Việt Nam hoãn phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng
RFA, ngày 27/7/2018

Phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng theo kế hoạch sẽ được tiến hành vào ngày 30 tháng 7 tại Tòa án Nhân Dân Tỉnh Nghệ An, nhưng do vắng mặt một luật sư bào chữa nên Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa theo yêu cầu của luật sư.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, luật sư Hà Huy Sơn, một trong những luật sư bào chữa cho ông Lê Đình Lượng cho biết thêm chi tiết:

“Hôm nay ngày 27 tháng 7, thư ký của tòa người ta gọi điện cho tôi. Người ta thông báo là phiên tòa xử ông Lê Đình Lượng vào ngày 30 tháng 7 hoãn, văn bản người ta sẽ gởi cho tôi sau. Lý do là trong vụ này còn có luật sư Đặng Đình Mạnh có đơn xin hoãn phiên tòa vì luật sư Mạnh không tham dự được phiên tòa ngày 30 tháng 7. Theo luật thì người ta có quyền hoãn khi luật sư có yêu cầu. Tôi đã gặp ông Lê Đình Lượng rồi, hướng của tôi và ông ấy là ông ấy vô tội, ông ấy chẳng có tội gì cả theo cáo trạng của viện kiềm sát.”

Hôm 27 tháng 7 năm 2018, Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) cũng đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho ông Lê Đình Lượng.

HRW cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ các cáo buộc có động cơ chính trị đối với một cựu chiến binh, nhà hoạt động bảo vệ môi trường, và phóng thích ông ngay lập tức.

Ông Lê Đình Lượng bị bắt từ tháng Bảy năm 2017 và bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An dự kiến sẽ xử vụ án của ông vào ngày 30 tháng Bảy năm 2018.

Theo HRW, chính quyền Việt Nam thường vận dụng các cáo buộc được tạo dựng với động cơ chính trị để trừng phạt các nhà hoạt động vì họ liên kết với các nhóm hoặc đảng phái phi cộng sản phê phán chính quyền.

Theo ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ông Lê Đình Lượng có nguy cơ phải ngồi tù chỉ vì phản đối việc thải chất thải độc hại và các thảm họa môi trường khác, là những việc thuộc trách nhiệm của chính quyền phải xử lý.

Theo HRW, nếu bị kết luận có tội, ông Lê Đình Lượng phải đối diện với bản án lên tới mức tù chung thân, thậm chí có khả năng là án tử hình.

Ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, là một nhà hoạt động người Công giáo từng tham gia nhiều hoạt động bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là không chấp nhận được về chính trị. Ông ký đơn kiến nghị phản đối khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Ông tham gia các cuộc biểu tình đông người phản đối Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh đã thải chất thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường dọc bờ biển miền trung Việt Nam hồi tháng Tư năm 2016.

HRW cũng cho biết, chính quyền Việt Nam thường không cho các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền đang bị tạm giam được tiếp xúc với luật sư hay gia đình trong nhiều tháng, và rồi chỉ cho luật sư biện hộ một thời gian rất ngắn để chuẩn bị hồ sơ bào chữa.