Văn phòng của luật sư Nguyễn Văn Miếng ở TPHCM bị kiểm tra dù ông đã sang Mỹ tị nạn

Ls Nguyễn Văn Miếng và một người bạn trước văn phòng luật của ông ở Sài Gòn (Fb)

Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) kiểm tra Văn phòng Luật sư Luật Hồng Đức của luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Miếng trong khi ông ở Mỹ tị nạn chính trị đã hơn một năm nay.

Luật sư Miếng từng tham gia bào chữa cho nhiều người hoạt động nhân quyền, được biết đến rộng rãi khi tham gia bào chữa cho sáu thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai (sau đổi tên là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) trong vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”

Ông Miếng cùng hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Đào Kim Lân sang tị nạn tại Hoa Kỳ vào tháng 7 năm ngoái sau khi công an tỉnh Long An phát thông báo truy tìm. Trong thời gian này, văn phòng luật mà ông đứng tên cũng ngừng hoạt động.

Theo biên bản lập bởi Phòng Tư pháp thuộc Uỷ ban Nhân dân thành phố Thủ Đức vào ngày 29/7, đoàn kiểm tra dẫn đầu bởi Phó phòng Nguyễn Thị Thanh Hoà và đại diện nhiều phòng chức năng khác, đã kiểm tra đăng ký hoạt động, người đại diện theo pháp luật, và chứng chỉ luật sư.

Nhận định với RFA trong ngày 30/7, ông Miếng cho rằng có thể chính quyền đang muốn xác minh xem văn phòng có còn hoạt động hay không, có nhân viên nào vẫn còn làm việc từ đó sẽ có hướng xử lý tiếp theo.

Sau khi văn phòng ngừng hoạt động, em gái ông đã tháo bỏ tấm biển đồng của văn phòng gắn ở một bên trụ cổng, chỉ còn tấm biển hiệu to gắn trên cổng. Tuy nhiên, trong tháng 5 vừa qua, gia đình đã xây cổng mới ra phía ngoài nên tấm biển hiệu này đã bị che khuất.

Tuy vậy, đoàn kiểm tra hôm thứ Hai vẫn yêu cầu gia đình phải tháo tấm biển này xuống, ông Miếng cho rằng đó là hành động nhằm xoá bỏ sự tồn tại của một luật sư nhân quyền như ông. Ông nói:

Động thái đó là nhằm xóa sạch các dấu vết của tôi, sự tồn tại của tôi ở  trong con mắt của tất cả mọi người. Qua biên bản đó, nó sẽ xử lý tiếp, gửi về Long An để nó xử lý tiếp còn xử lý như thế nào thì tôi cũng chưa rõ lắm.”

Vào tháng 2/2023, cả năm luật sư bào chữa cho các thành viên của TTBL bị Công an tỉnh Long An triệu tập nhiều lần để làm việc về tin báo tội phạm của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an).

Phía công an cho rằng họ có dấu hiệu vi phạm Điều 331 của Bộ luật Hình sự khi công bố các tình tiết, bình luận cũng như các khiếu nại của họ về vụ án lên mạng xã hội Youtube và Facebook trong thời gian diễn ra vụ án.

Sau khi ba luật sư Nguyễn Văn Miếng, Đặng Đình Mạnh và Đào Kim Lân từ chối đến làm việc theo giấy triệu tập, ngày 11/6/2023, Công an Long An đăng thông báo truy tìm họ.

Vào tháng 4 vừa qua, Đoàn Luật sư TPHCM ra quyết định xoá tên khỏi danh sách luật sư đối với hai ông Nguyễn Văn Miếng và Đặng Đình Mạnh, đồng nghĩa với việc họ cũng sẽ bị thu thẻ luật sư và không thể hành nghề ở Việt Nam.

Ngày 17/7, cơ quan này ra quyết định tương tự đối với luật sư Đào Kim Lân với cùng lý do là “nợ phí thành viên liên tục nhiều năm.”

Theo Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc xoá tên thành viên chỉ được tiến hành nếu nợ lệ phí từ 18 tháng trở lên và phải thông báo cho đương sự hai lần trước khi xoá tên.

Tuy vậy, ông Đào Kim Lân khẳng định ông chỉ nợ 15 tháng lệ phí từ tháng 1/2023 đến tháng 3/2024 khi tổ chức này gửi thông báo đến cho ông và 17 tháng tính tới thời điểm Đoàn luật sư thành phố họp để xoá tên ông.

Hơn nữa, ngày 15/7, ông nhận được email của Đoàn Luật sư về việc nợ lệ phí, và ngày 21/7, ông đã nộp 750.000 đồng, tương đương với lệ phí của 5 tháng. Do vậy, trên thực tế, ông chỉ nợ 14 tháng lệ phí.

Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, việc kiểm tra vừa qua của nhà chức trách thành phố Thủ Đức cũng như việc xoá tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư nằm trong kế hoạch đàn áp đối với ông và các đồng nghiệp tham gia bào chữa trong các vụ án chính trị. Ông nói:

Việc đe dọa của nhà nước, chủ yếu là của công an đối với các luật sư tham gia án chính trị đã gây một tác động lớn đến tất cả các luật sư về sau này và nhìn rộng ra là đe dọa đến nền tư pháp của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của con người.”

Luật sư Đào Kim Lân cũng có đánh giá tương tự. Ông nói:

Đây là đòn trả thù hay là một đòn chơi bẩn đối với các luật sư trong vụ án Thiền Am.”

Phóng viên gửi email cho Đoàn Luật sư TPHCM và Phòng Tư pháp thành phố Thủ Đức với đề nghị bình luận về cáo buộc của hai luật sư Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. (RFA)