Công an tra hỏi cả trẻ em để truy tìm tung tích nhà hoạt động chính trị

Bà Đặng Thị Huệ (Fb)

Tình trạng người thân của các nhà hoạt động chính trị và dân chủ tại Việt Nam bị quấy rối, đàn áp tinh thần vẫn diễn ra phổ biến trong những năm qua. Tuy nhiên, gần đây, một số nhà hoạt động còn tố cáo rằng chính quyền ở một số địa phương còn tra hỏi cả trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành.

Truy đến cùng

Bà Đặng Thị Huệ, còn được biết đến với tên Huệ Như, là một cựu tù nhân lương tâm, từng bị kết án tù vì hoạt động phản đối các trạm thu phí BOT bẩn. Sau khi mãn hạn tù vào đầu năm 2023, bà cho biết vẫn đối mặt với sự truy lùng liên tục từ công an tỉnh Thái Bình. 

Theo lời kể của bà Huệ Như, công an đã mời chồng cũ và con trai chín tuổi của bà lên Ủy ban xã để hỏi thăm tung tích của bà:

“Họ quay sang con trai của tôi hỏi về cách thức để liên lạc với mẹ như thế nào, mẹ mua máy tính cho con rồi con nhận bằng cách nào, mẹ mua xe đạp cho con và con nhận ở đâu.”

Những câu hỏi thẩm vấn từ phía công an với đứa con nít chín tuổi, theo bà Huệ Như, đã gây ra sự khủng hoảng tinh thần cho cháu bé:

“Tôi cho rằng đây là một hành động mà coi thường pháp luật của Công an Thái Bình cũng như là vi phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em vì cháu nó còn rất nhỏ, mới có chín tuổi. Cháu chưa thể nhận thức được việc làm của mẹ. Đây là một hành động xâm phạm và đàn áp tinh thần đối với một đứa trẻ còn nhỏ.” 

Việc công an tìm cách truy tìm thông tin về bà Huệ bằng cách tiếp cận cậu con trai, đã khiến bà Huệ đã phải cắt đứt mọi liên lạc với con, nhằm bảo đảm an toàn cho cháu, đồng thời tránh những tác động tiêu cực về tâm lý cho đứa trẻ. 

Bà nói với RFA quyết liệt phản đối hành động này của công an Thái Bình:

“Tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Nếu như trước kia họ chỉ tiếp xúc với tôi và những người lớn thôi thì đến bây giờ họ đã tìm đến những đứa trẻ là con của tôi. Điều đó cho thấy sự điên cuồng của phía bên an ninh để truy tìm tung tích của tôi.”

Chuyện không mới

giaytrieutap.jpg
Thư mời con của bà Uyên Thuỳ lên làm việc và thư kêu gọi đầu thú. Ảnh: Nhân vật gởi cho RFA

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với gia đình bà Uyên Thuỳ – một thành viên của nhóm Hiến Pháp hiện đang tị nạn ở Thái Lan.

Vào năm 2018, tám thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt giữ vì đã tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu với điều khoản cho Trung Quốc thuê đất đến 99 năm. Vì sự việc đó,  bà Thùy phải chạy sang Thái Lan để lánh nạn. Tuy nhiên, việc bà rời khỏi Việt Nam, đã trở thành cái cớ để chính quyền “ra tay” sách nhiễu người thân trong gia đình của bà hiện còn đang ở trong nước.

Bà Uyên Thuỳ cho biết, vào đầu năm 2023, con gái của bà, mới 16 tuổi, bị xuất huyết não phải mổ khẩn cấp. Sau khi xuất viện về nhà, đang trong giai đoạn điều trị hồi phục thì công an ập vào nhà. Cụ thể, lúc đó là  4/3/2023. Họ vào và đọc giấy kêu gọi bà ra đầu thú ngay trước mặt đứa trẻ đang nằm trên giường bệnh:

“Nhà tôi không có phòng riêng nên khi bé ở nhà nhìn ra là thấy công an ập đến đọc lệnh đầu thú thì nó sợ quá, bị khủng hoảng tinh thần và bị sốc, lúc đó cả nhà đều hoảng loạn.”

Sau đó, công an gởi giấy mời cho hai người con lớn của bà Uyên Thuỳ yêu cầu họ lên làm việc với công an thành phố Huế Điều này khiến con gái út của bà đang cần người chăm sóc sau ca phẫu thuật não phải ở nhà một mình:

“Khi đến làm việc thì họ hỏi tại sao không kêu mẹ về đầu thú. Câu thứ hai họ hỏi là có biết mẹ đã làm chuyện phạm tội với quốc gia hay không.

Tôi nghĩ rằng đây là một hành vi rất tàn bạo không thể chấp nhận được. Những chuyện đã làm với tôi cũng không bằng chuyện một bệnh nhi nằm trên giường bệnh mà lại hành xử như vậy khiến cho bệnh nhi một lần nữa bị nguy hiểm thì đó là một chế độ hết sức tàn bạo.”

Không chỉ có các trường hợp của bà Uyên Thùy và bà Huệ Như mới xảy ra trong hai năm gần đây, RFA ghi nhận đã có rất nhiều vụ việc sách nhiễu đã từng xảy ra trong những năm trước đó vói thân nhân của các nhà hoạt động. Cụ thể, hồi tháng 3/2020, thân nhân của nhiều nhà hoạt động bị công an triệu tập, thẩm vấn và gây áp lực với mục tiêu cô lập các nhà hoạt động chính trị. Trong số đó có mẹ của hai nhà hoạt động là Phạm Đoan Trang và Đường Văn Thái; Tháng 2/2019, một báo cáo ghi nhận trường hợp thân nhân của nhà hoạt động Hoàng Đức Bình. Mẹ của ông Bình đã phải bị công an mời lên làm việc nhiều lần mà không có lý do chính đáng. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sức khoẻ của một người mẹ đã ngoài 70 có con trai đang phải chịu án 14 năm tù giam.

Bình luận về tình trạng người thân của các nhà hoạt động bị sách nhiễu, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết về pháp lý, giấy mời làm việc của cơ quan công an có tính cách nhiệm ý. Người được mời có thể đến hoặc từ chối làm việc mà không phải chịu trách nhiệm gì.

Trong trường hợp bị sách nhiễu, người dân có thể làm đơn khiếu nại gởi đến thủ trưởng của cơ quan có nhân viên, cán bộ thực hiện hành vi sách nhiễu. Trường hợp khiếu nại không được giải quyết hoặc giải quyết không hợp tình, hợp lý, người dân có thể gởi khiếu nại lên cơ quan cấp trên.

Đồng thời, việc nhờ luật sư cùng đồng hành trong quá trình làm việc với cơ quan công an (nếu có) hoặc khiếu nại cũng là giải pháp tốt nên lưu ý. (RFA)