Nhóm Văn Lang kêu gọi chính phủ CH Séc nêu vấn đề nhân quyền với Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay Thủ tướng CH Séc Petr Fiala tại Hà Nội hôm 21/4/2023

Một nhóm người Việt tại Séc vừa gửi một bức thư ngỏ tới Tổng thống và Thủ tướng CH Séc đề nghị nêu vấn đề nhân quyền Việt Nam ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Truyền thông Nhà nước cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ba Lan, Séc và Thuỵ Sĩ từ ngày 15 đến 23/1 để dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thuỵ Sĩ và thăm hai nước còn lại.

Chuyến thăm CH Séc của ông Phạm Minh Chính dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 20/1 ngay sau chuyến thăm Ba Lan, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hoà Séc Petr Fiala. Chuyến thăm “được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước lên một tầm cao mới, sâu rộng, thực chất và hiệu quả”, theo nhận định của VOV trong bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại CH Séc là ông Dương Hoài Nam.

Trong bức thư ngỏ được đăng trên website của Nhóm Văn Lang – một nhóm người Việt tại CH Séc có mục tiêu quảng bá và thúc đẩy các nguyên tắc của xã hội dân sự – nhóm lưu ý Tổng thống và Thủ tướng Séc “hãy nhớ đến những tù nhân chính trị và tình trạng mất nhân quyền ở Việt Nam”.

“Chính quyền Việt Nam hiện nay hạn chế nghiêm trọng các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có các quyền tự do biểu đạt, ngôn luận, thông tin, lập hội và nhóm họp ôn hoà. Việt Nam không có báo chí tự do hay độc lập. Chính quyền không cho phép thành lập các đảng chính trị hoặc các tổ chức nhân quyền độc lập” – thư ngỏ có đoạn viết.

Bức thư cũng đề cập đến thể chế toàn trị mà CH Séc đã từng trải qua trước năm 1989 rất giống với Việt Nam ngày nay, khi “nhiều người dân, khi bày tỏ quan điểm của mình đã bị chính quyền Việt Nam bắt bớ và giam cầm”.

Một số tên các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Việt Nam được bức thư nói đến bao gồm nhà báo Phạm Đoan Trang, blogger Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động xã hội Trịnh Bá Tư…

Ông Hoàng Hùng ở Praha, CH Séc, thành viên ban điều hành của nhóm Văn Lang nói với RFA:

“Nhân chuyến thăm CH Séc, chúng tôi đã gửi một bức thư ngỏ gửi Tổng thống và Thủ tướng CH Séc và đã nhận được hồi âm là họ đã nhận được thư”.

Theo ông Hoàng Hùng, quan hệ giữa Việt Nam và CH Séc từ trước đến nay vẫn rất tốt đẹp, đặc biệt là về kinh tế, tuy nhiên vấn đề nhân quyền không phải là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao hai nước.

“Về nguyên tắc, CH hoà Séc vẫn nêu cao vấn đề nhân quyền trong những chính sách ngoại giao của họ. Nhưng theo tôi, vì vấn đề kinh tế, chính phủ Séc đề nghị vấn đề nhân quyền một cách nhẹ nhàng là cũng khó chứ đừng nói họ dùng vấn đề kinh tế để gây sức ép lên vấn đề nhân quyền với Việt Nam. Nhưng việc mình đề nghị, việc biên thư ngỏ thì mình vẫn phải làm.”

Trong bài phỏng vấn với VOV được đăng hôm 16/1, Đại sứ Việt Nam tại CH Séc cho biết: “Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên dự kiến sẽ ký kết một số văn kiện thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, thể thao…; tiếp tục trao đổi khả năng thiết lập đường bay trực tiếp giữa hai nước cũng như mở Trung tâm Văn hóa tại mỗi nước nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân.”

Ông Nam dẫn số liệu của CH Séc cho VOV biết, “kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2023 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022 và dự kiến đạt 3,8 tỷ USD năm 2024, tăng 28% so với năm 2023. Cộng hòa Séc cũng là quốc gia thành viên đầu tiên của Liên minh Châu Âu (EU) phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).”

Đại sứ Việt Nam tại CH Séc trong phỏng vấn với VOV cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cộng đồng người Việt tại Séc hiện ước tính khoảng 100.000 người và cho biết, cộng đồng được “Chính phủ đánh giá là cộng đồng chăm chỉ, hội nhập thành công và có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội sở tại và là một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số lớn nhất tại Cộng hòa Séc.”

Ông Hoàng Hùng, đại diện nhóm Văn Lang cho RFA biết, cộng đồng người Việt tại Séc đã được chính phủ Séc công nhận là cộng đồng dân tộc thiểu số, điều mà ông Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Ba Lan cũng đang vận động đối với chính phủ Ban Lan cho cộng đồng người Việt tại đây.

Hiện đại diện của nhóm Văn Lang được chọn là đại diện cho cộng đồng thiểu số người Việt trong chính phủ Séc, ông Hoàng Hùng nhấn mạnh.

Mặc dù quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CH Séc đã có chiều dài 75 năm và được đánh giá là phát triển tốt đẹp nhưng không phải không có lúc có những trục trặc. Gần đây nhất là vụ Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc cựu quan chức chính phủ Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin và đưa về Việt Nam qua ngả Slovakia và có sự tham gia của một số người Việt đang sinh sống tại CH Séc – nước láng giềng của Slovakia.

Ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí của Việt Nam bị cáo buộc tội tham nhũng, đã bị bắt cóc ở Berlin khi đang xin quy chế tị nạn vào năm 2017. Vụ việc đã dẫn đến căng thẳng trong quan hệ Đức – Việt Nam. Thậm chí, đương kim Tổng bí thư Tô Lâm, khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an đã bị báo chí Đức và Slovakia đưa tin có liên quan đến vụ bắt cóc này.

Ông Tô Lâm bị nghi ngờ có liên quan đến vụ bắt cóc xảy ra vào tháng 7/2017 khi ông đang có chuyến thăm Slovakia. Báo Dennik N dẫn nguồn tin từ cảnh sát Slovakia cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã được đưa lên máy bay của chính phủ Slovakia về Việt Nam.

Liên quan đến vụ án này, hai người Việt sinh sống tại CH Séc đã bị toà án ở Đức tuyên án tù vì trợ giúp cho vụ bắt cóc. Theo ông Hoàng Hùng, cảnh sát CH Séc đã hợp tác với cảnh sát Đức để bắt giữ những người này và đưa sang Đức để xét xử.

Đại diện CH Séc cũng đã lên tiếng chất vấn Việt Nam về vấn đề nhân quyền và đưa ra các khuyến nghị liên quan tại các diễn đàn quốc tế. Tại phiên điều trần định kỳ về nhân quyền của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Quốc ở Geneva, Thuỵ Sĩ hồi tháng 1/2019, đại diện CH Séc đã đề nghị chính phủ Việt Nam “tạo điệu kiện cho đa nguyên chính trị và dân chủ, đảm bảo công dân toàn quyền bầu cử, ứng cử và tham gia các vấn đề công”.

Đại diện nhóm Văn Lang cho biết, nhóm đã có vài lần gửi các thư ngỏ nhân các chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam đến CH Séc, nhưng không phải lúc nào cũng có kết quả. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Hùng, các bức thư ngỏ này vẫn có những tác dụng nhất định.

“Trong một xã hội dân chủ dù là tiếng nói thiểu số nhưng đúng thì họ vẫn ghi nhận, nhưng họ dùng phương pháp ngoại giao thế nào cho khéo léo và hợp lý là việc của họ” – ông Hoàng Hùng nói. (RFA)