An ninh Việt Nam mạnh tay trước thềm hội nghị APEC 2017

Nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng trong một cuộc biểu tình vì môi trường.

VOA, 27-09-2017

Chính quyền Việt Nam tăng cường an ninh và mạnh tay đối với các nhà hoạt động trước thềm hội nghị trung ương 6 và hội nghi APEC.

Nhà tranh đấu Lê Văn Sơn cho VOA biết ông Nguyễn Viết Dũng, một người từng tham gia biểu tình thảm họa môi trường Formosa, vừa bị an ninh mặc thường phục bắt giữ khi Dũng đến giáo xứ Song Ngọc ở tỉnh Nghệ An sáng 27/9.

“Anh Nguyễn Viết Dũng bị bắt cóc tại khu vực nhà thờ Song Ngọc. Anh là người lên tiếng phản đối Formosa và đồng hành cùng các linh mục và giáo dân. Ngày hôm nay anh bị một nhóm người bắt giữ. Người dân còn phát hiện nhóm người này để lại xe máy gắn biển số giả và còng số tám. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết cụ thể anh Nguyễn Viết Dũng bị đưa đi đâu.”

Ông Nguyễn Viết Dũng, với biệt danh trên mạng xã hội là Dũng Phi Hổ, từng bị tuyên 15 tháng tù vào năm 2015 vì tội “Gây rối trật tự công cộng,” theo Điều 245 của Bộ Luật hình sự, do tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Sơn cho biết thêm:

“Trong tuần lễ vừa qua nhà cầm quyền Việt Nam nhắm vào nhiều nhà tranh đấu, trong đó có sinh viên Lê Minh Sơn bị mời làm việc liên tục trong 4 ngày, và bị gây sức ép rất lớn; luật gia Nguyễn Đình Hà từ Hà Nội và anh Nguyễn Hồ Nhật Thành ở Sài Gòn bị công an câu lưu trong một thời gian ngắn và hiện nay là anh Nguyễn Viết Dũng tại Nghệ An. Trong khi đó nhiều dân oan bị cô lập và giải tán… Đây là một chiến dịch kéo dài từ đầu năm cho đến nay có hơn 20 người bị nhà cầm quyền bắt giữ, truy tố và xét xử.”

Hồi đầu tuần nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà nói với VOA rằng ông bị “sách nhiễu” ở thành phố Hồ Chí Minh, cùng với hai học viên của một lớp về hoạt động xã hội dân sự hôm 23/9, khi ấy các sỹ quan an ninh Việt Nam mặc thường phục thừa lúc ông đi vắng đã “đột nhập” vào và “lục soát” căn hộ nơi ông tạm trú ít ngày ở phường 5, quận 11.

Nhà tranh đấu Nguyễn Hồ Nhật Thanh, người thuê căn hộ nơi dùng để tổ chức lớp học trên nói với VOA:

“Tôi nghĩ họ không muốn xuất hiện những khóa học cho các nhà hoạt động. Nhà cầm quyền luôn đánh giá rằng những hoạt động này mang tính thù địch và họ luôn luôn tìm mọi cách ngăn chặn và đàn áp, mặc dù những hoạt động này đều ôn hòa và hợp pháp.”

Hôm 25/9, hãng tin Reuters đưa tin rằng hơn 500 công an đã dùng vòi rồng và roi điện giải tán 200 người biểu tình chống ô nhiễm và đòi bồi thường tại nhà máy dệt Pacific Crystal Textiles của Hồng Kông ở khu công nghiệp Lai Vu thuộc tỉnh Hải Dương, nơi hàng trăm người dân đã thay phiên nhau biểu tình trong suốt 5 tháng qua bằng cách căng lều bạt, chiếm lối vào nhà máy.

Người biểu tình phản đối nạn ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra tại địa phương, và đòi đền bù thỏa đáng cho nhà đất ruộng vườn của họ đã bị nhà cầm quyền giải tỏa để xây dựng khu công nghiệp.

Blogger Lê Anh Hùng từ Hà Nội nhận định rằng những hành động sách nhiễu các nhà hoạt động trên cả nước trong thời gian vừa qua là nhằm tăng cường an ninh trước hội nghị trung ương 6 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10 và Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) dự kiến vào đầu tháng 11:

“Tôi cho là như vậy. Cơ quan an ninh của nhà cầm quyền đang cường đảm bảo an ninh cho các sự kiện quan trọng sắp tới, gần nhất là hội nghị trung ương 6 sắp diễn ra. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung là nhà cầm quyền càng ngày càng tăng cường đàn áp những tiếng nói đối lập trong thời gian gần đây.”

Các nhà tranh đấu nói chính quyền Cộng sản Việt Nam muốn kiểm soát thành phần bất đồng chính kiến trước hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng, nơi nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó dự kiến có Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng sẽ tham dự.

Truyền thông trong nước loan tin rằng nhằm để đảm bảo an ninh, trật tự, Công an Hà Nội sẽ bắt đầu tổng kiểm tra hộ khẩu trên toàn thành phố từ 1/10 đến hết ngày 15/11, trong đó nhấn mạnh “tổng kiểm tra, rà soát phát hiện đối tượng nơi khác đến tạm trú.”

Ông Lê Anh Hùng nhận định:

“Trong ngắn hạn thì việc đàn áp của chính quyền ít nhiều cũng có ảnh hưởng, nhưng về lâu dài, càng đè nén thì sức phản kháng của những người đấu tranh nói riêng và của dân chúng nói chung càng có dịp bùng lên mạnh mẽ.

Trước đó, ông Adam McCarty, Kinh tế gia Trưởng của Viện Mekong Economics ở Hà Nội, nói với VOA:

“Không có gì nhiều để than phiền, tôi nghĩ APEC sẽ là cơ hội lớn để giới thiệu Việt Nam với thế giới. Chính quyền Việt Nam không muốn sự kiện này trở thành một hậu cảnh cho một cuộc biểu tình.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền từng lên tiếng rằng các nhân viên mật vụ Việt Nam đánh đập các nhà hoạt động và các blogger mà “không bị truy cứu.”

Vào giữa tháng này, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác đã có một cuộc họp nhằm đảm bảo an ninh cho Tuần lễ Cấp cao APEC, trong đó nhấn mạnh rằng phải “đảm bảo an ninh, an toàn, cũng như các biện pháp nắm tình hình từ xa, không để xảy ra bị động bất ngờ.”

 https://www.voatiengviet.com/a/4047046.html