Người dân nghĩ gì việc công an kiểm tra tuổi khán giả đang xem phim Mai?

Người dân nghĩ gì việc công an kiểm tra tuổi khán giả đang xem phim Mai?
Công an và lực lượng chức năng vào rạp hát kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của khán giả ngày 26/2

Một số người dân mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) hỏi ý kiến thể hiện sự bất bình trước việc cơ quan công an xông vào rạp đang chiếu phim Mai có gắn nhãn 18+ để kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của khán giả.

Truyền thông nhà nước đưa tin vào khoảng 19 giờ ngày 26/2, tại rạp Cinestar Quốc Thanh ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng vào kiểm tra theo công văn của Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, với nội dung là tăng cường kiểm tra, giám sát bộ phim của đạo diễn Trấn Thành được dán nhãn T18 (chỉ cho khán giả đủ 18 tuổi trở lên được phép xem).

Cơ quan chức năng yêu cầu ngưng chiếu phim và bật đèn sáng để kiểm tra độ tuổi của khán giả dựa vào giấy tờ tuỳ thân. Tuy rạp Cinestar Quốc Thanh không trả lời cuộc điện thoại của phóng viên nhưng đại diện của Cinestar, được dẫn lời bởi báo mạng Dân Trí thì “Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất, nhưng không phát hiện khán giả xem phim nào chưa đủ độ tuổi quy định tại buổi chiếu.”

Một luật gia ở Hà Nội, người muốn ẩn danh vì lý do an ninh, bình luận về sự việc đang gây xôn xao dư luận này:

Luật Điện ảnh 2022 và các quy định hướng dẫn thi hành luật này bao gồm cả nghị định và thông tư, chỉ có quy định về phân loại phim, tiêu chí phân loại phim, hiển thị phân loại phim, cảnh báo trong phim, quy định về kiểm tra, xử phạt hành chính đối với việc người xem không đúng lứa tuổi đã phân loại tại các rạp còn chưa rõ ràng về thẩm quyền và thiếu tính thực tiễn.”

Điều 19 của Luật Điện ảnh 2022 quy định về việc phổ biến phim trong rạp chiếu phim, theo đó các cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim phải bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim.

Điều 47 của luật này cũng nói Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ “Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh theo thẩm quyền.”

Theo vị luật gia trên, việc kiểm tra của cơ quan chức năng ở rạp Cinestar Quốc Thanh vừa qua không dựa trên cơ sở pháp luật theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền- công chức chỉ được làm những việc pháp luật quy định, trao quyền, trao nghĩa vụ.

Ông cho rằng cơ quan chức năng của phường Nguyễn Duy Trinh đã hoàn toàn sai vì “thay vì kiểm tra quy trình hoạt động của rạp, thì lại đi kiểm tra căn cước người xem.”

Để kiểm tra giấy tờ tùy thân của người xem, thì phải có dấu hiệu về ‘lỗi’ của khán giả. Nhưng trong trường hợp này thì khán giả có lỗi gì? Không lẽ việc người ta xem phim lại là lỗi!

Mai là bộ phim đơn thuần về câu chuyện gia đình và xã hội có một số cảnh “nóng”, đang làm mưa làm gió trong các rạp chiếu phim, với doanh thu gần 500 tỷ đồng chỉ từ ngày 10/2 đến nay so với hơn 5 tỷ đồng doanh thu của bộ phim “Đào, phở và piano” do Nhà nước đặt hàng sản xuất.

Ông Đinh Thuần Ngô, một người từng hành nghề luật sư nhiều năm ở thành phố Hồ Chí Minh trước khi định cư tại Hoa Kỳ, bình luận với RFA trong ngày 28/2:

Có nhiều cách tiếp cận, thí dụ bạn trao quyền cho rạp, cấm người xem dưới 18 thì bạn phải tin người ta làm đúng, bởi vì khi người ta làm sai thì phạt người ta. Còn làm sao để phát hiện việc làm sai thì bạn có nhiều cách, thí dụ khi người ta mua vé thì bạn kiểm tra ngay từ đó.”

Theo ông, cơ quan chức năng có thể thực hiện kiểm tra việc tuân thủ quy định về độ tuổi của khán giả một cách tế nhị hơn từ trước khi khán giả mua vé vào rạp. Ông nói:

Về mặt luật, cơ quan công quyền có nhiều cách làm văn minh so với chuẩn mực thế giới hơn là làm theo cách rất là rừng rú ở thế kỷ 21 này.

Nhảy vô như vậy là hành xử không văn hoá vì họ mang danh một người văn hoá mà không có một hoạt động một cách văn hoá trong một môi trường văn hoá.”

Ông cho rằng hành xử của các lực lượng chức năng trong vụ việc trên biểu hiệnxã hội Việt Nam không dựa trên một niềm tin.”

Theo Nghị định 38 năm 2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi “phổ biến phim cho khán giả không đúng độ tuổi theo quy định hoặc để khán giả không đúng với độ tuổi theo quy định vào rạp xem phim” có thể bị phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2021. Vụ kiểm tra trên có thể xem là lần đầu tiên các cơ quan chức năng vào cuộc làm việc gây xôn xao dư luận.

Trong một status của mình trên Facebook, ông Nguyễn Dân ở thành phố HCM chỉ trích sự thô bạo của cơ quan chức năng. Ông viết:

Phải xem việc công an giữa buổi chiếu phim xông vào rạp kiểm tra có khán giả nào dưới 18 không là một việc tày đình.

Một đất nước (tự xưng) tự do dân chủ không thể có việc công an ngang nhiên hành xử thô bạo như vậy.”

Theo ông, quan hệ giữa khán giả và rạp chiếu phim trên lý thuyết là một giao dịch dân sự đặc biệt, vì có liên quan đến cảm xúc nhưng lại không thành vì công an và cơ quan ban ngành cản trở.

Ông cho rằng ở các nước văn minh, khán giả hoàn toàn có thể kiện rạp đòi bồi thường tiền vé và tổn thất tinh thần. Còn rạp có thể kiện ngược lại công an hoặc sẽ có các định chế “trị” sự lộng quyền của các cơ quan này.

Nhạc sỹ Tuấn Khanh nói rằng trong một khung cảnh thưởng thức văn hóa, không có gì khó chịu bằng việc nhân viên công lực đột nhiên xuất hiện và khám xét.

Đây là việc tính toán thuận lợi cho phía cơ quan nhà nước, nhưng không nghĩ đến tâm lý khán giả, và cú sốc đời sống văn hóa nói chung.

Thuốc lá ở Việt Nam cũng quy định tuổi để bán, nhưng chưa bao giờ thấy một cuộc kiểm tra nào tương tự ở nơi bán thuốc lá lẻ hay trong các quán bar, vũ trường… sự gắt gao riêng biệt này, quả là cần suy nghĩ về mục đích lẫn hành động.”

Theo ông, bóng dáng của lực lượng công quyền “tùy tiện xen vào đời sống bình thường đối với người dân miền Nam vẫn là một ký ức nặng nề, có từ thời ngăn sông cấm chợ. Tưởng như mọi thứ đã đi qua, nhưng sau vài thập niên nó vẫn hiển hiện y như vậy.”

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ việc làm của cơ quan chức năng. Fanpage Thường Dân có hơn 60 ngàn người theo dõi, thường đăng tải các ý kiến và thông tin ủng hộ Chính phủ Việt Nam có bài viết ngắn về vụ việc cho rằng, không phải ngẫu nhiên “các nước trên thế giới đều quy định độ tuổi được tiếp cận với thể loại phim truyện trên truyền hình hay chiếu ở rạp.”

Tác giả đặt câu hỏi:

“Đối với một bộ phim chứa đựng nhiều hình ảnh bạo lực, lời nói thô tục, cảnh quay nóng bỏng đã được dán nhãn 18+, thì có nghĩa là chỉ người từ 18 tuổi trở lên mới được tiếp cận.

Việc một đoàn liên ngành trong đó có cán bộ công an kiểm tra các rạp chiếu phim khi có thông tin trẻ em (người chưa đủ 18 tuổi) vào xem phim thì có gì là ngăn cản hoạt động giải trí văn hóa của người dân???”

Bài viết cũng đề nghị “cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm những rạp chiếu nào vì lợi ích cá nhân bất chấp quy định pháp luật về độ tuổi để bán vé xem phim không đúng đối tượng. Cần làm nghiêm để bảo vệ tương lai trẻ em và của chính đất nước.”

Phóng viên gửi email cho Cục Điện ảnh với đề nghị bình luận về việc kiểm tra đột xuất của lực lượng chức năng đối với Cinestar Quốc Thanh nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Theo báo mạng Dân Trí, ở một số cụm rạp tại TPHCM, khâu soát vé khá lỏng lẻo và để nhiều khán giả dưới 18 tuổi mua vé xem phim Mai dù tác phẩm này dán nhãn T18. (RFA)