Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền 25/4-01/5/2016: Biểu tình lớn phản đối Formosa ở nhiều nơi, nhiều người bị đánh đập và bắt giữ ở Sài Gòn

Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 01-05-2016

tuần tin

Ngày 01/5, hàng nghìn người ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều nơi khác đã xuống đường biểu tình phản đối việc xả thải gây thảm họa môi trường ở khu vực biển Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, thay vì bảo đảm an ninh trật tự, lực lượng an ninh tại Sài Gòn đã đàn áp dã man người biểu tình, đánh đập và bắt giữ hàng chục người và chỉ trả tự do cho họ và rạng sáng ngày hôm sau sau khi đã tịch thu hết điện thoại và máy ảnh của họ.

Lực lượng an ninh ở Đà Nẵng và Nghệ An cũng sách nhiễu và đàn áp những nhà hoạt động xã hội trong khi ở Hà Nội, an ninh đã giam lỏng nhiều người khác, không cho họ ra khỏi nhà trong ngày Chủ nhật.

Truyền thông nhà nước đưa tin an ninh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã bắt giữ hai cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Tam, thành viên của Con đường Việt Nam, và Chu Mạnh Sơn, phóng viên của Tin Mừng Cho Người Nghèo (GNsP) khi họ đang đưa tin về thảm họa gây ra bởi Formosa và phản ứng của ngư dân. Cả hai có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự khi nhà nước không muốn đưa những thông tin thật sự về thảm họa môi trường ở miền Trung nhằm giảm sự phẫn nộ của dân chúng.

Hai mươi tổ chức xã hội dân sự độc lập và năm trí thức đã cùng ra tuyên bố về thảm họa miền Trung, yêu cầu Formosa ngừng xả thải độc hại, áp dụng các biện pháp khắc phục và bồi thường thiệt hại do việc xả chất độc ra biển Việt Nam. Tuyên bố cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam tăng cường giám sát việc xả thải của Formosa và các dự án nước ngoài khác, cũng như điều tra những cán bộ thiếu trách nhiệm hoặc bảo kê cho hành vi xả chất thải độc hại của công ty Đài Loan.

Nhiều tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước đã ra tuyên cáo gửi lãnh đạo Việt Nam yêu cầu điều tra về việc bà Trần Thị Hồng, vợ mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính, bị công an Gia Lai đánh đập dã man tại đồn công an phường. Những kẻ tra tấn bà phải bị đưa ra trước công lý, tuyên cáo viết.

Và nhiều tin tức quan trọng khác.

 

============= 25-04-2016================

Gia đình tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức kêu cứu

SBTN: Vào ngày 23 tháng 4 năm 2016, ông Trần Văn Huỳnh đã viết thư gửi tới Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ và chủ tịch quốc hội với nội dung kêu cứu cho con trai là tù nhân lương tâm (TNLT) Trần Huỳnh Duy Thức bị cán bộ trại giam ngược đãi trong tù.

Trong thư kêu cứu, ông Trần Huỳnh cho biết: “Cán bộ trại giam Xuyên Mộc phân biệt đối xử với tất cả những TNLT đang thi hành án nơi đây. Cán bộ luôn trù dập bằng nhiều thủ đoạn như: xúc phạm danh dự nhân phẩm, bớt xén các chế độ sinh hoạt, biệt giam những căn phòng không điện, không quạt, không tivi, nước sinh hoạt không đầy đủ. Thức cũng như các bạn tù khác đã nhiều lần tuyệt thực để phản đối chính sách hà khắc và yêu cầu cán bộ trại giam tuân thủ pháp luật nhưng họ đều bưng bít thông tin và trù dập nặng hơn.”

Được biết, hiện trại giam Xuyên Mộc đang giam giữ các TNLT như: Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đặng Xuân Diệu.

Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt vào ngày 24/5/2009 với cáo buộc tội danh “Âm mưu hoạt động lật đổ chính quyền” theo điều 79, bộ Luật hình sự và bị kết án 16 năm tù giam.

