Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 8, từ ngày 18 đến 24/02/2019: Hai nhà hoạt động bị cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”

Người Bảo vệ Nhân quyền| ngày 24/02/2019

Chế độ toàn trị ở Việt Nam tiếp tục chiến dịch trấn áp giới bất đồng chính kiến bằng việc bắt giữ hai nhà hoạt động với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”theo Điều 117 Bộ luật Hình Sự.

Chính quyền tỉnh Dak Nong đã thông báo cho gia đình của nữ hoạt động Dương Thị Lanh rằng cô đã bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Thông báo này được gửi tới gia đình 2 tuần sau khi bắt giữ cô và tiến hành khám nhà riêng của cô vào ngày 30/01.

Ngày 22/02, công an tỉnh Quảng Ngãi đã bắt giữ ông Huỳnh Đắc Túy, giám đốc doanh nghiệp xây dựng ở địa phương, cũng với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

Cả hai nhà hoạt động sẽ bị giam giữ ít nhất 3 tháng để điều tra, và họ phải đối mặt với mức án từ 7 đến 12 năm tù giam nếu bị kết tội.

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh dự định sẽ tổ chức phiên toà sơ thẩm xét xử công dân Hoa Kỳ Michael Minh Phương Nguyễn và Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Long Phi với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015. Cả ba đã bị bắt cóc vào ngày 07/7/2018 sau chuyến đi gặp bạn bè ở Huế và Đà Nẵng.

Ngày 06/3, chính quyền thành phố Cần Thơ sẽ xét xử sơ thẩm Facebooker Lê Minh Thể với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015 về những hoạt động ôn hoà trên trang Facebook cá nhân. Ông Thể, bị bắt ngày 10/10/2018, có thể phải đối mặt với mức án tù từ 6 tháng đến 36 tháng nếu bị kết tội.

Ngày 24/02, nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, đồng sáng lập viên và là chủ tịch của Phong trào Lao động Việt, đã mãn hạn án tù 9 năm. Anh bị bắt cùng Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh vào năm 2010 vì hỗ trợ công nhân bãi công ở một nhà máy ở tỉnh Trà Vinh, và bị cáo buộc “gây rối an ninh.” Hiện sức khoẻ của anh rất yếu sau nhiều năm bị đối xử vô nhân đạo trong nhà giam. Anh cũng bị tra tấn trong thời giam giam giữ trước khi xét xử.

===== 18/02 =====

Nhà hoạt động Dương Thị Lanh bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”

Chính quyền tỉnh Đak Nông chính thức cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự đối với nhà hoạt động Dương Thị Lanh.

Theo văn bản của cơ quan an ninh điều tra của sở công an tỉnh Dak Nong gửi gia đình, nhà hoạt động Dương Thị Lanh sẽ bị tạm giam ba tháng để điều tra về cáo buộc “phát tán thông tin, tài liệu có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.”

Nhà hoạt động Dương Thị Lanh, sinh năm 1983, bị bắt ngày 30/01 vừa qua vì những hoạt động ôn hoà nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ. Cô từng tham gia biểu tình ôn hoà ở Sài Gòn ngày 10/6/2018 để phản đối hai dự luật An ninh mạng và Đặc khu Kinh tế. Cô viết và chia sẻ nhiều bài chỉ trích chính quyền cộng sản trên Facebook cá nhân Ngọc Lan SG. Việc bắt giữ cô là một phần của chiến dịch trấn áp giới bất đồng chính kiến.

Việt Nam hiện giam giữ khoảng 250 tù nhân lương tâm, 29 trong số họ bị kết tội hoặc bị cáo buộc theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 hoặc theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999. 24 người đã bị kết tội theo tội danh này với mức án tù từ 4 đến 14 năm tù giam, theo con số thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders).

===== 19/02 =====

Thành phố HCM sẽ xét xử công dân Hoa Kỳ và hai người bạn với cáo buộc lật đổ chính quyền

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh dường như sẽ tổ chức phiên toà sơ thẩm trong cuối tháng 2 để xét xử công dân Hoa Kỳ Michael Minh Phương Nguyễn cùng hai người bạn tên là Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Long Phi về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015.

