Chuyên gia nhân quyền LHQ kêu gọi Thái Lan không trục xuất người Thượng tị nạn về Việt Nam

Công an Việt Nam (áo trắng) tới khu trọ của người Thượng tị nạn ở Thái Lan ngày 14/3/2024 (Fb)

Một nhóm gồm 13 chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp quốc (LHQ) đã gửi một thư cáo buộc chung (Joint Allegation Letter) đến Chính phủ Thái Lan để bày tỏ quan ngại về sự hợp tác an ninh giữa Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và Công an Việt Nam trong việc trục xuất người Thượng tị nạn về Việt Nam, nơi họ có thể bị cầm tù hoặc đối xử vô nhân đạo.

Thư cáo buộc chung đề ngày 14/6 của các Báo cáo viên đặc biệt thuộc cơ chế của Uỷ ban Nhân quyền LHQ được Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố ngày 14/8, hai tháng sau khi gửi Chính phủ Thái Lan nhưng không nhận được phản hồi.

Thư chung có nhắc đến trường hợp nhà hoạt động nhân quyền Y Quynh Bdap, đồng sáng lập viên của tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ), bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ ngày 11/6 vừa qua theo yêu cầu dẫn độ của Bộ Công an Việt Nam.

Ông hiện đang bị giam ở Nhà tù Remand Bangkok và sẽ ra toà hình sự ngày 19/8 với nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam, nơi ông sẽ phải đối mặt với án tù 10 năm về tội danh “khủng bố” trong phiên toà xét xử vắng mặt ông vào ngày 20/1/2024 liên quan đến vụ tấn công bằng súng vào trụ sở hai xã ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023.

Nghĩa vụ không trả lại người tị nạn

Trong thư, các báo cáo viên đặc biệt bày tỏ sự lo ngại về thông tin một phái đoàn Công an Việt Nam, với sự trợ giúp của Cảnh sát Thái Lan, đã  đến một số khu trọ của người Thượng tị nạn ở Thái Lan giữa tháng 3/2024 để đe dọa, quấy rối và cưỡng ép họ nhằm buộc họ phải trở về Việt Nam trái với ý muốn, mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã đưa tin.

Chúng tôi nhấn mạnh rằng theo hiệp ước và luật pháp quốc tế thông thường, Thái Lan có nghĩa vụ không trả lại bất kỳ cá nhân nào về một quốc gia mà có nỗi sợ hãi có cơ sở về việc bị đàn áp hoặc có căn cứ đáng kể để tin rằng người đó sẽ có nguy cơ bị tổn hại không thể khắc phục khi trở về do vi phạm nhân quyền nghiêm trọng,” các chuyên gia nhân quyền nêu trong thư.

Các báo cáo viên đặc biệt cho rằng sự cộng tác giữa Cảnh sát Thái Lan và an ninh Việt Nam có thể gây ảnh hưởng đến tính tự nguyện của bất kỳ sự hồi hương nào của người tị nạn Việt Nam trên đất Thái Lan.

Các chuyên gia kêu gọi Thái Lan áp dụng Đạo luật Phòng ngừa và Chống tra tấn và Mất tích cưỡng bức trong đó nghiêm cấm “trục xuất hoặc dẫn độ một người đến một quốc gia khác khi có căn cứ đáng kể để tin rằng người đó sẽ gặp nguy cơ bị tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, hoặc mất tích cưỡng bức.”

Họ cũng lưu ý Thái Lan rằng nghĩa vụ không trục xuất theo luật nhân quyền quốc tế là tuyệt đối, ngay cả đối với những người bị tình nghi phạm tội ở một quốc gia khác.

Các chuyên gia nhân quyền nêu trong báo cáo rằng việc hồi hương bắt buộc không thể được thực hiện hợp pháp nếu không có quy trình tố tụng hợp pháp. Theo luật pháp quốc tế, quyết định trục xuất, di dời hoặc trục xuất một người không phải là công dân chỉ có thể được đưa ra sau khi xem xét hoàn cảnh và nhu cầu bảo vệ của từng cá nhân, bao gồm cả liên quan đến nghĩa vụ không bị trục xuất và quyền được sống trong gia đình, và được xét xử một cách công bằng.

Ông Y Phic Hdok, thành viên sáng lập của MSFJ và hiện đang ở Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 16/8 về thư chung nêu trên:

Các báo cáo viên đặc biệt của LHQ nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm của Thái Lan và cộng đồng quốc tế theo luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ những người phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm an toàn và tự do.

Các chuyên gia nhân quyền nhấn mạnh nguyên tắc tuyệt đối không được trục xuất người tị nạn về nơi họ có thể gặp nguy hiểm không thể khắc phục. Những lo ngại về trường hợp của anh Y Quynh Bdap – người đã bị kết án vắng mặt một cách bất công và hiện đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ – càng làm nổi bật tính cấp thiết của việc áp dụng các biện pháp bảo vệ ngay lập tức nhằm đảm bảo quyền lợi và an toàn cho anh.” 

