Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, từ 05/4 đến 19/4/2020: Hai nữ hoạt động bị bắt vì cáo buộc chống nhà nước

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 19/4/2020

 

Trong khi cả nước đang phải đối phó với đại dịch Covid-19, chế độ cộng sản Việt Nam không ngừng đàn áp giới bất đồng chính kiến, bắt giữ hai nữ hoạt động và sách nhiễu nhiều người khác.

Ngày 10/4, công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã bắt giữ cô Mã Phùng Ngọc Phú với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Cô bị cho là sử dụng tài khoản Facebook James Ng để viết và chia sẻ nhiều bài viết có nội dung chỉ trích chế độ cộng sản.

Tám ngày sau, công an tỉnh Hậu Giang bắt giữ người mẹ đơn thân Đinh Thị Thu Thuỷ với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Cô Thuỷ, người từng bị bắt giữ và đánh đập vì tham gia biểu tình ở Sài Gòn ngày 10/6/2018 để phản đối 2 dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng, bị cho là sử dụng nhiều tài khoản Facebook để “nói xấu chế độ và lãnh đạo.”

Cả hai sẽ bị biệt giam trong ít nhất 4 tháng, và đối mặt với án tù từ hai đến bảy năm trong trường hợp thứ nhất, và từ bảy năm đến 12 năm trong trường hợp thứ hai.

Trong đầu tháng Tư, nữ hoạt động trẻ tuổi Trương Thị Hà trở về Việt Nam từ Bangkok sau nhiều năm học tập và vận động nhân quyền ở ngoại quốc. Ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam từ Lào, cô bị đưa đi cách ly trong 2 tuần. Công an đã tịch thu hộ chiếu, nhật ký, điện thoại và nhiều giấy tờ cá nhân khác mà không trả lại cho cô kể cả khi cô thực hiện xong thời gian cách ly và trở về nhà. Hà cũng từng bị bắt, đánh đập và tra khảo vì tham gia biểu tình ở Sài Gòn ngày 10/6/2018.

Vào sáng sớm ngày 16/4, công an Khánh Hoà đã câu lưu nhà hoạt động Vũ Đạt Phong, người sống và làm việc ở Sài Gòn nhưng trở về nhà bố mẹ ở Nha Trang để tránh dịch Covid-19. Công an đã tịch thu điện thoại và tra khảo anh cho đến tận đêm mới cho anh về nhà.

Trong vài tuần gần đây, công an ở hai tỉnh Dak Nong và Dak Lak liên tục sách nhiễu hai nhà hoạt động Trần Quốc Hiền và Võ Ngọc Lục, nhiều lần triệu tập họ lên đồn công an để tra khảo về các bài viết của họ trên Facebook.

Công an Hà Nội tiếp tục o bế gia đình bà quả phụ Dư Thị Thành và dân Đồng Tâm trong dịp 100 ngày mất của cụ Lê Đình Kình, người bị công an Việt Nam bắn chết trong dịp tấn công vào tư gia của ông ngày 09/1. Công an canh gác trong làng Hoành và xã Đồng Tâm, theo dõi người đến thăm gia đình. Công an còn canh gác nhà riêng của hàng chục người hoạt động ở Hà Nội nhằm ngăn cản họ đến chia sẻ với gia đình.

Lo lắng về sức khoẻ của các tù nhân lương tâm, nhiều tổ chức quốc tế và quốc nội như Uỷ ban Luật gia Quốc tế (ICJ), Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VHRN), Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, nhóm tôn giáo và gia đình các tù nhân lương tâm đã gửi thư ngỏ kêu gọi chế độ cộng sản Việt Nam phóng thích các tù nhân lương tâm để bảo vệ sức khoẻ của họ trước sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 242 tù nhân lương tâm trong điều kiện sống vô cùng hà khắc.

===== 06/4 =====

ICJ lo ngại về tình trạng sức khoẻ của 21 tù nhân lương tâm thuộc nhóm Ân Đàn Đại Đạo

Ủy ban Luật gia Quốc tế (International Commission of Jurists- ICJ) đã công bố thư ngỏ yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chữa trị y tế và bảo vệ quyền lợi của 21 tù nhân lương tâm thuộc phái Ân Đàn Đại Đạo hiện đang bị giam giữ trong nhiều nhà tù ở Việt Nam trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.

Trong thư ngỏ đề ngày 06/4 gửi thủ tướng, bộ trưởng công an, tư pháp và y tế, ICJ bày tỏ sự lo ngại về những người đang bị giam giữ mà tình hình sức khỏe và an nguy của họ đang gặp nguy cơ do không được chăm sóc y tế và điều trị y khoa đầy đủ trong nhà tù, trong đó có 21 thành viên của Phái Ân Đàn Đại Đạo, một tổ chức tôn giáo thờ Phật bị chế độ cộng sản Việt Nam đàn áp từ nhiều năm nay.

