Công an Đắk Lắk bắt giữ ông Y Pŏ Mlô với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết”

Người Thượng tị nạn ở Thái Lan biểu tình vì bị đe doạ trục xuất về Việt Nam (Fb)

Thêm một người Thượng ở khu vực Tây Nguyên bị bắt giữ với cáo buộc thu thập thông tin một chiều rồi báo cáo ra nước ngoài nhằm chống đối chính quyền.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ngày 15/8/2024 cho hay đã bắt giữ ông Y Pŏ Mlô, 63 tuổi, với cáo buộc “Phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 116 của Bộ luật Hình sự.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đưa tin cho rằng, cán bộ chính quyền các cấp nhiều lần giáo dục, nhắc nhở, đưa ông Y Pŏ kiểm điểm trước dân do từng có liên lạc và nhận sự chỉ đạo của ông Y Mút Mlô, một người Thượng ở Mỹ đã bị tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên án vắng mặt 11 năm tù về tội “Khủng bố” trong vụ án tấn công vào trụ sở chính quyền hai xã ở huyện Cư Kuin ngày 11/6/2023.

Cũng theo website chính thức của Bộ Công an, ông Y Pŏ Mlô từ năm 2023 cho đến thời điểm trước khi bị bắt giữ cũng bị cho là đã sử dụng Facebook cá nhân để liên lạc, nhận thông tin chỉ đạo từ những người Thượng đang xin tị nạn ở Thái Lan như Y Min Alur, Y Thanh Êban, Y Pher Hdruê… rồi từ đó truyền đạt lại cho các thành viên khác ở tỉnh Đắk Lắk bằng cách: gửi, nhận thông tin qua không gian mạng và thu thập những thông tin một chiều, thiếu khách quan, sai bản chất sự thật ở trong nước rồi báo cáo ra bên ngoài nhằm để xuyên tạc, phá hoại chính sách đoàn kết, chống đối lại chính quyền. Ba người này bị quy kết là đối tượng thuộc FULRO,

FULRO (theo tiếng Pháp) là viết tắt của Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức, bao gồm người các sắc tộc ở cao nguyên Trung phần, Chăm, Khmer chỉ tồn tại từ năm 1964 đến 1992.

Phản bác cáo buộc của Bộ Công an

Phóng viên liên lạc được với hai trong số ba người bị cáo buộc có liên quan đến ông Y Pŏ Mlô, tuy nhiên họ đều phủ nhận việc có bất kỳ liên hệ nào với ông này.

Ông Y Min Alur, tín đồ của Hội Thánh Truyền giảng Phúc âm ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, vì bị đàn áp tự do tôn giáo nên đã chạy sang Thái Lan để tị nạn và đang chờ được đưa đi định cư ở nước thứ ba. 

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 18/8:

Thực tế về Y Pŏ Mlô tôi không biết người này ở đâu mặt mũi như thế nào. Tôi ở bên Thái Lan, tôi cũng lên tiếng về vấn đề tôn giáo và nhân quyền, về một số vấn đề là Cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo và lấy đất đai của người dân đồng bào dân tộc của chúng tôi.” 

Người đàn ông 49 tuổi cho biết ông không phải là thành viên của FULRO vì tổ chức này đã bị giải thể từ năm 1992. Nói về việc bị cáo buộc là thành viên của tổ chức này, ông nói “Những người mà lên tiếng về việc Cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo thì họ cho là FULRO hết cả.”

Ông Y Pher Hdruê, một nạn nhân khác của đàn áp tự do tôn giáo đang tị nạn ở Thái Lan, trong tin nhắn gửi RFA cho rằng “đây là một cáo buộc vô căn cứ và lố bịch của chính quyền Việt Nam nhằm vu khống và gán ghéông Y Pŏ Mlô với tổ chức FULRO, chỉ để tạo cớ bắt giữ và đàn áp.”

Báo chí Việt Nam cũng đưa tin trong khi khám xét nơi ở của ông Y Pŏ Mlô, nhà chức trách đã thu được nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội của ông này liên quan đến hai tổ chức khủng bố “Người Thượng Vì Công Lý” (MSFJ) ở Thái Lan và “Nhóm Hỗ trợ người Thượng” ở Mỹ.

Ông Y Phic Hdok, thành viên sáng lập của MSFJ, cho biết tổ chức của ông và các thành viên, trong đó có Y Pher Hdruê, Y Quynh Bdap không hoạt động khủng bố và cũng không liên quan đến FULRO.

Ông nói với RFA trong ngày 19/8:

Thông tin mới nhất được đăng tải trên trang mạng của chính quyền Việt Nam về vụ việc cáo buộc MSFJ và thành viên của nhóm là một sự vu khống không có căn cứ. Sau khi xác minh với các thành viên MSFJ tại Thái Lan, chúng tôi khẳng định không biết ông Y Po Mlo là ai và chưa từng làm việc cùng ông ấy.”

