Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 9 từ ngày 24/2 đến 01/3/2020: Toà án Nhân dân Hà Nội hoãn phiên xử cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 01/3/2020

 

Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã huỷ phiên toà sơ thẩm đối với cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất dự kiến vào ngày 28/2 vì luật sư Đặng Đình Mạnh không đến toà trong khi luật sư thứ 2 Ngô Anh Tuấn không được toà mời đến dự với tư cách luật sư biện hộ. Trước đó chỉ 1 tuần, toà mới thông báo cho luật sự Mạnh về phiên toà và ông nói thời gian không đủ để chuẩn bị. Ông cũng đề nghị toà dời vào thời điểm thích hợp vì hiện nay nhiều nơi bị dịch Covid-19 đe doạ. Phiên toà dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 09/3.

Ông Nhất, người bị cảnh sát Thái bắt cóc ở Bangkok tháng 1 năm 2019 một ngày sau khi đăng ký tỵ nạn, bị cho là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự 2015 gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia 13 tỷ đồng.

Nhà cầm quyền cộng sản ở nhiều địa phương bắt giữ nhiều công dân vì liên quan đế tổ chức lưu vong của ông Đào Minh Quân. Bình Phước được cho là bắt giữ 7 công dân vào ngày 18/2 trong khi công an Đồng Nai bắt giữ bà Trần Thị Ánh Hoa với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự.

Vào ngày 25/2, một số tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã gửi một bức thư ngỏ đến Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc Đại sứ Elizabeth Tichy-Fisslberger kêu gọi Hội đồng điều tra vụ công an Việt Nam tấn công Đồng Tâm và giết hại cụ Lê Đình Kình và bắt giữ 27 người khác với cáo buộc nguỵ tạo “giết người” và “chống người thi hành công vụ.”

Dân biểu Chris Hayes kêu gọi Quốc hội Australia áp dụng luật tương tự như Magnitsky của Hoa Kỳ để trừng phạt quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền. Canberra cần sử dụng sức mạnh mềm để bảo vệ và cổ suý nhân quyền trên thế giới, đặc biệt những quốc gia mà Australia có hợp tác quân sự và viện trợ.

===== 24/2 =====

Việt Nam dự định xét xử nhà báo Trương Duy Nhất vào ngày 28/2

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có kế hoạch mở phiên toà sơ thẩm vào ngày 28/2 để xét xử nhà báo-cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất về cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.

Ông Nhất, người bị bắt cóc bởi an ninh Thái Lan và Việt Nam vào cuối tháng 1 năm 2019 ngay sau khi nạp đơn xin tỵ nạn chính trị cho Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền của Liên Hợp quốc tại Bangkok, sẽ bị Toà án cộng sản thành phố Hà Nội xét xử.

Gia đình ông Nhất đã thuê 2 luật sư Ngô Anh Tuấn và Đặng Đình Mạnh để bào chữa cho ông, tuy nhiên, cho tới ngày 23/2, 5 ngày trước phiên sơ thẩm, mới chỉ có luật sư Mạnh được quyết định về phiên toà còn luật sư Tuấn vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào.

Trước đó, gia đình có mời luật sư Trần Vũ Hải bào chữa, tuy nhiên, ông Hải bị kết án về tội danh “trốn thuế” nguỵ tạo và không có quyền hành nghề trong thời gian ít nhất 1 năm.

Sau khi nhận được quyết định của toà án vào ngày 20/2, luật sư Mạnh có ngay văn bản đề nghị toà hoãn phiên xử vì thời điểm chưa thích hợp do dịch coronavirus đang có nguy cơ bùng phát ở Việt Nam, và luật sư chỉ được thông báo về phiên toà trước 8 ngày trong khi theo Bộ luật tố tụng hình sự thì quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho người bào chữa chậm nhất 10 ngày trước khi mở phiên tòa.

Luật sư Lê Công Định cho rằng vụ án Trương Duy Nhất thuộc thẩm quyền luật định của Tòa án thành phố Đà Nẵng, do vậy, nếu Toà án thành phố Hà Nội xử thì bản án sẽ không thể phát sinh hiệu lực pháp luật.

===== 25/2 =====

Thêm nhiều người bị bắt vì có liên quan đến nhóm Đào Minh Quân

Theo một số nguồn tin độc lập, gần đây, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt giữ nhiều người cổ suý hoặc ủng hộ chính phủ lưu vong của ông Đào Minh Quân, một người Mỹ gốc Việt.

Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) cho biết tổ chức này nhận được tin một nhóm  7 người ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, đã bị lực lượng an ninh bắt giữ trong ngày 18/2. Những người bị bắt bao gồm ông Lê Văn Lạc- 60 tuổi và vợ là Nguyễn Thị Kim Phượng- 48 tuổi, em trai Lê Văn Sang- 55 tuổi và vợ, và 3 người dân sắc tộc Stieng theo đạo Tin Lành ở khu vực gần đó. Công an được cho là đã thu giữ nhiều tài sản gồm tiền mặt và xe hơi của gia đình ông Lạc.

Trang tin Công an tỉnh Đồng Nai ngày 23/2 cho biết công an cộng sản hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng phối hợp trong việc điều tra bà Trần Thị Ánh Hoa trú tại Đà Lạt về cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều khoản 2, Điều 109 của Bộ luật hình sự vì “đã vận động, thu thập thông tin của hơn 600 người dân ở thành phố Long Khánh để đưa vào danh sách ‘trưng cầu dân ý’ bầu ông Đào Minh Quân làm tổng thống đệ tam Việt Nam cộng hòa.”

