Ân xá Quốc tế: Công ty của Việt Nam buôn lậu nhiên liệu máy bay sang Myanmar

Cảnh tượng sau một trận bom oanh tạc tại một tu viện ở khu vực Magway (Myanmar) ngày 09/5/2024

Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc một công ty của Việt Nam cùng với một số doanh nghiệp của Trung Quốc và Singapore xuất lậu nhiên liệu máy bay cho chính quyền quân sự Myanmar bất chấp lệnh cấm của Hoa Kỳ và Anh Quốc.

Trong báo cáo công bố ngày 08/7, Ân xá Quốc tế nói nhiên liệu máy bay vẫn được nhập lậu vào Myanmar bất chấp những lời kêu gọi ngăn chặn các nguồn cung cần thiết cho quân đội nước này trong việc thực hiện các cuộc không kích bất hợp pháp chống lại quân nổi dậy đang chiến đấu nhằm chấm dứt sự cai trị của quân đội.

Theo đó, chính quyền quân sự Myanmar đang lách các biện pháp cấm vận nhiên liệu hàng không bằng cách nhập khẩu nhiên liệu máy bay trực tiếp từ Việt Nam ít nhất bảy lần vào năm 2023.

Ân xá Quốc tế nói hình thức nhập lậu này đã tiếp tục với ít nhất hai và có thể là ba chuyến hàng nhiên liệu hàng không đến Myanmar trong sáu tháng đầu năm nay.

Theo tổ chức nhân quyền này thì doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào việc xuất khẩu lậu nhiên liệu máy bay vào Myanmar là Công ty TNHH MTV Hải Linh có trụ sở ở xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Phóng viên gọi cho công ty này theo số điện thoại công bố trên Internet nhưng không có ai nghe máy.

Phát biểu trong email gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 08/7, Phát ngôn nhân Yadanar Maun của tổ chức Công lý cho Myanmar (Justice for Myanmar), nói:

Không thể chấp nhận được việc Việt Nam tiếp tục đồng lõa trong việc cung cấp nhiên liệu máy bay cho chính quyền quân sự bất hợp pháp của Myanmar. Chính quyền cần nhiên liệu máy bay để tiếp tục chiến dịch khủng bố trên không, trong đó tàn sát dân thường mà không bị trừng phạt, gây ra sự di tản hàng loạt và lan rộng.”

Theo vị này, thay vì hợp tác với các đồng minh quốc tế để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar, Chính phủ Việt Nam đang cho phép các công ty xuất khẩu nhiên liệu máy bay chết người sang Myanmar và tiếp tục tài trợ cho một tập đoàn quân sự tham nhũng thông qua Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel).

Việt Nam cần phải tôn trọng các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình bằng cách chặn tất cả các quỹ, vũ khí và nhiên liệu máy bay cho chính quyền quân sự Myanmar,” vị này nói.

Tổ chức Công lý cho Myanmar cũng kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ khẩn trương áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với công ty Hải Linh.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về báo cáo của Ân xá Quốc tế nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Ân xá Quốc tế cho biết trong năm nay, một tàu chở dầu có tên HUITONG78 thuộc sở hữu của Trung Quốc đã vận chuyển nhiên liệu máy bay từ Việt Nam đến Myanmar và các nhà kinh doanh nhiên liệu có trụ sở tại Singapore dường như đã đóng một vai trò trong chuỗi cung ứng.

Giống như các lô hàng năm 2023, các lô hàng năm 2024 bao gồm nhiều hoạt động mua và bán lại cùng một loại nhiên liệu, khiến việc truy tìm nhà cung cấp ban đầu trở nên khó khăn,” tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London nói. 

Ân xá Quốc tế nói dữ liệu theo dõi và thương mại tàu thuyền cho thấy tàu chở dầu HUITONG78 của Trung Quốc đã vận chuyển hai lô hàng nhiên liệu hàng không đến kho cảng Puma Energy trước đây (hiện do tập đoàn Shoon Energy có trụ sở tại Myanmar và Quân đội Myanmar kiểm soát) tại Thilawa, cảng Yangon, vào ngày 14/1 và 29/2.

Giống như tất cả các lô hàng được Ân xá Quốc tế phát hiện vào năm 2023, tàu chở dầu lấy nhiên liệu tại Kho xăng dầu Cái Mép Việt Nam do Công ty TNHH Hải Linh điều hành trước khi khởi hành đi Myanmar.

Quân đội Myanmar đang dựa vào chính tàu Trung Quốc và một số công ty Việt Nam để nhập khẩu nhiên liệu máy bay của họ, mặc dù Ân xá Quốc tế đã vạch trần chuỗi cung ứng liều lĩnh đó,” Tổng thư ký Agnes Callamard của Ân xá Quốc tế nói.

Đó là sự thể hiện rõ ràng về miễn trừ tuyệt đối mà quân đội Myanmar đang hoạt động và sự đồng lõa hoàn toàn của các quốc gia chịu trách nhiệm, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc và Singapore,” bà Agnes Callamard nói.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn đẫm máu kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử vào đầu năm 2021, chấm dứt một thập kỷ cải cách thăm dò.

Các nhà hoạt động dân chủ đã cầm vũ khí và liên kết với những người dân tộc thiểu số nổi dậy đòi quyền tự trị, và cùng nhau họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể chống lại lực lượng chính quyền ở một số vùng trên đất nước trong năm nay.

Tuy nhiên, quân nổi dậy có rất ít vũ khí hiệu quả để tự vệ trước các cuộc tấn công trên không.

Tháng trước, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Myanmar nói các cuộc không kích quân sự nhằm vào các mục tiêu dân sự đã tăng gấp năm lần trong nửa đầu năm nay mặc dù Hoa Kỳ và Anh đã công bố lệnh trừng phạt đối với các công ty bán nhiên liệu máy bay cho chính quyền quân sự vào tháng 8 năm ngoái.

RFA không thể liên lạc với người phát ngôn chính quyền của Myanmar để bình luận. Chính quyền quân sự Myanmar cho biết họ không cố ý nhắm vào dân thường. (RFA)