Trần Vũ Anh Bình là nhạc sĩ đã sáng tác nhiều bài hát như: “Người Việt Nam”, “Rạng Ngời Nước Nam”,.. bị bắt cuối tháng 12/2011 và bị kết án 6 năm tù giam và 2 năm quản chế tại địa phương.

Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị bắt vào tháng 02/2010 khi đang phát tài liệu và phổ biến quyền lợi cho công nhân. Bị cáo buộc với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88, bộ Luật hình sự và bị kết án 9 năm tù giam.

Đặng Xuân Diệu bị bắt vào ngày 30/7/2011 với cáo buộc tội danh “Âm mưu hoạt động lật đổ chính quyền” theo điều 79, bộ Luật hình sự. Diệu bị kết án 13 năm tù giam cùng 5 năm quản chế tại địa phương.

Được biết, Tổ chức Ân xá quốc tế và chính phủ các nước như: Anh, Mỹ, liên minh Châu Âu đã yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho các anh.

============ 26-04-2016=============

Tuyên bố chung yêu cầu điều tra cáo buộc tra tấn vợ tù nhân lương tâm

33 tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã ký một bản tuyên bố chung gửi Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân yêu cẩu tiến hành một cuộc điều tra kịp thời, khách quan, độc lập và có hiệu quả về những cáo buộc rằng bà Trần Thị Hổng đã bị tra tấn bởi các nhà chức trách phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, trong khi bị giam giữ ngày 14/4, 2016, đưa ra công lý bất cứ những thủ phạm nào được xác định, và cung cấp bồi thường cho bà Trần Thị Hồng. Chúng tôi nhắc nhở các nhà chức trách Việt Nam rằng chiếu theo các hiệp ước quốc tế ràng buộc nhà nước, việc tra tấn đều bị cấm trong mọi hoàn cảnh và là một tội ác theo luật quốc tế.

Do hậu quả của những hành vi tra tấn mà bà Hồng đã bị chấn thương nhiều nơi. Bà là thành viên của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam (VNWHR), thành viên của diễn đàn Châu Á về Nhân Quyền và Phát Triển (FORUM-ASIA) và Mạng Lưới Dân chủ Á Châu, và là vợ của Mục sư Giáo phái Lutheran đang bị cầm tù Nguyễn Công Chính.

Các tổ chức và cá nhân ký tên cũng lưu ý rằng bà Hồng và gia đình của bà ta đã cáo buộc là họ đã trở thành mục tiêu của các cấp chính quyền địa phương cũng chỉ vì niềm tin và việc thực hành tôn giáo của chồng bà. Mục sư Lutheran Nguyễn Công Chính đã bị kết vào năm 2012 một cách vô cớ 11 năm tù giam với tội danh “phá hoại đoàn kết dân tộc” theo Điều 87 của Bộ luật hình sự của Việt Nam. Trong thực tế, ông đã bị tùy tiện bắt giữ và bỏ tù mà lý do đơn giản chỉ vì ông tuyên dương đức tin của ông và thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của chính mình. Những hoạt động ôn hòa của ông khi chỉ trích những chính sách của chính phủ không thể biện minh cho việc bỏ tù ông liên tục và những hành vi sách nhiễu liên lỉ nhắm vào gia đình ông.

Những cá nhân và tổ chức ký tên yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Mục sư Nguyễn Công Chính và hãy tỏ lòng tôn trọng các tiêu chuẩn và luật nhân quyền quốc tế.

Tuyên Bố Chung Phải Điều Tra Cáo Buộc Bị Tra Tấn Của Bà Trần Thị Hồng

————————————————

Yêu cầu Tổng thống Obama tìm cách trả tự do cho các nhà hoạt động nhân chuyến đi VN

Washington (AP) – Vào thứ Ba một liên minh quốc tế gồm nhiều tổ chức nhân quyền lên tiếng kêu gọi Tổng Thống Barack Obama tìm cách trả tự do cho các nhà hoạt động đang bị giam cầm nhân chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng tới.

Liên minh bao gồm 19 tổ chức đồng thời muốn ông Obama nói với nhà cầm quyền độc đoán Việt Nam là việc đàn áp nhân quyền có hại cho sự tham gia của Việt Nam vào Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia.

