Lee & Man – hiểm họa của miền Tây

Vietnam Thời báo, ngày 06/4/2018

 

Formosa – kẻ gây ra ô nhiễm ở khu vực Bắc Trung Bộ, có lẽ không phải quá xa lạ với cái tên này, bởi không chỉ có báo chí mà cả mạng xã hội cũng lên tiếng, thậm chí ra đến tận nước ngoài.

Nếu như Formosa nguy hiểm ở miền Bắc thì khu vực miền Nam cũng có một “đối tượng”, đó là nhà máy giấy Lee & Man. Khác với Formosa, Lee & Man không được đề cập nhiều trên mạng xã hội, người dân thấp cổ bé họng không biết phải cầu cứu đến ai khi chính quyền địa phương cũng bỏ mặc…

Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam nhìn từ bên ngoài.

Tại Việt Nam, dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Lee & Man được cấp phép tại Hậu Giang, do Công ty TNHH giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong – Trung Quốc) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 628,7 triệu USD. Dự án này có quy mô là lớn nhất Việt Nam, TOP 5 trên Thế giới; nằm tiếp giáp với sông Hậu và rạch Mái Dầm.

Ngay từ đầu, giới chuyên gia ở miền Nam Việt Nam cảnh báo dự án này có nguy cơ gây mất trắng nguồn nước ngọt và triệt tiêu toàn bộ nguồn lợi thủy sản sông Hậu. Năm 2008, theo công văn của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc, nhà máy giấy Lee & Man tại Changshu bị yêu cầu ngừng hoạt động do xả thải trái phép vào lưu vực sông Changjiang. Còn Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) cho hay Lee & Man nằm trong danh sách các nhà sản xuất không chịu cung cấp số liệu liên quan đến “dấu chân môi trường”.

Vấn đề môi trường của các nhà máy sản xuất giấy đang ngày càng được quan tâm, các báo cáo về xử lý nước thải đang được yêu cầu rõ ràng và cụ thể hơn. Ngoài những báo cáo minh bạch về chính sách và chất lượng môi trường, một báo cáo đạt chuẩn cần trình bày về vấn đề về an toàn cho công nhân, phương tiện vận chuyển và sự hợp tác với cộng đồng địa phương.

Nhóm phóng viên Việt Nam Thời Báo đã có dịp tiếp xúc và ghi nhận ý kiến của những người dân địa phương.

“Ban đêm là thúi dữ lắm, thúi ngủ không được luôn. Thúi mà cái mùi khó chịu lắm, dân không có ngủ nghê gì được. Nghe cũng có ồn nữa. Nó thải toàn thải ban đêm không à!” (chị T cho biết, trích băng).

Hoặc như ý kiến của một người dân khác (trích băng): “Giờ nó muốn hoạt động gì thì hoạt động nhưng đừng có mùi thúi, thúi vậy làm sao mà dân sống được? Ảnh hưởng sức khỏe lắm chứ, con cái bệnh hết trơn luôn. Nước thải ra cũng đừng có dơ, dân không có xài được. Nguồn nước sinh hoạt ở đây xưa giờ chủ yếu là bơm dưới sông”. “Thúi nín thở luôn, cô phải đeo khẩu trang, nhỏ cháu nó phải lấy gối trùm lên luôn. Cũng mong muốn nước sạch như hồi xưa giờ để dân chúng xài”.

Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam nhìn từ bên ngoài.

Chia sẻ với phóng viên, một thầy giáo cho hay: “Nhà máy hoạt động, có bữa hôi quá, ảnh hưởng tới trường, tới lớp và mấy em học sinh. Thành ra những bữa như thế, không thể học được, nhất là mình ở dưới cơn gió nữa”.

Khi được hỏi về công nhân của nhà máy giấy Lee & Man, người dân địa phương chỉ vào khu nhà nằm đối diện cổng chính nhà máy: “Có mấy người Trung Quốc đó. Trung Quốc cũng nhiều lắm, mướn nhà. Chiều nào Trung Quốc cũng ra tập thể dục, nói tiếng Trung Quốc không à”. Dân địa phương mình cũng có vài người qua làm nhưng đa phần là người miền Bắc và Trung Quốc không à. Mình nghe họ nói tiếng Trung Quốc luôn mà” (trích băng).

Trong Công văn số 1311/CV-SDR ngày 6-9-2007 của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Bình, gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã nêu rõ: căn cứ theo Quyết định 160/1998/QĐ-TTg ngày 4-9-1998 của Thủ tướng về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không có quy hoạch nhà máy giấy ở Hậu Giang; và theo “Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020” cũng không hề có quy hoạch nào cho vùng nguyên liệu giấy ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam nhìn từ bên ngoài.

Như thế phải chăng việc cấp phép đầu tư nhà máy giấy tại Hậu Giang là bất chấp quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?

Sông Hậu là một trong hai nhánh sông lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc tồn tại cũng như xả thải của nhà máy giấy Lee & Man tựa như đang bức tử sông Hậu. Và sự im lặng, làm thinh của chính quyền địa phương như là một tội ác với chính quê hương, với người dân; với tổ tiên, bà con, họ hàng của mình. Bởi “tôi rất muốn phản ánh tình hình xả thải gây thúi của nhà máy giấy Lee & Man nhưng không biết phải nói cho ai bây giờ? Tôi không mong muốn gì nhiều, tôi chỉ mong chính quyền địa phương có biện pháp gì đó để người dân không còn phải sống trong cảnh như thế này nữa” (một người dân địa phương bức xúc trong nỗi niềm bất lực).