Số nạn nhân của nạn buôn người gia tăng ở Scotland

The Scotsman, ngày 12/4/2017

(bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

Lời người dịch: Vào cuối tháng 3, tờ Guardian của Anh đã báo động tình trạng nhiều thanh thiếu niên Việt Nam bị buộc làm nô lệ ở Anh quốc, trong các trang trại cần sa. Tình hình tương tự ở Scotland, khi người Việt bị ép buộc đưa đến nước này để làm việc trong nhiều trang trại cần sa hay trong các tiệm làm móng. Vì sao có số lượng lớn người Việt trở thành nạn nhân của buôn bán người?

Số người bị đưa tới Scotland đã tăng lên vào năm 2016 khi các nhà hoạt động cảnh báo rằng nhiều nạn nhân của tội phạm buôn người đang bị buộc phải làm việc trong các trang trại trồng thuốc gây nghiện bất hợp pháp.

Số nạn nhân của nạn buôn người được phát hiện ở vùng biên giới phía bắc đã tăng lên 150 vào năm ngoái, tăng 3,4%, theo báo cáo của Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA).

Trong số này, số nam và nữ bằng nhau và đa số họ bị buộc phải lao động như nô lệ.

Trong tổng số có 51 người Việt Nam, bao gồm 24 người ở độ tuổi dưới 18 tuổi. Số người đến từ Trung Quốc là 30.

Gary Christie, giám đốc điều hành của Hội đồng Tỵ nạn Scotland, nói với tờ The Scotsman: “Số lượng lớn thanh thiếu niên từ Việt Nam phù hợp với hiểu biết của chúng tôi rằng họ đang bị bóc lột ở Scotland, bị buộc lao động trong nhiều trang trại trồng cần sa và làm nghề cắt móng tay chân.”

“Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta coi nạn buôn người như là một tội ác nhưng cũng cần phải xem xét đến những yếu tố đã đẩy họ vào tình huống dễ bị tổn thương để cho phép những kẻ buôn người lạm dụng họ. Chúng ta cần giúp đỡ và hỗ trợ thích hợp cho những người đã bị đưa tới để bóc lột”.

Tháng Giêng, cảnh sát Scotland xác nhận một cậu bé Việt Nam 16 tuổi được tìm thấy trong bụi rậm ở Dumbarton chính là người đã trốn thoát khỏi bọn buôn người.

Người thiếu niên, người được cho là đã bị buôn bán sang Nga rồi bị đưa sang Scotland, đã được phát hiện bởi dân chúng ở gần Overtown House.

Tháng 10 năm ngoái, cảnh sát ở Edinburgh đã khởi động một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về buôn bán người. Thanh tra viên Alwyn Bell mô tả vấn đề này là “một trong những tội ác ẩn giấu lớn nhất của Edinburgh”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi rất khó để đưa ra con số chính xác về số người bị buôn bán hàng ngày.”

“Có một đường dây đưa các nạn nhân đến và đi khắp cả Scotland.”

Cả châu Âu, Anh quốc và Scotland đang đối phó với nạn buôn bán người, và cảnh sát Scotland đang hợp tác với các cơ quan tình báo và các tổ chức phi chính phủ để xác định nạn của tội phạm buôn người và đưa họ tìm công lý. Chín kẻ đã bị bắt vào tháng Hai với cáo buộc liên quan đến đường dây buôn bán người mà cảnh sát Scotland và Slovakia đã phát hiện, với sự trợ giúp của Interpol.

“Chúng tôi có thể bảo vệ các nạn nhân khỏi bị tổn hại bằng cách xác định và hỗ trợ họ ngay từ đầu, làm việc với các đối tác ở Anh và quốc tế, nâng cao nhận thức và đạt được sự tự tin”, giám đốc điều tra Stuart Houston của cơ quan kiểm soát nạn buôn người thuộc cảnh sát Scotland.

“Chúng tôi quyết tâm cải thiện công tác tình báo để hiểu rõ hơn về nạn buôn người ở Scotland và các nhóm tội phạm có tổ chức có liên quan.

“Buôn bán người là nạn bóc lột và bắt làm nô lệ những người yếu thế.”

Việc trồng cần sa ở quy mô lớn trong các khu nhà ở tư nhân đã trở nên phổ biến rộng rãi trên khắp nước Anh trong những năm gần đây, với những nạn nhân bị buộc phải trồng cây cần sa. Họ bị đưa đến nước từ nước khác ngoài ý muốn của họ.

Dự đoán có khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam đã bị buộc tham gia vào ngành công nghiệp bất hợp pháp này.

Naomi McAuliffe, Giám đốc Chương trình Scotland của Amnesty International, nói:

“Việt Nam không phải là điểm đến lý tưởng ở Đông Nam Á – chúng tôi có những mối quan ngại sâu sắc về tình trạng nhân quyền, bao gồm việc các cơ quan truyền thông, các cơ quan tư pháp, chính trị và tôn giáo đều nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước.

“Trong những trường hợp này, điều dễ hiểu là tại sao một số người yếu thế nhất của Việt Nam lại rơi vào tay kẻ buôn người và bị đưa tới Scotland.”