Liên minh kêu gọi những điều trên qua một lá thư gửi cho ông Obama sẽ đi Việt Nam vào tháng Năm, là vị tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp thứ ba đi Việt Nam. Các tổ chức ký tên bao gồm Freedom House (Nhà Tự Do), Human Rights Watch (Quan Sát Nhân Quyền) và Đảng Việt Tân.

Hoa Kỳ và Việt Nam vừa kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm vào ngày thứ Hai vừa qua, trong đó Washington thúc đẩy Hà Nội về việc bắt giữ nhiều người chỉ trích chế độ và thúc giục tiến triển về cải tổ luật pháp trong chế độ độc đảng này.

Các tổ chức quyền nói rằng trong khi Quốc hội Hoa Kỳ đang cứu xét trong những tháng sắp tới liệu có phê chuẩn TPP hay không, thì Việt Nam cần được lưu ý về tầm quan trọng của những việc cần phải làm ngay để xác định cam kết của họ đối với các tiêu chuẩn về nhân quyền trong TPP.

Lá thư cho biết, “Rất tiếc, ngay cả khi thỏa thuận vào TPP, việc đàn áp những tiếng nói độc lập tại Việt Nam không có dấu hiệu ngưng nghỉ.”

Lá thư nêu các trường hợp của Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, các nhà hoạt động công đoàn đang bị tù; Linh mục Nguyễn Văn Lý, một linh mục Công giáo La Mã bị tù vì cổ võ cho dân chủ; và Nguyễn Văn Đài, luật sư nhân quyền, bị bắt giữ hồi tháng Mười Hai.

Lá thư kết luận là ông Obama nên nói rõ quan hệ Mỹ-Việt sẽ không tiến xa hơn nếu không trả tự do cho các nhà hoạt động bị giam cầm, chấm dứt việc xách nhiễu các nhóm xã hội dân sự, và tôn trọng luật pháp quốc tế.

===========  29-04-2016=============

20 Tổ Chức XHDS Độc Lập Ra Tuyên Bố Chung về Thảm Họa Quốc Gia Tại Các Tỉnh Miền Trung

Hai mươi tổ chức xã hội dân sự độc lập và năm cá nhân đã cùng nhau ra một tuyên bố chung về thảm họa quốc gia tại các tỉnh miền Trung.

Tuyên bố được đưa ra sau khi cá chết hàng loạt và dạt vào bờ biển ở bốn tỉnh miền Trung. Cá, ngao nuôi trong đầm gần biển và lồng bè trên biển cũng đồng số phận, gây ô nhiễm môi trường chưa từng thấy và hết sức nghiêm trọng. Song song đó, một thợ lặn chết và 15 người khác phải nhập viện để cấp cứu sau khi lặn ở khu vực biển Vũng Áng, và hàng trăm người bị ngộ độc sau khi ăn đồ biển ở miền Trung.

Công luận cho rằng nguyên ủy của tất cả vụ việc chính là nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) do Đài Loan và Trung Quốc đầu tư dưới danh nghĩa tập đoàn Formosa.

Các tổ chức xã hội dân sự độc lập nhận định đây là một khủng hoảng môi sinh nghiêm trọng, vì nó ảnh hưởng hết sức tai hại đến hiện tại cuộc sống của người dân và tương lai phát triển của đất nước, là một thảm họa quốc gia lớn lao, vì từ nay buộc phải lên bờ sinh sống một giới đông đảo mà nhà cầm quyền từng gọi là cột mốc di động của chủ quyền quốc gia trên biển và là một tệ nạn chính trị hết sức kinh tởm. Vụ Formosa bộc lộ rõ ràng thói vô cảm và vô trách nhiệm của nhà cầm quyền CS đối với lợi ích quốc gia, cuộc sống dân lành. Nó cũng cho thấy sự bất lực và chậm chạp của cả một hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trước một quốc nạn có tầm mức to lớn chưa từng thấy. Sự chậm trễ ấy đã tạo điều kiện cho nghi can kịp xoá hết dấu tích tội lỗi. Nó cũng hé lộ nhiều thế lực bảo bọc nghi can, che giấu sự thật, đánh lừa dư luận qua những phát ngôn đầy hàm ý hay cố mập mờ của một số quan chức cấp bộ lẫn tỉnh và nhất là qua hành vi ủy lạo tinh thần hà hơi tiếp sức của người đứng đầu đảng Cộng sản đối với tập đoàn Formosa đầy thành tích bất hảo.