Theo ông, thư chung này không chỉ là lời kêu gọi bảo vệ người tị nạn Montagnard mà còn là tiếng nói mạnh mẽ cho việc bảo vệ các nguyên tắc cơ bản về nhân quyền và công lý.

Nó phơi ra những vấn nạn đáng lo ngại về sự đàn áp xuyên quốc gia, khi một số quốc gia cố gắng bịt miệng và trừng phạt những người bảo vệ nhân quyền ngay cả khi họ đã vượt ra khỏi biên giới. Cộng đồng quốc tế cần phải có phản ứng dứt khoát đối với Thái Lan, đảm bảo rằng Bangkok tuân thủ các cam kết của mình theo luật nhân quyền quốc tế và rằng người tị nạn Montagnards, bao gồm anh Y Quynh Bdap, được bảo vệ một cách xứng đáng,” ông nhấn mạnh.

Nghĩa vụ bảo vệ người tị nạn

Các chuyên gia nhân quyền LHQ cho rằng việc Cảnh sát Thái Lan đưa Công an Việt Nam tới khu trọ của người Thượng tị nạn mà không có sự đồng ý của họ và không theo yêu cầu của họ, có thể vi phạm quyền riêng tư của họ theo Điều 17 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Thái Lan là quốc gia thành viên.

Sự đàn áp xuyên quốc gia đối với người tị nạn làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi của họ về sự an toàn của họ, đặc biệt là khi tình trạng pháp lý và quyền của họ bấp bênh ở một quốc gia tị nạn, các chuyên gia nêu trong thư.

Họ cũng lưu ý rằng bất kỳ vụ bắt cóc người tị nạn Việt Nam nào ở Thái Lan và cưỡng bức hồi hương về Việt Nam không chỉ vi phạm nghĩa vụ không trục xuất mà còn cấu thành hành vi tước đoạt tự do tùy tiện và vi phạm an ninh của con người theo Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, ICCPR, và Tuyên bố Nhân quyền ASEAN.

Ông Y Min Alur, một người Gia Rai ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, bị đàn áp tôn giáo và chạy sang tị nạn ở Thái Lan từ năm 2017, cho biết người Thượng tị nạn ở Thái Lan đang lo lắng về khả năng bị trục xuất về Việt Nam. Ông nói với RFA:

Ở đây không riêng gì tôi mà rất nhiều người lo ngại về khả năng bị trục xuất về nước sau khi Công an Việt Nam đến khu trọ người Thượng tị nạn để thuyết phục, ép buộc về Việt Nam. Với sự hợp tác của Cảnh sát Thái Lan và công an Việt Nam, chúng tôi có thể bị đưa về nước, nơi mà chúng tôi đối diện với tù đày và đối xử vô nhân đạo.” 

Theo luật pháp quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ ngăn chặn và xóa bỏ các mối đe dọa đã biết hoặc có thể thấy trước một cách hợp lý đối với sự an toàn, an ninh hoặc tự do của bất kỳ người hoặc nhóm người nào trong lãnh thổ của mình, bao gồm cả khi các mối đe dọa đó xuất phát từ các tác nhân nhà nước nước ngoài; chính phủ cũng không được tự mình tham gia vào bất kỳ hành vi nào như vậy, các chuyên gia nêu.

Họ cũng nhắc lại hai vụ Công an Việt Nam bắt cóc người tị nạn Việt Nam trên đất Thái Lan, đó là trường hợp nhà báo blogger Trương Duy Nhất của RFA đầu năm 2019, và Youtuber Đường Văn Thái giữa tháng 4 năm ngoái. Cả hai đang bị cầm tù ở Việt Nam trong hai vụ án có mục đích chính trị.

Các chuyên gia lưu ý rằng một số người Thượng tị nạn đang tích cực tham gia vào các tổ chức phi chính phủ lưu vong đấu tranh bảo vệ quyền con người của các nhóm thiểu số bản địa và tôn giáo tại Việt Nam, trong đó có MSFJ. Việc Việt Nam coi MSFJ là một tổ chức khủng bố trên thực tế là hình sự hóa bất kỳ công dân Việt Nam nào ở trong và ngoài nước tham gia tổ chức này, một nhóm đã hợp tác và báo cáo vi phạm nhân quyền cho các cơ chế nhân quyền của LHQ.

Họ cho rằng Thái Lan có nghĩa vụ ngăn chặn các hành vi vi phạm của các quốc gia khác trên lãnh thổ của mình đối với các quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do hội họp ôn hòa của người Thượng tại Thái Lan; đồng thời bảo đảm rằng chính quyền Việt Nam không cản trở các hoạt động hợp pháp của các nhóm người Thượng tại Thái Lan trong việc bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.

Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Thái Lan và Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về thư cáo buộc chung của các chuyên gia nhân quyền LHQ, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. (RFA)