Giọt máu ngoài sân

Nguyễn Anh Tuấn, Asia Democracy Chronicle, tháng 1 năm 2023

“Giọt máu ném ra ngoài sânThì em trong số vô phần”

Trầm Tử Thiêng

Một lát cắt

Xã hội dân sự là một khái niệm mà ngữ nghĩa đã có nhiều thay đổi theo thời gian. Quan niệm được chấp nhận rộng rãi ngày nay cho rằng xã hội dân sự là trụ cột thứ ba, bên cạnh nhà nước và thị trường, làm thành một thứ “kiềng ba chân” giữ cho xã hội phát triển bền vững [1]. Xã hội dân sự còn là không gian nằm giữa cá nhân và nhà nước, làm cầu nối cho tương tác khi thì hòa ái, lúc thì căng thẳng giữa đôi bên.

Bộ phận mang tính tổ chức nhất của xã hội dân sự có lẽ là các tổ chức phi chính phủ, ngày nay hiện diện khắp nơi, ở mọi cấp độ, từ địa phương tới toàn cầu, với nguồn lực nhân sự, tổ chức, kết nối, và tài chính dồi dào. Bộ phận tự phát nhất hẳn là các hội đoàn không hề xa lạ với chúng ta, nào là hội đồng hương, đồng niên, đồng ngũ, nào là hội chơi cây, chơi cá, chơi chim, đáp ứng đủ mọi loại nhu cầu kết nối của các cá nhân trong xã hội.

Ở ý nghĩa chính trị tích cực nhất, xã hội dân sự được kỳ vọng như một vòng cương tỏa của quần chúng đối với quyền lực chính trị (nhà nước) và quyền lực kinh tế (thị trường), giữ chúng khỏi sự hư hỏng được thúc đẩy bởi cám dỗ quyền – tiền. Ở dạng thức tiêu cực nhất, xã hội dân sự bảo vệ cho chính những thế lực quyền – tiền này, khi thì dưới hình thức những đoàn thể hưởng lương và phụng sự chính quyền, lúc thì trong bộ dạng những nhóm lợi ích, nhóm áp lực tìm cách tối đa hóa lợi nhuận cho doanh chủ.

Lắm khuôn mặt, nhiều hình hài, xã hội dân sự sinh ra và phát triển một cách tự nhiên trong lòng xã hội dân chủ-thị trường, bởi lẽ kinh tế thị trường ban cấp cho mỗi cá nhân các nguồn lực cần thiết cho sự kết nối, trong khi nền chính trị dân chủ tôn trọng quyền kết nối đó của các cá nhân [2].

Phôi thai

Trong giai đoạn mà chúng ta gọi là thời bao cấp ở Việt Nam – con lai của kinh tế kế hoạch hóa và chính trị chuyên chính vô sản, xã hội dân sự theo nghĩa hiện đại không tồn tại, hoặc nếu có thì yếu ớt và què quặt. Chế độ cộng sản điển hình chủ trương nguyên tử hóa mọi cá nhân, chặt hết dây liên kết giữa họ với nhau, chỉ giữ lại sợi dây giữa mỗi cá nhân với Đảng qua những hóa thân của nó như chính quyền, xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã, đoàn thể quần chúng. Nền kinh tế cộng sản phi thị trường tước hết mọi nguồn lực cần thiết để cá nhân kết nối với nhau, nền chính trị cộng sản phi dân chủ thì đơn giản là không cho phép họ làm vậy.Chỉ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi Mới, mà về bản chất là thử nghiệm kinh tế thị trường một phần, xã hội dân sự mới nhen nhóm xuất hiện. Theo đà mở rộng của kinh tế thị trường, người Việt ngày càng có nhiều nguồn lực và phương tiện để thỏa mãn nhu cầu kết nối hội đoàn của mình. Cơ man các nhóm hội sinh sôi nảy nở, từ các nhóm sở thích chia sẻ tiêu khiển cá nhân, đến các hội mưu cầu lý tưởng xã hội.

