Tác giả ‘Bên Thắng Cuộc’ bị truy tố theo cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”

Nhà báo Trương Huy San (tức Huy Đức) trước khi bị bắt giữ giữa năm 2024 (Facebook Truong Huy San)

Ông Trương Huy San, tác giả cuốn sách ‘Bên Thắng Cuộc’ – một cuốn sách về lịch sử Việt Nam thời hậu chiến – cùng nhiều bài báo nổi tiếng dưới bút danh Osin Huy Đức, bị truy tố về cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” sau hơn tám tháng giam giữ để điều tra.

Ông San, 64 tuổi, bị bắt ngày 07/6/2024 theo cáo buộc của Điều 331 trong Bộ luật Hình sự, trong cùng ngày với luật sư Trần Đình Triển, người mới bị kết án ba năm tù giam vì chỉ trích Nguyễn Hoà Bình, người khi đó là Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao và hiện là Phó thủ tướng thường trực.

Truyền thông Nhà nước ngày 12/2 đưa tin Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông San và chuyển hồ sơ vụ án tới Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử.

Báo chí cũng trích dẫn cáo trạng nhận định, trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2024, ông San đã tự thu thập thông tin, tài liệu, soạn thảo và đăng trên Facebook cá nhân “Truong Huy San (Osin Huy Duc)” nhiều bài viết, trong đó có 13 bài viết có nội dung xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Các bài viết này có số lượng tương tác, bình luận, chia sẻ lớn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, nên cần thiết xử lý theo quy định pháp luật, theo cáo trạng.

Truyền thông nhà nước cũng nói ông San “nhận thức được nội dung 13 bài viết này có gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một số tổ chức, cá nhân, nhưng không có ý đồ chống Đảng, chống nhà nước.”

Nhạc sỹ Tuấn Khanh cho rằng cáo buộc chống lại nhà báo Huy Đức quá mơ hồ trước các suy nghĩ thẳng thắn của con người Việt Nam thực tế và phần “thiệt hại” không cụ thể. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA trong ngày 12/2:

Huy Đức là một nhà báo, và nghề nghiệp của anh ta là phải nhìn thấy được cả mặt tốt và mặt xấu của câu chuyện. Một nhà báo có góc nhìn riêng, nhận định riêng là phải như vậy.

“Vấn đề của Huy Đức được nêu ra là lợi dụng các quyền tự do dân chủ, nhưng tôi nghĩ anh ta chỉ mới vận dụng được một phần nhỏ sự tự do có được của anh ta để trình bày, chứ không thể nói đến là ‘lợi dụng’.”

Một học giả về kinh tế ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho rằng căn cứ vào những bài viết của Huy Đức thì việc quy kết ông ấy chống phá Đảng, nhà nước, và nhân dân không có cơ sở.

Bắt Huy Đức, có thể là hành động dằn mặt những ý kiến phản biện về thay đổi mô hình thể chế chính trị và có thể có liên quan đến sự tranh giành phe phái trước đại hội đảng trong tình trạng bất ổn về nhân sự.

Ông cho rằng các thế lực bảo thủ trong Đảng muốn ngăn chặn những ý kiến đề xuất cải cách thể chế mà Huy Đức đang cổ súy.

Trên thực tế, nhiều vị lãnh đạo có những phát ngôn cấp tiến nhưng nó chỉ là chiêu trò dân túy. Mục tiêu hành động của họ không như những tuyên bố công khai,” vị học giả ẩn danh nói với RFA.

Osin Huy Đức là ai?

Ông San, người từng tham chiến ở Campuchia trong đoàn quân tình nguyện của Việt Nam, là một nhà văn và viết cho báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Diễn đàn Doanh nghiệp, Nông thôn Ngày nay, Sài Gòn Tiếp thị với nhiều bài báo được công chúng biết đến.

Blog Osin của ông trở lên nổi tiếng với nhiều bài viết mang tính thời cuộc.

Ông ra mắt cuốn ‘Bên Thắng Cuộc’ cuối năm 2012 và gây được sự chú ý ở Việt Nam và cộng đồng người Việt khắp thế giới.

Theo đánh giá của Giáo sư Peter Zinoman, cựu Trưởng khoa Lịch sử tại University of California, Berkeley (Đại học Berkeley) thì cuốn sách này không giống như lịch sử chính thức ở Việt Nam, vốn mô tả Chiến tranh Việt Nam là cuộc xung đột giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà khẳng định rằng cuộc xung đột này cũng là một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, để lại cả một bên chiến thắng của Việt Nam và một bên thua cũng của Việt Nam.

Vị học giả này cũng cho rằng ‘Bên Thắng Cuộc” là một trong số rất ít những tác phẩm thực sự đồng cảm với miền Nam- phía thua cuộc trong Chiến tranh Việt Nam, do một thành viên của phe chiến thắng miền Bắc viết ra.

Sau khi ông San bị bắt, nhiều tổ chức nhân quyền như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Phóng viên Không Biên giới (RSF), và học giả trên thế giới đã kêu gọi Hà Nội phóng thích ông.

Văn bút Hoa Kỳ vào cùng ngày ra thông cáo báo chí lên án việc truy tố ông Huy San và thúc giục chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông, xoá bỏ mọi cáo buộc đối với ông.

“Khi một tác giả và nhà báo như Trương Huy San bị bắt im tiếng thì không chỉ có tiếng nói của ông bị dập tắt mà đó còn là quyền của cả xã hội tìm kiếm sự thật và nghĩa vụ giải trình. Phê phán không phải là tội. Việt Nam cần phải sử dụng luật như vũ khí chống lại những người dám nói lên sự thật” – thông cáo báo chí của Văn bút Hoa Kỳ trích dẫn lời người quản lý về nghiên cứu và vận đọng Anh-Thu Vo nói.

Theo Báo cáo về Tự do viết năm 2023 của Văn bút Hoa Kỳ, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về bỏ tù những cây viết, chỉ sau Trung Quốc và Iran. (RFA)