Chuyên gia: Việt Nam vi phạm nhiều công ước quốc tế của ILO

Chuyên gia: Việt Nam vi phạm nhiều công ước quốc tế của ILO
Công nhân sản xuất đồ gỗ ở Bình Dương (Hội Bảo vệ Lao động Việt Nam)

Chuyên gia và những người hoạt động xã hội cho rằng Việt Nam đang vi phạm nhiều công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngay cả sau khi đã ký hai hiệp định thương mại quan trọng là Hiệp định thương mại tự do Liên Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ông Sơn Trần, Phó giám đốc của tổ chức Hội Bảo vệ lao động Việt Nam (Vietnam Worker Defednders- VWD), vừa mới trình bày tham luận về vấn đề này tại cuộc hội thảo tổ chức bởi Phái đoàn quan hệ với các nước Đông Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Liên minh Châu Âu, viết tắt là DASE, tại Brussels ngày 23/3.

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 25/3, ông Sơn Trần cho biết trong tham luận của mình tại sự kiện này ông chỉ ra nhiều vi phạm của Việt Nam đối với các công ước cốt lõi của ILO. Ông nói:

Việt Nam là thành viên của Lao động Quốc tế đã 31 năm nhưng Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam vẫn vi phạm các công ước của Lao động Quốc tế là 138, 105, 98 và 97.

Việt Nam cũng vi phạm Điều khoản 19 và 22 của Hiến chương ILO, họ không nộp bản báo cáo hàng năm về việc thực hiện các công ước quốc tế.

Công ước số 97 về lao động di trú. Công ước này yêu cầu các quốc gia thành viên phải đối xử với những người lao động di trú một cách bình đẳng như những người lao động là công dân của nước mình.

Công ước số 98 bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động, bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp hoặc thao túng bởi người sử dụng lao động, và những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể.

Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Mục đích của Công ước 138 là xóa bỏ lao động trẻ em, cấm trẻ em làm những công việc gây nguy hiểm cho sức khỏe, an toàn hoặc đạo đức của trẻ, ảnh hưởng đến giáo dục bắt buộc của trẻ hoặc những công việc mà là trẻ còn quá nhỏ để làm.

Hai điều 19 và 22 của Hiến chương ILO quy định quốc gia thành viên báo cáo hàng năm lên tổ chức này việc thực hiện các công ước của mình. Theo ông Sơn, đã tám năm qua, Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ này.

Việt Nam đã tham gia 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Chỉ riêng trong năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn ba công ước của ILO, bao gồm Công ước 88 về tổ chức dịch vụ việc làm; Công ước 159 về tái thích ứng việc làm cho người khuyết tật; Công ước 98 về quyền thương lượng tập thể. Công ước 98 là công ước cốt lõi, bản lề của ILO trong khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, trở thành một cấu phần quan trọng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP và EVFTA, cũng như trong phần lớn chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia.

Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn công ước cơ bản còn lại – Công ước 87 về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức nghiệp đoàn vào năm 2023.

Vi phạm quyền được thành lập nghiệp đoàn độc lập của ILO

Theo ông Sơn, Việt Nam vi phạm quyền của người lao động được thành lập nghiệp đoàn độc lập khi luật pháp không có quyền này. Bộ luật Lao động 2019 có tiến bộ khi có quy định về quyền này, tuy nhiên, nhiều điều khoản lại hạn chế việc thực thi và mâu thuẫn với công ước của ILO.

Điều 172 khoản 1 của Bộ luật Lao động quy định “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký” trong khi Điều 2 của Công ước 87 ILO nói rằng “Người lao động và người sử dụng lao động tham gia các tổ chức theo sự lựa chọn của riêng họ mà không cần sự cho phép trước.”

Khoản 4 của Điều 172 nói rằng “Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý Nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” trong khi khoản 2 Điều 3 của Công ước 87 quy định rằng “Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động không bị cơ quan hành chính giải thể hoặc đình chỉ hoạt động.”

Việt Nam phê chuẩn Công ước 98 trong đó có những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể, nhưng lại chưa phê chuẩn Công ước 87 quy định về thành lập nghiệp đoàn độc lập. Theo ông Sơn, lẽ ra Hà Nội phải làm điều ngược lại.

Ông Sơn cho biết hơn hai năm sau khi Bộ luật Lao động 2019 được thi hành, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa ban hành nghị định để người lao động có thể thực thi quyền được thành lập nghiệp đoàn độc lập. Ông lý giải:

Luật 2019 có nhiều điều khoản cho thấy Chính phủ Việt Nam rất là e ngại về chuyện mất kiểm soát lực lượng lao động, lực lượng công nhân Việt Nam.”

Theo ông Bùi Thiện Tri, Chủ tịch tổ chức Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU), Việt Nam hứa sẽ phê chuẩn Công ước 87 vào năm 2023, tuy nhiên, họ chỉ cho phép thành lập các nghiệp đoàn tại các cơ sở chứ không cho liên kết. 

Ông Tri nói trong tin nhắn gửi đến RFA:

Điều này cho thấy Việt Nam e ngại nếu cho các nghiệp đoàn cơ sở liên kết thì sẽ có sự cạnh tranh với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc cấm các tổ chức nghiệp đoàn cơ sở liên kết đã đi ngược lại với quyền tự do lập hội theo tinh thần Công ước 87 về quyền lao động của ILO và quyền tự do liên kết trong Hiệp định thương mại tự do CPTPP.” 