Đó là từ bên trong.Còn từ bên ngoài, kinh tế thị trường đòi hỏi mở cửa đất nước với thế giới. Vốn đầu tư ngoại quốc đi liền với các dự án hợp tác phát triển mà nhiều trong số đó được điều phối bởi các tổ chức phi chính phủ (NGO) – không thuộc về chính phủ nhưng lại phục vụ lợi ích công. Chính quyền và người dân Việt Nam bắt đầu làm quen với sự hiện diện và vai trò các tổ chức này. Họ có mặt ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, giúp xóa đói giảm nghèo, cung cấp nước sạch, phòng chống bệnh tật, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, bảo bọc người khuyết tật – tất cả những việc thuộc trách nhiệm chính quyền nhưng chính quyền lại không đảm đương nổi vì thiếu nguồn lực. Theo thời gian, các tổ chức phi chính phủ này để lại mạng lưới những chi nhánh bản địa cùng các tổ chức phi chính phủ nội địa vốn là đối tác dự án của họ.

Bối cảnh kinh tế chính trị tương đối thuận lợi giai đoạn đầu Đổi Mới tình cờ đã lót ổ cho đứa con xã hội dân sự thai nghén trên mảnh đất Việt Nam xa lạ.

Đứa con ngoài giá thú

Tuy nhiên, đây lại là một đứa con ngoài giá thú. Công cuộc Đổi Mới chỉ là một cuộc thử nghiệm lai ghép kinh tế thị trường vào nền chính trị cộng sản nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội toàn diện tích tụ từ hàng chục năm áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch hóa nối dài từ thời chiến đến hậu chiến [3].

Vì mang tính đối phó, Đổi Mới rất có thể chỉ là một thay đổi chiến thuật, chừng nào mà những cải tổ kinh tế theo hướng thị trường không theo sau bởi cải cách chính trị theo hướng dân chủ.

Công bằng mà nói, nền chính trị Việt Nam kể từ Đổi Mới đã bớt đi phần nào tính độc đoán đảng trị của mô hình chuyên chính vô sản thời bao cấp. Kinh tế thị trường đòi hỏi những chỉnh sửa trong cách quản trị xã hội. Đảng rút bớt khỏi một số địa hạt của đời sống, luật pháp thay cho nghị quyết làm nền tảng cho xã hội vận hành, người dân được đi lại, gặp gỡ, tương tác với nhau dễ dàng hơn thay vì lúc nào cũng xin phép như trước đó.

Theo đà mở mang của kinh tế thị trường, đã có lúc, trên khắp các diễn đàn, những người có đầu óc cải cách trong và ngoài chính quyền đã đồng thanh tương ứng kêu gọi nhà nước quay về với đúng chức trách của mình, đừng làm thay thị trường và xã hội [dân sự]. Những lời kêu gọi này được cổ vũ nồng nhiệt bởi các nhà tài trợ quốc tế và các viện nghiên cứu như một cách để lan tỏa mô hình Quản trị Công Tốt (Good Governance) vốn rất thịnh hành bấy giờ [4].“

Đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự”, lời phát biểu không thể ngắn gọn hơn, đến từ một người không thể phù hợp hơn – Trương Đình Tuyển, vốn có công đầu đưa Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi còn là Bộ trưởng Thương mại, và cũng vì thế hiểu rõ những nhọc nhằn và yêu cầu của quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam từ kế hoạch hóa sang thị trường [5].

Lời phát biểu nhận được nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng trong một diễn đàn về cải cách thế chế năm 2014. Một năm sau đó, Hiệp định Bên lề giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khuôn khổ TPP, trong đó Việt Nam cam kết sẽ cho phép thành lập nghiệp đoàn độc lập theo tiêu chuẩn của ILO không kèm bất kỳ hạn chế nào [6], đã làm nức lòng những ai hi vọng vào một bước tiến mới của xã hội dân sự Việt Nam, khi mà ở đa số quốc gia, nghiệp đoàn luôn là bộ phận vững mạnh và có tổ chức bậc nhất của xã hội dân sự. Xã hội dân sự Việt Nam đã có khoảng thời gian tràn đầy hi vọng như vậy.

Ruồng bỏ

Tuy nhiên không phải ai trong hệ thống cũng chia sẻ quan điểm này, nhất là những nhà lý luận cộng sản coi trọng ý thức hệ.Vì Đổi Mới là một thử nghiệm mang tính đối phó, giới tinh hoa chính trị cầm quyền Việt Nam quả thật đã chưa có sự chuẩn bị về mặt lý luận cho cả kinh tế thị trường lẫn những thay đổi xã hội to lớn kéo theo sau.

