Hơn 30 tổ chức dân sự hối thúc Thái Lan không trục xuất nhà hoạt động Y Quỳnh Bdap

Ông Y Quynh Bdap (Fb)

Một nhóm 33 tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế ngày 18/10 đã gửi một thư chung tới Thủ tướng Thái Lan với đề nghị không cho phép dẫn độ nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap về Việt Nam, nơi ông đối mặt với án tù dài hạn và nguy cơ bị đối xử hà khắc, bao gồm cả tra tấn.

Ông Y Quynh Bdap, người dân tộc Ede vì bị đàn áp về tự do tôn giáo, đã đưa vợ con sang tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018. Ông được Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế, và gia đình ông đang trong tiến trình định cư ở quốc gia thứ ba.

Tuy nhiên, ông bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt giữ ngày 11/6 vừa qua vì “lưu trú quá hạn” và theo yêu cầu dẫn độ của Việt Nam vốn cáo buộc ông tham gia chỉ đạo vụ tấn công vào trụ sở công quyền ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk giữa năm 2023 mà ông luôn bác bỏ.

Các tổ chức phi chính phủ nói trên đưa ra lời kêu gọi gần ba tuần sau khi Toà án Hình sự ở Bangkok đưa ra phán quyết chính quyền Thái Lan có thể trục xuất Y Quynh Bdap và cho phép chính quyền độc đảng ở Việt Nam dẫn độ ông về, nơi ông sẽ phải thi hành bản án 10 năm tù sau khi bị kết án trong một phiên toà không bảo đảm tiêu chuẩn công bằng trong tháng 1/2023.

Các tổ chức nói là một quốc gia mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2025-2027, Chính phủ Thái Lan nên thừa nhận trách nhiệm nhân quyền của mình trong việc giữ an toàn cho người tị nạn và không gửi trả họ về nơi họ đối mặt với sự đàn áp.

“Thủ tướng Paetongtarn nên thừa nhận rằng việc được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc đi kèm với trách nhiệm nghiêm túc trong việc thực hiện các chính sách và hành động tôn trọng nhân quyền,” Prakaidao Phurksakasemsuk, Phó giám đốc điều hành của Quỹ Giao thoa Văn hóa (CrCF) được trích dẫn trong thông cáo báo chí.

“Những gì xảy ra với Y Quynh Bdap là một phép thử cho cam kết đó của Thái Lan và Thủ tướng nên làm điều đúng đắn và ra lệnh cho phép ông được tái định cư an toàn cùng gia đình đến một quốc gia thứ ba nơi ông có thể được bảo vệ,” bà nói.

Bà Krittaporn Semsantad, Giám đốc Chương trình tại Peace Rights Foundation (PRF), cũng có cùng nhận định. Bà được trích dẫn trong thông cáo báo chí của các tổ chức công bố trong ngày 18/10:

Quy chế tị nạn của UNHCR có nghĩa là Thái Lan phải bảo vệ, chứ không phải truy tố người có quy chế này. Trong mọi trường hợp, Chính phủ Thái Lan không được gửi trả Y Quynh Bdap trở lại Việt Nam, nơi ông có khả năng bị ngược đãi và tra tấn trong thời gian dài bị giam giữ tại nhà tù Gia Trung khét tiếng ở Tây Nguyên của đất nước này.

“Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn có thẩm quyền ra lệnh cho các cơ quan chính phủ có liên quan không dẫn độ Y Quynh Bdap vì quy chế tị nạn của ông và nguyên tắc không gửi trả, và bà ấy nên làm như vậy ngay lập tức.”

Dẫn hoàn cảnh gia đình Y Quynh Bdap gồm vợ và ba con ở độ tuổi 11, 7, và 4, ông Phil Robertson, Giám đốc của Asia Human Rights and Labour Advocates (AHRLA), cho rằng Chính phủ Thái Lan nên cho phép ông được tại ngoại cùng gia đình trong khi vụ án đang tiếp diễn.

Ông nói trong thông cáo:

Hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để giam giữ một người cha tị nạn, xa cách con cái của ông ấy, và khiến ông ấy phải tiếp tục chịu đau khổ dựa trên những lời buộc tội giả mạo và những tuyên bố có động cơ chính trị do chính quyền độc tài Việt Nam gây ra.”

Trong thư, các tổ chức nhắc lại việc Y Quynh Bdap tham gia sáng lập Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), một tổ chức đấu tranh ôn hòa cho quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, quyền con người và quyền của người bản địa đối với người Thượng. Ông còn tham gia đào tạo cho người Thượng tại Việt Nam về các quyền của họ theo luật nhân quyền quốc tế, cũng như luật pháp và Hiến pháp Việt Nam, và cách điều tra và ghi lại các vụ vi phạm nhân quyền, bao gồm cả đàn áp tôn giáo.

Chính những hoạt động cộng đồng này khiến ông trở thành mục tiêu của Chính phủ Việt Nam, các tổ chức nói.

Các tổ chức nói phía Việt Nam không có căn cứ khi buộc tội ông liên quan đến vụ bạo động ở Đắk Lắk khiến 9 người tử vong ngày 11/6/2023 trong khi ông cùng gia đình ở Thái Lan. Chính quyền Việt Nam chưa công khai một bằng chứng xác thực nào bổ trợ cho lời kết tội ông, kể cả cáo buộc ông liên quan đến nhóm nhóm du kích chống chính phủ đã tan rã vào năm 1992, đúng vào năm ông được sinh ra, như trong một số chương trình truyền hình của Bộ Công an Việt Nam.

Các tổ chức nói việc cho phép dẫn độ ông về Việt Nam sẽ vi phạm nghĩa vụ của Thái Lan theo Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác (UNCAT) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), trong đó cấm trục xuất người dân đến một quốc gia mà họ có thể phải đối mặt với nguy cơ thực sự bị tra tấn, ngược đãi khác hoặc các tổn hại không thể khắc phục khác.

Việc trục xuất ông cũng trái với Mục 13 của Đạo luật Phòng và chống tra tấn và mất tích cưỡng bức của Thái Lan, trong đó cấm dẫn độ các cá nhân đến các quốc gia mà họ có thể phải đối mặt với tra tấn, ngược đãi hoặc mất tích cưỡng bức.

Các tổ chức nói Thái Lan đã cho phép hàng nghìn người tị nạn cư trú trước khi được định cư sang nước thứ ba trong nhiều thập niên qua, vì vậy, việc cho phép Việt Nam dẫn độ ông Y Quynh Bdap sẽ không phù hợp với danh tiếng của Thái Lan là nơi trú ẩn cho những người chạy trốn khỏi sự đàn áp và bạo lực.