ICJ yêu cầu Hà Nội phải ngay lập tức tiến hành các bước nhằm thực hiện việc chăm sóc sức khỏe và điều trị y tế đầy đủ, ngay lập tức, và liên tục phù hợp với Hiến Pháp Việt Nam và các Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà Việt Nam là thành viên tham gia ký kết.

Theo ICJ, Việt Nam cần tôn trọng và thi hành đầy đủ Luật nguyên tắc tối thiểu của Liên Hiệp Quốc trong đối xử với tù nhân (Luật Nelson Mandela), không tra tấn hoặc bạc đãi tù nhân.

ICJ nói Việt Nam trả tự do cho những người đặc biệt dễ bị thương tổn bởi virus COVID-19. Trong số này có những người tù lớn tuổi và những người đang phải chịu nhiều bệnh hiểm nghèo, đặc biệt 21 người thuộc Ân Đàn Đại Đạo mà tên của họ được nêu trong thư ngỏ của ICJ.

————

Cộng sản Việt Nam vẫn dự định xử phúc thẩm nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh vào ngày 20/4

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn dự kiến tổ chức phiên toà phúc thẩm để xem xét kháng cáo của giảng viên cao đẳng- nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Nguyễn Năng Tĩnh vào ngày 20/4.

Phiên toà sẽ được tiến hành bởi Toà án cộng sản cấp cao tại Hà Nội ở trụ sở Toà án cộng sản tỉnh Nghệ An ở thành phố Vinh cho dù cả nước đang áp dụng chính sách “giãn cách xã hội” để hạn chế lây nhiễm dịch Covid-19.

Ông Tĩnh, 44 tuổi, người được biết với nhiều video clip dạy học sinh hát về nhân quyền và chủ quyền biển đảo và nhiều bài viết về dân chủ-nhân quyền, bị bắt ngày 29/5/2019 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật hình sự. Ông bị Toà án cộng sản tỉnh Nghệ An kết án 11 năm tù giam và 5 năm quản chế trong phiên toà sơ thẩm ngày 15/11/2019.

Việc bắt giữ và kết tội ông Tĩnh nằm trong chiến dịch trấn áp giới bất đồng chính kiến mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiến hành từ cuối năm 2015, với việc hàng trăm nhà hoạt động bị cầm tù bằng những phiên toà không công bằng và những tội danh nguỵ tạo trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật hình sự.

Theo nhiều nhà quan sát, chế độ cộng sản Việt Nam, ngày càng có nhiều nhà hoạt động bị kết án tù dài hạn trong những vụ án nguỵ tạo bằng những phiên toà rừng rú. Do vậy, rất ít có khả năng ông Tĩnh được phóng thích hay giảm án trong phiên phúc thẩm.

===== 11/4 =====

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội phóng thích tù nhân lương tâm

Trước tình trạng lây lan của đại dịch Coronavirus, nhiều gia đình của các tù nhân lương tâm hiện đang bị chính quyền cộng sản Việt Nam giam giữ đã đưa ra lời yêu cầu Nhà nước Việt Nam thả tất cả thân nhân của họ về sống an toàn với gia đình.

Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân xá Quốc tế, Phóng viên Không Biên giới, Human Rights Watch, Ủy ban Bảo vệ Ký giả, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, và Người Bảo vệ Nhân quyền cũng đã lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho tất cả những người đang bị giam giữ sai trái trong thời gian dịch bệnh, nhằm bảo đảm sức khỏe và an toàn cho họ.

Một số quốc gia như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức quốc, Anh quốc, và Hoa Kỳ đã mở cửa nhà tù sớm cho một số tù nhân vì lý do nhân đạo trong thời gian đại dịch.

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam nhận định rằng việc trả các tù nhân lương tâm và các tù nhân không nguy hiểm cho xã hội về lại với gia đình trong giai đoạn đại dịch bảo đảm tốt hơn sức khỏe của họ và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Vì vậy, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân lương tâm và những tù nhân không nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt những người cao tuổi và những người có sức khoẻ yếu.

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cũng kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng người Việt khắp thế giới cùng tham gia cuộc vận động chung để bảo vệ những người tù đang sống trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm.

===== 16/4 =====

Công an sách nhiễu nhiều nhà hoạt động trong thời gian “giãn cách xã hội” vì đại dịch Covid-19

Nhà cầm quyền cộng sản ở nhiều địa phương đã sách nhiễu một số người hoạt động trong khi cả nước đang thực hiện “giãn cách xã hội” nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Coronavirus.

Ngay sau khi nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam vào cuối tháng 3, cô gái trẻ Trương Thị Hà bị đưa đi cách ly. Không giống như các trường hợp khác, cô bị công an tỉnh Quảng Bình tịch thu sổ thông hành, điện thoại, nhật ký và nhiều giấy tờ cá nhân quan trọng khác. Vào ngày 15/4, cô được trở về nhà nhưng công an vẫn chưa trả những giấy tờ của cô.

