Nguyễn Bắc Truyển – Viết cho những người tù thường phạm

Tác giả Nguyễn Bắc Truyển khi còn bị giam giữ trong lao tù CS.

Tác giả Nguyễn Bắc Truyển khi còn bị giam giữ
trong lao tù CS.

DanLuan | 20/6/2014

Không có giáo dục hướng thiện, chỉ có cưỡng bức lao động.
Tôi có cơ hội sống tại phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) từ tháng 8/2007 đến tháng 4/2008. Trong thời gian này tôi ở khu nhà giam số 6 trong phân trại cùng với 150 tù nhân thường phạm.

Phân trại 1 có khoảng 10 khu nhà giam, khoảng gần 1.000 tù nhân, 01 hội trường, 01 canteen. Khi tôi ở đây thì dãy nhà giam riêng đang xây dựng ở phía cuối phân trại gần khu giam kỷ luật và trạm xá. Nghe tù “xây dựng” nói là khu này sẽ dành cho tù nhân chính trị. Cảm giác lúc đó thật bình thản, người ta có thể thấy kim tĩnh của mình trước lúc chết, còn tôi thì thấy phòng giam đang xây để giam mình trong tương lai.

Ngày 17/8/2008, tôi đến phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc với anh Huỳnh Nguyên Đạo, cùng vụ án và anh Trần Quốc Hiền của một vụ án chính trị khác. Phân trại 1 rộng khoảng 5 ha (50.000 m2) xây dựng rất kiên cố, tường bê tông cao 5 m bao quanh khu trại giam. Cảm nghĩ tôi lúc đó, phân trại 1 giống như một trại lính, cho tôi một cảm giác tốt hơn khi bị giam tại số 4 Phan Đăng Lưu (Sài Gòn) hay ở Chí Hòa và Bố Lá.

Khoảng nửa tháng học nội quy và xả hơi, màn lao động đầu tiên trại giam yêu cầu, ba anh em chúng tôi phải chuyển gạo vào kho cùng với đội bếp của trại giam. Dù cả ba không quen lao động nặng, nhưng chúng tôi vẫn có thể làm xong công việc. Những ngày tiếp theo, chúng tôi bị buộc làm việc trong xưởng tách vỏ hạt điều cùng với các tù nhân thường phạm khác. Tách vỏ hạt điều là một công việc rất cực và nguy hiểm, nhựa vỏ hạt điều văng trúng da là phỏng ngay, mức khoán lại rất cao. Điều A to như ngón chân cái thì gần 30 kg, điều B to như ngón tay cái 23 kg, điều C, D thì mức khoán thấp hơn. Đối với tù nhân, đây là mức khoán “khủng”, họ phải chuyên tâm làm việc từ 7 giờ đến 11 giờ và chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ mới có thể hoàn tất chỉ tiêu, trong điều kiện hầu như không có một trang bị bảo hộ lao động nào cả. Chưa nói đến chủ xưởng điều còn đánh tráo điều B thành điều A để tăng mức khoán.

Thoát ra từ buồng giam chật hẹp của các trại tạm giam, đến phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc tôi thấy tốt hơn trong những ngày đầu, nhưng sau đó sự thật không như mình nghĩ. Quy định cho tù nhân về chỗ nằm, 2m2 (ngang 1 m, dài 2 m) nhưng có bao giờ được vậy, nhiều lắm thì 0,5 m x 2 m, thậm chí có khi còn hẹp hơn khi số tù nhân tăng lên đột biến như đội xây dựng lâu nay đi phân trại khác lao động thì nay trở về, cả trăm con người tăng lên. Vì đây là đội “con cưng” của trại giam nên phải được đối xử khác với đám bóc vỏ điều, ai nằm chật chứ các anh xây dựng thì phải ưu tiên.

Án tù giam tôi 4 năm và 2 năm quản chế, tôi lên trại, phiên tòa xử phúc thẩm vắng mặt, tòa phúc thẩm tước mất 6 tháng. Tù nhân án nặng như cái núi Chứa Chan trước mặt trại giam thì nhìn án tù tôi mà phán chỉ bằng “giấc ngủ trưa” của họ. Tôi là tù con so, họ đều vài khóa trở lên, án 10 năm là nhẹ. Có người thân thể đầy hình xăm, đủ các con trông như một sở thú di động. Tội danh từ trộm cắp bình thường cho đến đại hình, giết người, gây thương tích, ngộ sát, hãm hiếp… lúc đó, thật sự tôi không thấy một sự sợ hãi hay xem thường họ. Họ là nạn nhân của chế độ.

