Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 30 từ ngày 23 đến 29/7/2018: Việt Nam tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến, bắt giữ 5 người với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”

DTD logo

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 29/7/2018

 

Chính quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến bằng việc bắt giữ 5 người với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015.

Ngày 07/7, lực lượng an ninh của thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Michael Nguyễn Phương Minh, một công dân Hoa Kỳ, cựu tù chính trị Huỳnh Đức Thịnh và con trai Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi và Facebooker Thomass Quốc Báo.

Những người bị bắt hiện đang bị giam giữ tại Trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu của Công an thành phố HCM. Họ sẽ bị giam giữ biệt giam trong ít nhất 3 tháng tới trong quá trình điều tra, và đối mặt với án tù chung thân hoặc tử hình nếu bị kết tội.

Trong vài năm qua, Việt Nam bắt giữ ít nhất 25 nhà hoạt động với cáo buộc lật đổ, và đã kết án 13 trong số họ với mức án tù từ 7 đến 15 năm. Trong số những người bị cáo buộc có doanh nhân Lưu Văn Vịnh, nhà giáo đã nghỉ hưu Đào Quang Thực và Trần Thị Xuân, một người chuyên làm từ thiện thuộc giáo phận Vinh.

Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã hoãn phiên toà sơ thẩm đối với nhà hoạt động Lê Đình Lượng theo yêu cầu của một trong hai luật sư của ông. Ông Đinh Đăng Mạnh đã yêu cầu hoãn phiên toà do ông không thể tham gia vào phiên toà được ấn định vào ngày 30/7 do lịch làm việc quá bận rộn.

Ông Lượng, một cựu chiến binh chống Trung Quốc, bị bắt giữ ngày 24/7/2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”

Ngày 26/7, Human Rights Watch ra thông cáo kêu gọi Việt Nam huỷ mọi cáo buộc mang tính chính trị đối với ông Lượng, và trả tự do cho ông cũng như tất cả tù nhân chính trị khác.

Nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) đã kết thúc tuyệt thực sau cuộc gặp với đại diện Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Như Quỳnh đã bắt đầu tuyệt thực từ ngày 07/7 đến 23/7 để phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo trong khi đang thi hành án tù 10 năm tại Trại giam số 5 ở Yên Định, Thanh Hoá.

Ngày 27-28/7, an ninh tỉnh Hoà Bình đã câu lưu nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Bùi Văn Thuận trong nhiều giờ, và tịch thu laptop và một số áo phông có in chữ phản đối đường lưỡi bò (No-U) và phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế.

Chính quyền tỉnh Đồng Nai đã khởi tố 20 công dân địa phương với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” vì đã tham gia biểu tình ôn hoà trong ngày 10/6. Trong khi đó, một toà án của tỉnh Bình Thuận đã kết án 10 công dân địa phương với tổng mức án 27 năm tù vì lý do tương tự.

Nhân dịp Kiểm định Nhân quuyền Phổ quát (UPR) của Việt Nam lần thứ 2 dự kiến vào tháng 1 năm 2019, Human Rights Watch đã gửi tờ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, trong đó tổ chức nhân quyền này nói rằng Việt Nam cần phóng thích tất cả tù nhân chính trị và phải tôn trọng cam kết của mình về quyền dân sự và chính trị. Human Rights Watch cho biết trong kỳ Kiểm định Nhân quyền Phổ quát lần thứ nhất năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận 182 trong tổng số 227 khuyến nghị từ các quốc gia, tuy nhiên, Hà Nội thực hiện rất ít những cam kết của mình, và trong nhiều trường hợp, tình hình nhân quyền của Việt Nam đã trầm trọng hơn.

===== 23/7 =====

Đồng Nai khởi tố 20 người biểu tình

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định khởi tố 20 người về tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 Bộ luật hình sự.

Theo cáo trạng đưa ra, vào ngày 10 tháng 6 hàng trăm người dân đã xuống đường mang theo khẩu hiệu với nội dung phản đối hai dự luật Đặc Khu và An Ninh mạng.

Cơ quan chức năng tỉnh này đã bắt tạm giam 52 người và theo truyền thông trong nước thì sau quá trình điều tra và sàng lọc cơ quan điều tra chuyển hồ sơ qua Viện kiếm sát nhân dân thành phố Biên Hòa đề nghị truy tố 20 người bị cho là ‘gây rối trật tự nơi công cộng’.

