công an Việt Nam đang phát ra cảnh báo rằng công an sẽ có thể truy bắt “từ xa” những người, tổ chức gây bất lợi cho Đảng cộng sản VN.

Bỏ qua hậu quả…

Một nhà báo từ Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 13/2/2024 nhận định với RFA:

“Việc đàn áp phong trào dân chủ trong nước trong khoảng năm bảy năm trở lại đây đã rất là khác biệt. Bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam lại muốn vươn cánh tay ra nước ngoài để có thể khủng bố, bắt bớ hoặc đàn áp những người đấu tranh ở nước ngoài… thì tôi nghĩ việc này sẽ có những ảnh hưởng quốc tế rất lớn. Nếu như chúng ta xem lại việc bắt Trịnh Xuân Thanh, Trương Duy Nhất, Đường Văn Thái thì chúng ta thấy nó ảnh hưởng rất lớn. Nó sẽ có những phản ứng chắc chắn từ phía cộng đồng, cũng như từ các quốc gia có người bị can thiệp từ phía Việt Nam. Việc ông Lâm hứa làm ở mức độ nào thì mình không biết, nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các mối quan hệ ngoại giao. Bởi vì như vụ Trịnh Xuân Thanh ảnh hưởng rất nghiêm trọng, một thời gian rất lâu mới hàn gắn lại với Đức được. Không biết bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam còn tiếp tục làm như thế nào nữa?”

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay giữa thủ đô Berlin của Đức vào năm 2017 gần như cả thế giới đều biết vì sau đó, mạng báo Taz của Đức liên tục đưa tin về phiên toà xét xử các nghi phạm tham gia vụ bắt cóc này. Mặc dù vậy, đến nay, cả ông Trịnh Xuân Thanh và các cơ quan hữu trách Việt Nam vẫn chưa đề cập đến việc ông Thanh đang ở Đức nhưng sau đó có mặt tại Việt Nam như thế nào (?!).

Nhà cầm quyền Việt Nam lại muốn vươn cánh tay ra nước ngoài để có thể khủng bố, bắt bớ hoặc đàn áp những người đấu tranh ở nước ngoài… thì tôi nghĩ việc này sẽ có những ảnh hưởng quốc tế rất lớn.
-Nhà báo tại VN

Vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa im ắng thì hai năm sau, vào năm 2019, khi đang có mặt tại Bangkok, Thái Lan để xin quy chế tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, ông Trương Duy Nhất (blogger của RFA) bị mật vụ Việt Nam bắt cóc đưa về trong nước. Sau đó, ông Nhất bị cáo buộc tội ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ theo Điều 356, Bộ Luật Hình sự năm 2015, và bị tuyên án 10 năm tù.

Mới đây nhất là vụ ông Đường Văn Thái (hay còn gọi là Thái Văn Đường). Ông Đường đang ở Thái Lan và một ngày sau khi ông được phỏng vấn để đi định cư ở một nước thứ ba (4/2023) thì đột ngột mất tích.

Sau đó vài ngày, truyền thông nhà nước VN loan tin công an Hà Tĩnh bắt giữ một người đàn ông cùng tên vì “xâm nhập bất hợp pháp” từ Lào trong thời điểm Ngoại trưởng Hoa Kỳ thăm Hà Nội. Ba tháng sau, ông Đường bị Bộ Công an công bố lệnh tạm giam để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Nói về cách hành xử của Chính phủ VN, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, hiện sinh sống ở nước Đức, hôm 13/2/2024 cho rằng:

“Cách của người cộng sản là họ muốn duy trì quyền lực cai trị của họ đối với người dân và đất nước. Cho nên trong suốt gần 80 năm cầm quyền, họ đã gây rất nhiều tội ác đối với đất nước và người dân Việt Nam. Họ rất sợ một ngày nào đó thay đổi thì họ sẽ bị người dân trừng phạt. Cá nhân ông Tô Lâm không chỉ gây những tội ác trên cương vị của mình, mà còn vi phạm luật pháp quốc tế trong việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và rất nhiều những người đối lập khác từ nước ngoài. Ông Tô Lâm làm như vậy thể hiện ông chưa có một chút thay đổi, vẫn quyết tâm để khi có những người đối lập ở bên ngoài Việt Nam, thì sẵn sàng vi phạm pháp luật quốc tế để bắt cóc đưa về nước trừng trị. Đó là những điều chúng ta cần lên án.”