Ông Y Phic Hdok hiện đang định cư ở Mỹ khẳng định tổ chức xã hội dân sự này chỉ thu thập thông tin về vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo đối với những người thuộc sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên rồi báo cáo với các tổ chức nhân quyền quốc tế và Liên Hiệp quốc (LHQ).

Theo ông, điều đáng lo ngại nhất là việc chính quyền bắt người tùy tiện, ép buộc họ khai theo ý muốn và gán ghép MSFJ là tổ chức khủng bố. Điều này chứng tỏ Việt Nam không có sự cải thiện về vấn đề nhân quyền, không tôn trọng pháp luật và các công ước quốc tế về nhân quyền.

Ông nói đây là hành động đàn áp xuyên quốc gia, tạo chứng cớ giả để hạ thấp uy tín MSFJ, cũng như âm mưu dẫn độ thành viên của nhóm, ông Y Quynh Bdap từ Thái Lan về Việt Nam, là những việc làm đáng lên án.

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ lên tiếng về việc Việt Nam đàn áp người Thượng

Trong Thư tố cáo chung (Joint Allegation Letter) gửi Chính phủ Việt Nam ngày 14/6/2024, 13 Báo cáo viên đặc biệt thuộc cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp quốc đã lên tiếng về việc Việt Nam đàn áp người Thượng ở trong nước và cả những tổ chức, cá nhân đang sống lưu vong ở Thái Lan.

Bức thư vừa được công khai ngày 14/8 sau hai tháng Chính phủ Việt Nam không có phản hồi cho biết, Việt Nam liệt tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ) vào nhóm khủng bố sau vụ việc ngày 11/6/2023.

Thành viên sáng lập của nhóm, ông Y Quynh Bdap bị toà án ở Đắk Lắk kết tội vắng mặt với mức án 10 năm về tội “khủng bố.” Nhà hoạt động này đã sang Thái Lan tị nạn từ năm 2018, đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ ngày 11/7 vừa qua theo yêu cầu dẫn độ của Việt Nam, và có nguy cơ bị trục xuất về nước.

Các chuyên gia nhân quyền của LHQ cho rằng việc Việt Nam dán nhãn “khủng bố” cho MSFJ không theo các yêu cầu về thủ tục tố tụng hợp pháp và bảo vệ tư pháp theo luật nhân quyền quốc tế, như được nêu ra bởi Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản trong khi chống khủng bố.

Các báo cáo viên cũng nhấn mạnh MSFJ là tổ chức bảo vệ quyền của người bản địa ở Tây Nguyên, thường xuyên gửi báo cáo vi phạm nhân quyền đối với người Thượng ở khu vực này.

Các chuyên gia nhân quyền cũng bày tỏ lo lắng về việc Chính phủ Việt Nam dường như đang thực hành tiếp đàn áp xuyên biên giới bằng cách đưa công an sang Thái Lan để tìm cách dẫn độ ông Y Quynh Bdap và các thành viên khác của MSFJ cũng như người Việt tị nạn khác đang ở Thái Lan.

Nhắc lại vụ một phái đoàn công an Việt Nam ngày 14/3 đi vào khu trọ của người Thượng ở Nonthaburi và Bang Khen để thuyết phục, buộc họ về nước, các chuyên gia cho rằng công an Việt Nam “đã đe dọa, quấy rối, và cưỡng ép người tị nạn nhằm buộc họ phải trở về Việt Nam trái với ý muốn của họ.”

Các chuyên gia cho rằng việc thuyết phục, đe doạ người Việt tị nạn ở Thái Lan trong tháng 3 vừa qua nằm trong chiến dịch tăng cường phân biệt đối xử, và giám sát đàn áp, kiểm soát an ninh, quấy rối và đe dọa đối với người dân tộc thiểu số bản địa người Thượng ở Tây Nguyên. Theo họ, sự kiện 11/6/2023 là cái cớ cho sự leo thang này.

Chiến dịch đàn áp này dường như nhắm vào các cá nhân và nhóm người Thượng ở Việt Nam và nước ngoài chỉ trích hoặc phản đối các hành động và chính sách của Chính phủ Việt Nam, bao gồm cả những người bảo vệ nhân quyền, cũng như những người tự nhận là thành viên của các “nhà thờ tại gia” Tin lành chưa đăng ký.

Việc phân biệt đối xử, đàn áp người Thượng ở Tây Nguyên trái với cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền, và có thể nuôi dưỡng sự phản kháng của người bản địa thiểu số ở đây, các chuyên gia nhân quyền nhấn mạnh.

Các chuyên gia nhân quyền LHQ nêu lên các trường hợp chức sắc tôn giáo của người Thượng bị bỏ tù, thậm chí bị chết một cách rất đáng ngờ như trường hợp ông Y Būm Byă ở xã Eatu, thành phố Buôn Ma Thuột bị tìm thấy chết trong tư thế thắt cổ ở nghĩa trang gần nhà sau khi đi gặp công an địa phương ngày 08/3 năm nay.

Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về Thư cáo buộc của các báo cáo viên đặc biệt, nhưng không nhận được ngay câu trả lời. (RFA)