Phân trại 1, trại giam Xuân Lộc thật sự là một địa ngục cho tù nhân thường phạm, lao động và chỉ có lao động mới cho họ cơ hội sớm trở về xã hội, còn trở về xã hội họ sẽ làm gì, bản thân họ cũng không biết. Các biện pháo giáo dục hướng thiện ư, đó là hàng xa xỉ. Ngoài những tù nhân liên quan đến án kinh tế, các tù nhân thường phạm khác được thăm nuôi là hàng hiếm. Gia đình, xã hội cũng không còn nhớ đến họ từ khi họ bước vào đây và dù cho rằng có nhớ đi chăng thì cũng không có điều kiện để thăm nuôi họ, họ vào tù ra khám như cơm bữa. Hầu hết các tù nhân đều trông đợi vào khẩu phần cơm, thức ăn… của trại. Một tuần được phát thức ăn hai ngày, các ngày khác tự mà lo. Bệnh đau xin nghỉ, hãy uống vài thuốc paracetamol rồi đi làm. Trại giam không tin là tù nhân bệnh thực sự nếu họ còn đi đứng, còn nói chuyện…

Trong tù có nhiều chuyện buồn nhưng cũng phải phì cười, hôm qua mới thấy tù nhân chia tay bạn bè thì ngày mai nghe nói họ đã bị bắt lại cách trại giam chưa đến 50 km vì phạm một tội nào đó. Tôi không nghĩ rằng, cái kiểm điểm 3 tháng một lần với dòng chữ: “…nhận rõ tội lỗi…” là sự thật. Một tù nhân mù chữ có thể nhờ anh đội trưởng hay bạn tù viết dùm theo bản kiểm điểm có sẵn. Giáo dục kiểu gì mà thư viện trại giam không có một quyển sách về luật pháp, tôn giáo cũng bị nghiêm cấm và cai tù thì đụng một cái là quất lên đầu tù nhân hay đưa vào biệt giam cùm chân.

Tôi gặp Trần Hoàng Giang, một tù nhân chính trị, bị bắt khi 20 tuổi, án 15 năm. Sau khi bị biệt giam 14 tháng vì câu nói “đả đảo cộng sản”, Giang được đưa lên buồng trên và sống cùng tôi. Cái may của Giang là không bị biệt giam cho đến chết như lời đại tá Nguyễn Trung Binh, giám thị trưởng tuyên bố trước khi Giang bị đưa vào phòng kỷ luật vì không rút lại lời nói.

Trong tình cảnh ăn đói, thiếu thốn và lao động nặng, nhiều tù nhân đã phải tự hủy hoại mình để né lao động. Họ sẽ bị kỷ luật, bị chuyển đi trại khác, nhưng đây là cơ hội cho họ nghỉ ngơi vài ngày, nếu ai may mắn hơn thì được biệt giam hai tuần. Họ chấp nhận như vậy chứ cái mức khoán lao động “khủng”, không sớm thì muộn cũng phải chọn một cách để giải quyết vấn đề “tồn tại hay không tồn tại”.

Một ngày tại xưởng điều, tôi chỉ làm 5 kg hạt điều loại B và tôi kiên quyết như vậy. Trại giam muốn làm gì tôi cũng được, đấu tố tập thể, biệt giam cùm chân, không cho gặp gia đình… tôi chống cưỡng bức lao động. Tôi nói với quản giáo của đội tôi: “tôi không quen lao động chân tay, nên tôi chỉ làm đúng với sức của tôi, tôi không có nhu cầu xin giảm án”. Gia đình lên thăm, tôi nói về tình trạng cưỡng bức lao động trong nhà tù. Mẹ tôi và các gia đình tù nhân chính trị khác đã trình bày vấn đề cưỡng bức lao động với Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, phái đoàn Hạ viện Hoa Kỳ, đài RFA… Đến tháng 4/2008 các tù nhân chính trị tại phân trại 1 không còn bị buộc lao động. Tuy nhiên gần 1.000 tù nhân thường phạm tại đây vẫn còn bị cưỡng bức lao động cho đến ngày hôm nay.

Tôi không nói tất cả những cảnh sát trại giam đều cư xử ác độc với tù nhân, tuy nhiên cai ngục mà thông cảm cho tù nhân là điều tôi chưa từng chứng kiến khi trải qua năm trại tù, tất cả được quy đổi ra vật chất. Cai tù đã trở thành một cái nghề “chăn dắt” với câu ngạn ngữ “nước sông công tù”. Nhiều giám thị, cán bộ trại giam, trở nên giàu có so với mức lương của nghề cảnh sát trại giam. Có người sẳn sàng chi hàng tỷ đồng để được ngồi vào chiếc ghế giám thị trưởng.

Tù nhân phân trại 1, sau giờ lao động hay những ngày nghỉ, chỉ được sinh hoạt trong khu nhà giam, không được qua thăm bạn bè ở các các khu khác. Đây là điều mà tôi nghe tù nhân phàn nàn nhiều về sự khắc nghiệt sau vấn đề lao động. Họ không có thân nhân đến thăm nên họ có nhu cầu chia sẽ với các bạn tù. Trại giam thì cho rằng họ liên hệ để cờ bạc… nên tốt nhất là cấm cửa.

Không vùng lên mới là chuyện lạ.