——————–

Thêm 10 người tham gia biểu tình ở Bình Thuận bị án tù

Vào ngày 23/7, Tòa án Nhân dân huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận tuyên án phạt đối với 10 người bị cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ khi tham gia cuộc biểu tình phản đối hai dự Luật Đặc khu và An Ninh mạng diễn ra hôm 10 và 11 tháng 6 tại Phan Rí. Tổng mức hình phạt đối với 10 bị cáo là 27 năm tù.

Toà án đã tuyên phạt các anh Phạm Sang và Đỗ Văn Ngọc 3 năm 6 tháng tù, Ngô Văn Đạt và Nguyễn Chương 3 năm tù, Ngô Đức Duyên, Phạm Thanh Nam, Nguyễn Ngọc Sang và Lê Văn Liêm 2 năm 6 tháng tù, Nguyễn Văn Mẹo và Nguyễn Minh Kha 2 năm tù giam.

Phan Rí Cửa, Bình Thuận là một trong nhiều tỉnh thành ở Việt Nam diễn ra cuộc tổng biểu tình phản đối dự Luật Đặc khu và An Ninh Mạng vào Chủ nhật 10-6 vừa qua.

Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ cơ quan chức năng rằng vào sáng ngày 10/6 người dân tại Tuy Phong, Bình Thuận đã tràn ra đường ngăn chận xe cộ để phản đối dự luật đặc khu mà Quốc hội đưa ra vào đầu kỳ họp thứ năm vào tháng 5-6.

Đến tối 10/6, hàng trăm người dân đã tràn vào trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh tại thành phố Phan Thiết, dùng bom xăng phóng hỏa và đập phá. Ngoài ra có nhiều xe hơi và xe gắn máy bị đốt cháy. Công an đã dùng vòi rồng để giải tán đám đông nhưng không thành. Đến rạng sáng ngày 11/6 công an phải tăng cường lực lượng để giải tán đám đông.

Vào ngày 12/7, có 7 người trong số tham gia biểu tình tại Bình Thuận vào hai ngày 10 và 11 tháng 6 bị tòa tuyên án từ 18 tháng tù treo đến 30 tháng tù giam.

===== 24/7 =====

Blogger Mẹ Nấm ngưng tuyệt thực sau 17 ngày

Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) đã ngừng tuyệt thực sau chuyến thăm của đại diện Đại sứ Quán Hoa Kỳ đến Trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hóa hôm 23/7.

Như vậy là Mẹ Nấm đã ngừng tuyệt thực nhằm phản đối việc bị nhà tù đối xử một cách vô nhân đạo sau 17 ngày.

Vụ tuyệt thực của Mẹ Nấm đã thu hút sự chú ý của công chúng trong nước và cộng đồng quốc tế. Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam cũng có yêu cầu với phía Việt Nam được vào trại giam thăm gặp cô tuy nhiên vẫn chưa nhận được sự đồng ý của chính phủ Việt Nam.

Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt lần gần nhất là vào ngày 10 tháng 10 năm 2016. Sau đó cô bị đưa ra tòa và bị tuyên án 10 năm tù giam và 5 năm quản chế trong phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 23 tháng tháng 6 năm ngoái. Tòa phúc thẩm vào cuối tháng 11 năm 2017 y án sơ thẩm. Cáo buộc đối với Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự 1999.

Trước khi bị bắt, blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có nhiều bài viết cũng như hoạt động lên tiếng cho quyền con người, các vấn đề chính trị, môi sinh tại Việt Nam. Biện pháp cho bắt giữ và kết án blogger này đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, Mỹ và EU lên tiếng phản đối.

Thông tin bổ sung: Blogger Mẹ Nấm ngưng tuyệt thực sau khi Toà đại sứ Hoa Kỳ đến thăm

===== 27/7 =====

Việt Nam hoãn phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng

Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã quyết định hoãn phiên sơ thẩm xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự, dự kiến diễn ra vào ngày 30/7.

Quyết định được đưa ra khi một trong hai luật sư của ông, ông Đặng Đình Mạnh có đơn đề nghị hoãn do ông này không thể tham dự phiên toà. Ông Mạnh có chuyến đi Hoa Kỳ cho đến cuối tháng 7.