Thời gian đầu, Đảng đã chứng kiến sự sinh sôi nảy nở của các hội đoàn nội sinh với nhiều hồ nghi nhưng ít hành động. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các đối tác địa phương của họ thậm chí đã từng được Đảng chào đón bằng một thái độ thực dụng nhằm giúp giải quyết những vấn nạn kinh tế – xã hội của các nhóm yếu thế và những vùng khó khăn mà chính quyền với nguồn lực hạn chế khó lòng giải quyết nổi.

Sau thời gian lúng túng ban đầu, giới lý luận cũng đã bắt đầu tìm ra cách gọi tên và mô tả những thay đổi đến từ cuộc thử nghiệm Đổi Mới của Đảng. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dù đi kèm những diễn giải thiếu tường minh, song vẫn được trưng ra trước công chúng để chứng tỏ cuộc dò đá qua sông của Đảng ít nhiều cũng được dẫn đường bằng lý luận.

Và trong cơn cao hứng của mình, các nhà lý luận của Đảng cũng đã không ngần ngại giới thiệu đến công chúng phiên bản xã hội dân sự của họ: xã hội dân sự định hướng xã hội chủ nghĩa [7].

Tuy nhiên, hướng phát triển lý luận này chưa kịp giới thiệu bất kỳ những kết quả sáng giá nào thì giới cầm quyền chính trị đã có lựa chọn đơn giản hơn nhiều.

Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XII năm 2016 chứng kiến sự thắng thế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đối thủ lúc đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mở ra một giai đoạn mà những quan điểm thực dụng kinh tế phải nhường chỗ cho những ưu tiên ý thức hệ.

Chỉ 10 tháng sau Đại Hội, Trung ương Đảng dưới sự chỉ đạo của ông Trọng đã ban hành Nghị Quyết TW 4, lần đầu tiên coi việc ủng hộ xã hội dân sự là một biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ [8]. Một năm sau đó, Bộ Chính trị ban hành Quy Định 102 về kỷ luật đảng viên, nói rõ đảng viên cổ xúy xã hội dân sự thì sẽ bị khai trừ [9].

Những năm sau đó ắt hẳn là khoảng thời gian đáng quên nhất với xã hội dân sự còn non trẻ của Việt Nam.Hàng chục hội đoàn hoạt động về các quyền dân sự và chính trị, phôi thai từ những cao trào biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường, đã nhanh chóng bị đàn áp và vô hiệu hóa, kéo theo hàng trăm nhà hoạt động bị bắt bớ và giam cầm.

Trên địa hạt pháp lý, những đạo luật được hứa hẹn tạo thành khuôn khổ pháp lý cho xã hội dân sự như Luật về Hội, Luật Biểu tình bị gác lại vô thời hạn, trong khi những đạo luật kiềm kẹp các quyền tự do dân sự như Luật An ninh mạng thì nhanh chóng được ban hành.

Thái độ thù địch xã hội dân sự của Đảng không chỉ dừng lại ở các nhóm không đăng ký và những nhà hoạt động đối kháng mà đã nhanh chóng nhắm tới các tổ chức phi chính phủ có đăng ký và những người lãnh đạo nhiều ảnh hưởng của khu vực này.Bắt đầu bằng những hạn chế và sách nhiễu đơn lẻ nhắm vào một số tổ chức phi chính phủ nổi bật, cuộc đàn áp nhanh chóng trở nên có tính hệ thống khi chính quyền dành sự chú ý vào điểm dễ tổn thương bậc nhất của các NGO: nguồn tiền. Nghị định 80 được Chính phủ ban hành năm 2020 lần đầu tiên đặt ngoài vòng pháp luật bất kỳ khoản tài trợ nào từ nước ngoài mà không được chính quyền phê duyệt [10]. Ngôn ngữ của Nghị định cũng cho thấy Bộ Công an từ đây sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong việc thẩm định, phê duyệt và giám sát việc sử dụng các khoản tài trợ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ, thay vì Bộ Nội vụ và các cơ quan chủ quản như trước đây.