Ngày 30/6/2013, tôi đã nghe trực tiếp qua điện thoại các tù nhân phân trại 1 nói về sự khắc nghiệt mà tôi đã từng chứng kiến, sau 5 năm những điều đó vẫn còn. Tù nhân chính trị Huỳnh Anh Trí đã nói, “họ đối xử với chúng tôi không phải là con người mà như là con vật”. Câu nói đó, đã cho chúng ta thấy thế nào là hệ thống nhà tù xã hội chủ nghĩa. Trí đã ở chung với tôi tại phân trại 2 – trại giam Xuân Lộc, vì đấu tranh không khoan nhượng với trại giam nên thường xuyên bị chuyển đi nhiều nơi trong trại giam Xuân Lộc, cuối năm nay chúng ta sẽ có dịp nghe Trí kể câu chuyện này với tư cách là một chứng nhân.

Tiếp tục dối trá, một vài tờ báo quốc doanh đã cho rằng tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù tại phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc chỉ là “mâu thuẫn giữa các tù nhân khi đá bóng”. Nghe thật buồn cười, mâu thuẫn giữa các tù nhân mà đích thân tổng, phó cục trưởng Tổng cục Trại giam phải vào tận nơi giải quyết. Từ bao giờ các ông ấy quan tâm đến từng mâu thuẫn của người tù? Nếu các ông làm sớm hơn thì chắc sẽ không có sự kiện ngày 30/6/2013 tại phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc. Riêng các nhà báo chí nên vào tù ở một thời gian để có thể phân biệt đâu là đấu tranh cải thiện lao tù của tù nhân và đâu là mâu thuẫn giữa các tù nhân.

Giá cả thực phẩm của canteen là giá trên trời, tôi nghe rằng, làm gì thì làm 25% tổng số tiền gia đình gởi cho tù nhân phải vào quỹ của phân trại. Nếu không bán với giá trên trời thì làm sao hoàn thành chỉ tiêu đó. Còn quỹ 25% chia chác như thế nào thì tù nhân làm sao biết, phải hỏi giám thị phân trại.

Một tù nhân khác cho biết, “thực phẩm bán cho chúng tôi bị hư nhưng họ vẫn bán, chúng tôi phải mua và phải ăn vì không ăn thì sẽ đói”. Có thể đây là điều bất nhẫn nhất mà tôi nghe thấy, lúc tôi ở đó tôi chưa từng nghe tù nhân ca cẩm về việc này. Nay có lẽ kinh tế khó khăn khắp nơi, nên mạng sống của tù nhân cũng bị xem rẻ, có tiền nhưng cũng không được mua hàng còn tốt, phải chấp nhận hàng hư hỏng, có người bán nào thất nhân tâm như canteen trại giam không?

Và điều sau cùng có thể làm bùng lên ngọn lửa, “họ đánh đập chúng tôi, cùm tay nhốt trên hội trường và bị bỏ đói”. Tù nhân bị tước đi một số quyền công dân, nhưng nhiều quyền con người khác không thể bị tước đoạt, nhất là phẩm giá của họ. Họ biết nếu vùng lên, phản đối mạnh, chính bản thân họ sẽ đối mặt nguy hiểm, án tù cò thể dài hơn, mạng sống có thể bị đe dọa… nhưng họ không còn giải pháp nào khác khi bị dồn vào đường cùng.

Lãnh đạo tổng cục Trại giam tuyên bố sẽ khởi tố vụ án, hàng chục người sẽ bị tăng án. Trước mắt, trại giam Xuân Lộc đã đưa khoảng 40 tù nhân vào diện bị thẩm vấn. Tù nhân chính trị bị chuyển đi trại giam khác ngay trong đêm. Đó là cái giá phải trả của các tù nhân khi họ muốn tồn tại. Tuy nhiên, cái đau lòng nhất từ lời nói của ông Cao Ngọc Oánh, tổng cục trưởng tổng cục Trại giam khi cho rằng “những người đòi yêu sách là những kẻ lưu manh, lười lao động”. Phải chăng người đứng đầu ngành trại giam đã phủi bỏ trách nhiệm khi để xảy ra sự kiện tại phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc. Họ là những tên “lưu manh chuyên nghiệp”, lười lao động nhưng chính họ đã tự nuôi sống mình trong nhà tù bằng chính sách “mỡ nó rán nó” và làm giàu cho những cai ngục xem nghề “chăn dắt” tù là nghề hái ra tiền. Họ là những tên lưu manh, nhưng chế độ XHCN phải chịu trách nhiệm khi đẩy họ vào con đường lưu manh không lối thoát.

Không ai chọn con đường làm tên lưu manh để vào tù, nhưng họ không đáng sợ bằng những tên lưu manh đang giữ quyền lực, ngồi bàn giấy trong phòng máy lạnh, đi xe hơi, xài tiền đô… chúng còn đáng khinh bỉ hơn những tù nhân bị gọi là “lưu manh chuyên nghiệp” trong nhà tù.