HRW hối thúc Thái Lan bác bỏ yêu cầu dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ngày 22/10 ra thông cáo báo chí thúc giục Chính phủ Thái Lan bác bỏ yêu cầu dẫn độ nhà hoạt động nhân quyền Y Quynh Bdap của Việt Nam, và cho phép ông được định cư ở một nước thứ ba.

HRW đưa ra lời kêu gọi trên ba tuần sau khi Toà án Hình sự Bangkok đưa ra phán quyết rằng Chính phủ Thái Lan có thể trục xuất ông Y Quynh Bdap về Việt Nam. Nhà hoạt động người Thượng đưa gia đình sang tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018 nhưng bị cảnh sát địa phương bắt giữa tháng 6 vừa qua vì “lưu trú quá hạn” theo yêu cầu dẫn độ của chính quyền Việt Nam, cho dù đã được cấp quy chế tị nạn bởi Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR).

Ông Y Quynh Bdap, thành viên sáng lập của tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ) chuyên báo cáo vi phạm nhân quyền của Việt Nam ra quốc tế, bị một toà án ở Việt Nam kết tội vắng mặt vì cho rằng ông liên quan đến vụ xả súng ở tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023, một cáo buộc mà ông luôn phủ nhận.

Trước khi chạy trốn sang Thái Lan, ông và người thân từng bị bắt giữ, tra khảo, đấu tố chỉ vì thực hành quyền tự do tôn giáo.

Y Quynh Bdap đã dành nhiều năm đấu tranh cho quyền của người Thượng bản địa tại Việt Nam,” Giám đốc vận động châu Á của HRW Sifton được trích dẫn trong thông cáo. “Việt Nam không nên truy tố ông ấy vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận, và Thái Lan không nên tham gia vào các cuộc tấn công của Việt Nam vào các quyền tự do cơ bản của ông ấy.

Trong thông cáo, HRW nói nếu bị dẫn độ về Việt Nam, ông Y Quynh Bdap có nguy cơ bị tra tấn và các hành vi ngược đãi nghiêm trọng khác. Theo đó, Thái Lan sẽ vi phạm Đạo luật Phòng và Chống tra tấn và Mất tích cưỡng bức của mình cũng như Công ước quốc tế về chống tra tấn. Cả hai đều cấm gửi trả bất kỳ ai đến một nơi mà họ có thể phải đối mặt với nguy cơ thực sự bị đàn áp, tra tấn hoặc ngược đãi nghiêm trọng khác, hoặc bị đe dọa đến tính mạng.

Ông Y Phic Hdok, thành viên sáng lập của MSFJ và hiện đang định cư tại Hoa Kỳ, cho rằng sự lên tiếng của HRW về Y Quynh Bdap rất quan trọng khi ông có nguy cơ bị tra tấn và ngược đãi nếu bị dẫn độ về Việt Nam.

“Tôi hy vọng rằng với sự lên tiếng của HRW và cộng đồng quốc tế, Thái Lan sẽ cân nhắc đến hậu quả pháp lý và uy tín quốc tế nếu vi phạm nguyên tắc ‘non-refoulement’(nguyên tắc gửi trả).

Đây là phép thử quan trọng đối với cam kết của Thái Lan trong việc bảo vệ những người tị nạn và tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc phớt lờ các giá trị và nguyên tắc nhân quyền sẽ không chỉ làm suy giảm uy tín của một quốc gia mà còn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt pháp lý và ngoại giao trong tương lai.”