Tuyên bố yêu cầu Tập đoàn Formosa phải chấm dứt ngay lập tức các hành động gây nên sự tàn phá môi trường; phải thực hiện mọi biện pháp tái lập môi sinh trong sạch, an toàn, lành mạnh và cân bằng sinh thái cho con người lẫn các loài sinh vật tại các vùng biển bị tác hại; phải bồi thường mọi thiệt hại về môi trường cũng như sinh mạng và đời sống vật chất của người dân tại các vùng biển bị tác hại.

Nhà cầm quyền cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, cứng rắn, không vì lợi ích nhóm mà nhu nhơ với Formosa, không để Formosa thi hành việc xả thải gây ô nhiễm từ từ thay vì gây độc cấp tính như vừa qua, bởi lẽ hậu quả của biện pháp đối phó này sẽ là cá, người và biển chết chầm chậm; phải sẵn sàng xoá bỏ dự án Formosa, nếu những nguy hiểm tiềm tàng mà dự án gây ra không thể triệt tiêu được; kỷ luật các quan chức trung ương và địa phương vô trách nhiệm và có thể có tham nhũng, tiêu cực trong việc chấp thuận dự án Formosa và trong việc xử lý vụ đầu độc biển. Trước mắt, nhà cầm quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường, nhanh chóng xác định nguyên nhân và thủ phạm gây ra hiểm họa, khởi tố hình sự vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, công bố chính xác thiệt hại do vụ ô nhiễm gây ra, mời các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong việc điều tra ô nhiễm môi trường để có những đánh giá độc lập.

Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, các tổ chức xã hội và chính trị độc lập, các cộng đồng tôn giáo, các nhà báo tự do, xin hãy tham gia bày tỏ thái độ bất khoan nhượng đối với những hành động gây tác hại môi trường sống lúc này cũng như trong tương lai (kể cả dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, dự án nhà máy điện nguyên tử và dự án các đập thủy điện…). Xin hãy tham gia cách ôn hòa nhưng quyết liệt vào mọi hình thức: viết bài, lên tiếng, hội luận, chụp hình với khẩu hiệu, nhất là biểu tình vào ngày 01-05 tới.

TUYÊN BỐ CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ ĐỘC LẬP VỀ THẢM HỌA QUỐC GIA TẠI CÁC TỈNH MIỀN TRUNG

———————————–

Tác giả “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh” bị nhà cầm quyền làm khó

Cô giáo dạy văn, tác giả bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh?” vừa bị công an áp lực để gỡ bài thơ của mình xuống khỏi mạng xã hội Facebook.

Được biết, sau khi bài thơ đăng tải lên trang mạng xã hội facebook lúc 20 giờ ngày 25/4/2016, chỉ ba tiếng sau thì đã có hơn 2000 lượt chia sẻ và hàng ngàn lượt bình luận.

Sau khi xác định bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh?” là do cô Lam sáng tác, Sở Giáo Dục tỉnh Hà Tĩnh đã bắt cô Lam gỡ bài xuống và công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã triệu tập cô để làm việc.

Tuy nhiên, cô Lam đã trở lại trường học và tiếp tục việc giảng dạy.

Mặc dù cô Lam đã gỡ bỏ status đăng tải nội dung bài thơ của mình xuống khỏi Facebook do áp lực từ chính quyền, nhưng cư dân mạng đã kịp thời sao chép và chụp ảnh lại bài thơ đó.