Hà từng tham gia biểu tình ngày 10/6/2018, bị bắt, tra khảo và đánh đập bởi công an Sài Gòn. Trong thời gian gần đây, cô sang châu Âu tham dự một số khoá học ngắn hạn về luật và nhân quyền, và cách đây 2 tháng, cô bắt đầu làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Bangkok. Hà dự đoán công an sẽ gọi cô lên đồn để tra khảo về các hoạt động của cô trong thời gian ở nước ngoài.

Nhà hoạt động Vũ Đạt Phong từ Sài Gòn trở về nhà của bố mẹ ở thành phố Nha Trang và phải cách ly từ đầu tháng Tư. Vào sáng sớm 16/4, khi vừa hết cách ly, một nhóm công an đã đến và buộc anh phải đi theo chúng lên đồn. Tại đây, chúng tịch thu điện thoại và tra khảo anh cho đến tận đêm cùng ngày.

Trong khi đó, công an huyện Dak Mil, tỉnh Đak Nong liên tục quấy nhiễu nhà hoạt động Trần Quốc Hiền, liên tiếp đưa giấy triệu tập để tra khảo về các bài viết của anh trên Facebook. Anh khẳng định mình không có tội và chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký.

Tình trạng tương tự là nhà báo độc lập Võ Ngọc Lục ở Buôn Me Thuật, tỉnh Dak Lak.

===== 18/4 =====

Nhà hoạt động Đinh Thị Thu Thuỷ bị bắt vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”

Vào sáng thứ Bảy ngày 18/4, công an tỉnh Hậu Giang đã bắt giữ nhà hoạt động Đinh Thị Thu Thuỷ với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật hình sự.

Dẫn nguồn tin từ phía công an, báo chí nhà nước cộng sản viết rằng từ năm 2018, chị Thuỷ “mở nhiều tài khoản Facebook cá nhân để biên tập, đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự lãnh đạo đảng và nhà nước.”

Báo còn viết gần đây, chị Thủy tiếp tục sử dụng mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam.

Chị Thuỷ từng tham gia biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở Sài Gòn vào ngày 10/6/2018. Khi đó, chị bị bắt, bị đánh đập và tra khảo và cuối cùng bị phạt hành chính. Trong nhiều năm gần đây, chị liên tục bị công an địa phương hạch sách vì những bài viết trên Facebook.

Chị sẽ bị biệt giam ít nhất 4 tháng trong thời gian điều tra, và phải đối mặt với án tù từ 7 đến 12 năm tù nếu bị kết tội.

Trong thời gian gần đây, nhiều nhà hoạt động bị kết án với bản án nặng nề 7-11 năm vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” thay vì mức án 3-4 năm trong thập kỷ trước.

Chị là 1 trong 7 nhà hoạt động bị bắt từ đầu năm đến nay, theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, và là người thứ 2 bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Người thứ nhất là Đinh Quang Phú, bị công an Dak Nong bắt vào đầu tháng 1.

Với vụ bắt giữ chị Thuỷ, Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 244 tù nhân lương tâm, 27 trong số họ đang bị giam giữ trước khi xét xử, nhiều người trong số họ bị giam giữ hơn 2 năm mà không được xét xử hay trả tự do.

===== 19/4 =====

Công an Hà Nội sách nhiễu gia đình trong dịp 100 ngày mất của cụ Lê Đình Kình

Vài ngày trước ngày giỗ 100 ngày mất của cụ Lê Đình Kình, nhà cầm quyền thủ đô Hà Nội đã điều động công an cơ động đến khu vực nhà bà quả phụ Dư Thị Thành để canh giữ.

“Từ ngày 15/4 đến giờ, công an người ta đến canh nhà tôi suốt cho đến ngày hôm nay là ngày giỗ 100 ngày của ông, thì người ta đến làm việc với dân là sau này có ai hỏi gì và không được nói gì. Người canh thì họ cứ ngồi ngoài đấy thôi; có người đến thì họ gọi lên văn phòng…” bà nói với RFA.

Hàng chục người hoạt động ở Hà Nội phàn nàn rằng họ bị an ninh mặc thường phục canh gác gần tư gia và không cho họ đi ra ngoài vài ngày gần đây.

Hiện tại, liên quan đến vụ án Đồng Tâm, có tổng cộng 28 người đang bị giam giữ, trong số đó, bà Thành lo lắng nhất là anh Lê Đình Chức vì tình trạng sức khỏe rất nghiêm trọng sau khi bị đánh vỡ đầu vào ngày 9/1.

Đọc chi tiết tại đây: Cơ quan chức năng tiếp tục khống chế mọi thông tin và hoạt động liên quan cái chết cụ Lê Đình Kình

===============

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây