Nhà tranh đấu nhân quyền Phạm Đoan Trang được trao giải thưởng Homo Homini

People In Need, ngày 13/02/2018
(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)
Giải thưởng Homo Homini của tổ chức People In Need (Cộng hoà Séc) năm 2017 sẽ được trao cho blogger Phạm Đoan Trang, một trong những nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền hàng đầu ở Việt Nam.
Blogger Phạm Đoan Trang
Prague, ngày 13/2/2018: “Bạn không thể sợ hãi,” Phạm Đoan Trang, người sẽ được trao giải Homo Homini vì sự dũng cảm mà cô sử dụng theo đuổi một sự thay đổi dân chủ trong đất nước của mình một cách không mệt mỏi, bất chấp sự sách nhiễu và khủng bố của chính quyền Việt Nam. Trên blog của mình, Trang nêu lên những bất công do chế độ cộng sản gây ra và cố gắng giải thích cho đồng bào của mình rằng họ cũng có quyền đứng lên chống lại sự đàn áp. Mặc dù liên tục bị bộ máy an ninh đe doạ, cô không hề nản chí. Tuy phải lánh mặt, cô vẫn không ngừng viết. Cuốn sách mới xuất bản gần đây của cô là cuốn thứ 9, thảo luận về dân chủ, và nó bị cấm lưu hành ở Việt Nam.
Phạm Đoan Trang là một trong những nhân vật đứng đầu của giới bất đồng chính kiến hiện nay ở Việt Nam. Cô sử dụng những từ đơn giản để chống lại sự thiếu tự do, tham nhũng và độc tài của chế độ cộng sản. Truyền thông độc lập không tồn tại ở Việt Nam, vì vậy các bài báo của cô, bình luận về tình hình trong nước và chỉ trích chế độ hiện nay, được phổ biến qua hai kênh khác nhau: trên trang Facebook của của cô với hơn 40 ngàn người theo dõi, và trên blog của cô với hơn 20 nghìn lượt truy cập mỗi ngày. Cuốn sách được xuất bản gần đây của cô có tiêu đề Chính trị bình dân – trình bày và giải thích các khái niệm chính trị cơ bản. Mặc dù việc phổ biến sách bị cấm ở Việt Nam, Trang hy vọng Internet sẽ giúp cô đưa nội dung của sách đến nhiều người trong nước.
Về giải thưởng Homo Homini, Phạm Đoan Trang nói: “Sẽ tốt hơn nếu chúng ta sống trong một thế giới mà những giải thưởng như vậy không tồn tại.” Đây là giải thưởng mà tổ chức People in Need thường trao tặng hàng năm cho những nhân vật có đóng góp đáng kể vào việc quảng bá nhân quyền và dân chủ và những giải pháp bất bạo động để giải quyết các xung đột chính trị. “Sẽ là tốt hơn cho thế giới của chúng ta nếu chúng ta không phải nói về vi phạm nhân quyền vì những điều này lẽ ra không nên có. Tuy nhiên, việc vi phạm nhân quyền vẫn diễn ra ở và đó là lý do tại sao tôi cần sự hỗ trợ quốc tế. Chỉ có như vậy thì áp lực lên chế độ Việt Nam mới trở nên có ý nghĩa và mang lại thay đổi để tốt hơn. “
Homo Homini là giải thưởng quốc tế đầu tiên của Phạm Đoàn Trang.
Đàn áp tự do ngôn luận
Theo tổ chức Freedom House, Việt Nam bị xếp ở vị trí thứ 5 từ dưới lên về tự do còn Phóng viên Không Biên giới của Pháp xếp Việt Nam ở vị trí thứ 175 trong Chỉ số Tự do Báo chí. Theo Human Rights Watch, tình hình nhân quyền ở trong nước đang “xấu đi đáng kể.”
Đi bầu cử trong cuộc bầu cử Quốc hội, cơ quan lập pháp của quốc gia, là bắt buộc cho dù cử tri không có sự lựa chọn thực sự. Các ứng cử viên độc lập phải được Đảng Cộng sản chấp thuận, một đảng nắm quyền lực trong cả lập pháp, tư pháp và hành pháp. Tự do tôn giáo bị hạn chế nghiêm trọng, các cuộc biểu tình ôn hòa bị đàn áp và truyền thông đang chịu sự kiểm soát của nhà nước.
Hình phạt tử hình vẫn còn đang được áp dụng ở Việt Nam, và nó đe dọa ngay cả những người bất đồng chính kiến. Các nhà hoạt động nhân quyền thường bị cầm tù dựa trên các cáo buộc mơ hồ, như “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc.”
Ngay cả những phản biện nhỏ bé của những người bất đồng chính kiến cũng bị chế độ đàn áp khắc nghiệt, điều này có thể được minh chứng trong năm qua. Ví dụ, vào đầu tháng 2, Hoàng Đức Bình, một nhà hoạt động trẻ người Công giáo, đã bị kết án 14 năm tù vì phát trực tuyến các video trực tiếp từ một cuộc phản kháng của ngư dân Việt Nam trong một khu vực bị thảm hoạ môi trường. Anh bị cáo buộc là “lạm dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước.” Vào tháng 7 năm ngoái, blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được biết đến dưới tên Mẹ Nấm, đã bị kết án 10 năm vì những chỉ trích của cô trên trang Facebook cá nhân và trên blog của cô, trong đó cô trích dẫn nhiều nguồn tin quốc tế.
Theo Project 88, một nền tảng trực tuyến theo dõi đàn áp chính trị hiện nay, Việt Nam hiện giam giữ 107 tù nhân chính trị. Nhiều người bị giam mà không bị xét xử và hơn 26 người bị bỏ tù mà không có thủ tục tố tụng. Luật sư Nguyễn Văn Đài, người bị bắt giam từ cuối năm 2015, là một trong số họ. Năm ngoái, một cuộc biểu tình được tổ chức dưới sự hậu thuẫn của người Việt, một sắc dân thiểu số ở Cộng hoà Séc, đã diễn ra trước Đại sứ quán Việt Nam ở Prague.
“Tình hình đã xấu đi đáng kể. Hơn 20 người bị bắt giam năm ngoái vì những bài viết trên blog cá nhân hoặc Facebook. Chúng ta có thể thấy những nỗ lực của chính quyền trong việc làm câm lặng những tiếng nói quan trọng,” Sylva Horáková, giám đốc Trung tâm Nhân quyền và Dân chủ của People In Need. “Rất khó để tiếp tục theo đuổi các giá trị dân chủ và bảo vệ nhân quyền trong một môi trường như vậy. Cô Phạm Đoan Trang không đầu hàng và đó là lý do tại sao cô ấy xứng đáng được sự ủng hộ tuyệt đối của chúng tôi.”
Trang, người đã bị cảnh sát đánh đập nhiều lần trong quá khứ và nhiều đồng nghiệp của cô đã bị kết án tù giam, nói “Tôi không sợ hãi.” “Nếu bạn sợ, sẽ là tốt hơn cho bạn khi không làm bất cứ điều gì. Nhưng nếu bạn đã làm điều gì đó, đừng cảm thấy sợ hãi. “
Giải Homo Homini được trao hàng năm từ 1990, và giải này được trao cho người nhận một cách truyền thống trong lễ khai mạc Liên hoan Phim tài liệu Nhân quyền Thế giới. Năm nay, nó sẽ được trao vào ngày 5/3 tại Prague Crossroads.