Nhà cầm quyền CSVN vẫn luôn cấm đoán quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, ngay cả đối những bài thơ, bài hát nói lên tâm trạng của người dân Việt Nam. Còn nhớ hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù vào năm 2011 với cáo buộc tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” vì đã sáng tác những bản nhạc bất hủ như: “Anh Là Ai”, “Việt Nam Tôi Đâu?”, “Người Việt Nam”, “Rạng Ngời Nước Nam”

Tác giả “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh” bị nhà cầm quyền làm khó

—————————-

Nhà của phóng viên báo Người Lao Động bị khủng bố

Người Lao Dong: Lợi dụng lúc phóng viên Minh Sơn đi công tác, 3 kẻ lạ mặt đã tạt cả thùng sơn màu đỏ vào nhà, trước sự ngỡ ngàng của nhiều người hàng xóm

Chiều tối 29-4, Công an thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và truy tìm thủ phạm đã khủng bố nhà của phóng viên Minh Sơn ( Báo Người Lao Động TPHCM) bằng cách tạt cả thùng nước sơn vào nhà.

Theo trình bày của nhà báo Minh Sơn, khoảng 16 giờ cùng ngày, khi anh đang đi công tác thì nhận được điện thoại của người hàng xóm cho biết căn nhà của mình trên đường Lê Thị Hồng Gấm (phường 6, TP Mỹ Tho) bị 3 kẻ lạ đi xe gắn máy đến tạt thùng nước sơn màu đỏ vào nhà.

Hậu quả là sơn dính đầy xe 4 chỗ ngồi hiệu Kia của phóng viên Minh Sơn và toàn bộ phần cửa, nền nhà trước dính đầy sơn.

Phóng viên, Minh Sơn hiện đang công tác báo Người Lao Động TP HCM. Thời gian gần đây, phóng viên Minh Sơn liên tục viết bài phản ánh việc TAND TP Mỹ Tho xử bị cáo phạm tội tàng trữ các chất ma túy mà chỉ nhận án treo.

Ngoài ra, phóng viên Minh Sơn cũng liên tục phản ánh vụ “Bị cách chức vì tố cáo sếp” xảy ra tại công ty Công trình Đô thị thành phố Mỹ Tho. Làm việc với công an, phóng viên Minh Sơn cũng khẳng định trong quan hệ địa phương, bạn bè và những người ngoài xã hội anh không có mâu thuẫn với ai.

==========01-05-2016========

Biểu tình lớn khắp nơi phản đối việc xả thải gây ô nhiễm của Formosa, Saigon đàn áp dã man

Hàng nghìn người đã biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn và nhiều tình thành khác trong ngày 01/5 để phản đối việc xả thải gây ô nhiễm môi trường trầm trọng của Công ty Đài Loan Formosa ở khu vực miền Trung.

Khoảng 5,000 người đã tập trung tại trung tâm Hà Nội trong ngày nghỉ để phản đối Formosa. Họ yêu cầu Formosa chấm dứt xả chất độc ra môi trường và bồi thường hậu quả gây ra tại miền Bắc Trung bộ, cũng như yêu cầu chính phủ Việt Nam kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của Formosa và các dự án nước ngoài khác.

Ở Sài Gòn, 2,000 người đã tuần hành phản đối Formosa tại khu vực trung tâm thành phố. Lực lượng an ninh, quân đội và dân phòng đã đàn áp dã man cuộc biểu tình, đánh đập và bắt giữ hàng chục người. Công an giam giữ những người biểu tình ôn hòa cho đến tận sáng ngày 02/5 sau khi đánh đập và tịch thu tài sản cá nhân như máy ảnh và điện thoại di động.

An ninh tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và các tỉnh lân cân đã tăng cường tuần tra, giám sát, bắt giữ và đe dọa nhiều người hoạt động xã hội.

Trước đó vài ngày, ngư dân và bà con tiểu thương ở Quảng Bình và Hà Tĩnh đã biểu tình phản đối Formosa.

An ninh đã bắt giữ Trương Minh Tam, thành viên của Con đường Việt Nam và Chu Mạnh Sơn, phóng viên của Tin Mừng Cho Người Nghèo (GNsP) khi hai người đang thu thập thông tin về việc xả thải của Formosa và phản ứng của người dân. Hai anh có thể bị cáo buộc và khép tội hình sự khi chính quyền cộng sản đang muốn đổ thừa việc gây ra thảm họa Formosa và sự bức xúc của người dân cho “thế lực phản động”.