Tổ chức của ông Đào Minh Quân, có trụ sở ở Hoa Kỳ, bị chế độ toàn trị ở Việt Nam coi là tổ chức khủng bố. Từ năm 2017 đến nay, một số tòa án của cộng sản Việt Nam đã kết án ít nhất 27 người liên quan đến tổ chức này với các cáo buộc lật đổ chính quyền và khủng bố.

——————–

Nhiều tổ chức phi chính phủ đề nghị LHQ điều tra vụ Đồng Tâm

Ngày 25/2, một số tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã gửi một bức thư chung đến Đại sứ Elizabeth Tichy-Fisslberger, chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc để đề nghị điều tra vụ Đồng Tâm xảy ra vào sáng sớm ngày 09/1/2020.

Thỉnh nguyện thư trình bày chi tiết thông tin trước, trong và sau vụ tấn công hôm 9/1 của lực lượng công an Việt Nam nhắm vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, khiến ông Lê Đình Kình 84 tuổi thiệt mạng và 3 công an tử thương trong vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân kéo dài nhiều năm trời.

Các tổ chức, trong đó có Ký giả Không Biên giới (RSF), Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Việt Tân… đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc cử báo cáo viên đặc biệt đến Đồng Tâm để điều tra và quy kế trách nhiệm cho những viên chức vi phạm nhân quyền trong vụ này.

Thỉnh nguyện thư cũng hối thúc Hội đồng Nhân quyền tác động buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho 27 người đang bị giam giữ trong vụ bố ráp của cảnh sát tại Đông Tâm ngày 9/1/2020 và chấm dứt các hình thức trả thù người dân Đồng Tâm và những người ủng hộ họ.

Các tổ chức ký tên trong thỉnh nguyện thư bày tỏ mong muốn Hội đồng gây sức ép buộc Hà Nội cho phép các tổ chức truyền thông độc lập và xã hội dân sự độc lập đến Đông Tâm, trao đổi với dân địa phương để tìm hiểu sự thật mà không sợ bị trả thù.

===== February 26 =====

Dân biểu Chris Hayes kêu gọi Quốc hội Australia trừng phạt quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền

Thượng nghị sỹ Chris Hayes kêu gọi Quốc hội Úc thông qua dự luật Appropriation Bill thứ 3, một dự luật tương tự Magnitski của Hoa Kỳ có vai trò như một công cụ mạnh mẽ để trừng phạt viên chức vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Trong bài phát biểu của mình tại Quốc hội Australia, dân biểu Hayes nói Việt Nam là một quốc gia độc tài cộng sản và nhà cầm quyền tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến trong khi nền tư pháp thì phục vụ cho chế độ.

Ông có đưa ra hai vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Trong vụ thứ nhất, công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm bị bắt giữ bởi lực lượng công an Việt Nam rồi bị kết án 12 năm tù giam vì cáo buộc nguỵ tạo “khủng bố.” Theo dân biểu Hayes, ông Khảm là một người hoạt động dân chủ và nhân quyền, muốn cổ suý cho dân chủ hoá ở Việt Nam. Trong vụ thứ 2, công an cộng sản Việt Nam đã tấn công làng Hoành, xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) vào ngày 09/1/2020 và giết chết cụ Lê Đình Kình một cách bạo lực và bắt giữ khoảng 30 công dân ở làng này với cáo buộc “giết người” và “chống người thi hành công vụ.”

Dân biểu Hayes nói rằng chính phủ Úc có vai trò quan trọng ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và cần phải tận dụng sức mạnh mềm để buộc các nước tôn trọng công bằng xã hội và nhân quyền, đặc biệt là với các quốc gia mà Canberra có cả mối quan hệ quốc phòng và viện trợ.

Quốc hội Úc cần thông qua luật trừng phạt viên chức chính phủ nước ngoài vi phạm nhân quyền, tương tự như luật Magnitski của Hoa Kỳ, Canada, và EU để đóng góp và việc cải thiện nhân quyền trên toàn thế giới.

===== 27/2 =====

Hoãn phiên xử sơ thẩm ông Trương Duy Nhất

Theo VOV, Toà án cộng sản thành phố Hà Nội đã quyết định hoãn phiên xử sơ thẩm cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, người bị bắt cóc ở Thái Lan cuối tháng 1 năm 2019 ngay sau khi ông nạp đơn xin tỵ nạn chính trị cho Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp quốc về Người tỵ nạn ở thủ đô Bangkok.

Theo đó, phiên toà dự kiến vào ngày hôm nay bị hoãn vì cả hai luật sư của ông Nhất đều vắng mặt: ông Đặng Đình Mạnh có đơn xin hoãn còn ông Ngô Anh Tuấn không nhận được giấy mời tham gia phiên toà. Phiên toà sẽ được tổ chức lại vào ngày 09/3.

Trong vụ án này, vợ chồng ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) bị tòa án triệu tập với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ông Vũ hiện đang chịu án 30 năm tù trong 4 vụ án khác nhau.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, ông Nhất bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Khoản 3, Điều 356 Bộ luật hình sự với khung hình phạt tù từ 10–15 năm vì có liên quan đến việc bán trụ sở của văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ của báo Đại Đoàn Kết cho Vũ nhôm. Khi đó ông Nhất là trưởng đại diện miền Trung của báo này và bị cho là gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia 13.8 tỷ đồng.

Một số nguồn tin cho hay ông bị bắt cóc rồi đưa về Việt Nam chỉ vì nắm nhiều thông tin nhạy cảm của một số lãnh đạo cao cấp của chế độ. Trước vụ án này, ông Nhất bị phạt hai năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của bộ luật hình sự 1999.

=====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây