Những người di cư bị lãng quên ở đô thị Việt Nam

Những quy định ngặt nghèo về di cư trong nước đang gây khó khăn cho những người muốn chuyển từ nông thôn tới khu vực thành thị của Việt Nam trong vòng xoáy đói nghèo.

Jonathan De Luca, The Diplomat, ngày 08/4/2017

(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

Khi cô Thuận chuyển từ Nam Giang ở đồng bằng sông Hồng tới Hà Nội, cô dự định ở lại một năm. “Tôi muốn làm việc và kiếm tiền để mua thêm ruộng lúa ở quê nhà,” cô nói. Nhưng hơn 20 năm sau đó, Thuận vẫn chưa đạt được mục tiêu của mình. Giống như nhiều người di cư từ nông thôn ra thành thị, những người tìm kiếm sinh kế tốt hơn ở những thành phố phát triển nhanh chóng của Việt Nam, cô đã bị mắc kẹt trong một chu kỳ đói nghèo.

Mặc dù sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong nhiều thập kỷ qua, nhưng cô ấy không thể tìm được địa vị cư trú chính thức. Hệ thống đăng ký hộ khẩu nghiêm ngặt của Việt Nam quy định rằng công dân Việt Nam chỉ được đăng ký hộ khẩu thường trú tại một quận trong nước.

Để có được tư cách lưu trú lâu dài trong một quận mới, người ta phải mua đất, kết hôn với một gia đình đã có hộ khẩu thường trú hoặc sống trong nhà cho thuê với hợp đồng thuê chính thức và khoảng không gian sống tối thiểu. Những quy định nghiêm ngặt này đã làm một số lượng lớn người di cư đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không được nhập hộ khẩu ở hai thành phố này mà chỉ đơn thuần là cố gắng tìm kiếm việc làm tốt để tăng thu nhập gia đình vì đã từ lâu gia đình không có thu nhập từ nông nghiệp hoặc các công việc khác ở nông thôn.

Về lâu dài, điều này đã dẫn đến việc những người nhập cư như cô Thuận bị thiệt thòi đáng kể. Họ không được bảo vệ bởi pháp luật và vì vậy rất dễ bị lạm dụng.

Người di cư làm nhiều nghề nghiệp mà những người khác không bao giờ làm. Họ là những người bán đồ ăn nhanh cho những người qua đường, là những người xây dựng những tòa nhà dân cư láng bóng và mỏng manh dọc theo những con đường bụi bặm mới xây dựng của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, và là những người bán trái cây và nhiều loại hàng hóa khác trên các con phố.

Người di cư ở khắp nơi, nhưng họ không được nhắc đến trong với hệ thống pháp luật, hệ thống này không công nhận vai trò của họ trong nền kinh tế đô thị và không cho phép họ có quyền như những công dân khác. Với mức độ di dân nông thôn ra thành thị ở Việt Nam, điều này đã tạo ra một hệ thống công dân với hai loại công dân hạng 1 và công dân hạng 2.

Di cư không phải là một hiện tượng mới ở Việt Nam, nhưng hiện tượng này đã gia tăng mạnh trong thập kỷ qua. Việc thống kê con số người di cư rất khó khăn bởi vì việc thu thập số liệu cho Tổng điều tra Dân số và Nhà ở và Khảo sát Mức sống Hộ gia đình dựa trên cơ sở cư dân đăng ký thường trú. Nghiên cứu gần đây cho thấy có khoảng 6 triệu người di cư trong nước nhưng nếu tính cả số người di cư không đăng ký thì con số này có thể cao hơn đáng kể.

Thuận đã sống và làm việc tại Hà Nội hơn 20 năm, đi khắp đường phố Hà Nội để tìm mua phế liệu để bán lại. Công việc của cô, và công việc của những người hàng xóm của cô, những người cũng đã di cư đến thành phố, là thu lấy những phế liệu để tái chế, giúp cho các đống rác trong khu vực thành thị khỏi chất đống.

Hà Nội có nhiều người như Thuận, những người di cư từ nông thôn và tham gia vào các hoạt động kinh tế quan trọng, nhưng hầu hết đều phải từ bỏ các quyền căn bản về quyền công dân như tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khoẻ vì họ không thể đăng ký làm cư dân nơi ở mới.

Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam còn sót lại trong nền kinh tế tập trung bao cấp vì hệ thống này quan trọng cho việc lập kế hoạch sản xuất. Điều này cũng quan trọng đối với người dân trong việc đăng ký khẩu phần ăn và nhiều nhu cầu khác thời đó. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, vai trò lớn nhất của hệ thống là điều chỉnh việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.

