Blogger Đường Văn Thái sẽ bị xử kín vì liên quan đến nhiều quan chức nhà nước

YouTuber Thái Văn Đường (Đường Văn Thái) trong một ảnh chụp tháng 2/2023

Ngày 30/10, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xét xử kín blogger Đường Văn Thái, người thường đưa tin về tình trạng tham nhũng của quan chức và đấu đá trong nội bộ ban lãnh đạo Việt Nam.

Ông Thái, còn được gọi là Thái Văn Đường, 42 tuổi, đào thoát sang Thái Lan tị nạn vào đầu năm 2019 và đã được Cao uỷ LHQ về người tị nạn cấp quy chế. Ngay sau khi được phỏng vấn để định cư ở nước thứ ba vào giữa tháng 4/2023, ông bị mất tích ở gần Bangkok.

Báo chí Việt Nam nhiều ngày sau mới thông tin việc công an bắt giữ ông khi đang định xâm nhập từ Lào vào Hà Tĩnh. Tuy nhiên, công an sau đó lại thông báo điều tra ông về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.”

Một người am hiểu về vấn đề cho RFA biết, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố truy tố ông Thái theo cáo buộc ở Khoản 2 “Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” của Điều 117 “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong Bộ luật Hình sự, với mức án tù từ 10 năm đến 20 năm.

Người không muốn công khai danh tính vì tính nhạy cảm của vấn đề, cho hay theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên toà sẽ xử kín vì liên quan đến nhiều quan chức nhà nước, những người bị cho là đã cung cấp thông tin cho ông Thái. Gia đình của blogger này cũng sẽ không được tham dự.

Theo Điều 25 của Bộ luật tố tụng hình sự, trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước… Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Phóng viên gọi tới số điện thoại của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội để hỏi về phiên xử nhưng không thể kết nối.

Gia đình đã thuê hai luật sư Lê Đình Việt và Lê Văn Luân để trợ giúp pháp lý cho ông Thái trong phiên toà sơ thẩm.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho rằng Đường Văn Thái bị bắt cóc bởi lực lượng an ninh Việt Nam và đưa về nước, giống như trường hợp blogger Trương Duy Nhất của RFA ở Bangkok trong năm 2019 hay cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin năm 2017. (RFA)