Ông Lượng, một cựu chiến binh chống Trung Quốc xâm lược biên giới Việt Nam, đã bị bắt vào ngày 24/7 với cáo buộc theo Điều 79.

Hôm 27/7, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho ông Lê Đình Lượng.

HRW cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ các cáo buộc có động cơ chính trị đối với một cựu chiến binh, nhà hoạt động bảo vệ môi trường, và phóng thích ông ngay lập tức.

Theo HRW, chính quyền Việt Nam thường vận dụng các cáo buộc được tạo dựng với động cơ chính trị để trừng phạt các nhà hoạt động vì họ liên kết với các nhóm hoặc đảng phái phi cộng sản phê phán chính quyền.

Theo ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ông Lê Đình Lượng có nguy cơ phải ngồi tù chỉ vì phản đối việc thải chất thải độc hại và các thảm họa môi trường khác, là những việc thuộc trách nhiệm của chính quyền phải xử lý.

Ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, là một nhà hoạt động người Công giáo từng tham gia nhiều hoạt động bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là không chấp nhận được về chính trị. Ông ký đơn kiến nghị phản đối khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Ông tham gia các cuộc biểu tình đông người phản đối Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh đã thải chất thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường dọc bờ biển miền trung Việt Nam hồi tháng Tư năm 2016.

===== 28/7 =====

Công an Hoà Bình câu lưu nhà hoạt động Bùi Văn Thuận

Chiều ngày 27/7, công an tỉnh Hoà Bình và huyện Yên Thuỷ đã câu lưu nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Bùi Văn Thuận, người cũng thường có những bài điểm tin về tình hình Việt Nam rất sâu sắc.

Anh Thuận cho biết khi anh vừa từ Hà Nội về nhà bạn của anh ở xã Bảo Hiếu thì rất đông lực lượng công an tràn vào nhà, tịch thu của anh một laptop và một số áo phông No-U (nói không với đường lưỡi bò của Trung cộng ở Biển Đông) và phản đối dự luật Đặc khu kinh tế.

Sau đó công an ép anh Thuận lên trụ sở công an huyện Yên Thuỷ để tra hỏi anh về nguồn gốc của mấy cái áo phông đó. Anh được cho về nhà lúc 9h đêm.

Hôm sau, anh Thuận bị buộc lên công an huyện để làm việc về những chiếc áo phông, và anh chỉ được trả tự do lúc gần 1h chiều.

===== 29/7 =====

Việt Nam bắt giữ năm người với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”

Lực lượng an ninh thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ 5 người, trong đó có một công dân quốc tịch Hoa Kỳ, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự.

Những người bị bắt bao gồm Michael Nguyễn Minh Phương, 54 tuổi, công dân Hoa Kỳ, cựu tù chính trị Huỳnh Đức Thịnh và con trai Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi và một Facebooker Thomas Quốc Báo.

Theo một số nguồn tin, bốn người Phương, Bình, Phu và Quốc Báo đi du lịch ở Huế và có gặp nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh tại đây. Ngày 06/7, họ rời Huế, và ngày hôm sau bị mật vụ bắt giam.

Ngay sau đó, ông Thịnh cũng bị bắt giữ với cùng cáo buộc.

Bà Huệ, vợ ông Thịnh và là mẹ của Bình, cho biết bà đã thuê luật sư Nguyễn Văn Miểng để đại diện pháp lý cho Bình, nhưng công an không cho luật sư này gặp thân chủ, nói rằng Bình sẽ bị biệt giam ít nhất 3 tháng để điều tra.

Việt Nam thường xuyên sử dụng Điều 109 (Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999) để khép tội nhiều người bất đồng chính kiến.

Trong vài năm gần đây, ít nhất có 25 người đã bị bắt với cáo buộc theo Điều 109, và 13 trong số họ bị kết án với mức án từ 7 đến 15 năm tù.

Theo luật hiện hành, người bị cáo buộc theo điều này có thể bị án tù chung thân, thậm chí là tử hình, nếu bị toà án kết tội.

Điều 109 (Điều 79 cũ) là một trong những điều luật mơ hồ trong phần An ninh Quốc gia của Bộ luật Hình sự nhằm đàn áp giới bất đồng chính kiến. Nhiều quốc gia dân chủ và tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Việt Nam bãi bỏ những điều luật này vì chúng vi phạm nhân quyền phổ quát.

====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây