Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI) nói nhân quyền Việt Nam tiếp tục suy giảm

Trong báo cáo thường niên công bố gần đây, tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (Human Rights Measure Initiative- HRMI) có trụ sở tại New Zealand nói tình trạng nhân quyền của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong năm 2023 .

Theo báo cáo mới nhất của HRMI, Việt Nam có điểm số 4,6 ở mục An toàn trước Nhà nước và 2,3 ở mục Trao quyền trên thang điểm 10 trong năm 2023, so với mức điểm tương ứng 4,9 và 2,7 của năm 2022, và giảm mạnh so với số điểm 5,3 và 3,0 năm 2021.

Điểm An toàn trước Nhà nước đang ở mức dưới trung bình, cho thấy nhiều người Việt không an toàn trước một hoặc nhiều điều như: bắt giữ tuỳ tiện, tra tấn và bị ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết mà không thông qua tòa án.

Đối với các quyền dân sự và chính trị, chúng tôi không có đủ dữ liệu cho các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương để đối chiếu theo khu vực. Tuy nhiên, so với 45 quốc gia khác được chúng tôi khảo sát, Việt Nam đang thực hiện tệ hơn mức trung bình về quyền được an toàn trước nhà nước,” HRMI nói trong báo cáo.

Trong mục này, tiêu chí Quyền không bị kết án tử hình, Việt Nam nhận được điểm số 4,9, dưới mức trung bình. Điểm số này dường như tương thích với đánh giá của tổ chức Ân xá Quốc tế trong báo cáo mà tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Anh quốc công bố gần đây,  theo đó, trong năm 2023, Việt Nam thi hành án tử hình hơn 122 người.

Cuối tháng 9/2023, nhà chức trách tỉnh Thanh Hoá đã thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh cho dù tử tù này liên tục kêu oan trong khi Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) cùng với Đại Sứ quán của Canada, Vương quốc Anh và Vương quốc Na Uy tại Việt Nam ra tuyên bố chung kêu gọi Hà Nội dừng việc thi hành án đối với ông.

Trong báo cáo, HRMI chấm điểm Trao quyền ở mức 2,3 đồng nghĩa với việc nhiều người không được hưởng các quyền tự do dân sự và tự do chính trị như tự do ngôn luận, hội họp và lập hội, và các quyền dân chủ.

Cụ thể, Việt Nam được chấm 2,5 cho tiêu chí Tự do hội họp và hiệp hội và 2,8 cho tiêu chí Tự do quan điểm và biểu đạt. Tiêu chí Tham gia chính phủ được chấm điểm 2,7 còn mục Tôn giáo và tín ngưỡng được cho 2,4. Điểm số của các tiêu chí này đều giảm so với hai năm trước đó.

Đối với các quyền dân sự và chính trị, chúng tôi không có đủ dữ liệu cho các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương để đối chiếu theo khu vực. Tuy nhiên, so với 44 quốc gia khác được chúng tôi khảo sát, Việt Nam đang thực hiện tệ hơn mức trung bình về các quyền về trao quyền,” báo cáo đánh giá.

Trong mục Chất lượng cuộc sống, HRMI đánh giá về Việt Nam như sau:

Việt Nam đạt 89,4% về Chất lượng cuộc sống khi chấm điểm theo tiêu chuẩn ‘Điều chỉnh thu nhập’.

So với các quốc gia khác ở Đông Á, Việt Nam đang thực hiện tốt hơn mức trung bình về quyền Chất lượng Cuộc sống.”

Tổ chức này xếp tiêu chí Quyền có thực phẩm ở mức tệ, còn ba tiêu chí Quyền được chăm sóc y tế, Quyền có nơi ở, và Quyền có công ăn việc làm ở mức khá trong khi tiêu chí Quyền được học hành ở mức tốt.

HRMI là một sáng kiến khởi xướng từ năm 2016 bởi một nhóm chuyên gia kinh tế, nghiên cứu chính sách công và nhân quyền. Tổ chức này bắt đầu tiến hành khảo sát ở 13 nước vào năm 2017, 19 nước vào năm 2019, 33 nước vào năm 2020, 39 quốc gia năm 2021, 44 quốc gia trong năm 2022, và 45 quốc gia trong năm 2023.

Tổ chức này hướng đến việc đo lường có hệ thống tất cả các quyền trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế ở mọi quốc gia trên thế giới.