Ông Michael Minh Phương Nguyễn cùng hai bạn trẻ Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Long Phi, đều 23 tuổi, bị bắt cóc bởi lực lượng an ninh ở thành phố Sài Gòn ngày 07/07/2018 khi họ đi từ miền Trung về Sài Gòn. Sau đó, an ninh công bố lệnh bắt ba người cùng cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền” đối với Huỳnh Đức Thanh Bình.

Ngày hôm sau, an ninh Việt Nam bắt ông Huỳnh Đức Thịnh, cựu tù chính trị và là cha của sinh viên đại học Huỳnh Đức Thanh Bình. Cuối tháng 1 năm nay, ông Thịnh được tại ngoại nhưng bị theo dõi sát và phải đến trại tạm giam để trình diện hàng tuần.

Nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh, người gặp cả nhóm khi họ đến thăm thành phố Huế, cũng bị công an Hà Nội triệu tập để điều tra trong cùng vụ án trong cuối tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, cô không tuân theo lệnh triệu tập và buộc phải lẩn trốn. Sau khi cả nhóm bị bắt giữ, cô bị buộc phải rời khỏi Huế và phải lên một chiếc xe khách về Sài Gòn, nhưng cô đã trốn giữa đường thoát khỏi một số mật vụ đi kèm.

Ông Long đã cùng con trai và Huỳnh Đức Thanh Bình tham gia biểu tỉnh ôn hoà ở Sài Gòn vào hai ngày 10 và 11/6/2018, còn ông Michael Minh Phương Nguyễn từ Hoa Kỳ về Sài Gòn cuối tháng 6.

Cũng theo ông Long, công an ở Lâm Đồng thường xuyên đến cửa hàng bán con giống của ông Huỳnh Đức Thịnh để kiểm tra sau khi ông được tại ngoại. Chính quyền tỉnh Lâm Đồng có ý định tịch thu cửa hàng này vì cho rằng đây là nơi tụ họp cũng những người hoạt động. Hiện ông Long phải đi trốn để tránh sự truy lùng của an ninh Việt Nam.

=====

Cần Thơ sẽ tổ chức phiên toà xét xử nhà hoạt động Lê Minh Thể vào ngày 06/3

Chính quyền thành phố Cần Thơ sẽ đưa nhà hoạt động Lê Minh Thể ra toà ngày 06/3 tới về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015.

Theo thông báo gửi cho gia đình, Toà án Nhân dân ở quận Bình Thuỷ sẽ là cơ quan thực hiện việc xét xử này. Dường như ông Thể không có luật sư riêng vì thông báo này không nhắc đến việc đó.

Toà án cũng triệu tập tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca đến toà như một đương sự của vụ án. Ông Huỳnh Trương Ca đã bị Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp kết án tù 5.5 năm về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự trong một phiên toà ngày 28/12/2018 mà bị cáo không có luật sư bào chữa.

Ông Lê Minh Thể và ông Huỳnh Trương Ca là thành viên của nhóm Hiến Pháp, một nhóm chủ trương đấu tranh ôn hoà nhằm cổ suý quyền dân sự và chính trị như đã được ghi trong Hiến pháp 2013. Nhiều thành viên của nhóm tham gia biểu tình ôn hoà tại Sài Gòn ngày 10/6/2018. Sau đó, khoảng 10 thành viên của nhóm đã bị bắt giữ trong đầu tháng 9.

Ông Lê Minh Thể bị bắt ngày 10/10/2018 và việc bắt giữ ông được cho là có liên quan đến những bài viết, live streams và chia sẻ của ông trên trang Facebook cá nhân mang tên mình về nhiều vấn đề nóng của đất nước như chủ quyền ở Biển Đông, ô nhiễm môi trường trầm trọng, vi phạm nhân quyền, tham nhũng mang tính hệ thống…

Nếu bị kết tội, ông phải đối mặt với mức án từ 6 đến 36 tháng tù giam, theo luật hiện hành.

Ông được xếp vào danh sách tù nhân lương tâm của NOW! Campaign, một chiến dịch với sự tham gia của 15 tổ chức quốc tế và quốc nội đòi trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Việt Nam còn giam giữ 7 thành viên của nhóm Hiến Pháp, bốn trong số họ bị điều tra về cáo buộc “gây rối an ninh” với mức án cao nhất là 15 năm. Phía công an vẫn chưa công bố cáo buộc đối với ba người còn lại. 

