Báo cáo của HRW và CPJ: Tô Lâm lên nắm quyền lực, nhân quyền Việt Nam càng đi xuống

Tổng bí thư Tô Lâm (bên phải) và Chủ tịch nước Lương Cường tại Hà Nội hôm 21/10/2024

Chính phủ Việt Nam tiếp tục giam giữ 170 nhà bất đồng chính kiến, tăng 10 người so với năm trước, trong khi đó, nước này vẫn ở trong nhóm các quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới, theo phúc trình toàn cầu của hai tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) công bố trong cùng ngày 16/1/2025.

Quốc gia này đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và vừa công bố tái ứng cử nhiệm kỳ mới 2026-2028 hồi tháng rồi, nhưng hai báo cáo cho thấy bức tranh không mấy khởi sắc về tình hình nhân quyền ở quốc gia độc đảng.

Trong phần về Việt Nam, HRW nói dưới trướng Bộ trưởng Công an Tô Lâm, cơ quan công an đã bỏ tù hàng chục nhà phê bình, tàn phá xã hội dân sự đang phát triển và xu hướng này tiếp diễn vào năm 2024 nhắm vào các nhà báo, nhà hoạt động vì quyền lao động và những người bảo vệ nhân quyền, kể cả khi ông Tô Lâm nắm giữ vị trí quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 8/2024.

Theo thống kê của RFA, có ít nhất 12 người bị bắt tạm giam và 14 người bị kết án theo các tội danh ở Điều 331 và 117 của Bộ luật hình sự chỉ từ tháng 8 tới nay.

Về điểm này, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng khẳng định với phóng viên:

Việc Tô Lâm đảm nhận vị trí Tổng Bí thư, cùng với lịch sử đàn áp dân sự của Bộ Công an dưới sự lãnh đạo của ông, làm gia tăng lo ngại rằng những hành động vi phạm nhân quyền sẽ tiếp tục leo thang.

Trong bối cảnh này, việc Việt Nam tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ trong Hội đồng Nhân quyền LHQ đặt ra câu hỏi lớn về sự cam kết thực chất với các giá trị nhân quyền phổ quát của Hà Nội.”

Ông Dũng mãn án sáu năm tù hồi tháng 9/2023 với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.” Hai tháng sau đó ông đào thoát khỏi đất nước sau khi bị cơ quan an ninh dọa bắt giam lần thứ ba.

Báo cáo của tổ chức chuyên giám sát nhân quyền của các quốc gia trên thế giới cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam, cơ quan công an giám sát chặt chẽ mạng xã hội và bắt giữ những người mà họ cho là đe dọa đến độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Một phúc trình khác của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) xếp Việt Nam nằm trong nhóm chín quốc gia có nhiều nhà báo bị giam giữ nhất thế giới trong năm 2024, với 16 người hiện đang bị cầm tù.

Báo cáo một năm trước đó cho thấy, Việt Nam ở vị trí thứ năm với 19 nhà báo bị giam cầm.

Việc xếp hạng được cải thiện do một số nhà báo được trả tự do trong năm qua như Huỳnh Thục Vy, Trần Huỳnh Duy Thức…, trong khi tình hình tự do báo chí tệ hơn ở các quốc gia có chiến tranh và bất ổn kinh tế như Israel, Iran, Ai Cập, Bangladesh…

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về hai phúc trình của HRW và CPJ nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Trong các năm trước, Chính phủ và báo chí Nhà nước thường bác bỏ các báo cáo của hai tổ chức này, cho rằng các báo cáo dựa trên các thông tin bịa đặt, xuyên tạc và thiếu thiện chí về Việt Nam. (RFA)