Giới hoạt động phản đối việc Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ

Một cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, tháng 2 năm 2024

Nhiều người hoạt động nhân quyền phản đối việc Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc sau khi Hà Nội tuyên bố ý định này tuần trước.

Ngày 19/12, trong cuộc họp báo thường kỳ, Phát ngôn viên Phạm Thu Hằng của Bộ Ngoại giao nhắc lại việc Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt công bố việc Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028 một tuần trước đó.

Bà Hằng được truyền thông Nhà nước trích dẫn:

“… Việt Nam đang đảm nhiệm cương vị là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 20232025 với nhiều dấu ấn, sáng kiến với tinh thần: tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người trên 8 lĩnh vực ưu tiên, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Bà Hằng cũng đưa ra cam kết:

Chúng tôi cam kết sẽ phát huy vai trò tích cực, xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền LHQ và bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền của mọi người dân trên toàn thế giới.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung, người phải đưa gia đình sang tị nạn tại Đức để tránh bị truy bức bởi lực lượng an ninh Việt Nam, không đồng ý với phát biểu của bà Hằng. Ông nói với RFA:

Việt Nam cũng không có sự cải thiện thực chất về các quyền khác như là quyền tự do lập hội và quyền thành lập nghiệp đoàn, không thả tù nhân lương tâm, và thậm chí nghiêm trọng hơn là cộng sản Việt Nam còn bác bỏ yêu cầu không trả thù những người hợp tác với LHQ trong vấn đề nhân quyền.”

Ông cũng cho biết Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số thấp trong bảng xếp hạng về quyền tự do báo chí, không gian dân sự… của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế.

Theo cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng, Việt Nam là thành viên của HĐNQ trong hai khoá cho dù liên tục bị quốc tế chỉ trích về hồ sơ nhân quyền tồi tệ. Ông nói:

Việt Nam lại muốn trở thành thành viên HĐNQ để làm lá chắn cho những vi phạm nhân quyền của mình. Họ là những kẻ nói một đằng làm một nẻo chứ không biết nỗ lực xiển dương những giá trị nhân quyền ở trong nước để qua đó nâng cao vị thế quốc gia một cách thực chất.”

Hà Nội không chỉ không cổ suý nhân quyền trên thế giới, mà ngược lại, còn bao che cho những vi phạm nhân quyền bởi các quốc gia độc tài khác, như việc Nga sát hại dân thường ở Ukraine.

Việt Nam sử dụng lá phiếu của mình trong Hội đồng Nhân quyền như là một phương tiện để phục vụ mục đích không tốt đẹp, sẵn sàng bao che cho những vi phạm nhân quyền ghê tởm như việc Nga xâm lược Ukraine.”

Một nhà hoạt động ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho rằng trong vài năm gần đây, Việt Nam có cải thiện nhân quyền nhưng chỉ ở một số lĩnh vực, ví dụ như về vấn đề đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). (RFA)