Dường như để các bên không nghi ngờ gì nữa về ý định của mình, chính quyền đã hành động rất nhanh. Một năm sau khi Nghị định 80 được ban hành, chính quyền bắt giữ Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách với cáo buộc trốn thuế lần lượt của MEC và LPSD, hai trong số những NGO được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam. Vài tháng sau, chính quyền bắt giữ Ngụy Thị Khanh, Khôi nguyên giải môi trường quốc tế danh giá Goldman và là người sáng lập NGO môi trường nổi danh GreenID, cùng với cáo buộc trốn thuế nhưng lần này lại là trốn thuế thu nhập cá nhân.

Việc bắt giữ và giam cầm những lãnh đạo nhiều ảnh hưởng nhất của các NGO Việt Nam thực sự đã gửi đi thông điệp lạnh sống lưng tới các NGO còn lại. Để không trở thành nạn nhân tiếp theo, một số NGO đã tuyên bố thu hẹp hoặc ngừng hoạt động, thậm chí giải thể, nhiều lãnh đạo NGO tìm cách rút lui hoặc thậm chí rời khỏi Việt Nam.

Khai tử

Quy mô và cường độ của cuộc đàn áp xã hội dân sự vừa qua có thể khiến một số người bất ngờ, nhất là những ai đã trải qua giai đoạn tương đối dễ chịu cho xã hội dân sự từ 2015 trở về trước. Tuy nhiên nếu theo dõi sát sao tình hình Trung Quốc và đồng ý với quan điểm rằng các mô thức quản lý xã hội ở Việt Nam thường được du nhập từ nước này với độ trễ vài năm, người ta có thể không còn bất ngờ nữa.Thật vậy, chỉ một năm sau khi nhậm chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, Tập Cận Bình đã cho thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia (National Security Commission) vào năm 2014. Ủy ban do chính ông chủ trì và đóng vai trò điều phối nỗ lực toàn quốc trấn áp xã hội dân sự. Chỉ trong vòng hai năm sau khi thành lập, Ủy ban đã mở một cao trào đàn áp xã hội dân sự, sách nhiễu, hành hung, bắt bớ và giam cầm hàng trăm nhà hoạt động và luật sư nhân quyền, đồng thời cầm trịch việc soạn thảo hàng loạt đạo luật an ninh chế độ, bao gồm Luật Phản gián 2014; Luật Chống khủng bố và Luật An ninh quốc gia 2015; Luật An ninh mạng, Luật Từ thiện 2016; và Luật NGO ngoại quốc 2017 [11].

Ít lâu sau, vào năm 2018, Việt Nam cũng đã ban hành phiên bản Luật An ninh mạng của mình với rất ít khác biệt so với Trung Quốc [12]. Nghị định 80 kể trên của Việt Nam cũng giống đến khó tin so với Luật NGO ngoại quốc của Trung Quốc, nhất là ở điều khoản ghi nhận quyền thống soái của Bộ Công an, thay vì Bộ Nội vụ và cơ quan chuyên môn chủ quản trong cơ chế song trùng quản lý kiểu cũ, trong toàn bộ quy trình thẩm định, phê duyệt, và giám sát việc sử dụng các khoản tài trợ nước ngoài [13].

Sự tương đồng này thực ra cũng không có gì là ngạc nhiên khi mà ngay cả cuộc thử nghiệm mang tên Đổi Mới ở Việt Nam (1986) cũng mô phỏng công cuộc Cải cách và Mở cửa của Trung Quốc (1978) với độ trễ khoảng 10 năm [14].

Ngày nay có nhiều lý do để tin rằng tốc độ du nhập những chiến lược và chiến thuật quản trị xã hội từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ nhanh hơn. Và với việc lần đầu tiên Tuyên bố Chung Việt Nam – Trung Quốc khẳng định hai nước sẽ hợp tác cùng nhau “chống diễn biến hòa bình, chống cách mạng màu”, và phản đối “chính trị hóa vấn đề nhân quyền” trong khuôn khổ chuyến thăm lịch sử của Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc tháng 11 năm 2022 [15], xã hội dân sự Việt Nam không nên kỳ vọng gì ngoài một tương lai mịt mù đang lấp ló đằng xa. Mà thật ra cũng không còn xa nữa.

English source: https://adnchronicles.org/2023/02/22/the-party-strikes-back/?fbclid=IwAR2afZTrvVmtm-CtHHTjVC5766lqkpaIyrT7b8ehkCEi-glHEK18zns9YXc