Hộ khẩu phổ biến trong mọi sinh hoạt của người Việt Nam. Cần phải có một quyển sổ nhỏ màu đỏ biểu thị tình trạng đăng ký để đăng ký cho trẻ em đi học hoặc đăng ký tại bệnh viện để tiếp cận với bảo hiểm y tế công cộng. Ngay cả việc đăng ký xe máy cũng cần phải được thực hiện trong khu vực thường trú của chủ sở hữu xe.

Quan trọng hơn, nhiều lợi ích cho các gia đình có thu nhập thấp, chẳng hạn như giảm giá điện hoặc thậm chí vay vốn dành cho các doanh nhân có thu nhập thấp, chỉ có thể được hưởng và sử dụng khi một người đăng ký là người thường trú ở khu vực đó.

Thuận, người đã sống ở Hà Nội trong hơn hai thập niên, vẫn chỉ có thể đăng ký như người cư trú tạm thời tại Hà Nội. Điều này có nghĩa là nơi thường trú của cô vẫn còn chính thức ở một thị trấn nhỏ ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, cô thường quay về trong các dịp như Tết nguyên đán và tham dự các sự kiện lớn khác ở quê nhà.

Sự bất lực của hầu hết người di cư để thay đổi nơi ở vĩnh viễn làm gia tăng nghèo đói cho những người cần nhất: một nhóm người di cư gần đây đến Hà Nội không có tài sản để mua bất động sản hoặc không có quan hệ để đảm bảo chỗ ở vĩnh viễn và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Phải từ bỏ việc chăm sóc sức khoẻ thích hợp, học hành cho con cái hoặc cần phải trả tiền túi cho những dịch vụ này – bao gồm trả mức giá cao hơn cho các tiện ích như điện và nước. Người di cư có thu nhập thấp ở Việt Nam đang phải trả nhiều hơn cho các dịch vụ so với những người di cư giàu có hơn vì họ có thu nhập thấp và thiếu nguồn lực để định cư lâu dài.

Việc không được đăng ký hộ khẩu đặt ra câu hỏi: ai là người chịu trách nhiệm về an sinh và bảo vệ những người di cư? Nếu không có đăng ký, nhiều người di cư phải theo ý muốn của chủ nhà. Chủ nhà trở thành trung tâm thông qua đó cung cấp các dịch vụ thiết yếu nhất: nhà ở, điện, nước. Tuy nhiên, chủ nhà muốn tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn, và không đáng tin cậy để chăm sóc cho những người họ thuê. Nhiều chủ nhà bán điện cho người thuê theo mức giá đôi, có khi gấp ba lần giá họ mua thực tế.

Nghiên cứu gần đây của Oxfam cho thấy hầu hết người di cư đang trả nhiều hơn người không di cư cho các dịch vụ thiết yếu, chủ yếu là do chủ nhà không chịu trách nhiệm. Cô Lanh, một công nhân rác thải khác mà tôi đã nói chuyện, cho biết rằng cô không bao giờ than phiền với chính quyền địa phương về việc mất nước vì cô không đăng ký. “Đôi khi xảy ra việc mất nước liên tục trong năm ngày,” cô nói, và cô phải nhờ vào sự trợ giúp của những người di cư khác.

Gần đây, cả Hà Nội và Đà Nẵng đã ban hành những văn bản nhằm thắt chặt các quy định về hộ khẩu, cho thấy khuynh hướng làm cho người di cư trở nên khó khăn hơn. Một báo cáo khác của Oxfam được công bố trong năm nay đã đưa ra một câu chuyện về sự bất bình đẳng đang gia tăng trong nước, cho thấy khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo ở Việt Nam đã tăng lên kể từ năm 2004. Báo cáo của họ nhấn mạnh rằng có 210 cá thể siêu giàu (người có hơn 30 triệu USD ) ở Việt Nam chiếm hữu 12% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam. Báo cáo cũng nêu bật những cách mà người di cư có quyền tiếp cận không công bằng đến các dịch vụ công cho bản thân và gia đình của họ, và đề cập đến các yếu tố khác như giới tính và dân tộc ảnh hưởng đến thu nhập và tiếp cận với dịch vụ.

Có nhiều rào cản trong giải quyết bất bình đẳng ở Việt Nam, nhưng để đưa các cuộc thảo luận theo hướng xây dựng hơn có thể dẫn đến thay đổi cơ cấu (chẳng hạn như phụ nữ và người dân tộc thiểu số), các nhà hoạch định chính sách trước hết phải giải quyết hệ thống hai dạng công dân bằng cách bãi bỏ chế độ hộ khẩu.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Jonathan De Luca là một nhà nghiên cứu về sinh kế ở đô thị, hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDRC). Ông đã làm việc cho một số tổ chức phi chính phủ ở Đông Nam Á, bao gồm Oxfam và WWF. Hiện ông đang nghiên cứu về những khát vọng của lớp trẻ đang làm việc trong nền kinh tế phi chính thức ở Campuchia, Myanmar và Việt Nam.

 

Vietnam’s Left-Behind Urban Migrants