Sắp có phán quyết dẫn độ đối với Y Quynh Bdap: Các tổ chức kêu gọi giám sát chặt chẽ

Nhà hoạt động Y Quynh Bdap trước khi bị bắt giữ (Fb)

Quỹ Giao thoa Văn hoá (Cross Cultural Fund), một tổ chức phi chính phủ của Thái Lan và mạng lưới các tổ chức nhân quyền kêu gọi cộng đồng quốc tế giám sát chặt chẽ phán quyết của Toà án Hình sự Bangkok trong ngày 30/9 đối với phiên tòa dẫn độ ông Y Quynh Bdap.

Ông Y Quynh Bdap, thành viên sáng lập của tổ chức nhân quyền Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice- MSFJ) và là một người tị nạn đã được Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế, bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ ngày 11/6 vừa qua theo yêu cầu dẫn độ của Chính phủ Việt Nam.

Toà án Hình sự Ratchada có ba phiên điều trần trong tháng 8 và đầu tháng 9 để nghe các bên đưa ra bằng chứng, và toà án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào cuối tháng.

Theo Quỹ Giao thoa Văn hóa có trụ sở ở Bangkok, phán quyết này có khả năng tạo ra tiền lệ pháp lý quan trọng cho việc áp dụng Mục 13 của Đạo luật Phòng ngừa và Ngăn chặn Tra tấn và Cưỡng bức Mất tích (Đạo luật Chống Tra tấn) của Thái Lan.

Đạo luật có hiệu lực từ tháng 2/2023 cấm các tổ chức chính phủ hoặc viên chức nhà nước trục xuất hoặc cho phép dẫn độ một người sang một quốc gia khác khi có căn cứ đáng kể để tin rằng người đó sẽ có nguy cơ bị tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục hoặc cưỡng bức mất tích.

Trong thông cáo báo chí công bố ngày 04/9, Quỹ Giao thoa Văn hóa nhắc lại việc ông Y Quynh là người tị nạn được UNHCR cấp quy chế và đang chờ xét duyệt để được tái định cư ở một quốc gia thứ ba.

Thông cáo cũng nói nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm cả LHQ, đã đưa ra tuyên bố đòi trả tự do cho ông và bày tỏ lo ngại về khả năng ông sẽ bị buộc đưa trở về Việt Nam, nơi ông đối diện với bản án 10 năm tù vì bị cáo buộc chỉ đạo vụ tấn công ngày 11/6/2023.

Quỹ Giao thoa Văn hóa và mạng lưới các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi báo chí, công chúng và các tổ chức xã hội dân sự theo dõi chặt chẽ phán quyết của Toà án Hình sự Bangkok trong ngày 30/9. Theo đó, các tổ chức và cá nhân quan tâm đến vụ việc đến hoặc cử đại diện đến để quan sát phiên toà.

Sự hiện diện này rất quan trọng để đảm bảo rằng Chính phủ Thái Lan biết rằng vụ án của ông Bdap đang được xã hội dân sự ở Thái Lan và cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ.

Nếu Chính phủ Thái Lan cho phép dẫn độ, trường hợp của ông Bdap có thể là một ví dụ về sự đàn áp xuyên quốc gia và hành động như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc không trục xuất theo quy định tại Mục 13 của Đạo luật Chống tra tấn,” thông cáo nói.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế hưởng ứng

Liên minh các tổ chức xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS), một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Johannesburg (Nam Phi) hưởng ứng lời kêu gọi trên của người Thái. Ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức này, nói trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA):

Vì hoạt động về quyền của người Thượng bản địa, ông Y Quynh Bdap đang phải đối mặt với sự đàn áp xuyên quốc gia từ chế độ Việt Nam, những người đang tìm cách dẫn độ ông về Việt Nam để đối mặt với mười năm tù giam vì tội khủng bố bịa đặt. Việc trục xuất nhà hoạt động này về Việt Nam sẽ vi phạm nghĩa vụ không đẩy trả theo luật nhân quyền quốc tế.

Phán quyết sẽ là phép thử đối với cam kết của Chính phủ Thái Lan trong việc bảo vệ nhân quyền tại thời điểm họ đang tìm cách gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc. Thái Lan phải từ chối hồi hương Y Quynh Bdap và thay vào đó phải thực hiện các bước để bảo vệ nhà bảo vệ nhân quyền này.”

Ông Phil Robertson, giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA), cho rằng kết quả phiên toà ngày 30/9 tới đây sẽ thể hiện việc Thái Lan có áp dụng Đạo luật Chống Tra tấn một cách nghiêm túc hay không.

Ông nói với RFA qua tin nhắn:

Những gì xảy ra với Y Quynh Bdap sẽ là một chỉ báo rõ ràng về việc liệu Chính phủ Thái Lan có sẵn sàng duy trì luật mới của mình hay không, luật này yêu cầu không được trả lại một người đến nơi mà họ có thể phải đối mặt với tra tấn.

Đánh giá theo tất cả các quan chức an ninh mà Việt Nam đã cử đến để giám sát phiên tòa, Hà Nội rất muốn dẫn độ Y Quynh Bdap về. Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam sẽ sử dụng tra tấn đối với ông nếu ông bị Thái Lan ép buộc hồi hương.”

Ông cũng cho rằng đây là phép thử cho ứng cử viên Thái Lan trong cuộc bầu cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc vào tháng 10.

Ông Y Phic Hdok, thành viên sáng lập của MSFJ và hiện đang ở Hoa Kỳ, hoan nghênh lời kêu gọi của các tổ chức quốc tế. 

Khẳng định tổ chức MSFJ và cá nhân ông Y Quynh Bdap chỉ thực hiện các công việc ôn hoà như viết báo cáo về đàn áp người Thượng tới LHQ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, ông bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ thành viên của tổ chức bị trục xuất về Việt Nam.

Tổ chức Người Thượng Vì Công Lý vô cùng quan ngại về tình hình của đồng sáng lập viên Y Quynh Bdap, người đang đối mặt với nguy cơ bị Thái Lan trục xuất về Việt Nam. Phiên tòa sắp tới vào ngày 30/9/2024 tại Tòa án Hình sự Ratchada, Thái Lan, là một sự kiện quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến số phận của ông Bdap, mà còn có thể đặt ra một tiền lệ nguy hiểm về đàn áp xuyên quốc gia.

Chúng tôi kêu gi chính phủ Thái Lan tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế và không để luật pháp bị sử dụng làm công cụ đàn áp chính trị xuyên biên giới. Sự giám sát chặt chẽ từ báo chí và cộng đồng quốc tế chính là yếu tố then chốt để ngăn chặn bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào trong trường hợp này.” (RFA)