Theo ông, Bộ luật Lao động quy định người lao động có quyền thành lập những tổ chức độc lập của mình, tuy nhiên, các điều khoản chính như các điều 172, 173, 174 và 176 quy định việc thành lập, điều lệ, ban lãnh đạo của tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp lại được giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Điều này khiến người ta có thể nghi ngờ về thực chất của tính “độc lập” của công đoàn độc lập, ông Tri phát biểu. 

Ông cho biết, cuối năm 2021, VIU đã viết thư cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban hành nghị định về việc thành lập các tổ chức đại diện người lao động nhưng không nhận được trả lời. Cho đến thời điểm này, Hà Nội vẫn chưa ban hành bất kỳ văn bản quy định chi tiết nào được giao trong bộ luật trên, đồng nghĩa với việc Chương 8 của Bộ luật Lao động quy định tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở không thể áp dụng được trên thực tế và gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam.

Việt Nam vi phạm Chương Lao động trong CPTPP

Tuần trước, Chính phủ Canada đồng ý xét đơn tố cáo Chính phủ Việt Nam vi phạm Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc và Chương 19 (Lao động) của CPTPP.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia, trong đó Canada tham gia từ năm 2018 và Việt Nam tham gia một năm sau đó. Đây là hiệp định thay thế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bao trùm thị trường rộng lớn với 500 triệu dân, chiếm 13,5% nền kinh tế thế giới và 15% thương mại toàn cầu.

Ottawa đưa ra quyết định trên sau khi nhận được một bản đệ trình dưới dạng “Thông tin Công cộng” theo Chương 19 (Lao động) của Hiệp định CPTPP vào ngày 15/3 của Liên hội Người Việt Canada (VCF).

Bản đệ trình cáo buộc rằng Bộ luật Lao động của Việt Nam không tuân thủ các nghĩa vụ trong Chương 19 (Lao động) của CPTPP liên quan đến “quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể” theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.

Trong email gửi RFA ngày 25/3, ông Trương Minh Trí, Chủ tịch của VCF, cho biết:

Bản đệ trình cáo buộc Việt Nam không thực hiện những cam kết các điều khoản về quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể trong khuôn khổ CPTPP đã được Chính phủ Canada chấp thuận xem xét trong vòng 180 ngày.

Trong tiến trình xem xét, Chính phủ Canada có thể yêu cầu VCF trình bày về tình trạng quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể bị giới hạn như thế nào, cũng như tình trạng chính quyền Việt Nam ngăn cản hay đàn áp những sinh hoạt để thành lập nghiệp đoàn độc lập của công nhân Việt Nam.”

Ông cho biết tác động của việc xem xét này:

Dù có trình bày tình hình quyền lao động hay không, điều không tránh khỏi là dư luận, giới chính quyền, và giới công đoàn Canada và các nước thành viên CPTPP sẽ chú ý đến hồ sơ đàn áp quyền lao động cũng như hồ sơ đàn áp xã hội dân sự tại Việt Nam.”

Theo ông, nếu sau khi xem xét và thấy những cáo buộc trên có cơ sở, Chính phủ Canada sẽ bước sang giai đoạn yêu cầu Việt Nam giải thích việc không tuân thủ các nghĩa vụ như đã nêu của CPTPP.

Khi đó, Việt Nam có hai lựa chọn: hoặc là bác bỏ những cáo buộc và có thể rơi vào tình trạng tranh chấp với Canada mà hậu quả có thể là chế tài của Canada đối với Việt Nam, hoặc Hà Nội nhìn nhận thiếu sót và cam kết sửa đổi.

Vấn đề ở đây là Việt Nam có thật sự thay đổi hay không, và trong thời hạn bao lâu. Vì vậy, VCF đã khuyến cáo Canada cần đặt trọng tâm vào việc thiết lập với Việt Nam một lộ trình thực thi cam kết về quyền lao động đi kèm với giám sát.”

Mục đích của VVF khi nộp bản đệ trình là nhằm giúp Canada bảo vệ lợi ích của quốc gia này trong khuôn khổ những hiệp định thương mại và tạo điều kiện cho giới công nhân Việt Nam được hưởng những quyền tự do căn bản quy định bởi ILO, ông Trí nói.

Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng Chính phủ Việt Nam kiểm soát chặt chẽ các tổ chức của người lao động. Theo quy định của pháp luật, các tổ chức người lao động phải trực thuộc “Công đoàn” chính thức duy nhất của nhà nước, là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát.

Điều này thực sự hạn chế khả năng của người lao động trong việc thành lập các ‘nghiệp đoàn độc lập’ và đàm phán với người sử dụng lao động theo các điều khoản của riêng họ.

Người lao động cố gắng tổ chức bên ngoài TLĐLĐVN có thể bị trả thù, bao gồm luôn cả sa thải hoặc quấy rối. Hơn thế nữa, đã có cáo buộc rằng bộ máy an ninh Nhà nước thường sử dụng các điều khoản của Bộ luật Hình sự để bắt giam và trấn áp các cá nhân và đoàn thể độc lập chỉ vì các nhóm này lên tiếng bảo vệ những người lao động.”

Có ít nhất ba nhà hoạt động công đoàn đã bị cầm tù: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị án 9 năm, Đoàn Huy Chương bị hai án tổng cộng tám năm và sáu tháng tù còn Đỗ Thị Minh Hạnh bị án bốn năm tù giam. Họ là lãnh đạo của tổ chức Phong trào Lao động Việt, một tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi cho người lao động.

Theo một báo cáo được Ngân hàng Thế giới tổng hợp và công bố mới đây, CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng đặc trưng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

CPTPP kỳ vọng cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP của Việt Nam tính đến thời điểm 2030. Với thêm giả định tăng năng suất không đáng kể, CPTPP sẽ có tác dụng làm GDP tăng thêm 3,5%.