===== 

Vợ nhà hoạt động Trương Minh Đức bị câu lưu sau khi tham gia UPR của Việt Nam

Lực lượng an ninh Việt Nam đã câu lưu bà Nguyễn Kim Thanh, vợ tù nhân lương tâm Trương Minh Đức sau khi bà có chuyến đi vận động trả tự do cho chồng bên EU.

Sau khi đáp xuống phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn vào khoảng 8 h sáng ngày 21/02, bà bị an ninh cửa khẩu giữ lại đến 13 h cùng ngày.

Trong thời gian bị câu lưu, bà bị đưa vào một phòng và bị tra hỏi đi đâu và gặp những quan chức ngoại quốc nào trong chuyến đi từ giữa tháng 1.

Sau đó, công an đã tịch thu hộ chiếu của bà và hẹn ngày mai đến công an thành phố để làm việc.

Ông Trương Minh Đức, phó chủ tịch Hội Anh em Dân chủ và phó chủ tịch Phong trào Lao động Việt, bị bắt ngày 30/7/2017 cùng với 3 thành viên chủ chốt khác của Hội Anh em Dân chủ, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.

Năm 2018, ông bị kết tội với mức án 12 năm tù giam và ba năm quản chế. Hiện ông đang bị giam giữ tại Trại giam số 6 (tỉnh Nghệ An) với điều kiện giam giữ hà khắc.

Bà Nguyễn Kim Thanh đã sang Geneva để trong dịp Kiểm định Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam (21/01/2019) cùng với một số tổ chức xã hội.

Sau đó, bà có được gặp quan chức Bộ Ngoại giao Đức để trình bày về tình trạng tù nhân lương tâm ở Việt Nam bị đối xử nghiệt ngã. Bà cũng đề nghị các chính phủ dân chủ và tổ chức nhân quyền quốc tế gây sức ép buộc nhà cầm quyền ở Việt Nam trả tự do cho chồng bà và các tù nhân lương tâm khác.

===== 22/02 =====

QuảngNgãi bắt giữ một doanh nhân với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”

Chính quyền cộng sản tỉnh Quảng Ngãi đã bắt giữ và khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Đắc Tú về cáo buộc”Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình Sự.

Theo báo chí lề đảng, cơ quan công an tỉnh Quảng Ngãi đã bắt giữ ông Huỳnh Đắc Tú ngày 22/02 vì cho rằng ông “thường xuyên sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải, phát tán những bài viết có nội dung kêu gọi, kích động nhân dân, nhằm chống phá Nhà nước.”

Ông Huỳnh Đắc Túytrú tại phường Nghĩa Lộ, thànhphốQuảng Ngãi, là giám đốc doanh nghiệp xây dựng Tuý Nguyệt

Dường như ông Tú sẽ bị biệt giam ít nhất 3 tháng để phục vụ công tác điều tra của công an tỉnh.

Ông Tú là một trong 6 người bị bắt với cáo buộc thuộc chương An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự. Các điều khoản thuộc chương này mơ hồ thường được sử dụng để bỏ tù những người bất đồng chính kiến và người hoạt động ôn hoà.

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders), chế độ toàn trị ở Việt Nam đang giam giữ 30 nhà hoạt động với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015. 24 người trong số họ đã bị kết án tù từ 4 đến 14 năm, 6 người còn lại đang bị giam giữ để điều tra.

Cuối tháng 1, công an Đak Nông đã bắt giữ nữ hoạt động Dương Thị Lanh với cáo buộc theo Điều 117.

===== 23/02 =====

Nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga đã đào thoát khỏi Việt Nam?

Tình trạng hiện nay của nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga vẫn chưa rõ ràng cho dù có một nguồn tin nói rằng cô đã đào thoát khỏi Việt Nam.

Cô Huỳnh Thị Tố Nga là một người làm việc trong phòng xét nghiệm của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở Sài Gòn. Vì có những bài viết về dân chủ và nhân quyền đăng trên trang Facebook cá nhân Diệu Hằng và Selena Zen, cô đã bị mật vụ cộng sản đến tận bệnh viện nơi cô làm việc để bắt giữ vào ngày 28/02.

Trước đó vài ngày, an ninh cộng sản cũng bắt giữ anh trai cô là Huỳnh Minh Tâm (Facebooker Huỳnh Trí Tâm) cũng vì những bài viết trên trang Facebook cá nhân của anh.

Kể từ khi bị bắt (cóc), cô Huỳnh Thị Tố Nga không liên lạc với những người thân thiết của cô.

Cách đây khoảng 1 tuần, Facebooker Thái Văn Đường, một cây viết với tên thật là Đường Văn Thái, nói trên trang Facebook cá nhân của mình rằng cô Huỳnh Thị Tố Nga đã “an toàn” với ám chỉ rằng cô đã đào thoát khỏi Việt Nam và có thể đã sang Thái Lan.

Tuy nhiên, Facebooker Đường Văn Thái không có một dẫn chứng cụ thể nào về thông tin anh ta đưa ra, chỉ nói rằng anh ta nhận được một nguồn tin như thế, và đang tìm cách liên lạc với cô Huỳnh Thị Tố Nga.

Một số người bạn tin cẩn của cô Huỳnh Thị Tố Nga nói rằng họ không liên lạc được với cô, và nếu cô đã đào thoát được khỏi an ninh Việt Nam, chắc chắn cô sẽ tìm mọi cách để thông báo cho họ.

Những người bạn này cho rằng ở đây có một âm mưu tung tin đánh lạc hướng dư luận, và việc này có thể nguy hiểm cho bản thân cô Huỳnh Thị Tố Nga. Với việc tung tin cô đã đào thoát, an ninh cộng sản có thể thủ tiêu cô nếu muốn.

Một người bạn xin được giấu tên nói ông đang điều tra nơi giam giữ cô và có thể có thông tin chính xác trong những ngày gần đây.

Để chống lại sự bất mãn ngày càng gia tăng của dân chúng, chế độ cộng sản Việt Nam tăng cường bắt bớ nhằm đe doạ những người khác. An ninh cộng sản đã bắt và bắt cóc nhiều Facebookers trong hai tháng gần đây, và hai anh em Huỳnh Minh Tâm và Huỳnh Thị Tố Nga là những trường hợp điển hình.

Việt Nam hiện đang giam giữ khoảng 250 tù nhân lương tâm, theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders).

===== 24/02 =====

Nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng mãn hạn tù 9 năm

Nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, một trong những người đồng sáng lập Phong trào Lao động Việt, đã mãn án tù 9 năm và trở về nhà tại thành phố Sài Gòn.

Ngày 24/02, anh đã rời Trại giam Xuyên Mộc ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để trở về với gia đình.

Anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, sinh năm 1981, đã bị bắt ngày 24/02/2010 cùng với hai thành viên khác của Phong trào Lao động Việt là Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh khi họ phổ biến quyền của người công nhân trong vụ đình công ở một nhà máy đóng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Vào tháng 10 năm đó, anh bị kết án 9 năm tù giam với cáo buộc “gây rối an ninh” theo Điều 89 của Bộ luật Hình sự 1999.

Trong cùng vụ đó, anh Đoàn Huy Chương và chị Đỗ Thị Minh Hạnh đều bị kết án 7 năm tù. Anh Đoàn Huy Chương phải thực hiện hết án tù và được trả tự do đầu năm 2017 còn chị Đỗ Thị Minh Hạnh chỉ phải nằm tù 4 năm do có sự can thiệp của quốc tế.

Theo Ân xá Quốc tế, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị tra tấn trong thời gian điều tra.

Theo anh Đoàn Huy Chương, sức khoẻ của nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Quốc Hùng không được tốt vì anh bị đối xử vô nhân đạo trong thời gian giam giữ 9 năm qua.

=====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây: https://www.vietnamhumanrightsdefenders.net/2019/02/24/vietnam-human-rights-defenders-weekly-report-for-february-4-10-2019-two-facebookers-arrested-investigated-for-conducting-anti-state-propaganda/