Liên minh nhân quyền: Thái Lan vi phạm luật trong nước và quốc tế nếu dẫn độ Y Quynh Bdap

Nhà hoạt động Y Quynh Bdap trước khi bị bắt giữ (Fb)

Một liên minh nhân quyền quốc tế khẳng định Thái Lan sẽ vi phạm luật pháp của chính mình cũng như các Công ước quốc tế nếu trục xuất Y Quynh Bdap về Việt Nam, nơi ông đối mặt với sự tra tấn và bản án tù dài hạn.

Ngày 04/7, Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền (Đài Quan sát), một liên minh của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) ra tuyên bố kêu gọi can thiệp khẩn cấp đối với trường hợp của nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap.

Tòa án hình sự ở Bangkok sẽ đưa ông ra xét xử dẫn độ vào ngày 15/7 tới đây. Tổ chức có trụ sở chính tại Thụy Sỹ cho rằng, nếu bản án dẫn độ được thông qua Thái Lan sẽ “vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ của mình theo luật pháp trong nước và các điều ước quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc không gửi trả được quy định trong Điều 3 của Công ước chống tra tấn và trong Luật Ngăn chặn tra tấn và cưỡng bức mất tích của Thái Lan.”

Luật mới này, có hiệu lực từ ngày 22/2/2023, nghiêm cấm việc đưa các cá nhân trở về các quốc gia nơi họ có thể phải đối mặt với sự tra tấn, ngược đãi và cưỡng bức mất tích.

Ngoài ra, Thái Lan đã phê chuẩn Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích có hiệu lực vào ngày 13/6/2024, theo Đài quan sát việc buộc đưa Y Quynh Bdap về Việt Nam sẽ là hành vi vi phạm rõ ràng các nghĩa vụ này.

Tổ chức có sứ mệnh “đảm bảo sự bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả cho những cá nhân bị sách nhiễu vì hoạt động nhân quyền ôn hòa của họ” nhắc lại vụ cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt giữ Y Quynh vào ngày 11/6, chỉ một ngày sau khi ông có cuộc phỏng vấn với Tòa Đại sứ Canada về việc tái định cư.

Đài Quan sát lên án mạnh mẽ việc giam giữ tùy tiện này, cho rằng nó dường như chỉ nhằm mục đích trừng phạt ông vì các hoạt động nhân quyền hợp pháp, đồng thời kêu gọi chính quyền Thái Lan trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.

Liên minh này cũng kêu gọi Thái Lan chấm dứt mọi thủ tục dẫn độ đối với Y Quynh Bdap và chấm dứt mọi hình thức quấy rối, kể cả ở cấp tư pháp và hành chính, đối với ông và tất cả những người bảo vệ nhân quyền khác đang ẩn náu ở Thái Lan.

Ông Huỳnh Trọng Mẫn, thành viên của nhóm Hiến Pháp đang tị nạn chính trị ở Thái Lan sau khi tích cực tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 ở Sài Gòn chống hai dự luật Đặc khu kinh tế và An ninh mạng, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 08/7:

Dù không liên quan gì đến vụ nổ súng ở Cư Kuin giữa năm ngoái, ông vẫn bị kết án một cách bất công với bản án 10 năm tù giam về tội danh nguỵ tạo ‘khủng bố.’ Do vậy, việc bắt giữ ông theo yêu cầu của Hà Nội là không chính đáng và việc trục xuất ông sẽ vi phạm cam kết quốc tế về nhân quyền của Thái Lan.”

Ông Mẫn cũng đề nghị cảnh sát Hoàng gia không bắt giữ những nhà hoạt động đang lánh nạn ở Thái Lan và thúc giục các nước nhanh chóng làm thủ tục nhận người tị nạn nhằm tránh nguy hiểm.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, bày tỏ sự lo ngại về khả năng chính quyền Thái Lan trục xuất ông Y Quynh Bdap về nước vì theo ông, lực lượng an ninh của hai quốc gia này mới cam kết “tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, truy bắt, bàn giao các đối tượng truy nã của nước này trốn sang nước kia… tiến tới ký kết Hiệp định dẫn độ giữa hai nước.”

Nhắc lại vụ an ninh Việt Nam bắt cóc blogger Trương Duy Nhất của RFA đầu năm 2019 và Youtuber Đường Văn Thái vào tháng 4/2023 ở Thái Lan, ông nói với RFA:

“Dù các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng nhưng mà tương quan giữa Việt Nam và Thái Lan bây giờ quan trọng hơn là vấn đề nhân quyền và việc đưa anh Y Quynh về chỉ là vấn đề thời gian, bởi vì đó là chính sách chứ không phải nhu cầu nhất thời.”

Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền thúc giục các tổ chức và cá nhân trên toàn cầu gửi thư đến Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng tư pháp, Tư lệnh cảnh sát… của Thái Lan về trường hợp của ông Y Quynh Bdap.

Liên minh cũng thúc giục Thái Lan chấm dứt mọi hành động đàn áp xuyên quốc gia đối với các nhà hoạt động nước ngoài và tiến hành điều tra kỹ lưỡng và khách quan về sự tham gia của các quan chức Thái Lan trong mọi cáo buộc quấy rối, đe dọa, giám sát và buộc người tị nạn hồi hương theo yêu cầu của chính phủ nước ngoài.

Phóng viên gửi email cho Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tư pháp, và người đứng đầu Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan về lời kêu gọi của liên minh nhân quyền trên, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Nhiệm vụ của Đài quan sát là đảm bảo sự bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả cho những cá nhân bị quấy rối do các hoạt động nhân quyền ôn hòa của họ dù ở đâu, bất kể lĩnh vực công việc cụ thể của họ – có thể là thành viên NGO, người bảo vệ quyền phụ nữ, luật sư , nhà báo, lãnh đạo công đoàn, người bảo vệ quyền đất đai và môi trường, nhà hoạt động LGBTQIA+, người bảo vệ quyền của người di cư, nhà hoạt động chống tham nhũng hoặc những công dân bình thường đứng lên bảo vệ nhân quyền. (RFA)