94af9b31-eda3-4004-9f74-fc7b2eb208d9.jpeg
Hình minh hoạ: Blogger Trương Duy Nhất tại phiên toà sơ thẩm ở Hà Nội hôm 10/3/2020. AFP.

Vì An ninh chế độ

Theo luật sư Đài, những người đấu tranh vì mục đích muốn đem lại quyền tự do, dân chủ, công bằng, lợi ích chung cho tất cả mọi người Việt Nam, trong khi Đảng CSVN đi ngược lại, họ muốn bảo vệ quyền lực cai trị đất nước của họ và đi ngược lại lợi ích của người dân.

Do đó, Luật sư Đài cho rằng, những phát biểu của ông Tô Lâm chứng tỏ những việc làm của ông và cả bộ máy Đảng CSVN đều không phải để bảo vệ cho quyền lợi đất nước và người dân Việt Nam, mà chỉ bảo vệ quyền lực trong giới lãnh đạo cầm quyền của đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đang phải lánh nạn tại Hoa Kỳ vì sự trấn áp của Chính quyền Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 13/2/2024 khẳng định, Bộ Công an tiếp tục đặt nhân dân làm đối tượng chính trong việc trấn áp để bảo đảm sự độc tôn quyền lực chính trị của họ:

“Nhìn sang các quốc gia dân chủ. Lực lượng cảnh sát chỉ giữ vai trò giữ trật tự trị an là chính. Nhưng với chế độ Cộng Sản, một chế độ mất lòng dân, lúc nào cũng đặt cho họ mối lo ngại về việc nhân dân sẽ phế bỏ mất quyền lực của họ. Do đó, họ buộc lòng đặt trọng tâm hoạt động của họ cao hơn trật tự trị an, đó là an ninh chế độ. Nhất là chuyển qua năm mới 2024. Thế nên, không khó hiểu khi ông Tô Lâm đánh giá rằng ‘công tác bảo đảm an ninh trật tự sẽ tiếp tục đứng trước nhiều thách thức, áp lực lớn’.”

Bộ Công an chỉ đang thổi phồng mối nguy hại của chế độ mà thôi, để quá đó, nâng cao vị thế, vai trò của Bộ Công an trong hệ thống quyền lực.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh

Về biện pháp bảo đảm an ninh cho chế độ theo luật sư Mạnh giải thích rằng, trước nay công an Việt Nam vẫn thực hiện theo truyền thống là phòng ngừa từ xa bằng cách sẵn sàng ra tay “bóp nát từ trong trứng nước” với mọi biểu hiện có thể thách thức quyền lực chính trị của họ, cho dù biểu hiện chỉ mới ở dạng tiềm năng. Tuy nhiên, trong năm năm trở lại đây, những vụ đàn áp người dân nổi tiếng trên mạng xã hội, có khả năng tập hợp công chúng, thì cho dù họ chưa từng đề cặp đến những vấn đề xã hội, chính trị… vẫn bị bắt giữ, cáo buộc hình sự theo cách vô pháp, bất công. Vì lẽ theo vị Luật sư Mạnh, Chính phủ VN quy định rằng khả năng tập hợp công chúng đều là những biểu hiện tiềm năng thách thức quyền lực của chế độ.

Do đó, để đánh giá tổng quát về cái gọi là đảm bảo an ninh trật tự mà ông Tô Lâm nói, luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng:

“Bộ Công an chỉ đang thổi phồng mối nguy hại của chế độ mà thôi, để qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của Bộ Công an trong hệ thống quyền lực. Vì tuy việc chế độ bị mất lòng dân là có thật, thế nhưng, hiện nay không có bất kỳ lực lượng nào có khả năng uy hiếp sự tồn vong của chế độ để phải đặt ra vấn đề an ninh cả.”

Thế nên, khái niệm “Công an trị” vào lúc này theo Luật sư Đặng Đình Mạnh mới thật sự chính xác, vì không chỉ nhân dân, mà chính Đảng Cộng sản cũng đang là con tin bị chính lực lượng công an dọa nạt, thao túng dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh. (RFA)