Về danh xưng “nhà dân chủ”

Một là phải có cái tâm trong sáng, hoàn toàn thật lòng vì dân vì nước, vì tự do dân chủ, không vương bợn mảy may mưu tính cá nhân. Điểm này cực kỳ quan trọng, cần nêu lên hàng đầu, bởi vì khi dân chủ ngày càng trở thành nhu cầu bức thiết hàng ngày của toàn dân, khi cuộc đấu tranh cho dân chủ càng phát triển, và thế lực độc tài toàn trị càng rệu rã thì tất yếu sẽ xuất hiện cũng ngày càng nhiều những phần tử cơ hội dân chủ lợi dụng cuộc đấu tranh để kiếm chác.
Middle-East(1)
Bùi Minh Quốc
Ijavn | 3/9/2014

 Những năm gần đây, ở ta xuất hiện nhiều người được gọi (hoặc gọi lẫn nhau) là nhà dân chủ.Thật mừng.Lại xuất hiện nhiều tổ chức với thành viên là hàng chục, hàng trăm nhà dân chủ, với cả cơ quan ngôn luận công khai trên thế giới ảo internet hoặc photo truyền tay. So với cái thời một ai đó chỉ mới cất lên một tiếng nói độc lập, cầm trong tay bản photo một tài liệu về dân chủ để nghiên cứu là lập tức bị làm khó dễ, bị sách nhiễu, thậm chí bị quản chế, bị tù đày, thì quả là cuộc đấu tranh cho dân chủ đã ở một vị thế khác trước nhiều.

Tuy nhiên, mừng mà cũng lo.

Lo chút xíu thôi.

Chút xíu lo này là ở cái chữ nhà.

Bởi khi nói đến nhà dân chủ, mọi người thường hình dung đó là những con người có tầm trí tuệ chiến lược và nhân cách đáng tin cậy trong sự nghiệp dân chủ hóa đất nước. Mà với kiểu nêu danh xưng dễ dãi đậm màu trình diễn như thế, e rằng lại góp phần làm tăng thêm tình trạng nhiễu loạn các giá trị vốn đã quá nhiễu loạn trong xã hội Việt Nam ta hiện nay.

Từ một người dám nói tiếng nói phản kháng trước áp bức bất công đến một nhà dân chủ, khoảng cách là khá xa, rất xa.

Thiết nghĩ nên gọi một cách giản dị các “nhà” ấy là các chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, gọi tắt là chiến sĩ dân chủ.

Vâng, chỉ là một chiến sĩ dân chủ thôi, bình dị mà vinh hạnh, nhưng để xứng đáng với cái danh xưng vinh hạnh ấy cũng không phải dễ.

Vậy một chiến sĩ dân chủ cần phải có những phẩm chất gì?

Xin mạo muội nêu ra mấy điểm sau đây để được cùng trao đổi ý kiến rộng rãi :

Một là phải có cái tâm trong sáng, hoàn toàn thật lòng vì dân vì nước, vì tự do dân chủ, không vương bợn mảy may mưu tính cá nhân. Điểm này cực kỳ quan trọng, cần nêu lên hàng đầu, bởi vì khi dân chủ ngày càng trở thành nhu cầu bức thiết hàng ngày của toàn dân, khi cuộc đấu tranh cho dân chủ càng phát triển, và thế lực độc tài toàn trị càng rệu rã thì tất yếu sẽ xuất hiện cũng ngày càng nhiều những phần tử cơ hội dân chủ lợi dụng cuộc đấu tranh để kiếm chác. Do vậy, mỗi chiến sĩ dân chủ khi đã xuất hiện công khai cần phải minh bạch ngay về nhân thân, minh bạch và nhất quán trong lời nói và việc làm. Tất nhiên khi tự giới thiệu tiểu sử cá nhân mà lại tự tô hồng hoặc tô hồng lẫn nhau thì sẽ nhận lấy hiệu quả ngược (như đã thấy ở nhiều trường hợp).

Hai là, phải có ý chí kiên cường, kiên định đón nhận, chịu đựng và vượt qua một cách dũng cảm và khôn ngoan những thử thách thế nào cũng xảy đến với nhiều cung bậc, nhiều kiểu cách, không chỉ một vài lần, một vài tháng, một vài năm, mà sẽ rất dai dẳng trong cuộc đấu tranh lâu dài này. Nếu có lúc nào đó lỡ gục ngã trước thử thách, thì dù không ai biết, cũng không giấu diếm mà phải thành khẩn với các chí hữu thân thiết về sự “trót dại” của mình để cùng bàn nhau tìm cách vượt qua.

Ba là, mỗi lời nói và việc làm đều cần nhắm đến tính khả thi, tính hiệu quả trong thực tiễn xã hội chính trị kinh tế văn hoá Việt Nam hiện nay, tuyệt đối tránh xa lối “trình diễn dân chủ”, đồng thời phải luôn nhớ rằng còn có biết bao chiến sĩ dân chủ thầm lặng đang kiên trì vận đông quần chúng, thức tỉnh quần chúng từng ngày từng giờ, hướng dẫn quần chúng những phương pháp đấu tranh linh hoạt, sinh động nhằm đạt tới hiệu quả cao nhất với tổn thất ít nhất, và cũng nên nhớ rằng những chiến sĩ dân chủ thầm lặng ấy có mặt ngay cả trong chốn quan trường, họ âm thầm chịu nhục ở cái chốn tởm lợm đó để chiến đấu.

Tính khả thi, tính hiệu quả là tối quan trọng đối với một phương án ; nếu không ý thức nghiêm cẩn được điều này mà cứ tha hồ ngồi nghĩ ra, tạo ra những việc làm rất “giật gân” nổi đình nổi đám nhưng không thực chất, thì không chừng sẽ chuốc lấy hiệu quả ngược. Không rút kinh nghiệm mà cứ tự bỏ qua sai lầm, không dám công khai tự nhận sai, không chịu kiên nhẫn tìm hiểu và phân tích thực tiễn một cách tỉnh táo khách quan mà lại tiếp tục nghĩ ra những “sáng kiến” ảo tưởng khác thì cuối cùng sẽ làm cho quần chúng thấy nhàm chán, mất lòng tin vào lực lượng dân chủ.

Xem vậy thì muốn làm một chiến sĩ dân chủ chân chính thật không dễ, nói chi đến nhà nọ nhà kia ?

Mấy điều lo lắng nhỏ bé xin được thành tâm bộc bạch.

Bùi Minh Quốc